Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2000/CT-UB

Bến Tre, ngày 09 tháng 6 năm 2000

 

CHỈ THỊ

"VỀ VIỆC QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH MẶT HÀNG RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE"

Trong thời gian qua, việc sản xuất kinh doanh rượu tại địa bàn tỉnh ta diễn ra hết sức phức tạp, các cơ sở sản xuất đều ở dạng thủ công và tập trung ở các làng nghề ở Bình Phú - thị xã, Phú Lễ - Ba Tri và các hộ gia đình ở hầu hết các huyện, thị. Việc lưu thông rượu hiện nay tràn lan từ thành thị đến nông thôn với nhiều chủng loại, đặc biệt rượu sản xuất trong nước bán theo dạng can lít là chủ yếu và được bày bán ở các tiệm tạp hoá, nhà hàng, khách sạn, quán ăn uống. Mặt tích cực là duy trì được mặt hàng truyền thống phục vụ tốt nhu cầu đám tiệc, lễ, tết; giải quyết được lao động xã hội, nhất là giải quyết thức ăn phục vụ cho chăn nuôi gia súc...

Tuy nhiên việc sản xuất và kinh doanh nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, đại đa số các cơ sở sản xuất rượu không thực hiện đăng ký sản xuất, không đăng ký kinh doanh, không đăng ký chất lượng sản phẩm và ghi nhãn hàng hoá. Từ đó dẫn đến tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó tình trạng người uống rượu say sưa, càn quấy làm mất an ninh trật tự xã hội, làm phát sinh các tệ nạn xã hội ngày càng tăng.

Thực hiện Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hoá dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Thông tư số 12/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại về hướng dẫn kinh doanh mặt hàng rượu.

Nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất và kinh doanh rượu trên thị trường tỉnh Bến Tre, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1) Các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đăng ký sản xuất, chỉ được sản xuất sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu, phải đăng ký chất lượng sản phẩm và sản phẩm hàng hoá đưa ra tiêu dùng phải được ghi nhãn hàng hoá theo quy định.

2) Chỉ được kinh doanh tiêu thụ trên thị trường các loại rượu sau đây:

a) Đối với rượu nhập khẩu đóng chai tại nước ngoài phải có chứng từ nhập khẩu hợp pháp, có nhãn hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được dán tem theo quy định.

b) Đối với rượu đóng chai tại Việt Nam bằng nước cốt rượu nhập khẩu phải là rượu do doanh nghiệp có giấy phép sản xuất hoặc giấy phép đầu tư nhập khẩu và đóng chai tại Việt Nam, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và có nhãn hàng hoá theo quy định.

c) Đối với rượu sản xuất trong nước phải là rượu do các cơ sở có giấy phép sản xuất, có đăng ký chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật.

3) Đối với thương nhân hoạt động mua, bán hoặc đại lý mua, bán rượu các loại đều phải thực hiện đăng ký kinh doanh, phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy phép kinh doanh và chỉ sau khi có giấy phép kinh doanh rượu thì mới được hoạt động.

Quá trình kinh doanh thương nhân phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định sau:

- Tại mỗi điểm kinh doanh rượu phải niêm yết rõ ràng bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh rượu và chủng loại, giá cả các loại rượu đang có bán.

- Chấp hành chế độ hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định.

- Việc sử dụng đại lý hoặc làm đại lý mua, bán rượu phải thực hiện đúng các quy định về đại lý mua bán hàng hoá của Luật Thương mại.

Để thực hiện hạn chế kinh doanh rượu và văn minh thương mại, Sở Thương mại chỉ cấp GPKD rượu cho các khách sạn, nhà hàng ăn uống và một số quán rượu (bar), những nơi này phải có cơ sở vật chất tốt và phục vụ khách du lịch; hạn chế việc cấp giấy phép kinh doanh rượu cho các quán ăn bình dân, các cửa hàng cà phê giải khát, nhà trọ, nhà nghỉ, karaoke.

Đối với các hộ gia đình, các huyện, thị cần có sự tuyên truyền, giải thích, vận động để hạn chế dần và tiến tới xoá bỏ việc tự nấu và tự tiêu các loại rượu mà do công nghệ sản xuất giản đơn hoặc thủ công không khử được chất độc hại trong rượu.

4) Nghiêm cấm kinh doanh rượu trong các trường hợp sau:

- Kinh doanh rượu không có giấy phép kinh doanh rượu hoặc sai với địa điểm, nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh rượu được cấp.

- Bán các loại rượu nhập lậu hoặc rượu không dán tem nhập khẩu; bán các loại rượu không có giấy phép sản xuất, không đăng ký chất lượng sản phẩm, không có nhãn hàng hoá, không đảm bảo chỉ tiêu vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định.

- Bán rượu tại các địa điểm: bệnh viện, trường học, công sở, bến tàu, bến xe, bến phà, sân vận động, nhà văn hoá, nhà thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật.

- Bán rượu bằng máy bán hàng tự dộng.

- Bán rượu cho trẻ em dưới 16 tuổi và học sinh phổ thông các cấp.

- Quảng cáo rượu trái với quy định của pháp luật.

- Dùng để khuyến mại hoặc làm giải thưởng cho các cuộc thi.

5) Xử lý vi phạm:

- Các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu quy định tại chỉ thị này thì tuỷ theo mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ, công chức Nhà nước nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại chỉ thị này thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

6) Tổ chức thực hiện:

- Giao Sở Thương mại - Du lịch chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị căn cứ tình hình thị trường rượu, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh để quy định số lượng thương nhân và số lượng điểm bán rượu trên từng địa bàn được cấp giấy phép kinh doanh rượu và thông báo để các thương nhân nắm và thực hiện. Đồng thời hướng dẫn cấp giấy phép kinh doanh rượu và thực hiện việc ghi nhãn hàng hoá theo quy định. Hàng năm xem xét điều chỉnh số lượng trên cho phù hợp với thực tế địa phương.

- Sở Công nghiệp có trách nhiệm quy hoạch và tổ chức lại các cơ sở sản xuất rượu, hướng dẫn và tổ chức chặt chẽ việc sản xuất rượu trên địa bàn.

- Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc đăng ký chất lượng sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường.

- Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở sản xuất rượu đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất...để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường..

- Các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát như Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành, Cảnh sát kinh tế, Phòng CTN (Kinh tế) huyện, thị... có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh rượu theo quy định pháp luật hiện hành.

- Các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị căn cứ vào chức năng của mình xây dựng kế hoạch phổ biến, triển khai và tiến hành các biện pháp phối hợp thực hiện.

- Các cơ quan thông tin đại chúng; Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, Đài Truyền thanh...tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung chỉ thị này để mọi người đồng tình và tự giác chấp hành.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký, quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc đề nghị các sở, ban ngành và UBND huyện, thị kịp thời báo cáo về UBND tỉnh nắm chỉ đạo./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Cồn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/2000/CT-UB về quản lý sản xuất và kinh doanh mặt hàng rượu trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 09/2000/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/06/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Văn Cồn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 06/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản