Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UB

Bến Tre, ngày 19 tháng 4 năm 1999

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 09/1998/NQ-CP VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CỦA CHÍNH PHỦ.

Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch chỉ đạo chủ trương biện pháp cấp bách tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể các cấp đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng và tấn công trấn áp tội phạm, tình hình trật tự, an toàn xã hội, nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định, tạo chỗ dựa cho quần chúng chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm và bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình chung của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, tình hình một số tội phạm ở địa bàn Bến Tre hiện nay có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đối tượng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ trên 70%. Đặc biệt nổi lên tình hình phạm tội giết người do mâu thuẫn xã hội, hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em, tình trạng tụ tập thành băng, nhóm cướp giật, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản riêng công dân ở nông thôn, mua bán và nghiện ma túy, mại dâm, cờ bạc…có những vụ hậu quả nghiêm trọng, gây lo lắng trong một bộ phận nhân dân.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những yếu kém trong việc quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội của một số cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội; sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên dẫn đến phạm tội; mặc dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh, nhưng việc phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành thiếu đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ an ninh trật tự; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc chưa thật sự đủ mạnh, có nơi, có lúc hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo quản lý, cảm hoá, giáo dục các loại đối tượng tại cộng đồng dân cư.

Để khắc phục những yếu kém tồn tại trên và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1999 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre chỉ thị các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và tổ chức triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Về xây dựng và thực hiện các đề án:

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Vận động toàn dân phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; quản lý, cảm hoá, giáo dục người phạm tội, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn”.

- Giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự; tổ chức rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng chống tội phạm”.

- Giao cho Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đấu tranh phòng; chống các loại tội phạm hình sự nguy hiểm và hoạt động của các băng, nhóm tội phạm” và Đề án “Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em; tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên”.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT; củng cố các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nhất là lực lượng ở cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ chuyên trách các cơ quan, xí nghiệp; phát huy vai trò nồng cốt, xung kích của lực lượng CAND trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; phối hợp với Viện Kiểm sát, Toà án tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án hình sự.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong quân nhân, phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các xã biên phòng và khu vực trên biển; phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài quân đội và tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ, sử dụng trái phép; chỉ đạo lực lượng biên phòng, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng CA trong phòng, chống các loại tội phạm.

4. Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; đưa nội dung phòng chống tội phạm vào các hoạt động của các nhà văn hoá, khu triển lãm, các đội thông tin lưu động, các câu lạc bộ…thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hoá nghệ thuật tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân thấy tác hại của loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác; phổ biến những gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tội phạm; phản ánh kip thời các hiện tượng tiêu cực, giúp các cơ quan chuyên trách phát hiện kịp thời các hành vi phạm tội; vận động nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống những hiện tượng không lành mạnh trong văn hoá, báo chí, văn nghệ, vi phạm các quy tắc xuất bản, phát hành, chiếu phim…Kết hợp với lực lượng công an thường xuyên kiểm tra và kiên quyết bài trừ các văn hoá phẩm đồi trụy, bạo lực.

5. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật thường xuyên trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Bến Tre.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật ở các sở, ngành và địa phương.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý giáo dục cán bộ, học sinh, sinh viên trong các trường học, tuyên truyền và đưa nội dung giáo dục pháp luật và các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm vào chương trình giáo dục trong hệ thống nhà trường; phối hợp với công an tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực nhà trường. Trực tiếp chủ trì công tác giáo dục giảng dạy pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trong nhà trường.

7. Sở Lao động thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức dạy nghề cho các đối tượng ở trại tạm giam và cơ sở chữa bệnh, đưa chương trình quốc gia về giải quyết việc làm vào trại tạm giam, cơ sở chữa bệnh, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng đã mãn hạn tù và đối tượng thuộc trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hết hạn về địa phương, giúp họ tái hoà nhập với cộng đồng; hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động không có việc làm và thiếu việc làm; tổ chức tốt việc cai nghiện ma tuý tại cơ sở chữa bệnh và tại cộng đồng.

8. Thanh tra Nhà nước các cấp có trách nhiệm tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật; phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động tuân thủ pháp luật của các sở, ngành, địa phương góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và các vi phạm pháp luật.

9. Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an và các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lậu thuế, sản xuất và tiêu thụ hàng giả…theo chức năng của mình.

10. Công ty Du lịch có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu vực du lịch, các nhà hàng, khách sạn thuộc ngành Du lịch quản lý; phối hợp với lực lượng công an, các ngành hữu quan và Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý người nước ngoài đến tham quan du lịch, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

11. Các Sở Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại – Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tỉnh trên cơ sở chức năng của mình có kế hoạch phối hợp với lực lượng công an tăng cường phòng ngừa, bảo vệ nội bộ và đấu tranh chống tội phạm thuộc lãnh vực do ngành phụ trách. Mỗi sở, ngành phải có chương trình hành động và cơ chế hoạt động đảm bảo cho việc phối hợp có hiệu quả.

12. Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh lập kế hoạch dự trù kinh phí phục vụ triển khai, thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm ở cấp tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chánh - Vật giá có trách nhiệm bố trí kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm, đảm bảo đủ và kịp thời nguồn kinh phí cho việc thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ở địa phương; phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu đề xuất Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân tỉnh đảm bảo trang bị phương tiện và từng bước hiện đại hoá phương tiện cho các lực lượng điều tra tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật.

13. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh, huyện, thị xã có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách kịp thời và nghiêm minh.

14. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội khác phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các cấp chính quyền trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên của mình tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm.

15. Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm ở sở, ngành mình gắn liền với việc triển khai thực hiện các kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong chức năng hoạt động quản lý của mình.

16. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương; đưa chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và cơ sở chữa bệnh hết hạn về địa phương, vạch các chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ở địa phương. Mỗi huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của huyện, thị xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã làm trưởng ban, các thành viên Ban chỉ đạo cũng tương ứng như thành phần Ban chỉ đạo của tỉnh, giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ở địa phương.

17. Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; hàng tháng, quý, 6 tháng, năm cần kiểm điểm công tác phòng, chống tội phạm ở Sở, ngành, địa phương mình và báo cáo kết quả về thường trực Ban chỉ đạo về phòng, chống tội phạm của tỉnh để tổng hợp báo cáo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; cần kịp thời đề xuất chính sách khen thưởng cho những cơ quan đơn vị và cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm.

Đây là chủ trương lớn, rất quan trọng của Chính phủ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo tổ chức cấp dưới của mình phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp để thực hiện tốt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm ở địa phương./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Cam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UB năm 1999 về thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/04/1999
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Huỳnh Văn Cam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản