Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2008/CT-UBND

Cà Mau, ngày 22 tháng 07 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 có hiệu lực thi hành, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản triển khai thực hiện. Ngày 27 tháng 9 năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 758/QĐ-UBND về Chương trình hành động bảo vệ môi trường thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; ngày 31 tháng 12 năm 2007, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 26/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020; nội dung các văn bản UBND tỉnh nhằm hướng dẫn doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng xử lý các cơ sở, công trình gây ô nhiễm, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch; tăng cường thu gom và xử lý rác sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh lây lan kết hợp lồng ghép bảo vệ môi trường với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư. Thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực, định hướng được cơ bản về mục tiêu phát triển môi trường bền vững ở địa phương.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác quản lý ô nhiễm môi trường con nhiều hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường còn kéo dài ở nhiều nơi, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản; nếp sống văn minh và vẻ mỹ quan đô thị chưa được đảm bảo. Công tác bảo vệ môi trường chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường cũng như những tác hại và hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra chưa tốt; các cấp chính quyền chưa làm tốt công tác quản lý về bảo vệ môi trường; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ một trường.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo điều hành công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường để mọi người dân, từng cộng đồng dân cư chủ động và tích cực tham gia việc bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đại bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương cần mở thêm chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường cho mọi người thấy rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của việc ô nhiễm môi trường gây ra đối với sức khỏe của cộng đồng, của đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường để xử lý và khắc phục suy thoái môi trường.

2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát môi trường), các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thanh tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc phụ lục 1 và phụ lục 2 theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý thể những tổ chức đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trì hoãn việc xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường thường xuyên cập nhật thông tin các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để báo cáo với UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có biện pháp xử lý. Theo dõi chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã và đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư để kịp thời phát hiện, xử lý. Phối hợp với các đơn vị có chức năng, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh việc đề xuất những công trình, dự án có ảnh hưởng đến môi trường làm cơ sở phê duyệt dự án; chịu trách nhiệm hướng dẫn các huyện, thành phố lập kế hoạch về môi trường, xử lý chất thải nguy hại ở địa phương.

3. Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng bãi rác tập trung trên địa bàn đô thị và điểm dân cư nông thôn. Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quy hoạch, xây dựng quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

4. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo công tác kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường khi thi công các công trình, đặc biệt là ô nhiễm do khói, bụi trong quá trình vận chuyển đất, đá, vật liệu xây dựng vào công trường. Kiểm tra việc bảo đảm ngăn ngừa ô nhiễm do tràn dầu, rò rỉ dầu từ các phương tiện thủy. Chịu trách nhiệm chính trong việc quy hoạch, khai thác các tuyến sông phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

5. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan chỉ đạo kiểm tra, rà soát các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản. Tăng cường công tác chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm giống và đặc biệt là việc ô nhiễm do sên, vét đất bùn cải tạo ao đầm. Sơ kết, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo thực hiện Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh về việc sên, vét đất bùn cải tạo ao đầm nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định về môi trường để bảo đảm an toàn sức khỏe cho con người; đối với việc tàng trữ mua bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong ngành phải đảm bảo theo quy định về tiêu chuẩn môi trường Việt Nam Kiểm tra, xử lý việc xả nước thải, rác thải, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi theo quy định tại điều 9, Nghị định số 140/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện việc phòng ngừa, xử lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không để mầm bệnh lây lan trên diện rộng.

6. Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương lập quy hoạch xây dựng khu, cụm công nghiệp (đặc biệt là khu công nghiệp có mùi) và lập kế hoạch triển khai cụ thể để từng bước đưa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường về mùi vào kiểm soát tập trung; kiểm tra, giám sát hoạt động sửa chữa máy nổ ven sông rạch, việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ xăng dầu, không để xảy ra ô nhiễm do tràn dầu, rò rỉ xăng dầu ra sông rạch, kiểm tra kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu của chủ phương tiện, chủ cơ sở kinh doanh. Kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó, có nhà máy đường, các cơ sở sản xuất vật liệu mới. Xây dựng đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tập trung.

7. Giám đốc các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, chủ đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường. Các công trình bảo vệ môi trường phải xây dựng đúng thời hạn, đúng yêu cầu kỹ thuật. Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định phải khẩn trương đầu tư xây dựng và hoàn thành trước tháng 12 năm 2008.

8. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương trình phòng, chống cúm tuýp A trên người, các dịch bệnh lây lan trên diện rộng, các dịch bệnh có nguồn gốc từ nguyên nhân nguồn, nước không hợp vệ sinh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Xử lý triệt để rác y tế nguy hại, lắp đặt lò đốt rác y tế tại bệnh viện tuyến huyện, trạm Y tế xã, xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế và xử lý chất thải phóng xạ đúng theo tiêu chuẩn quy định.

9. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng gây ảnh hưởng đến môi trường, chủ đầu tư phải xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường, lấy ý kiến các ngành chức năng trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

10. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác bảo vệ môi trường trong học đường, giáo dục cho học sinh, sinh viên nhận thức sâu sắc về Luật Bảo vệ môi trường và hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.

11. Giám đốc Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau chịu trách nhiệm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt địa bàn thành phố Cà Mau và có kế hoạch cụ thể mở rộng đến các thị trấn, các khu dân cư tập trung; chấn chỉnh ngay việc gây ô nhiễm môi trường từ xe thu gom, vận chuyển rác thải làm rò rỉ nước rác trên đường vận chuyển. Chuẩn bị điều kiện thực hiện các bước nghiên cứu khả thi để xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện của thành phố Cà Mau.

12. Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau:

Tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đối với các địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất ven sông rạch, cần tập trung hướng dẫn chủ doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường, không đổ chất thải xuống sông rạch. Các trường hợp ngoài thẩm quyền xử lý, đề xuất các cơ quan chức năng xử lý theo luật định.

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sắp xếp, chấn chỉnh trật tự mua bán, nhất là các hoạt động mua bán thường gây mất vệ sinh nơi công cộng như: mua bán ở lòng đường, vỉa hè, bến xe, bến tàu, mua bán ven sông, trên sông, khu vui chơi, giải trí... Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tổ chức, cá nhân không vứt rác, chất thải gây ô nhiễm môi trường, tổ chức đầu tư lắp đặt thùng chứa rác, điểm chứa rác công cộng. Các trường hợp xả rác, chất thải, xác súc vật sai quy định hoặc ô nhiễm nơi công cộng phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo quy định. Chỉ đạo công tác thu gom rác trên sông ở trung tâm thành phố Cà Mau, các thị trấn, có biện pháp xử lý ô nhiễm ở các hồ điều hòa trong thành phố, nghiêm cấm cất nhà trái phép lấn chiếm lòng sông.

Chấn chỉnh hoạt động của Đội quản lý môi trường đô thị theo hướng chuyên sâu hơn, kèm theo các biện pháp đảm bảo tài chính cho Đội hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nơi công cộng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

13. Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện thành phố; các cơ quan báo, đài căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Chỉ thị này đến các tổ chức cá nhân các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Căn cứ các nhiệm vụ được giao, xây dựng thời gian thực hiện Chỉ thị cụ thể, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ; (báo cáo)
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; (báo cáo)
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); (báo cáo)
- TT. Tỉnh ủy; (báo cáo)
- TT. HĐND Tỉnh; (báo cáo)
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Website tỉnh Cà Mau
- Lưu: VT, CVXD (P) - H02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 07/2008/CT-UBND về tăng cường biện pháp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 07/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Phạm Thành Tươi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản