Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2541/KH-UBND ngày 03/4/2019 để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết này trên địa bàn tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp được rút ngắn so với quy định; công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Nhà đầu tư cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức; công tác hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.177 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 17,23% so với năm 2018); lũy kế đến hết ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh có 8.975 doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh (gồm 8.211 doanh nghiệp và 764 chi nhánh), tăng 8,6% so với năm 2018.

Ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết này trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Kế hoạch số 2541/KH-UBND ngày 03/4/2019 của UBND tỉnh. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Quyết định, Kế hoạch, Chương trình,... của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2. Các Sở, ngành, đơn vị được phân công theo dõi và tham mưu triển khai hướng dẫn việc cải thiện các bộ chỉ số, nhóm chỉ số và chỉ số thành phần tại Công văn số 1240/UBND-TH ngày 15/02/2019 của UBND tỉnh có trách nhiệm:

- Đối với các đơn vị chưa tham mưu UBND tỉnh triển khai tài liệu hướng dẫn của các Bộ, ngành đầu mối khẩn trương tham mưu UBND tỉnh theo quy định.

- Tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan của các Sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Bộ, ngành đầu mối.

3. Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các Chỉ số môi trường kinh doanh:

- Về khởi sự kinh doanh: Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh (theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Về cấp phép xây dựng: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; giám sát và tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3/2020.

- Về tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất vay vốn; thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, chủ động cùng với khách hàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng.

- Về đăng ký tài sản: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành (theo hướng dẫn Bộ Tài nguyên và Môi trường); thường xuyên giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật; tham mưu UBND tỉnh việc ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính có tọa độ theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội, tham mưu báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2020.

4. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh:

Các Sở, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm hoặc tham mưu UBND tỉnh đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; thường xuyên giám sát và kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

5. Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành:

Thanh tra tỉnh và cơ quan thanh tra các cấp trên địa bàn tăng cường rà soát, đối chiếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành, địa phương; chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, kiểm toán nhà nước để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải chấp hành nhiều hơn 01 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm.

6. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4:

a) Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4:

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết dịch vụ công; chú trọng việc cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 kết hợp với dịch vụ bưu chính công ích đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh sớm kết nối giữa phần mềm quản lý đất đai Vilis 2.0 với hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh (iGate); kết nối Vilis 2.0 với phần mềm chuyên ngành Thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế về đất đai (nộp thuế điện tử) để đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

b) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt;

- Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các trường học, bệnh viện, công ty bán lẻ điện; công ty cấp, thoát nước; công ty vệ sinh môi trường và các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh phối hợp với các Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành mục tiêu 100% các đơn vị này chấp nhận thanh toán học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh: Chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn chủ động phối hợp với các trường học, bệnh viện, công ty bán lẻ điện; công ty cấp, thoát nước; công ty vệ sinh môi trường và các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh triển khai thu học phí, viện phí, tiền điện,... qua Ngân hàng; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi và tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) trước ngày 15/12/2020.

7. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động thời khai nhiệm vụ được giao và tham mưu UBND tỉnh triển khai đúng tiến độ, mục tiêu, yêu cầu của Kế hoạch số 2722/KH-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh về kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

- Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; các cán bộ quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

8. Tổ chức thực hiện:

a) Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Chỉ thị này của UBND tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, định kỳ trước ngày 05/6 và trước ngày 05/12, tổng hợp báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình triển khai và kết quả thực hiện 6 tháng và cả năm gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ theo quy định (trước ngày 20/6 và trước ngày 20/12/2020).

c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn các cơ quan Báo, đài trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Chỉ thị này của UBND tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân được biết; tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Nhận được Chỉ thị này, UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ các nội dung nêu trên, nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (b/c);
- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (b/c);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
- Các phòng của VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH (ĐUC-35b)

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Phạm Ngọc Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản