Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 03 tháng 5 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, KINH DOANH THAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và xã hội về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động được nâng lên; công tác phòng ngừa, đánh giá rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện làm việc đã có hiệu quả; tỷ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng hằng năm đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình sự cố, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để xảy ra 04 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 07 người, trong đó vụ tai nạn xảy ra ngày 03/4/2024 tại Công ty than Thống Nhất - TKV do cháy khí Mêtan làm chết 04 công nhân; các vụ tai nạn lao động xảy ra đã gây thiệt hại lớn về người, về tài sản, gây lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần của người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành (Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, điều tra làm rõ vi phạm (nếu có), kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh than; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; cương quyết dừng sản xuất, thi công khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động, phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động.

- Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng công nhân hằng năm; thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh.

2. Các doanh nghiệp, đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh than

- Chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các phòng, ban chức năng trong công tác thẩm định, phê duyệt: thiết kế, biện pháp kỹ thuật thi công; kế hoạch thông gió mỏ; kế hoạch ứng cứu sự cố - tìm kiếm cứu nạn; phương án xử lý sự cố, khôi phục các đường lò; phương án khai thác trong khu vực có nguy cơ cao về áp lực, khí bụi nổ, bục nước, sạt lở... đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn có liên quan. Nghiên cứu, đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp mới nâng cao hiệu quả an toàn trong tổ chức thi công.

- Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các khâu sản xuất, cấp quản lý từ phòng, ban, công trường, phân xưởng và người lao động; đặc biệt là việc triển khai thực hiện của cấp công trường, phân xưởng. Khi phát hiện các tồn tại, vi phạm phải yêu cầu khắc phục ngay, đồng thời kiểm tra, phúc tra kết quả thực hiện đảm bảo luôn luôn an toàn theo quy định.

- Tăng cường đánh giá, kiểm soát chặt chẽ đối với các nguy cơ về bục nước, cháy khí, nổ khí, tụt đổ lò diện rộng trong khai thác than hầm lò; các nguy cơ về sạt lở tầng, bãi thải trong khai thác than lộ thiên. Lấy phương châm phòng ngừa là chủ yếu, chú trọng công tác khoan thăm dò, phát hiện nguồn phát sinh khí bụi nổ, túi nước, công tác kiểm soát khí mỏ trong ca sản xuất..; công tác củng cố, chống giữ, theo dõi áp lực đường lò, tổ chức thu hồi than nóc trong lò chợ... Kiểm soát chặt chẽ, có tính hệ thống từ khâu thiết kế, lập phương án, biện pháp đến tổ chức thực hiện, thi công; tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các tồn tại, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Kiểm tra, rà soát bổ sung công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đảm bảo về nội dung, phương pháp huấn luyện và trình độ, kỹ năng của người huấn luyện. Đặc biệt chú trọng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng là cán bộ chỉ huy, điều hành sản xuất, người lao động tại công trường, phân xưởng; đối tượng là cán bộ thực hiện việc kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc của người lao động.

- Đánh giá, quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc, rộng rãi về các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong khai thác than đã xảy ra trong thời gian qua. Trên cơ sở đó tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo quy định.

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động trong khai thác than theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01:2011/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 03/2011/TT-BCT ngày 15/02/2011, Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên QCVN 04:2009/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 20/2009/TT-BCT ngày 07/7/2009 của Bộ Công Thương.

3. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than thuộc phạm vi quản lý. Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu tại mục 2 của Chỉ thị này; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra tai nạn lao động có tính chất nghiêm trọng.

- Tăng cường, phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh trong hoạt động kiểm tra đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động tại các công trường, phân xưởng sản xuất để kịp thời chỉ đạo khắc phục, triệt tiêu những nguy cơ, tồn tại, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh than.

4. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan và Chỉ thị này; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động để kiến nghị giải pháp khắc phục và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động; chủ động và kịp thời tham mưu, đề xuất những nội dung cần chỉ đạo, giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động- TBXH; (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh;
- Tập đoàn CN Than-KSVN; TCT Đông Bắc;
- Các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh than;
- V0,1,2,3; các Chuyên viên NCTH; 
- Lưu: VT,VX2.
02b-CV145

CHỦ TỊCH




Cao Tường Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Cao Tường Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản