Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Bắc Ninh, ngày 19 tháng 4 năm 2019

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC NINH

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai và thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy cải cách hành chính. Một số kết quả nổi bật: 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và hơn 30% UBND cấp xã đã tạo lập trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành; cấp 9.289 tài khoản thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở cả 3 cấp, sử dụng duy nhất 01 phần mềm đảm bảo kết nối liên thông với Trục liên thông quốc gia. Năm 2018, trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã có tổng số 316.663 văn bản được phát hành (trong đó: 144.750 văn bản của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 171.913 văn bản của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã), tiếp nhận tổng số 338.756 văn bản (trong đó: 182.225 văn bản của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 156.531 văn bản của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã); Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 819 dịch vụ công mức độ 3,4 chiếm tỷ lệ 46% tổng số dịch vụ công trực tuyến; tổng số ký số chuyên dùng đã được cấp trên địa bàn tỉnh là 719, trong đó gồm có 369 ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức; 350 ký số chuyên dùng của cá nhân; hệ thống camera giám sát với 286 camera tại một số điểm trọng yếu giúp nhanh chóng xử lý các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế như:

- Việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng của nhiều cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời làm ảnh hưởng tới chỉ số thành phần về minh bạch thông tin và các chỉ số đánh giá cấp tỉnh gồm PAPI, PCI, PAR index, ICT Index.

- Một số đơn vị còn duy trì hạ tầng hệ thống thông tin riêng, chưa sử dụng chung hạ tầng trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được triển khai.

- Một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời những thay đổi đối với bộ thủ tục hành chính của đơn vị mình và quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

- Ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 1987/QĐ-UBND, về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại một số UBND cấp huyện chưa kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử.

- Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ chưa được sử dụng thường xuyên, liên tục; thời gian cung cấp chữ ký số chuyên dùng có lúc chưa kịp thời; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 23/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Nhiệm vụ chung

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời theo quy định của Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng theo quy định. Các cơ quan không cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời theo quy định và để ảnh hưởng tới chỉ số thành phần về minh bạch thông tin và các chỉ số đánh giá cấp tỉnh gồm PAPI, PCI, PAR index, ICT Index thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm.

b) Tăng cường sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành, gửi đồng thời văn bản điện tử (bản PDF) cùng với bản dự thảo cuối cùng (bản Word, Excel) để tạo thuận lợi cho các đơn vị liên quan xử lý công việc nhanh chóng. Chỉ đạo 100% công việc trên hệ thống quản lý văn bản điều hành được tạo lập hồ sơ công việc.

c) Chủ động làm việc với Sở Thông tin và truyền thông, xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi các hệ thống thông tin hiện có, nhất là các hệ thống đang duy trì bằng ngân sách nhà nước từ hạ tầng công nghệ thông tin đang quản lý (nếu có) về Trung tâm dữ liệu của tỉnh do Sở Thông tin và truyền thông đang quản lý, trường hợp đặc biệt không thể thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh; thời gian thực hiện di chuyển xong trước 31/12/2019.

d) Dịch vụ công trực tuyến: Thường xuyên cập nhật thay đổi đối với bộ thủ tục hành chính, cập nhật thay đổi quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ trực tuyến.

e) Tăng cường sử dụng chữ ký số

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các loại hình giao dịch điện tử phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên nguồn lực để triển khai công tác này. Trường hợp cơ quan, đơn vị đang sử dụng chữ ký số công cộng phải có kế hoạch chuyển sang sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

- Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong phạm vi sở, ban, ngành, địa phương mình đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy chế, quy định của tỉnh trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

f) Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin

- Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra mất an toàn thông tin tại sở, ban, ngành, địa phương mình. Kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) về an toàn thông tin khi có sự cố. Giao Sở Thông tin và Truyền thông cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị về an toàn thông tin.

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống máy tính để sử dụng Hệ điều hành Windows có bản quyền, phần mềm quét mã độc tập trung. Tăng cường áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Không sử dụng thiết bị, máy móc, giải pháp phần cứng, phần mềm có nguồn gốc xuất xứ không tin cậy, không bảo đảm đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng. Ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp trong nước sản xuất đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.

2) Nhiệm vụ cụ thể

a) Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông: Kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND cấp huyện cập nhật thay đổi bộ thủ tục hành chính của đơn vị mình theo quy định.

b) Sở Thông tin và Truyền thông

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các đề án, dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, phát huy hiệu quả, có tính dự báo và kết nối liên thông,…

- Hướng dẫn việc thực hiện dùng chung ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; không triển khai hạ tầng công nghệ thông tin dùng riêng của các cơ quan

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh hàng quý (hoặc đột xuất) về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

- Tham mưu lồng ghép kết quả thực hiện Chỉ thị với kết quả đánh giá chỉ số ICT Index của sở, ngành, địa phương.

- Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chuyển đổi các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về Trung tâm dữ liệu chung của tỉnh.

- Đảm bảo sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật chung và các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung đáp ứng các yêu cầu của Chỉ thị này. Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật chung và hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung.

- Rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý đảm bảo đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức thực thi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý khắc phục sự cố, giám sát công tác đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện Chỉ thị này; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định; đảm bảo tiết kiệm, phát huy hiệu quả

d) Sở Nội vụ

- Phối hợp xây dựng quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh; lồng ghép các tiêu chí thực hiện các nội dung của Chỉ thị này vào Bộ tiêu chí đánh giá về cải cách hành chính.

- Chủ trì xây dựng văn bản quy định về quản lý, sử dụng, lưu trữ văn bản điện tử để thuận lợi cho việc tra cứu và tìm kiếm, phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành.

e) Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh.

f) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thay Ban chỉ đạo công nghệ thông tin theo Quyết định số 1987/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 31//10/2018, về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh.

- Kiện toàn Ban biên tập trang thông tin điện tử (nếu có thay đổi nhân sự).

- Chỉ đạo cấp xã bố trí cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, ưu tiên cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn; lập danh sách báo cáo qua Sở Thông tin và truyền thông trước ngày 31/5/2019 để tổng hợp, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

- Chỉ đạo tạo lập trang thông tin điện tử cấp xã xong trước ngày 30/6/2019.

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục KSTTHC – Văn phòng Chính phủ;
- Sở, ban, ngành, các đơn vị thuộc tỉnh;
- Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy (p/h chỉ đạo);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, các CV nghiên cứu, các PCVP, CVP;
- Lưu: VT, XDCB.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tiến Nhường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2019 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Tiến Nhường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản