ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND | Vĩnh Long, ngày 16 tháng 4 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Chỉ thị số 910/CT-BNN-TCTL ngày 14/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2014;
Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết - khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2014 đã xuất hiện những biểu hiện bất thường của thời tiết như: Áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm trên biển Đông (ngày 01/02/2014), hiện tượng không khí lạnh kéo dài, thiếu nước do nắng nóng, khô hạn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa, bão năm 2014 sẽ có những diễn biến phức tạp, cần đề phòng bão mạnh, sạt lở đất....
Vì vậy, để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) các ngành, các cấp khẩn trương hoàn thành tổng kết công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2013 trước ngày 15/5/2014; đánh giá, phát huy những ưu điểm, những công việc mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục. Qua đó, làm cơ sở xây dựng các phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và địa phương.
2. Rà soát, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các ngành, các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng thành viên, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động phòng, tránh kịp thời đối phó, xử lý trong mọi tình huống. Chú trọng nâng cao, năng lực điều hành chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.
3. Triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai; thường xuyên tuyên truyền, bổ túc kiến thức, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến cán bộ, người dân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ý thức phòng tránh và cùng cộng đồng có biện pháp chủ động phòng, tránh có hiệu quả.
Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống và thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa mưa lũ (thời gian bắt đầu trực từ ngày 01/6/2014). Đồng thời, công khai rộng rãi đến người dân số điện thoại, địa chỉ của Ban chỉ huy PCLB và TKCN hoặc các đơn vị có trách nhiệm được phân công đóng trên địa bàn để người dân liên hệ, báo tin khi cần thiết.
4. Để chủ động đối phó với thiên tai, yêu cầu:
- Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp phải có phương án, kế hoạch chủ động phòng, tránh lụt, bão cụ thể đến tận các cơ quan, đơn vị, cấp xã, ấp (khóm) và sẵn sàng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, của toàn dân để ứng phó kịp thời và khắc phục hiệu quả trong mọi tình huống thiên tai xảy ra.
- Các địa phương phải rà soát, xác định những khu vực có nhiều nguy cơ khi xảy ra mưa lớn, lũ, bão (nhất là những nơi đã từng bị thiệt hại) để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
- Các địa phương, đơn vị thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ, đội xung kích, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên và dân quân đảm bảo sẵn sàng chủ động thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, lụt, bão đã đề ra; phối hợp tốt với lực lượng quân đội, Công an nhanh chóng di dời, bảo vệ dân cư và những hộ dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của sạt, lở đất như các khu vực ven sông (bị ảnh hưởng triều cường, vùng trũng thấp…).
- Kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn hiện có. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đề nghị bổ sung, sửa chữa bảo đảm sẵn sàng huy động kịp thời khi thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra.
5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình (đã đưa vào sử dụng hoặc đang thi công) như: Bờ bao, đập, kè, cống, kênh mương, cầu, đường, cảng, bến đò, phà, trường học, các cơ sở khám chữa bệnh, kho tàng, nhà máy, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, truyền hình, phát thanh và các thiết bị vận hành khác… để có phương án vận hành, xử lý, gia cố bảo vệ hoặc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình trước mùa mưa, bão; và đảm bảo bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư dự phòng.
6. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, tránh và khắc phục thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
6.1. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, các địa phương thực hiện công tác phòng chống lụt bão năm 2014.
6.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
- Phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, thu hoạch, phòng chống hạn hán, lụt, bão; dự trữ lúa giống, hoa màu trong từng hộ dân để chủ động sản xuất khi có thời tiết bất thường xảy ra đảm bảo phát triển ổn định cho cây trồng và vật nuôi; và hướng dẫn các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn hạn chế thiệt hại.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Trung tâm Khí tượng thủy văn thông báo, cảnh báo tình hình khí tượng - thủy văn kịp thời, giúp địa phương chủ động triển khai công tác phòng, tránh thiên tai đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế thiệt hại gây ra.
6.3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực công tác tìm kiếm cứu nạn) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và địa phương xây dựng phương án, tổ chức luyện tập, chuẩn bị lực lượng và phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi xảy ra các tình huống khẩn cấp; và giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để các tình huống diễn tập sát với thực tế, đạt hiệu quả cao khi có thiên tai xảy ra.
6.4. Công an tỉnh phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân và giúp dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai; bố trí lực lượng, phối hợp với Thanh tra Giao thông tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực bị thiên tai, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông qua các đoạn đường bị ngập và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra.
6.5. Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin truyền thông phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB và TKCN, cơ quan khí tượng thủy văn và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ và đưa tin kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, bão lũ và chỉ đạo của cấp trên cũng như khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để các cấp và nhân dân chủ động phòng tránh. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông, bưu điện… đảm bảo mạng thông tin thông suốt, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
6.6. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và địa phương có phương án đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão, phổ biến kiến thức hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới…, đảm bảo giao thông trong mọi tình huống, nhất là những tuyến đường huyết mạch; phân luồng giao thông hợp lý khi có ách tắc giao thông xảy ra. Làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu thuyền hoạt động trên các sông, rạch;
6.7. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt lương thực và nước uống sẵn sàng cung ứng cho nhân dân khi cần thiết.
6.8. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão, hạn chế đổ ngã và chỉ đạo dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
6.9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính: Phối hợp cơ quan chức năng và các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và đề xuất các biện pháp hỗ trợ về tài chính, vật chất cho các địa phương, đơn vị để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt bão gây ra, nhất là cứu trợ kịp thời đúng đối tượng, đúng quy định.
6.10. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT: Dự phòng đủ cơ số thuốc, bột xử lý nước phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc; tổ chức các Tổ, Đội sơ cấp cứu lưu động sẵn sàng sơ, cấp cứu người trong mùa mưa, bão.
6.11. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kịp thời ưu tiên, có kế hoạch bố trí vốn cho các Dự án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tham mưu, đề xuất sử dụng dự phòng ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố để ứng phó những trường hợp khẩn cấp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đúng quy định.
6.12. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn cho các trường kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai, dạy bơi cho học sinh…; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh cho phép học sinh nghỉ học khi có thiên tai và có kế hoạch dạy bù khi hết thiên tai bão lụt.
6.13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các tàu du lịch, cũng như giấy phép kinh doanh các loại hình du lịch sông nước nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh và kiên quyết không cho tàu, thuyền hoạt động khi đang có thiên tai, bão lũ; thông báo, khuyến cáo các đơn vị quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các phông, biển quảng cáo đúng các yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
6.14. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị trong các khu công nghiệp chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai cho đơn vị mình và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, nhất là trong mùa mưa bão.
6.15. Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu của thế giới, quốc gia, của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là dự báo sớm các tình huống, diễn biến phức tạp về thời tiết; cung cấp kịp thời các số liệu về dòng chảy, về mưa lũ cho Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan để kịp thời chỉ đạo, ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai.
6.16. Điện lực tỉnh tăng cường kiểm tra hệ thống đường dây đảm bảo cung cấp điện an toàn hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra trong mùa mưa, lụt bão và thiên tai.
6.17. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương đảm bảo phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai một cách chủ động; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng bảo vệ, sơ tán dân cư các vùng bị ảnh hưởng khi có lệnh, theo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, chủ động ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu quả, ổn định kịp thời sản xuất và đời sống nhân dân.
- Khẩn trương triển khai xây dựng hoặc hoàn thiện các khu tái định cư và tổ chức di dời dân cư các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, sạt lở đất… vào các khu tái định cư trước mùa mưa bão.
- Tăng cường đôn đốc công tác phòng, tránh lụt, bão, triều cường ở các vùng trọng điểm, xung yếu, vùng có khả năng bị ngập sâu và công tác kiểm tra các công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng trên địa bàn.
- Huyện Tam Bình xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập PCLB và TKCN cấp huyện trong tháng 8/2014. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập PCLB và TKCN cấp xã trong tháng 9/2014.
7. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, tránh và tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão trong phạm vi, chức trách đơn vị mình. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo điều động của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Chỉ thị 910/CT-BNN-TCTL tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 06/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/04/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phan Anh Vũ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực