Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Thái Bình, ngày 09 tháng 04 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM

Từ đầu năm 2013 đến nay, diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước hết sức phức tạp; dịch Cúm gia cầm đã phát sinh tại các tỉnh: Khánh Hòa, Kiên Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Ninh Bình; dịch lở mồm long móng gia súc đã phát sinh tại các tỉnh: Sơn La, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; dịch Tai xanh ở lợn đã phát sinh tại các tỉnh: Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đặc biệt giáp với tỉnh ta, từ ngày 27/3/2013 đến ngày 01/4/2013, dịch Tai xanh đã xảy ra ở 4 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Nam Định, làm 158 lợn phải tiêu hủy.

Tại tỉnh ta, do có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn và mật độ chăn nuôi cao, kết hợp với thời tiết khí hậu chuyển mùa, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao.

Thực hiện Công điện số 05/CĐ-BNN-TY ngày 20 tháng 2 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Tai xanh ở lợn; để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch Cúm gia cầm, dịch Tai xanh, dịch Lở mồm long móng phát sinh và lây lan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, cấp xã và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tốt các đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; nhất là tiêm phòng các bệnh: Lở mồm long móng, Tai xanh và Cúm gia cầm. Tổ chức thực hiện "tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng" vào trung tuần tháng 4 năm 2013 theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Tổ chức các đội kiểm tra liên ngành lưu động thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là tại các bến phà, đò, cầu giáp ranh với các tỉnh bạn. Tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để giám sát chặt chẽ dịch bệnh, chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến của dịch Cúm gia cầm, dịch Lở mồm long móng gia súc, dịch Tai xanh ở lợn trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện được dịch bệnh, phải kịp thời thông báo với cơ quan chuyên môn theo quy định và tiến hành bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra, vào ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng và triển khai các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch như: kế hoạch thực hiện "tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng", lập chốt kiểm dịch đầu mối giao thông của tỉnh, tiêm phòng bổ sung, giám sát dịch bệnh, … ; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương trong tỉnh; thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tỉnh, tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động kinh phí thường xuyên hàng năm đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình.

4. Các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh như: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch; huy động, động viên đoàn viên, hội viên, người chăn nuôi nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong công tác phòng chống dịch.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình chủ động phối hợp với các cấp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; biểu dương các điển hình tốt, phát hiện, phê phán kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện và thường xuyên phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ của tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Chi cục Thú y;
- Lưu VP, NN, TH (D)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2013 tăng cường thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Sinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản