- 1Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- 3Quyết định 129/2007/QĐ-TTg về Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 05/2008/CT-TTg về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 943/2008/QĐ-UBND về Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên
- 6Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính do tỉnh Phú Yên ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2009/CT-UBND | Tuy Hòa, ngày 05 tháng 3 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THI HÀNH NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ
Thời gian vừa qua, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã cơ bản phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật và nhiệm vụ được giao, góp phần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo, điều hành đạt được một số kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, chất lượng công tác tham mưu của một số sở, ban, ngành, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân một số huyện, thành phố còn hạn chế; công tác thông tin, dự báo, báo cáo để phục vụ cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ở nhiều cấp, nhiều ngành còn bất cập; sự liên thông giữa chính quyền các cấp với cơ quan chuyên môn tỉnh và các đơn vị liên quan còn yếu, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; một số ngành, địa phương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh chậm, chưa đầy đủ; doanh nghiệp và công dân vẫn còn kêu ca về văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức,…
Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao; thực hiện kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; quản lý lao động còn hạn chế dẫn đến lãng phí thời gian lao động làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác chưa cao.
Để khắc phục có hiệu quả những tồn tại nêu trên, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên:
1. Nâng cao trách nhiệm trong công tác tham mưu cho cấp trên và trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương
- Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và chỉ đạo của cấp trên. Quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
- Nâng cao trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực, ngành, địa phương quản lý. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu để tổ chức, điều hành đơn vị, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao. Chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách người đứng đầu về kết quả toàn bộ hoạt động của đơn vị, địa phương.
- Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản. Người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung và hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Tăng cường trách nhiệm trong công tác dự báo, thông tin, báo cáo
- Nâng cao chất lượng công tác dự báo đối với ngành, lĩnh vực để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại chương VIII, Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 943/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Báo cáo phải đảm bảo yêu cầu về nội dung, trung thực, phản ánh những kết quả nổi bật của ngành, đơn vị, địa phương. Coi kết quả chấp hành chế độ thông tin, báo cáo là một tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của đơn vị và cá nhân người đứng đầu.
- Tăng cường công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành với cơ quan chủ quản ở Trung ương, với các huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn cấp dưới; đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đầy đủ kết quả thực hiện từng nội dung công việc được giao, trong đó đánh giá những vấn đề còn tồn tại yếu kém và phân tích rõ nguyên nhân; nêu kiến nghị vướng mắc phát sinh (nếu có), đề xuất hướng giải quyết.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, báo cáo; từng bước sử dụng văn bản điện tử để thay thế dần văn bản giấy trong quản lý điều hành và trao đổi thông tin. Đồng thời thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; về phát ngôn, khai thác, quản lý và sử dụng mạng Internet trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện cải cách hành chính
- Tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị thời gian qua và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian đến. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đồng bộ.
- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” ở các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có hiệu quả thiết thực. Bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn về nghiệp vụ, đạo đức làm việc tại bộ phận “một cửa” và đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu làm việc theo quy định của Trung ương. Thực hiện “một cửa liên thông” ở 03 đơn vị: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa ngay trong quý I năm 2009.
- Chỉ đạo thường xuyên rà soát thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, địa phương để xem xét, sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.
- Chủ động xây dựng quy chế họp tại cơ quan. Cải tiến nội dung, hình thức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp theo hướng giảm các cuộc họp không cần thiết, nâng cao chất lượng họp, dành thời gian hợp lý để đi thực tế, giải quyết công việc tại cơ sở.
- Trực tiếp chỉ đạo, thực hiện việc tiếp nhận và xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đúng thẩm quyền theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 04/2008/CT-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2008. Chỉ đạo cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích cụ thể những việc người dân chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng; khi đã đầy đủ thủ tục phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm cho dân theo đúng thời gian quy định; khắc phục ngay tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành; giữa sở, ban, ngành và địa phương.
4. Tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, công chức; thực hiện quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức
- Tuyển dụng, quản lý sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao để ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp phó, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
- Phân công công tác cho từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật. Giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại các bộ phận có liên hệ, tiếp xúc với tổ chức, doanh nghiệp và công dân.
- Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc theo Chỉ thị 05/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 384/UBND-KTXD ngày 05 tháng 3 năm 2008.
- Quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng được phong cách chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức ở cơ quan, đơn vị.
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật theo phân cấp quản lý và sử dụng cán bộ công chức, viên chức; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
5. Tăng cường trách nhiệm trong tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định 103/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hành vi tham nhũng, vi phạm các quy định pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị.
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, trụ sở, tài sản công được giao. Khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng chế độ, chính sách và đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát tài sản.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thực hiện đầu tư xây dựng có trách nhiệm triển khai dự án đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư hiện hành; xác định rõ trách nhiệm mỗi cá nhân trong quản lý từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
6. Tăng cường trách nhiệm trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo
Duy trì công tác tiếp công dân và kịp thời xử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực, ngành, địa phương quản lý, không để khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đây cũng là cơ sở để Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xét thi đua, khen thưởng; xét đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị, địa phương theo phân cấp về quản lý cán bộ.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2013 về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 2Quyết định 279/2013/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 1Quyết định 03/2007/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Nghị định 103/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- 3Quyết định 129/2007/QĐ-TTg về Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 05/2008/CT-TTg về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 943/2008/QĐ-UBND về Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên
- 6Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2013 về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 7Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính do tỉnh Phú Yên ban hành
- 8Quyết định 279/2013/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Chỉ thị 06/2009/CT-UBND tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thi hành nhiệm vụ, công vụ
- Số hiệu: 06/2009/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/03/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Trần Thị Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/03/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực