Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/CT-NH14

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NHIỀU NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI, NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐỐI VỚI MỘT DOANH NGHIỆP

Thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 04-NH-QĐ ngày 8-1-1991 ban hành Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế và Quyết định số 23-NH-QĐ ngày 6-3-1991 ban hành Thể lệ tín dụng trung hạn, dài hạn đối với các tổ chức kinh tế.

Để mở rộng phạm vi vay vốn của các doanh nghiệp, ngày 8-12-1992 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 273-QĐ-NH1 để sửa đổi điều kiện cho vay theo hai thể lệ trên. Từ đó, việc nhiều Ngân hàng kinh doanh cùng cho một doanh nghiệp vay vốn đã tạo nên sự liên kết, hỗ trợ giữa các Ngân hàng trong lĩnh vực đầu tư tín dụng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, xuất hiện tình trạng các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn vay, do không tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, hoặc không nắm được tình hình doanh nghiệp vay vốn của các ngân hàng khác; tình trạng nợ nần dây dưa, nợ không có khả năng thu hồi đối với các doanh nghiệp này có xu hướng tăng; sự mất an toàn của vốn cho vay đã đến mức phải báo động bởi một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.

Để chấn chỉnh những mặt thiếu sót, khắc phục tình trạng nêu trên nhằm củng cố và tăng cường độ an toàn trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng cùng cho vay đối với một doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Ngân hàng thực hiện những điểm chủ yếu sau đây:

1. Các Ngân hàng và Chi nhánh của Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển (gọi tắt là Ngân hàng) khi cho vay đối với một doanh nghiệp phải quán triệt đầy đủ các nguyên tắc, chế độ tín dụng hiện hành; và thông qua tổ chức thông tin phòng ngừa rủi ro (TPR) của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để tìm hiểu thêm về tình hình tài chính của đơn vị; chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn, đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn; thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay và thu hồi nợ vay.

2. Khi cho vay, các Ngân hàng được quyền yêu cầu doanh nghiệp vay vốn cung cấp những thông tin cần thiết có liên quan đến vốn vay và tạo mọi thuận lợi cho công tác kiểm tra giám sát của Ngân hàng.

Doanh nghiệp vay vốn phải thông báo cho Ngân hàng cho vay tổng mức dư nợ đã vay của các Ngân hàng khác và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin của mình.

Khi vay vốn của các ngân hàng không mở tài khoản tiền gửi chính, doanh nghiệp vay vốn phải ký cam kết uỷ quyền cho Ngân hàng giữ tài khoản tiền gửi chính của mình được trích tài khoản tiền gửi của đơn vị để trả nợ vay theo đề nghị của Ngân hàng cho vay. Ngân hàng giữ tài khoản tiền gửi chính của doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ cam kết uỷ quyền của doanh nghiệp, nếu để xảy ra tình trạng găm giữ tiền trên tài khoản, không trích tài khoản để thu nợ khi nợ đến hạn, gây thiệt hại cho Ngân hàng cho vay, thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm vật chất và trách nhiệm hành chính.

3. Để ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong kinh doanh tín dụng, các Ngân hàng phải coi trọng việc cung cấp và khai thác thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của các doanh nghiệp vay vốn thông qua hệ thống TPR của các tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước. Các Ngân hàng sau khi đã cho vay phải có trách nhiệm thông báo kịp thời kết quả cho vay cho hệ thống TPR để bổ sung hồ sơ kinh tế của doanh nghiệp.

4. Trường hợp doanh nghiệp có nợ đến hạn của nhiều Ngân hàng cùng một thời điểm (cùng ngày), thì các ngân hàng được thu nợ theo tỷ lệ (nợ đến hạn của từng ngân hàng trong tổng số nợ đến hạn phải thu của doanh nghiệp) trên tổng số dư tài khoản tiền gửi dùng để trả nợ, nhằm hạn chế tập trung rủi ro vào một hay một số Ngân hàng, hoặc tập trung ưu đãi cho một Ngân hàng nào đó (nhất là Ngân hàng giữ tài khoản tiền gửi chính của doanh nghiệp) trong việc thu hồi nợ cho vay.

5. Việc xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng khi doanh nghiệp bị phá sản được thực hiện theo Luật phá sản doanh nghiệp (công bố theo Lệnh của Chủ tịch nước số 30L-CTN ngày 10-1-1994).

6. Các ngân hàng phải phối hợp với chặt chẽ trong quá trình cho vay, trong việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của doanh nghiệp, đồng thời giúp đỡ nhau trong việc cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến sự an toàn của vốn vay, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các Ngân hàng, nhằm đưa hoạt động tín dụng của Ngân hàng ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao.

7. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố - nơi doanh nghiệp vay vốn đóng trụ sở chính, có trách nhiệm làm đầu mối xử lý những vướng mắc, vi phạm của các Ngân hàng cùng cho vay đối với doanh nghiệp đó.

Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt những điểm trên đây trong hệ thống của mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Ngân hàng cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để giải quyết.

 

 

Đỗ Quế Lượng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/CT-NH14 năm 1994 về việc nhiều Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển cho vay đối với một doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 05/CT-NH14
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/06/1994
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đỗ Quế Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản