Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2005/CT-UB

Long Xuyên, ngày 14 tháng 01 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Từ khi có Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 ban hành, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, các cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Số lượng vụ việc khiếu kiện đông người đã giảm, phần lớn các vụ khiếu kiện bức xúc, gay gắt, kéo dài đã được giải quyết; trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên một bước. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu tố đông người, vượt cấp lên tỉnh tuy có giảm, song vẫn còn xảy ra. Sở dĩ có tình hình trên là do Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có liên quan ở cấp tỉnh, cấp huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, có nơi, có lúc bị buông lỏng.

Để thực hiện Nghị quyết số 30/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội, Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh Chỉ thị thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thực hiện những nội dung sau đây:

1. Quán triệt sâu sắc tinh thần các văn bản chỉ đạo của trung ương và tỉnh về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Nhận thức đúng và đầy đủ các quy định của Luật khiếu nại tố cáo, Nghị định 67/1999/NĐ-CP, Nghị định 62/2002/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại tố cáo và các văn bản quy định của UBND tỉnh liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

2. Đề cao và thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải gắn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác quản lý hành chính nhà nước; coi kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

3. Nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo xảy ra trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương, những vụ việc thuộc thẩm quyền phải giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi phát sinh những vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, những vụ việc khiếu nại, tranh chấp về đất đai, giải toả đền bù khi nhà nước thu hồi đất thì phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và tập trung chỉ đạo, giải quyết ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp và phát sinh thành "điểm nóng", gây phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời phải làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những cơ quan, cán bộ, công chức đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, xử lý những yếu kém, sai phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với những vụ việc có ý kiến chỉ đạo của cấp trên phải nhanh chóng triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý.

5. Có biện pháp chấn chỉnh, kiện toàn Phòng tiếp công dân của tỉnh, huyện, thị, thành phố; bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm làm công tác tiếp dân. Phòng tiếp dân ở các huyện, thị, thành phố phải bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách.

6. Giao Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện tinh thần Chỉ thị này và báo cáo kết quả cho chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 31/3/2005. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây hậu quả xấu hoặc cố tình không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc của người có thẩm quyền khác phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và đề xuất biện pháp xử lý.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc cần báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp trình TT.UBND tỉnh cho ý kiến xử lý.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- TT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị, Tp;
- PVP Tạ Quang Tẳng;
- Các Phòng NC, TD, TH;
- Lưu.

TM. UBND TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Văn Đảm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2005/CT-UB về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo do Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 05/2005/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/01/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Đảm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản