Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2003/CT-BCN | Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN - VỆ SINH LAO ĐỘNG – PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRONG NĂM AN TOÀN CÔNG NGHIỆP 2003
Năm 2002, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì với tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,45% so với năm 2001. Nhiều Tổng công ty, cơ quan, doanh nghiệp trong ngành đã quan tâm đến công tác An toàn - Vệ sing lao động - Phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN), góp phần vào thành tích chung của toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp đã để xảy ra trên 1400 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 45 vụ TNLĐ làm chết 64 người. Trong số các vụ TNLĐ chết người, Tổng công ty Than Việt Nam đã xảy ra 21 vụ làm chết 37 người, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam 8 vụ, làm chết 9 người, Tổng công ty Điện lực Việt Nam 3 vụ, làm chết 3 người ... Số người chết vì TNLĐ năm 2002 tăng 17 người (tăng 36,17%) so với năm 2001. Trong lĩnh vực an toàn điện nông thôn đã có trên 230 người chết do tai nạn về điện.
Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động ở các cấp, các đơn vị, của người sử dụng lao động và người lao động còn chưa nghiêm. Tình trạng vi phạm các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật AT-VSLĐ-PCCN còn khá phổ biến. Việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, chống cháy nổ cũng như công tác quản lý trong nhiều doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm và coi trọng đúng mức; công tác kiểm tra, phát hiện chưa thường xuyên và chưa xử lý nghiêm, kịp thời những vi phạm về an toàn lao động.
Để tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về AT-VSLĐ-PCCN đặc biệt là “Năm An toàn Công nghiệp 2003” và hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN lần thứ 5, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu các Tổng công ty, cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây:
1. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra theo những kế hoạch cụ thể việc chấp hành và xử lý các vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, chế độ chính sách bảo hộ lao động của các đơn vị trong toàn ngành công nghiệp. Từng bước củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả làm việc của bộ máy làm công tác AT-VSLĐ-PCCN từ cấp cơ sở cho tới Tổng công ty; đặc biệt chú trọng tới các ngành và lĩnh vực sau:
a) Khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là khai thác than hầm lò,
b) Sản xuất, sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp,
c) Xây lắp, quản lý, vận hành hệ thống điện,
d) Phòng chống cháy nổ, bụi công nghiệp trong các ngành dệt may, thuốc lá, luyện kim, hoá chất.
2. Tổ chức rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực AT-VSLĐ-PCCN thuộc ngành công nghiệp; đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy trình, quy phạm còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tế.
3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ một cách toàn diện tình trạng an toàn của dây truyền công nghệ máy, thiết bị đang vận hành và có biện pháp khắc phục những khiếm khuyết chưa đảm bảo an toàn. Kiên quyết đình chỉ sản xuất đối với dây truyền công nghệ, máy, thiết bị không đủ điều kiện an toàn. Các đơn vị cần có chương trình, kế hoạch đầu tư, từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phải có kế hoạch, chương trình huấn luyện về AT-VSLĐ-PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động để bản thân người lao động phải có ý thức, trách nhiệm về an toàn đối với cá nhân mình và những người lao động xung quanh. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quản lý VSLĐ, quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp theo Thông tư 13/BYT-TT ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Bộ Y tế.
5. Các Sở Công nghiệp cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về AT-VSLĐ-PCCN tại địa phương trong các lĩnh vực, ngành nghề theo phân cấp của Bộ Công nghiệp. Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực cung ứng, sử dụng điện, hành lang an toàn lưới điện, an toàn điện hạ áp nông thôn, sử dụng điện để bẫy chuột, chống trộm, an toàn trong khai thác khoáng sản, sử dụng và bảo quản vật liệu nổ công nghiệp ...
6. Ngoài các vấn đề trên, để tăng cường bảo đảm an toàn trong sản xuất công nghiệp, các Tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ cần thực hiện ngay một số yêu cầu sau đây :
a) Trong khai thác khoáng sản
- Cần có biện pháp hữu hiệu, tăng cường công tác AT-VSLĐ-PCCN ở mỏ khai thác than hầm lò và mỏ có quy mô khai thác nhỏ, phải trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phát hiện khí nổ, khí độc, bình tự cứu, thiết bị thông gió, thiết bị cấp cứu mỏ và phải có kế hoạch theo dõi kiểm tra thường xuyên theo quy định.
- Phải tiến hành công tác kiểm tra, rà soát lại các thiết kế khai thác hiện có, đánh giá điều kiện an toàn hiện tại, bổ sung các biện pháp an toàn để tuyệt đối không xảy ra cháy nổ do đánh giá không đầy đủ hoặc do mới phát sinh các nguy cơ cháy nổ mà trong giai đoạn lập và phê duyệt thiết kế trước đây bị hạn chế. Chỉ được đưa các mỏ vào khai thác khi thiết kế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện đầy đủ các giải pháp đảm bảo về ATLĐ.
- Cần tăng cường xây dựng và kiện toàn các phương án cứu hộ, tổ chức cứu hộ và định kỳ tổ chức diễn tập cấp cứu TNLĐ do cháy nổ trong hầm lò.
b) Trong lĩnh vực hoạt động điện lực
- Phải huấn luyện, kiểm tra sát hạch và xếp bậc an toàn về điện cho các đối tượng là cán bộ, công nhân viên khi làm việc có liên quan đến hệ thống điện (sửa chữa, di chuyển, đấu nối, xây lắp mới hoặc làm việc tại khoảng giao chéo đi gần đường dây điện cao áp),
- Trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện an toàn phòng chống tai nạn về điện (tiếp địa di động, sào, ủng cách điện, dây an toàn, mũ bảo hộ ...),
- Kiểm tra củng cố toàn bộ hệ thống an toàn về điện, hệ thống thu lôi chống sét, hệ thống tiếp địa trong nhà xưởng, kịp thời khắc phục hư hỏng ngăn ngừa nguy cơ tai nạn điện và chập điện gây cháy nổ,
- Phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ phiếu công tác, thao tác theo đúng quy phạm hiện hành. Các đơn vị bên ngoài vào làm việc trên lưới điện của đơn vị nào, đơn vị đó phải thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết để chống điện giật.
c) Trong lĩnh vực phòng chống cháy nổ
- Phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ tại chỗ theo quy đinh. Thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm để đảm bảo thiết bị luôn sẵn sàng hoạt động,
- Cần bổ sung các trang bị cảnh báo cháy để sớm phát hiện và ngăn ngừa cháy nổ ở các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao,
- Tăng cường lập kế hoạch cụ thể để phối hợp với cơ quan phòng cháy, chữa cháy, y tế địa phương, xây dựng phương án cứu hoả, cứu hộ và thoát hiểm cho người lao động khi có cháy. Định kỳ tổ chức diễn tập để người sử dụng lao động, người lao động nắm vững thành thạo phương pháp thoát nạn, nhất là đối với cơ sở, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, thuốc lá ...
d) Trong công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp
- Cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp để phù hợp và tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp có hiệu quả và an toàn. Tổng công ty Than Việt nam cần kiểm tra việc ban hành các văn bản về vật liệu nổ công nghiệp của các đơn vị cơ sở, bãi bỏ các văn bản không phù hợp hoặc trái với quy định và thẩm quyền,
- Các mỏ hầm lò có khí CH4 phải sử dụng thuốc nổ đúng chủng loại để ngăn ngừa cháy nổ. Sớm đánh gía kết quả nghiên cứu sử dụng thuốc nổ hầm lò AH2 thay thế cho AH1,
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát khâu vận chuyển, bảo quản, sử dụng để ngăn chặn việc thuốc nổ thất thoát trôi nổi trên thị trường.
đ) Trong lĩnh vực sử dụng máy, vật tư, thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
- Phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ theo quy định của pháp luật. Không được đưa thiết bị vào vận hành khi thiết bị chưa được kiểm định hoặc quá thời hạn kiểm định,
- Các thiết bị có tính chất đặc thù, chuyên ngành đòi hỏi phải quản lý nghiêm ngặt về ATLĐ, không nằm trong danh mục quy định của Thông tư 22/TT-LĐTB-XH ngày 08 tháng 11 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các Vụ chức năng khẩn trương soạn thảo danh mục trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền để làm cơ sở cho việc đăng ký, kiểm định và đưa vào sử dụng,
- Các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ có sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải tổ chức theo dõi, quản lý chặt chẽ tình trạng thiết bị, thực hiện đúng chu kỳ khám nghiệm và phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm kiểm định thuộc Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp để thực hiện kiểm định theo đúng kế hoạch, đúng thời hạn. Định kỳ thống kê, báo cáo về Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp theo quy định.
Để công tác AT-VSLĐ-PCCN có một bước chuyển biến cơ bản trong năm 2003 và những năm tiếp theo, Bộ Công nghiệp yêu cầu các Tổng công ty, cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ lập kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này xuống tới từng tổ, đội sản xuất và định kỳ phải có thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác AT-VSLĐ-PCCN về Bộ Công nghiệp trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm.
Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
- 1Quyết định 009/2007/QĐ-BCT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 5572/QĐ-BCT năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Công văn 10452/BGTVT-TCCB báo cáo tình hình thực hiện công tác An toàn - vệ sinh lao động năm 2012 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Công văn 4784/BYT-MT năm 2014 về tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành
- 1Quyết định 009/2007/QĐ-BCT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 5572/QĐ-BCT năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Thông tư 13/BYT-TT-1996 hướng dẫn thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông tư 22/TT-LĐTBXH-1996 hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Công văn 10452/BGTVT-TCCB báo cáo tình hình thực hiện công tác An toàn - vệ sinh lao động năm 2012 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Công văn 4784/BYT-MT năm 2014 về tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành
Chỉ thị 05/2003/CT-BCN về việc tăng cường công tác an toàn - vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ trong năm an toàn công nghiệp 2003 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 05/2003/CT-BCN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/03/2003
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra