Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 1963

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KIỂM TRA TOÀN DIỆN CÁC NỒI HƠI VÀ BÌNH CHỊU ÁP LỰC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Do sản xuất công nghiệp ở miền Bắc ngày càng phát triển, yêu cầu về cung cấp năng lượng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, nên số lượng nồi hơi và bình áp lực cũng phát triển rất nhanh. Trong mấy năm qua, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn đảm bảo việc chế tạo, xây lắp, sử dụng, bảo quản tương đối tốt kịp thời phục vụ sản xuất ngày càng phát triển.

Tuy nhiên bên cạnh những cố gắng đó, vẫn còn một số khuyết điểm và nhược điểm. Do đó lượng nồi hơi và bình làm việc có áp lực phát triển nhanh, nên số cán bộ, công nhân điều khiển, vận hành cũng tăng lên nhanh chóng, nhưng đa số lại mới vào nghề, chưa được huấn luyện đến nơi đến chốn, nên chưa thật thành thạo trong việc sử dụng thiết bị, nhiều cán bộ quản lý xí nghiệp cũng chưa am hiểu sâu về đặc tính hoạt động của nồi hơi và các bình chịu áp lực. Nhiều nơi chưa có quy trình, quy tắc vận hành, bảo quản thích hợp đối với các loại thiết bị này, hoặc đã có nhưng lại không được thực hiện đầy đủ. Các tổ chức thanh tra, theo dõi nồi hơi, bình chịu áp lực ở các ngành quản lý sản xuất ở trung ương và địa phương nói chung còn yếu, thậm chí có nơi đến nay vẫn chưa có người chuyên trách. Vì vậy trong thời gian qua việc hư hỏng, nổ vỡ các thiết bị nói trên còn xảy ra nhiều; tuy chưa gây tai nạn lao động nghiêm trọng nhưng cũng đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất.

Để khắc phục triệt để những khuyết điểm và nhược điểm còn tồn tại trong vấn đề chế tạo, xây lắp, sử dụng, bảo quản nồi hơi và các bình làm việc có áp lực, ta còn phải tiến hành nhiều biện pháp tích cực như việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của mọi người đối với vấn đề quản lý, sử dụng nồi hơi và bình chịu áp lực; ban hành các chế độ quản lý thống nhất về kỹ thuật; cải tiến và kiện toàn các tổ chức thanh tra nồi hơi; tăng cường công tác kiểm tra nồi hơi, bình chịu áp lực v.v…

Trong khi chờ đợi nghiên cứu và ban hành những biện pháp ấy, trước mắt các ngành quản lý nồi hơi và bình chịu áp lực ở trung ương cần tiến hành tổ chức một cuộc kiểm tra toàn diện về tình hình hoạt động của nồi và bình chịu áp lực nhằm mấy mục đích và yêu cầu sau đây:

1. Tiến hành xem xét thực trạng các thiết bị; phát hiện những thiếu sót trong quá trình sử dụng, bảo quản, chế tạo; đề ra những biện pháp khắc phục những thiếu sót và có kế hoạch xử lý, kịp thời ngăn chặn tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra.

2. Song song với việc kiểm tra thiết bị, cần kiểm tra trình độ cán bộ, công nhân điều khiển vận hành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp.

3. Kết hợp trong cuộc kiểm tra toàn diện kỳ này, các ngành quản lý nồi hơi, bình làm việc có áp lực ở trung ương cần chú ý giúp đỡ cho địa phương và cơ sở hoàn thành tốt việc lập lý lịch, khai trình, đăng ký các thiết bị nói trên với chính quyền địa phương.

Phương châm tiến hành kiểm tra, là phải phối hợp chặt chẽ, bàn bạc chu đáo, có kế hoạch thống nhất, ăn khớp giữa các ngành và cơ sở sản xuất và phải dựa vào cán bộ, công nhân kỹ thuật ở cơ sở. Công tác kiểm tra phải tiến hành nhanh, gọn, đạt yêu cầu và tránh trở ngại cho kế hoạch sản xuất. Trong kế hoạch kiểm tra, phải chú ý trọng tâm là những nồi hơi đã cũ và bị hỏng hoặc có áp suất cao.

Trong tình hình hiện nay, công tác kiểm tra toàn diện này có một ý nghĩa và tầm quan trọng lớn đối với việc cải tiến việc bảo quản và sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực để đảm bảo an toàn sản xuất và an toàn lao động. Các ngành quản lý sản xuất, xây dựng phải có kế hoạch tích cực tiến hành đảm bảo đạt đến kết quả tốt. Các ngành có sử dụng nồi hơi và bình chịu áp lực nhưng thiếu cán bộ kỹ thuật để tiến hành việc kiểm tra như Bộ Y tế v.v…cần phải tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Lao động và các Bộ khác như Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Giao thông vận tải v.v…Bộ Lao động có trách nhiệm cùng với các ngành, các cấp bàn bạc kế hoạch thực hiện chỉ thị này và tổng kết báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04-TTg năm 1963 về kiểm tra toàn diện các nồi hơi và bình chịu áp lực do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 04-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/01/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản