Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Thái Bình, ngày 01 tháng 03 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 nhằm chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, lực lượng tham gia Tổng điều tra và các đối tượng cung cấp thông tin thực hiện nghiêm các nội dung theo quy định của Luật Thống kê, phương án Tổng điều tra và các văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương để bảo đảm thành công cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tỉnh Thái Bình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cụ thể như sau:
1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp kết hợp chặt chẽ với các ngành Thống kê, Nội vụ, Thông tin - truyền thông, Đài phát thanh, truyền hình, Báo Thái Bình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh, báo viết, báo điện tử và các hình thức cổ động áp phích, khẩu hiệu, lô gô) đến từng thôn, xóm, khu dân cư và đến với mỗi người dân về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của cuộc Tổng điều tra.
2. Công tác tổ chức triển khai phải tiến hành theo kế hoạch cụ thể, quy trình chặt chẽ, bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Yêu cầu làm tốt công tác chuẩn bị Tổng điều tra, đặc biệt chú trọng việc rà soát đơn vị điều tra, tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo đúng tiêu chuẩn cả về khả năng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và khả năng vận động quần chúng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia Tổng điều tra theo đúng quy trình của Ban chỉ đạo Trung ương hướng dẫn. Các phương tiện cho điều tra phải được chuẩn bị, tiếp nhận đầy đủ, đúng thời gian và được kiểm tra, bảo quản chặt chẽ.
3. Thực hiện nghiêm quy trình điều tra do Ban chỉ đạo Trung ương hướng dẫn từ khâu chuẩn bị cho đến khi tiến hành điều tra, hạ tầng công nghệ thông tin, tổng hợp nhanh, bàn giao tài liệu, phúc tra, công bố kết quả. Tuyệt đối không được bớt, bỏ làm sai quy trình, chống tư tưởng chủ quan, đơn giản, tùy tiện trong thực hiện điều tra.
4. Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp do ngành Thống kê làm nòng cốt phải xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch, cần chủ động trong các khâu công việc; tăng cường giám sát, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc theo quy trình, phát hiện kịp thời và chỉ đạo giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh, những khâu yếu, những địa bàn khó khăn.
5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Phương án Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 đảm bảo đúng nội dung, tiến độ theo yêu cầu.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của ngành mình, tham mưu Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt điều tra Khối doanh nghiệp và các đơn vị quản lý mã số thuế liên quan. Xác minh các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc quyền quản lý liên quan không tìm thấy để đảm bảo số lượng các đơn vị điều tra phải được thực hiện đầy đủ.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Đài truyền thanh huyện, thành phố phối hợp với Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp mở các đợt tuyên truyền, tăng cường phát sóng, đăng tải các phóng sự, tin, bài, hình ảnh, chuyên trang, chuyên mục và các hoạt động trong thời gian chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và phối hợp với lực lượng điều tra viên kê khai đúng, đầy đủ các nội dung điều tra theo quy định.
8. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp cung cấp cho Cục Thống kê tỉnh danh sách chính xác, đầy đủ các đơn vị thuộc ngành, địa phương đang quản lý, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở ngành, địa phương mình, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc, chống tư tưởng giao khoán cho Ban chỉ đạo Tổng điều tra và cơ quan chuyên môn.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc Tổng điều tra.
10. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời vào phiếu điều tra theo quy định, đảm bảo thời gian, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về điều tra thống kê; các trường hợp vi phạm cần được xử lý kịp thời theo Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ).
11. Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí Tổng điều tra đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và đúng mục đích theo chế độ tài chính hiện hành và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương. Tùy tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân các cấp có thể hỗ trợ bổ sung thêm kinh phí cho công tác Tổng điều tra nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa phương.
12. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời kiên quyết xử lý theo pháp luật các tập thể, cá nhân thiếu ý thức trách nhiệm để xảy ra vi phạm Phương án, quy trình, nghiệp vụ thực hiện Tổng điều tra và nghĩa vụ cung cấp thông tin thống kê.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Luật thống kê 2015
- 2Nghị định 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê
- 3Chỉ thị 06/CT-UBND triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 4Quyết định 1096/QĐ-BNV năm 2019 về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 5Quyết định 307/QĐ-TTg năm 2020 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1344/QĐ-BKHĐT năm 2020 về phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Quyết định 375/QĐ-UBND về Kế hoạch Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 8Quyết định 165/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của tỉnh Bắc Kạn
Chỉ thị 04/CT-UBND về tổ chức thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Số hiệu: 04/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/03/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Nguyễn Khắc Thận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra