Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 28 tháng 4 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; qua đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, giao thông trong khu vực nội thành, nội thị và trên các quốc lộ, các tuyến trọng điểm được duy trì ổn định; tình hình vận tải được bảo đảm, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương (cụ thể như: Trong quý I/2023, xảy ra 09 vụ (tăng 03 vụ (50%) so với cùng kỳ), làm chết 08 người (tăng 02 người chết (33,3%) so với cùng kỳ, bị thương 03 người (tăng 01 người bị thương (50%) so với cùng kỳ), thiệt hại tài sản khoảng 68,5 triệu đồng). Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể chỉ đạo thực hiện vẫn chưa thực sự quyết liệt, chủ quan, lơ là và thiếu đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; việc thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông từng lúc còn thiếu nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện còn hình thức, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên và phấn đấu trong năm 2023 giảm từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2022 theo Kế hoạch số 05/KH-BATGT ngày 02/02/2023 của Ban An toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023 và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1474/UBND- CNXD ngày 23/4/2021 về việc tăng cường xử lý bến thủy nội địa không đảm bảo an toàn cho cầu đường bộ vượt sông và trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; Công văn số 4259/UBND-CNXD ngày 20/9/2022 về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1243/UBND-CNXD ngày 29/3/2023 về việc đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện nghiêm Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện giao thông”; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng thực thi công vụ. Người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật về giao thông.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, ma túy của người khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường; công tác kiểm tra niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm phương tiện giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

b) Nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông kéo dài. Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan; đồng thời theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm; các phòng chuyên môn, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có giải pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; Thanh tra giao thông phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng đường bộ tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp cảnh báo, kiến nghị khắc phục các bất cập là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, chủ động trong công tác tổ chức, quản lý giao thông và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (hoàn thành trong Quý III/2023); xử lý nghiêm các đơn vị không khắc phục kịp thời hậu quả tai nạn giao thông.

b) Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định, chứng nhận an toàn kỹ thuật xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa; kiểm soát chặt chẽ quy trình sát hạch, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát quá trình sát hạch lái xe, kiên quyết đình chỉ các cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là trong các dịp Lễ, Tết; kiểm tra việc thực hiện quy định khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, có biện pháp ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy hoặc chất kích thích khác.

c) Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên toàn bộ hệ thống các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục (hoàn thành trong Quý II/2023). Chỉ đạo, tổ chức khắc phục những bất cập về tổ chức hạ tầng giao thông khi có kiến nghị của các cơ quan, tổ chức. Xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể, đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, để xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

d) Tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa tại các điểm xuất phát là các cơ sở đầu nguồn hàng (bến, bãi, nhà máy, khu công nghiệp,…), không cho xuất bến đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, vượt quá trọng tải xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe; đình chỉ ngay các phương tiện đò dọc, đò ngang, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn giao thông,... Quản lý chặt chẽ, kịp thời thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tạo sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải giữa tổ chức và cá nhân.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, hành trình của chủ xe, lái xe, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng và du lịch.

5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Trong đó, chú trọng tuyên truyền “việc không điều khiển các phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, các chất kích thích khác”; cảnh báo các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy, tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, đường giao thông nông thôn,…; chế tài xử lý nếu vi phạm của người tham gia giao thông; quy định của pháp luật liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh.

b) Phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh; mỗi học kỳ phải tổ chức ít nhất 01 buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông.

7. Các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tổ chức tuyên truyền đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn, người lao động; phát huy hiệu quả hệ thống Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội để đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

8. Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt lưu ý đến công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn tại các công trình vừa khai thác vừa thi công, hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; khắc phục kịp thời các yếu tố không bảo đảm an toàn có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông của hạ tầng giao thông.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường, địa bàn cụ thể; bảo đảm cơ sở để giám sát, đánh giá hiệu quả, trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức trên hệ thống thông tin cơ sở, xã, phường, thị trấn; trong đó, tập trung tuyên truyền cho đối tượng thanh, thiếu niên, người lao động.

c) Phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ xử lý ngay các điểm tiềm ẩn có nguy cơ gây tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, tại các giao cắt đường bộ, đường dân sinh, bảo đảm tầm nhìn tại các giao lộ đường bộ.

d) Chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông; tăng cường quản lý về chất lượng dịch vụ, điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa và bảo đảm an toàn tại các bến đò ngang; chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông và các hoạt động truyền thông tại các nơi diễn ra Lễ hội, khu vui chơi giải trí ở địa phương.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hàng năm (trước ngày 31/12) báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hoàng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 04/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Nguyễn Trung Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản