Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2008/CT-UBND

Bạc Liêu, ngày 3 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BAN HÀNH, KIỂM TRA, RÀ SOÁT VÀ HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN

Trong trời gian qua, công tác ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có những bước chuyển biến tích cực, thực hiện theo các quy định của pháp luật về nội dung, thể thức và kỹ thuật soạn thảo đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của công tác này vẫn còn nhiều hạn chế do tình trạng một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chưa tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành hữu quan, là đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản; chưa thực hiện việc gửi văn bản đến cơ quan tư pháp thẩm định hoặc có gửi nhưng không đầy đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Về kỹ thuật soạn thảo và trình bày văn bản chưa cập nhật đầy đủ các quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên và đưa công tác ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai công tác ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cho các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;

2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải được thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa theo trình tự, thủ tục luật định. Đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

3. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Kiểm tra công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp mình để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải được tiến hành thường xuyên và định kỳ hệ thống hóa;

c) Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác soạn thảo, thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã.

4. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác pháp chế có khả năng nói, viết và có trình độ kiến thức pháp lý nhất định phụ trách soạn thảo văn bản ở cơ quan, tổ chức.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Rà soát, bố trí những cán bộ có năng lực, chuyên môn làm công tác tham mưu, soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các phòng, ban chức năng; đảm bảo đủ biên chế và công chức có nghiệp vụ, năng lực cho các Phòng Tư pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu về soạn thảo, thẩm định và kiểm tra;

b) Đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất cho các phòng, ban chức năng theo quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn.

Các ban, ngành huyện, thị xã cần chọn những cán bộ có chuyên môn vững, có phẩm chất chính trị tốt đi dự các lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật cho đơn vị mình.

6. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, thực hiện đăng Công báo, niêm yết, gửi và lưu trữ theo quy định hiện hành; văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện lưu trữ theo hệ thống riêng, không lưu chung với các loại văn bản khác;

7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị này; thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời./.

 

 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Anh Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2008/CT-UBND về nâng cao chất lượng ban hành, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do tỉnh Bạc Liêu ban hành

  • Số hiệu: 03/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Cao Anh Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản