ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 01 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2006 .
Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong không khí Đảng bộ và nhân dân thành phố phấn khởi trước những thành tựu to lớn của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố (2001 – 2005) và thành công của Đại h ội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán cũng là cao điểm của dịch vụ tiêu dùng thực phẩm, trong tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát, đòi hỏi thành phố phải chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và sự lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, đảm bảo Tết vui tươi, an toàn, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
I. THỦ TRƯỞNG CÁC SỞ NGÀNH, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN, HUYỆN THỰC HIỆN TỐT CÁC MẶT CÔNG TÁC SAU ĐÂY:
1. Tăng cường công tác truyền thông cung cấp đủ thông tin cho người dân về các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và vận động người dân chỉ chọn mua, sử dụng thực phẩm của những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ; tuyệt đối không mua, không giết mổ, chế biến và ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc, không còn nguyên trong bao gói, không có nhãn mác đúng quy định. Tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia, thuốc lá, các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ...
2. Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, khách sạn có bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bữa ăn tập thể của đơn vị; thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với bếp ăn, căn tin; chỉ mua thực phẩm hoặc hợp đồng mua các suất ăn sẵn với các cơ sở đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cung ứng các suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, khách sạn ...phải thực hiện đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện ba bước tự kiểm tra: Bước 1: khi nhập nguyên liệu thực phẩm vào kho; bước 2: khi đưa thực phẩm từ kho ra chế biến, nấu nướng và bước 3: trước khi đưa thức ăn ra phục vụ thực khách. Nếu cơ sở có sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm, chỉ được phép mua sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ được mua sản phẩm đã được đóng gói trong bao bì nguyên vẹn, không bị bể, rách, có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định.
4. Các cơ sở kinh doanh thịt và sản phẩm gia cầm tươi sống chỉ được phép kinh doanh sản phẩm đã được đóng gói trong bao bì nguyên vẹn, không bị bể, rách, có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định. Thịt và sản phẩm gia cầm đưa vào kinh doanh phải có nguồn gốc rõ ràng, có hợp đồng cung cấp, có sổ theo dõi đầu vào theo đúng quy định, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Khuyến khích sử dụng tủ bảo quản thực phẩm để bày bán thịt gia cầm tươi sống.
5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở phục vụ tết, nhất là những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh có sử dụng thịt và sản phẩm gia cầm, các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí…Kiên quyết xử phạt những cơ sở vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tịch thu, tiêu hủy thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm quá hạn sử dụng, hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có hóa chất phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
II. P HÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế:
- Chủ trì phối hợp các sở ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội...thực hiện tốt công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm và các hoạt động của chuỗi gia cầm.
- Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, chữa trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do ngộ độc thực phẩm.
- Chủ trì và phối hợp với Sở Thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc ghi nhãn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và sản phẩm gia cầm.
- Tổ chức hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở cung ứng các suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, khách sạn thực hiện ba bước tự kiểm tra trong quá trình cung ứng thực phẩm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp trứng.
- Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng rau xanh lưu thông trên địa bàn thành phố, nguồn rau từ các tỉnh về và tại các chợ đầu mối. Tăng cường giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng và kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản.
3. Sở Thương mại:
- Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc buôn bán, lưu thông các thực phẩm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì, ghi nhãn hàng hóa, các loại thực phẩm giả hoặc không đảm bảo chất lượng. Phối hợp với ngành y tế hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn đối với thịt và sản phẩm gia cầm.
- Chỉ đạo Ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở buôn bán thực phẩm thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với việc kinh doanh thịt và sản phẩm gia cầm.
- Phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống.
4. Sở Công nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp:
- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trực thuộc thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp trực thuộc tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể của cơ sở, đảm bảo chỉ ký hợp đồng mua suất ăn cho công nhân hoặc mua nguyên liệu thực phẩm cho bếp ăn với các cơ sở có đăng ký kinh doanh và đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường học, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc tập thể trong các trường học.
6. Công an thành phố:
- Phối hợp và hỗ trợ các ngành chức năng kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc.
- Tăng cường quản lý trật tự đô thị, xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán kinh doanh thực phẩm trái quy định, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Sở Văn hóa và Thông tin và các Báo, Đài:
Phối hợp thực hiện tốt các hoạt động Thông tin - Giáo dục - Truyền thông phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn.
8. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
- Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt đối với các khu kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, các cơ sở chế biến cung ứng suất ăn sẵn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể trong dịp Tết Nguyên đán.
- Thành lập các đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phục vụ tết, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh thịt và sản phẩm gia cầm. Kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm các quy định.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể, các tổ chức xã hội, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp với các ngành liên quan thông tin hướng dẫn người tiêu dùng chọn lựa và sử dụng thực phẩm an toàn; giám sát phát hiện và thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng những hiện tượng xấu trên thị trường, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân.
10. Tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện căn cứ Chỉ thị này xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội để triển khai thực hiện tốt trong ngành và tại địa phương mình, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 03/2006/CT-UBND về tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2006 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 03/2006/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/01/2006
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/01/2006
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực