Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2006/CT-BXD

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC BỘ XÂY DỰNG

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX; thực hiện các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo sự chỉ đạo của Bộ, năm 2005 và giai đoạn 2001 – 2005, các Tổng công ty, Công ty nhà nước độc lập trực thuộc Bộ đã tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các Công ty thành viên của các Tổng công ty, các Công ty con 100% vốn nhà nước trong mô hình thí điểm Công ty mẹ – Công ty con đã được cổ phần hoá hoặc chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; một số Tổng công ty, Công ty nhà nước độc lập cũng được cổ phần hoá hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Những kết quả của công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ những năm qua đã tạo được những chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức tổ chức quản lý, hoạt động; đã làm rõ được quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2005 và giai đoạn 2001 – 2005 của ngành.

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị : Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty; Tổng giám đốc (Giám đốc) các Công ty nhà nước độc lập trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện những nội dung công việc sau đây :

1. Hoàn thành việc chuyển đổi các Tổng công ty nhà nước sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con trong năm 2006 :

Để thực hiện tốt việc này cần phải :

1.1. Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động về nhu cầu phải đổi mới phương thức tổ chức quản lý và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường; bản chất và cơ chế vận hành của mô hình Công ty mẹ – Công ty con; vị trí, vai trò của Công ty mẹ và của các Công ty con đối với sự phát triển bền vững của toàn bộ tổ hợp Công ty mẹ – Công ty con.

1.2 Rà soát, sắp xếp, kiện toàn về tổ chức, cán bộ của Công ty mẹ (Tổng công ty) phù hợp với vị thế mới, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân trong đơn vị.

1.3. Tổ chức xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ trên cơ sở những quy định của pháp luật và được cụ thể hoá phù hợp với đặc điểm của đơn vị; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các Quy chế, quy định cụ thể tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

1.4. Khẩn trương hoàn thành việc cổ phần hoá các đơn vị trực thuộc theo Quyết định của Bộ. Những đơn vị có khó khăn vướng mắc về tài chính phải sớm có giải pháp khắc phục, trường hợp không cổ phần hoá được phải giải trình rõ lý do và đề xuất, thực hiện các hình thức sắp xếp khác phù hợp với tình hình đặc điểm của từng đơn vị.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hoá :

2.1. Rà soát, xem xét đối với các doanh nghiệp thành viên thuộc danh mục Nhà nước giữ 100% vốn theo Quyết định số 102/2005/QĐ-TTg ngày 12-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ (kể cả các đơn vị đã được chuyển đổi thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên) theo hướng thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc danh mục này trong năm 2006.

2.2. Xây dựng, đề xuất kế hoạch cổ phần hoá trong giai đoạn 2006 – 2007 đối với các Công ty mẹ được chuyển đổi từ các Tổng công ty, các Công ty mẹ được hình thành từ các Công ty độc lập trực thuộc Bộ.

2.3. Xây dựng, báo cáo Bộ kế hoạch bán bớt hoặc bán hết phần vốn Nhà nước tại các đơn vị đã cổ phần hoá mà xét thấy không cần thiết phải nắm giữ cổ phần, cổ phần chi phối nhằm thực hiện cơ cấu hợp lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác, giảm bớt số đầu mối có qui mô nhỏ, hoạt động cùng ngành nghề, cùng địa bàn. Việc giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước có thể được thực hiện thông qua hình thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước và tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần.

2.4. Tổ chức theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp cổ phần hoá, phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường để có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm ý nghĩa, mục tiêu của công tác cổ phần hoá.

3. Chấn chỉnh công tác tổ chức quản lý phần vốn của Tổng công ty (Công ty) tại các doanh nghiệp khác :

3.1. Rà soát lại toàn bộ danh sách, tổ chức đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý của những người được cử làm người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty) tại các doanh nghiệp khác để điều chỉnh kịp thời.

- Kiên quyết xoá bỏ tình trạng cử người mang tính hình thức : cử những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước hoặc không đủ năng lực; cử nhiều người mà không có người được chỉ định chịu trách nhiệm chính; cử những cán bộ, lãnh đạo quản lý, đặc biệt là các thành viên trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc (Giám đốc Công ty) để kiêm nhiệm các chức danh quản lý, điều hành chủ chốt tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty (Công ty).

- Chọn, cử những cán bộ có đủ điều kiện, năng lực, tiêu chuẩn làm người đại diện quản lý phần vốn chi phối của Tổng công ty (Công ty) tại các doanh nghiệp khác; ưu tiên chọn cử những cán bộ đã, đang trực tiếp quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp có phần vốn chi phối của Tổng công ty (Công ty). Những cán bộ này làm việc theo chế độ chuyên trách, gắn trách nhiệm, quyền lợi của họ với hiệu quả quản lý, sử dụng vốn của Tổng công ty (Công ty) mà họ được giao quản lý và với kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trường hợp Tổng công ty (Công ty) nắm ít cổ phần, vốn góp ở các doanh nghiệp khác mà không cử người đại diện phần vốn của mình tại các doanh nghiệp đó thì phải tổ chức theo dõi số vốn đã đầu tư, số lợi tức được chia từ phần vốn này và phân công người thực hiện các quyền của cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tổng công ty (Công ty).

3.2. Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty) tại các doanh nghiệp khác theo các quy định hiện hành của Nhà nước; trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi của người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty) tại các doanh nghiệp này; xác định rõ mối quan hệ trách nhiệm của người đại diện phần vốn với HĐQT, Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng của Tổng công ty (Công ty).

4. Tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và phương thức hoạt động của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Công ty mẹ và các Công ty con.

5. Các đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình tổ chức mới theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Đề án thí điểm cổ phần hóa toàn Tổng công ty của Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Đề án thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng giám đốc tại Tổng công ty Sông Hồng và Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện các bước công việc cụ thể để kịp thời tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm vào cuối năm 2006.

Để thực hiện tốt các công việc nêu trên, HĐQT các Tổng công ty, Giám đốc các Công ty nhà nước độc lập trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng đơn vị, từng đầu việc, gửi báo cáo về Bộ trước ngày 15-4-2006.

Giao Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Xây dựng, các Vụ : Tổ chức cán bộ, Kinh tế tài chính, Kế hoạch thống kê theo chức năng, nhiệm vụ của mình theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện; định kỳ hàng Quý tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện của các đơn vị.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ – Công ty con, Giám đốc các Công ty nhà nước độc lập và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận :
- Thủ tướng CP (để B/cáo);
- Ban Chỉ đạo ĐM & PTDN;
- VPCP (Vụ ĐMDN);
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Công đoàn XDVN;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các Tổng Cty, Cty NN độc lập thuộc Bộ
- Các Cục, Vụ, VP, Thanh tra Bộ;
- Các TV Ban ĐM & PTDN;
- Công báo;
- Lưu VP, TCCB, PC – AV (60).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/2006/CT-BXD về tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 03/2006/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/03/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản