Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC NGOÀI CÔNG LẬP

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y, dược ngoài công lập đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, các cơ sở đã đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực theo hướng đồng bộ, hiện đại và chất lượng. Hệ thống y tế ngoài công lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân; nhiều cơ sở y tế triển khai được các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm với các bệnh viện công lập và bệnh viện trong khu vực, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.

Để thực hiện tốt công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập, phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, Sở, ngành, địa phương; ngày 02/5/2013, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Việc triển khai thực hiện những nội dung của Chỉ thị trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả trong công tác quản lý trên địa bàn Thành phố.

Việc triển khai đồng bộ các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND Thành phố trong những năm qua đã từng bước tăng cường tính kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm và thành tựu đã đạt được còn có những tồn tại trong hoạt động quản lý, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập vẫn có các vi phạm như: hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt, sử dụng nhân sự không đủ điều kiện trong hoạt động hành nghề, thu tiền dịch vụ y tế, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng sai quy định, không đảm bảo quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động.... Cá biệt còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên là: Sự vận động của cơ chế thị trường, một bộ phận cơ sở coi trọng lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cung ứng thuốc; trong khi đó việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ làm đẹp, thói quen tự mua thuốc của người dân còn dễ dãi; công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực còn ít, trong khi số lượng cơ sở hành nghề lớn, địa bàn quản lý rộng.

Ngày 12/9/2022, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 12/9/2022, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về việc thông qua đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 14/10/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về việc phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước yêu cầu của tình hình mới việc bổ sung một số nội dung trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập là hết sức cần thiết nhằm phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi và tránh chồng chéo trong hoạt động quản lý; phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các quyết định, chỉ thị, các văn bản khác về lĩnh vực quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập theo quy định của pháp luật. Ban hành các văn bản hướng dẫn về hành nghề y, dược ngoài công lập theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và của UBND Thành phố.

- Chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các quận, huyện, thị xã và các đơn vị công lập trực thuộc và các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hoạt động trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập; vận động, nâng cao y đức, kiến thức của người hành nghề y, dược.

- Đảm bảo việc cấp chứng chỉ hành nghề y, dược, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập theo các quy định của pháp luật. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép, đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép.

- Thường xuyên nghiên cứu, rà soát quy trình cấp phép hành nghề, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền những nội dung bất cập.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại của các cơ sở; tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm..., các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm; theo thẩm quyền, đề xuất các hình thức xử lý, xử phạt bổ sung phù hợp để tạo tỉnh răn đe, ngăn chặn nguy cơ tái phạm đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

- Tuyên truyền, quán triệt đến toàn bộ cán bộ, viên chức ngành y tế chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập. Giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị công lập trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hành nghề y dược ngoài công lập của nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và đúng quy định.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; Có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa bàn; kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép; tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Huy động các Phòng, Ban, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội tham gia công tác quản lý hoạt động các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành nghề y, dược; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh như: phòng khám đa khoa, cơ sở thẩm mỹ (bao gồm các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các cơ sở dịch vụ làm đẹp...), phòng khám có yếu tố nước ngoài, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, cơ sở kinh doanh dược...; rà soát các hoạt động quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh, trang thiết bị y tế, trang thiết bị chẩn đoán và điều trị, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu…… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề trên địa bàn theo quy định. Tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động.

- Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định pháp luật về hành nghề y dược ngoài công lập để người dân theo dõi, giám sát; nâng cao hiểu biết và ý thức lựa chọn dịch vụ y tế của người dân.

3. Công an Thành phố

- Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở y, dược ngoài công lập đặc biệt là các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Kiểm tra, giám sát hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh đối với người lao động nước ngoài hành nghề trong lĩnh vực y tế. Kịp thời điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Cung cấp thông tin cho Sở Y tế về hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về lĩnh vực y, dược theo quy định của Luật Đầu tư. Cung cấp thông tin cho Sở Y tế, Công an thành phố và UBND quận, huyện, thị xã về hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký Đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của những tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan trên địa bàn để đảm bảo tốt việc phối hợp trong công tác quản lý.

- Thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Nội vụ

- Nghiên cứu xác định nhân lực của Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã, đề xuất với UBND Thành phố nhu cầu điều chỉnh, bổ sung nhân lực để đảm bảo thực hiện công tác quản lý nhà nước về y, dược ngoài công lập.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đề xuất khen thưởng các cơ sở y, dược ngoài công lập thực hiện tốt các quy định và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động, hành nghề y, dược ngoài công lập nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề và người dân Thành phố.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các sản phẩm báo chí, xuất bản và trên môi trường mạng. Xử lý, xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực y tế. Phối hợp, cung cấp thông tin cho Sở Y tế, UBND quận, huyện, thị xã về việc cấp giấy phép lao động cho nước ngoài có địa chỉ cư trú, nơi làm việc, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

8. Các sở, ngành Thành phố

- Theo chức năng, nhiệm vụ nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong hoạt động phối hợp liên ngành với Sở Y tế, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.

- Tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố những giải pháp đê quản lý có hiệu quả hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, đồng thời tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 02/5/2013 của UBND Thành phố về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những nội dung trên, định kỳ báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Các Sở, ngành TP;
- UBND các Q/H/TX;
- CPVP UBND TP;
- Phòng VX,TH;
- Lưu: VT, VX.

CHỦ TỊCH




Trần Sỹ Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2023 về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/02/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Trần Sỹ Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản