Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Bình Dương, ngày 23 tháng 02 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Trong những năm gần đây, hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể. Sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp của các ngành, các cấp; sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng vào hoạt động sở hữu trí tuệ đã góp phần từng bước tạo môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế, bảo vệ thành quả sáng tạo của các chủ sở hữu đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, nhận thức về giá trị tài sản trí tuệ, ý thức tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế; việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay còn bất cập; tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ theo pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

I. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động văn hóa, thông tin, in ấn, xuất bản các ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo và các hình thức khác nhằm quán triệt và thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động của các ngành, các cấp, đoàn thể, các tổ chức sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết;

2. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi thẩm quyền và chức năng quản lý của đơn vị mình. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quyền, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, duy trì môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư và các doanh nghiệp phát triển;

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

II. Ngoài trách nhiệm chung nêu trên, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp;

b) Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho những hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

c) Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu;

d) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan hữu quan của Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

a) Trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

b) Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân xác lập quyền đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

c) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan hữu quan của Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng;

b) Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhân dân xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng. Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chuyên môn xác định các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng chính sách sản xuất, kinh doanh gắn liền với việc xác lập, khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ (chú trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, các sản phẩm đang xuất khẩu hoặc sẽ xuất khẩu);

d) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan hữu quan của Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng;

đ) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quyền đối với giống cây trồng; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quyền đối với giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tổ chức thực hiện các quy định và biện pháp bảo hộ quyền hợp pháp về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; bản quyền và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; quyền sở hữu trí tuệ thuộc các lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh;

b) Phối hợp với cơ quan đầu mối, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan liên quan giải quyết các vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ của các chủ thể sử dụng tên miền xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ, các vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trên các trang thông tin điện tử.

5. Sở Công Thương:

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chuyên môn xác định các loại đặc sản, các sản phẩm có tiềm năng của địa phương, các quy trình sản xuất sản phẩm đặc sản mang tính truyền thống văn hóa của các làng nghề, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch duy trì và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống của địa phương phát triển;

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường trên cơ sở các quy định của pháp luật, thực hiện kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và áp dụng các các biện pháp xử lý theo thẩm quyền;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra, giải quyết các vụ việc có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tăng cường việc quản lý, hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, để bảo đảm không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ;

b) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và các biện pháp khắc phục hậu quả; Thực hiện trình tự, thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên thương mại; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

7. Công an tỉnh:

a) Trên cơ sở các quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kịp thời phát hiện đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm xảy ra theo đúng quy định pháp luật;

b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ.

8. Cục Hải quan tỉnh:

Chủ trì, phối hợp thực hiện quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

9. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao năng lực hoạt động, phát triển tài sản trí tuệ.

10. Các Sở, Ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phổ biến cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý nâng cao nhận thức về hoạt động sở hữu trí tuệ.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đoàn thể liên quan phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kiến thức và văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến địa phương thuộc các chương trình, đề án, dự án về hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh; xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền và phối hợp với các Sở, Ban, ngành đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án phát triển tài sản trí tuệ hình thành trên địa bàn quản lý;

b) Đảm bảo việc sử dụng tên thương mại của các tổ chức không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu khác trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật sở hữu trí tuệ cho cán bộ, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, tìm hiểu, chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;

d) Rà soát, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông, lâm sản, đặc sản của địa phương;

đ) Phối hợp với cơ quan đầu mối, Sở, Ban, ngành trong việc thanh tra, kiểm tra về sở hữu trí tuệ trên địa bàn quản lý.

13. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan truyền thông của địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, thực thi quyền về sở hữu trí tuệ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

14. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh:

a) Nâng cao nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ; chủ động xác lập quyền ở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm có cơ hội hội hập kinh tế quốc tế và khu vực; bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ và chủ động xây dựng kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của mình;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền và ích hợp pháp về sở hữu trí tuệ của đơn vị;

c) Tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

III. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố định kỳ 6 tháng (chậm nhất ngày 20/6) hàng năm (chậm nhất ngày 20/12) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ KHCN;
- TT.TU, TT.HĐND, TT.Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban TGTU;
- Các Sở, Ban, ngành (20);
- CA tỉnh; Cục Hải quan tỉnh;
- Các Đoàn thể tỉnh (6);
- Đài PTTH, Báo BD, Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp tỉnh;
- LĐVP (Lượng, Huy), Dg, CV, TH;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Đặng Minh Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản