Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND | Quảng Ngãi, ngày 01 tháng 3 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA PHÁT SINH VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa phát sinh và đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, như: Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 31/7/2010 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án: Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 09/9/2010 và các Công văn: số 12/UBND-NC ngày 05/01/2011, số 2935/UBND-NC ngày 19/10/2011 chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã đạt được kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục gia tăng, tồn đọng còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai (chiếm trên 70% vụ việc phát sinh); tỉ lệ giải quyết đạt thấp so với mục tiêu đề ra hàng năm và so với bình quân chung của cả nước; giải quyết vụ việc thường kéo dài quá thời hạn, không dứt điểm; tình trạng khiếu nại vượt cấp, tiếp khiếu vẫn còn số lượng lớn; một số người đứng đầu cơ quan hành chính trong tỉnh chưa trực tiếp tiếp công dân, đối thoại với dân trước khi ban hành quyết định giải quyết; nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật, chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc, để kéo dài nhiều năm.
Tình trạng xác định sai quan hệ pháp luật, thẩm quyền, thủ tục giải quyết còn diễn ra ở nhiều địa phương nên dẫn đến hướng dẫn công dân lòng vòng, gây bức xúc cho người dân; một số quyết định giải quyết của cấp huyện phải hủy bỏ vì giải quyết sai, không rõ quan hệ pháp luật hoặc thụ lý giải quyết vụ việc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế, chưa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chưa tăng cường đúng mức; phẩm chất, năng lực của đội ngũ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỷ cương, kỷ luật hành chính bị buông lỏng.
Để thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 (thay thế cho Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành), Đề án: Đổi mới tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo: số 32/TB-VPCP ngày 04/02/2012, số 43/TB-VPCP ngày 10/02/2012, đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 18/HĐND-VP ngày 07/02/2012 và nhằm đảm bảo mục tiêu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 90% số vụ việc mới phát sinh và 85% số vụ việc dây dưa tồn đọng, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo:
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đang có nhiều khiếu nại, tố cáo và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khiếu nại, tố cáo đó là: Đất đai, môi trường và chính sách xã hội (bao gồm chính sách người có công, chính sách với người nghèo và các khoản hỗ trợ an sinh xã hội khác).
- Đối với lĩnh vực đất đai, cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ quản lý đất đai, đồng thời với việc nâng cao trách nhiệm quản lý, thực thi công vụ của công chức địa chính, Chủ tịch UBND cấp xã và Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Trước mắt, phải khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục tổ chức thực hiện Công văn số 2808/UBND-NC ngày 24/9/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh "về việc thực hiện công tác phòng ngừa phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai", trong đó tập trung chỉ đạo cấp xã củng cố hồ sơ địa chính và quản lý chặt chẽ quỹ đất do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, bao gồm: Quỹ đất công ích, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng bằng việc pháp lý hóa, công khai hóa. UBND cấp huyện phải xác định thời hạn hoàn thành và kiểm tra, công nhận cho từng xã.
Nâng cao trách nhiệm, giám sát chặt chẽ việc xác nhận thông tin liên quan đến đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã đối với những trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ theo khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bên cạnh yêu cầu đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật, còn phải chấp hành nghiêm túc, chặt chẽ về trình tự, thủ tục hành chính và yêu cầu công khai theo đúng quy định; người bị thu hồi đất phải được biết chủ trương thu hồi đất; nhận được quyết định thu hồi đất, biên bản kiểm kê khối lượng đất đai, tài sản gắn liền với đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được tiến hành khi thực sự cần thiết, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục, thuyết phục, động viên mà không có hiệu quả; đã rà soát, kiểm tra chặt chẽ về mặt pháp lý và đặc biệt là lãnh đạo UBND cấp huyện phải trực tiếp tiếp và đối thoại công khai với người bị thu hồi đất, cần cưỡng chế về những nội dung họ còn thắc mắc, khiếu nại.
- Đối với lĩnh vực môi trường, phải tiến hành thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm đối với các chủ đầu tư, các doanh nghiệp về các nội dung cam kết thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường đã được thẩm định, phê duyệt, công bố. Khi phát sinh ra sự cố về môi trường hoặc có phản ánh của người dân thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải có mặt kịp thời ở hiện trường xem xét, gặp gỡ người bị thiệt hại và chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; những trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh.
- Đối với lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, phải đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng; vai trò của chính quyền cấp xã và trưởng thôn rất quan trọng trong quá trình đảm bảo tính chính xác trong thực hiện chính sách xã hội, nhưng năng lực của cán bộ cấp xã phần lớn còn hạn chế, nên cấp huyện phải tăng cường chỉ đạo việc hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên; chỉ đạo tốt việc niêm yết thường xuyên danh sách các đối tượng đã, đang và sẽ được hưởng chính sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt thôn, tổ dân phố để nhân dân giám sát trực tiếp; kịp thời xác minh, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Thực hành tốt yêu cầu công khai dân chủ theo đúng quy định của Pháp lệnh Thực hành dân chủ ở xã, tạo điều kiện cho Thanh tra nhân dân phát huy đầy đủ vai trò, thực hiện giám sát trong suốt quá trình thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; kiên quyết chống mọi biểu hiện dân chủ hình thức.
Tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công bố, niêm yết công khai và chấp hành thực hiện bộ thủ tục hành chính giải quyết công việc của công dân, doanh nghiệp ở cấp xã, cấp huyện.
Thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính.
Công khai các kết luận và quyết định xử lý đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, vụ việc vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cho nhân dân biết.
c) Quán triệt sâu sắc những điểm mới của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho cán bộ, công chức và nhân dân; chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện nghiêm túc ngay từ ngày đầu có hiệu lực; tiếp tục tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật đất đai, nhất là những quy định được sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện đa dạng về hình thức tuyên truyền và chất lượng tuyên truyền pháp luật, chú trọng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua hoạt động giải quyết vụ việc cụ thể ở địa phương.
2. Về tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 09/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có kế hoạch cụ thể tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài thuộc trách nhiệm, thẩm quyền theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ.
Từng ngành và địa phương phải đề ra chỉ tiêu và biện pháp cụ thể về số lượng, chất lượng và tỉ lệ giải quyết vụ việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
b) Quán triệt kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp dân tại Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 04/02/2012 của Văn phòng Chính phủ; tổ chức thực hiện
Đề án: Đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể hóa tại Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 31/7/2010 và các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện; Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã phải bố trí thời gian hợp lý để trực tiếp tiếp công dân.
Phải bố trí cán bộ tiếp công dân chuyên trách đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức để làm tốt công tác tiếp công dân theo đúng Đề án.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho nơi tiếp công dân của UBND huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu khang trang, thuận tiện cho nhân dân.
c) Tổ chức thực hiện quyết định giải quyết, văn bản chỉ đạo xử lý có hiệu lực thi hành:
Tiến hành rà soát, hệ thống, lập danh mục đầy đủ các vụ việc thuộc trách nhiệm thực hiện; phân loại đánh giá nguyên nhân tồn đọng, vướng mắc, tính chất, mức độ phức tạp, tính khả thi, chấp hành của công dân, người có liên quan đối với từng vụ việc, đề ra biện pháp thích ứng và có kế hoạch cụ thể về thời hạn thực hiện. Những vụ việc người có thẩm quyền đã rà soát kết luận, khẳng định việc giải quyết là đúng chính sách, pháp luật thì phải có kế hoạch cụ thể về thời gian, tổ chức lực lượng kiên quyết tổ chức thi hành. Trường hợp vướng mắc, không có tính khả thi UBND huyện, thành phố phải báo cáo, thỉnh thị ý kiến chỉ đạo cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Về thực hiện thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật:
- Việc xác định thẩm quyền, thực hiện trình tự, thủ tục thụ lý, thẩm tra, xác minh, giải quyết khiếu nại về đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết các kiến nghị về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần chú ý: Trước khi thụ lý cần xác định rõ việc, đúng mối quan hệ cần giải quyết, tránh tình trạng giải quyết sai quan hệ pháp luật, cần nghiên cứu Công văn số 2935/UBND-NC ngày 19/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Công văn số 10/TTT-XKT ngày 06/01/2009 của Thanh tra tỉnh hướng dẫn một số điểm trong công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.
Để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính đúng quy định pháp luật đất đai, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn khi giải quyết tranh chấp đất đai phải tiến hành hòa giải theo đúng quy định của pháp luật đất đai và thành lập "Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai" đúng thành phần theo đúng quy định.
Không được thụ lý khiếu nại khi chưa làm rõ đối tượng bị khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính cụ thể; không được thụ lý khiếu nại khi thời hiệu khiếu nại đã hết. Việc yêu cầu xem xét lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất đã cấp trước đây có dấu hiệu không đúng pháp luật mà không còn thời hiệu khiếu nại thì xem xét theo thủ tục, thẩm quyền quy định tại Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND huyện, thành phố được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong quá trình xem xét phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để trao đổi, thống nhất biện pháp, phương án giải quyết, nội dung giải quyết vụ việc phải sát đúng với thực tiễn, đảm bảo có lý, có tình, có tính khả thi trong thực tế để chấm dứt khiếu nại.
- Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải tiến hành đối thoại với người khiếu nại, trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này.
Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp báo cáo tình hình, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2012 chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 2Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Hà Giang ban hành
- 3Chỉ thị 05/2012/CT-UBND chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007
- 2Luật Đất đai 2003
- 3Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- 4Quyết định 858/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 1474/CT-TTg năm 2011 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật khiếu nại 2011
- 7Luật tố cáo 2011
- 8Thông báo 32/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 43/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2012 chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 11Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Hà Giang ban hành
- 12Chỉ thị 05/2012/CT-UBND chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2012 về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh và giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- Số hiệu: 02/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/03/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Cao Khoa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra