Hệ thống pháp luật

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
UBND QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/1999/CT-UB

Phú Nhuận, ngày 02 tháng 7 năm 1999.

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Tiếp tục thực hiện chỉ thị 237/TTG ngày 19-04-1996 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 22/CT-UB-NCVX ngày 07-06-1996 của UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp PCCC, Quyết định 369/TTG ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 4/10 hàng năm là “ngày phòng cháy chữa cháy toàn dân”.

Căn cứ công văn số 4431/CV-UB ngày 12-11-1998 của UBND Thành phố chỉ đạo triển khai Quyết định 230/1998/QĐ-BNV (C11) ngày 21-4-1998 của Bộ Công an ban hành "Quy định chế độ huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC quần chúng" và chỉ đạo của C23/Bộ Công an về việc triển khai thực hiện quan điểm lấy dân làm gốc với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác PCCC ở các chợ và khu vực dân cư.

Để triển khai thực hiện các quy định trên, UBND Quận Phú Nhuận chỉ đạo:

1- Công tác tuyên truyền:

- Các ngành, đoàn thể tăng cường phát động phong trào PCCC sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC, thấy rõ được lợi ích thiết thực của việc PCCC là nghĩa vụ của các cấp, các ngành và của mỗi công dân. Đồng thời tiến hành ngay các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, thực hiện nghiêm chỉnh những chủ trương, biện pháp trong Chỉ thị 237/TTG của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị số 22/CT-UB-NCVX của UBND Thành phố và những nội dung công tác PCCC mà UBND Quận đã đề ra. Phấn đấu hạn chế xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

- Trong công tác vận động tuyên truyền, phải quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và "An toàn PCCC cho mọi nhà và cho cộng đồng". Đây là vấn đề có tính hệ thống hóa các mặt công tác xây dựng phong trào quần chúng PCCC đã thực hiện lâu nay. Do đó các ngành, khi thực hiện phải có kế hoạch thực hiện chu đáo, có chiều sâu, nội dung phù hợp để đưa công tác PCCC vào thực tế cuộc sống nhằm nâng cao ý thức của người dân, của CB-CNV tự giác….

Việc vận dụng tư tưởng lấy dân làm gốc trong công tác PCCC phải được triển khai thực hiện từng nội dung như tổ chức họp dân để phổ biến các văn bản cần thiết về PCCC để dân biết thực hiện; dân bàn những vấn đề chính mà thực tế ở địa phương cần làm, biện pháp phòng ngừa, trách nhiệm của mọi người, xây dựng lực lượng tại chỗ, trang thiết bị, nguồn kinh phí; dân làm những việc trên cơ sở dân biết, dân bàn mà trực tiếp là cam kết thực hiện quy ước PCCC, đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị PCCC, giúp các hộ nghèo cải tạo đường lưới điện, bố trí bà con buôn bán ở các hẻm, chợ, nơi công cộng; dân kiểm tra là kiểm tra những nội dung dân đã bàn, đã làm về các việc sử dụng kinh phí, việc chấp hành PCCC chung và những việc tồn tại tiếp tục làm, nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt công tác PCCC...

2- Xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ:

- Các ban ngành đoàn thể, cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp phải tổ chức cho được lực lượng PCCC tại chỗ. Có kế hoạch, phương án PCCC cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở mỗi đơn vị, cơ sở mình.

- Ủy ban nhân dân 15 Phường tiến hành kiểm tra, rà soát, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, chú ý tuyển chọn những công dân thường có mặt tại địa phương vào lực lượng chuyên trách để vừa làm công tác PCCC và tuần tra canh gác giữ gìn trật tự ở địa bàn, hoạt động phải có hiệu quả, kịp thời dập tắt được đám cháy xảy ra, không để cháy lan. Đầu tư về phương tiện chữa cháy tại chỗ, củng cố và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật chữa cháy cho đội ngũ bảo vệ, lực lượng PCCC nghĩa vụ - dân phòng; thường xuyên luyện tập, học tập phương án chữa cháy tại chỗ; bố trí lực lượng và phương tiện thích hợp bảo đảm khi xảy ra cháy là tổ chức cứu chữa được ngay.

- Công an Quận phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp tổ chức triển khai hướng dẫn nội dung quy định chế độ huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC quần chúng thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn Quận.

3- Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC:

- UBND 15 Phường tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt quy định an toàn PCCC; cần khẩn trương khảo sát, báo cáo những khu vực có khả năng dễ xảy ra cháy, điều kiện chữa cháy khó khăn có kế hoạch đề xuất với Phòng Quản lý Đô thị, UBND Quận ra quyết định giải tỏa các con hẻm nhỏ, nhà xây cất lấn chiếm để tạo thuận lợi cho công tác PCCC. Phối hợp với Ngành điện lực, Công ty Cấp nước sửa chữa, thay thế một số họng nước, dây tải điện quá cũ, cải tạo mạng lưới điện chằng chịt, câu mốc không đảm bảo an toàn khi sử dụng, tăng áp lực nguồn nước để có đủ nước sử dụng cho sinh hoạt và dự trữ nước chữa cháy.

- Các đơn vị, cơ sở phải tự kiểm tra và phối hợp với Công an Quận, lực lượng PCCC chuyên nghiệp kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại đơn vị cơ sở, khu dân cư thuộc quyền quản lý; đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nội dung Chỉ thị 406/TTG của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị số 44/CT của UBND Thành phố về cấm sản xuất kinh doanh, tàng trữ và đốt pháo; tập trung kiểm tra vào các ngày cao điểm, lễ, Tết, nội dung chính cần tập trung:

+ Kiểm tra an toàn PCCC, kiểm tra số lượng và chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC nghĩa vụ và dân phòng.

+ Kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, phương án và xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ ở 15 phường, tại các doanh nghiệp, cơ sở trọng điểm và các khu dân cư để xảy ra cháy, nổ ... Qua đó hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn PCCC tại cơ sở, đặc biệt chú ý tới các cơ số trọng điểm, khu dân cư, chợ và các cơ sở dễ xảy ra cháy.

+ Kiểm tra toàn bộ dụng cụ, tính hiệu quả của các loại phương tiện, thiết bị chữa cháy đã được trang bị để nắm rõ số lượng, tình trạng tốt xấu và có kế hoạch sửa chữa, bổ sung thay thế.

+ Kiểm tra nắm lại toàn bộ tình hình nguồn nước, họng cấp nước chữa cháy để phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp có kế hoạch lắp trụ nước phục vụ cho công tác chữa cháy. Đề xuất biện pháp xử lý các biện pháp lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở cho việc thoát nạn, di chuyển tài sản và cho công tác chữa cháy.

- Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị, cần chỉ đạo kiểm tra, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ trong cơ quan, đơn vị mình trở thành nề nếp, khắc phục ngay những sơ hở, sai phạm về an toàn PCCC. Định kỳ hàng quý, 6 tháng phải báo cáo công tác PCCC tại đơn vị, cơ sở mình. Những cơ quan, đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo bị trừ điểm thi đua. Nếu vi phạm an toàn PCCC để xảy ra cháy nổ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

4- Phân công trách nhiệm:

- Để việc tổ chức thực hiện được thống nhất, giao cho Công an Quận chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực công tác PCCC ở các cơ sở, đơn vị trên địa bàn Quận; phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tổ chức Hội thao cấp cơ sở và Quận; tuyển chọn đội đại biểu của Quận đi dự Hội thao cấp Thành phố; tham mưu giúp Ban chỉ đạo PCCC Quận tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 237/CT của Thủ tướng Chính phủ và các hoạt động kỷ niệm 38 năm ngày ban hành Pháp lệnh PCCC (4/10/1961 - 4/10/1999).

- Phòng VHTT, UBND 15 Phường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chứng nhân dân để mọi người nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác PCCC, thường xuyên phản ánh đưa tin về các hoạt động PCCC, gương người tốt việc tốt, kịp thời biểu đương khen thưởng.

- Công an Quận phối hợp Phòng Kinh tế kiểm tra các cơ sở SXKD, đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.

- Ban ngành đoàn thể, UBND 15 Phường, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế - xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ở đơn vị cơ sở mình, củng cố lại lực lượng, phương án PCCC và các phương tiện chữa cháy được trang bị, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp an toàn PCCC theo kế hoạch của Ban chỉ đạo PCCC Quận.

5- Tổ chức thực hiện:

Để thực tốt các nội dung trên, tập trung các bước thực hiện như sau:

- Củng cố lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ. Ban chỉ đạo Quận có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp PCCC cho các đơn vị cơ sở, thời gian thực hiện đến cuối tháng 7/1999.

- Tổ chức hội thao kỹ thuật PCCC cấp cơ sở, hội thao cấp Quận thời gian thực hiện trong tháng 8/1999. Các môn hội thao, Ban chỉ đạo có hướng dẫn riêng.

- Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị 237/CT của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện trong tháng 9/1999.

- Thành lập đội tuyển đại diện Quận dự hội thao PCCC cấp Thành phố vào tháng 10/1999.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, các ngành, có kế hoạch tổ chức thực hiện. Kế hoạch gởi về Thường trực Ban chỉ đạo PCCC Quận (CA Quận). Quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo để được hướng dẫn, giải quyết.

 


Nơi gửi
:
- TT.QU, TT.HĐND/TT.UBND
- PC23/CATP.
- các ngành, đoàn thể.
- UBND 15 Phường.
- Lưu - VP.

TM. UBND QUẬN PHÚ NHUẬN
Q. CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/1999/CT-UB về tăng cường biện pháp thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 02/1999/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/07/1999
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/07/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 19/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản