Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-BYT | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ BỆNH TRUYỀN QUA THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN MÃO 2011
Trong thời gian qua, tình hình an toàn thực phẩm đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở một số địa phương. Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm như kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc rõ ràng, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm không an toàn, hàng nhập lậu; Chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm, rượu pha chế từ cồn công nghiệp … đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là vào dịp trước và trong tết Nguyên đán Tân Mão 2011.
Để chủ động và tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:
1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các Sở ngành khác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong toàn bộ các khâu từ nuôi trồng, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.
b) Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe và các đơn vị y tế chức năng tuyến huyện/quận và xã/phường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác truyền thông; chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, xử lý khắc phục nhanh chóng hậu quả ngộ độc thực phẩm.
c) Phối hợp với các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành trong tỉnh thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kiên quyết xử lý những sản phẩm không rõ nguồn gốc, các đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
d) Chỉ đạo các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu để kịp thời điều trị và xử lý có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
đ) Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Chi cục An toàn vệ sinh các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công.
b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; hướng dẫn cho người tiêu dùng không lạm dụng và sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm tươi sống không qua chế biến, không ăn tiết canh, gỏi …
c) Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại địa phương, tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phục vụ Tết trên địa bàn.
d) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chủ động phát hiện mối nguy ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở địa phương.
3. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh và y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia có trách nhiệm:
a) Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát phát hiện nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn phụ trách. Hỗ trợ các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong công tác kiểm nghiệm, điều tra, xử lý khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
b) Tham gia công tác tuyên truyền và hướng dẫn về an toàn thực phẩm cho cộng đồng, đặc biệt các vấn đề có tính chuyên môn, khoa học về an toàn thực phẩm.
c) Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch và đột xuất về an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.
b) Là đầu mối chỉ đạo triển khai Kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán và tổng hợp các báo cáo trình Lãnh đạo Bộ Y tế.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, các địa phương tăng cường tuyên truyền và triển khai các biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng thông điệp truyền thông, biên tập tin, phóng sự, chuyên đề và phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức phát thông điệp, đưa tin bài, phóng sự, chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng.
5. Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm phát hiện đầy đủ và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
b) Tham gia các đoàn thanh tra liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm.
6. Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh liên quan đến thực phẩm.
b) Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng phương tiện, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, thành lập bộ phận thường trực chuyên môn phối hợp với các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong việc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm khi xảy ra trong cộng đồng.
c) Tham gia các đoàn thanh tra liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị y tế ngành tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục an toàn vệ sinh thực phẩm).
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 4462/BYT-ATTP năm 2013 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 518/BYT-BM-TE năm 2016 về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 3113/BYT-ATTP năm 2024 về tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 1Quyết định 01/2006/QĐ-BYT Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 4462/BYT-ATTP năm 2013 về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 518/BYT-BM-TE năm 2016 về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Bộ Y tế ban hành
- 4Công văn 3113/BYT-ATTP năm 2024 về tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
Chỉ thị 01/CT-BYT năm 2011 về tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 01/CT-BYT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/01/2011
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra