Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2012/CT-UBND

Nghệ An, ngày 05 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG VÀ VÙNG NUÔI TÔM MẶN, LỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua có bước phát triển khá, đặc biệt là nuôi tôm mặn, lợ, sản lượng tôm nuôi hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra và chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng sản lượng nuôi trồng. Nhiều mô hình nuôi đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống của một bộ phận không nhỏ ngư dân ven biển.

Bên cạnh, những kết quả đạt được nghề nuôi tôm mặn, lợ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như thả con giống chất lượng kém không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kiểm định chất lượng, không ương gièo trước khi thả nuôi, công tác cải tạo ao đầm, vệ sinh môi trường của một số hộ nuôi chưa nghiêm túc dẫn đến dịch bệnh vẫn xảy ra hàng năm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Để khắc phục những tồn tại trên nhằm đảm bảo quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và người nuôi tôm mặn, lợ phát triển theo hướng bền vững, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu giúp UBND tỉnh về các giải pháp chỉ đạo trong công tác quản lý tôm giống và vùng nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình công tác giống và nuôi trồng thuỷ sản, báo cáo về UBND tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ngành liên quan ban hành chỉ đạo thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm mặn, lợ; Xây dựng kế hoạch sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm mặn, lợ và chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi tại địa phương theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững.

c) Tuyên truyền, phổ biến các Nghị định của Chính phủ, quyết định của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng cục Thủy sản, UBND tỉnh về công tác quản lý chất lượng con giống, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam (VietGAP).

d) Chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản: Triển khai và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt lịch thời vụ đã ban hành; Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trong việc chấp hành các quy định của nhà nước; Kiểm định chất lượng đàn tôm bố mẹ trước khi đưa vào sinh sản, quản lý chất lượng tôm giống sản xuất, lưu thông trên địa bàn, đặc biệt đối với tôm giống nhập từ ngoài tỉnh về kiên quyết yêu cầu chủ cơ sở ương nuôi, kinh doanh giống phải ương gièo tại chỗ ít nhất 2 ngày; Kiểm tra, giám sát vùng nuôi, hướng dẫn các hộ nuôi thực hành nuôi trồng thuỷ sản theo quy trình (VietGAP); Hướng dẫn người nuôi tôm mặn, lợ và cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống quản lý chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.

e) Chỉ đạo Chi cục Thú y: Tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết xử lý hủy bỏ những lô tôm giống không kiểm dịch hoặc kết quả kiểm dịch bị nhiễm bệnh virus như đốm trắng, taura…; hướng dẫn công tác phòng tránh dịch bệnh và có biện pháp dập dịch khi dịch bệnh xảy ra. Khi tôm nuôi xẩy ra bệnh virus như đốm trắng, taura… thì phối hợp với các ngành, các địa phương chỉ đạo ngăn chặn kịp thời, không để bệnh tôm lây lan ra diện rộng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương kiểm tra và hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống và nuôi tôm mặn, lợ giải pháp xử lý nước thải, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm phục vụ nuôi trồng thuỷ sản nhằm tránh tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển; Xử lý các trường hợp vi phạm về việc xả nước thải trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm mặn lợ chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

3. Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính

Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản và thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản, ưu tiên vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở vùng sản xuất tôm giống và nuôi tôm mặn, lợ.

4. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương và giải pháp phát triển của Ngành, lịch thời vụ nuôi, kết quả quan trắc môi trường, dư lượng các chất kháng sinh và độc hại trong nuôi tôm… trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai nghiêm túc lịch thời vụ đã được ban hành.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định về nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

c) Chỉ đạo phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, UBND các xã có diện tích nuôi tôm mặn, lợ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng đất và diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch đã được phê duyệt; hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt lịch thời vụ; thành lập, củng cố và phát triển các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương án đã phê duyệt. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, người nuôi tôm không chấp hành cần có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.

6. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nuôi trồng thủy sản

* Cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống

a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về: đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, thực hiện việc công bố chất lượng, khai báo kiểm dịch, kiểm định khi mua tôm bố mẹ, tôm giống trước khi xuất bán và đóng đầy đủ phí, lệ phí theo quy định.

b) Các cơ sở kinh doanh tôm giống phải hợp đồng với các công ty sản xuất tôm giống đã có chất lượng và uy tín, khi nhập về phải thuần dưỡng tại cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn ít nhất 2 ngày nhằm quản lý tỷ lệ sống, sức khỏe và tôm giống đạt kích cỡ P12 - P15 mới xuất bán.

c) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không chấp hành những quy định trên thì sẽ bị đình chỉ và xử lý theo quy định hiện hành.

* Cơ sở nuôi tôm mặn, lợ

a) Các cơ sở nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo quy định của ngành về lịch thời vụ, mật độ thả giống và kỹ thuật nuôi.

b) Các hộ mua giống thả phải được kiểm dịch, kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng. Nếu các hộ mua giống tại các cơ sở không tuân thủ các quy định của Nhà nước, nếu để xẩy ra thiệt hại sẽ không được Nhà nước hỗ trợ mà còn phải chịu xử lý theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/2012/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và vùng nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 01/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản