ỦY BAN DÂN TỘC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006 |
BÁO CÁO TỔNG KẾT
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG NÔNG DÂN CÁC DÂN TỘC PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 1999-2005
Nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác vận động nông dân các dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 21/05/1999 Ủy ban Dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp số 500/CTPH về “phối hợp hoạt động đẩy mạnh công tác vận động nông dân các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi” giai đoạn 1999-2005 với các nhiệm vụ chính sau:
1- Phối hợp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nông dân các dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các kinh nghiệm và điển hình về sản xuất giỏi nhằm nâng cao nhận thức phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi.
2- Phối hợp xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho các xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
3- Phối hợp vận động nông dân các dân tộc thi đua sản xuất, tham gia tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Sau 7 năm thực hiện, Chương trình phối hợp đã đạt được những kết quả nhất định. Để đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, xác định những tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời xây dựng nội dung, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phối hợp trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc và TW Hội Nông dân Việt Nam tổng kết thực hiện Chương trình như sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Ở Trung ương:
Nhận rõ ý nghĩa và tác dụng to lớn của chương trình nên ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng văn bản hướng dẫn Ban Dân tộc và Hội Nông dân các tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp; phân công Vụ Chính sách Dân tộc và Ban Dân tộc – miền núi làm cơ quan thường trực, giúp Lãnh đạo hai cơ quan theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở cơ sở.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương báo cáo kết quả thực hiện. Định kỳ hàng năm, hai bên tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch chỉ đạo hoạt động năm sau; thường xuyên phối hợp kiểm tra liên ngành đối với cơ sở. Đồng thời, từng cơ quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, chú trọng lồng ghép nội dung của chương trình với các chương trình phối hợp khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giúp nông dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Ở địa phương:
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của Chương trình phối hợp, hướng dẫn Liên tịch của cơ quan Trung ương; căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, Ban Dân tộc và Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động giữa hai ngành, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Chương trình phối hợp.
Hội Nông dân các tỉnh phổ biến quán triệt đến cán bộ Hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt nội dung, mục tiêu chương trình đề ra
Hàng năm các địa phương đều sơ kết rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung, biện pháp hoạt động năm sau và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; tuyên truyền phổ biến các mô hình nông dân sản xuất giỏi, kinh nghiệm tốt ở địa phương, nên đã thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
1. Công tác tuyên truyền:
Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước hai ngành đã tổ chức phối hợp các hoat động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân các dân tộc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là các chủ trương chính sách về công tác dân tộc và phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc, miền núi như: Nghi quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa IX) “về công tác dân tộc”, Chương trình 135, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ gắn với các Nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc, miền núi của các địa phương.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến như: Hai ngành phối hợp in ấn các tài liệu về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đưa xuống cơ sở; phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình của tỉnh xây dựng các chương trình phát thanh, phim phóng sự để phổ biến, tuyên truyền thông qua các công trình được đầu tư xây dựng, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, những gương “người tốt, việc tốt” của nông dân các dân tộc. Đặc biệt thông qua hình tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ nông dân, các thôn bản các cụm dân cư… lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Giáo dục truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn, cùng nhau thực hiện tốt qui ước thôn bản, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa. Phân tích cho đồng bào hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa từ đó làm rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực chống phá Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Các địa phương đã căn cứ đặc điểm truyền thống văn hóa của từng vùng, từng tộc người để có các hình thức tuyên truyền phù hợp. Cụ thể như:
Tỉnh Bình thuận, Ban dân tộc đã phối hợp với Hội nông dân tổ chức tuyên truyền các chính sách, pháp luật thông quan kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các cuộc thi hội diễn văn nghệ, thể thao tết Katê, Ramưwan cho đồng bào Chăm, tết Đầu lúa cho đồng bào dân tộc K’Ho, Rắc lây… Ban Dân tộc và Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí cho hơn 1.000 lượt nông dân các dân tộc thiểu số. Tỉnh Cao Bằng đã tổ chức vận động gần 7.200 đồng bào dân tộc H’Mông, Dao thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa, phát 2.500 tờ gấp, 26 băng video phổ biến khoa học ký thuật về trồng trọt, chăn nuôi bằng tiếng H’Mông…
Nhìn chung công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức của dồng bào các dân tộc về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ ta, động viên cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường dân tộc, vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc:
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, 2 cơ quan đã phối hợp mở các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc; các chuyên đề về công tác định canh, định cư, công tác tôn giáo, chống di cư tự do, Chương trình 135, Chương trình 134, xây dựng các mô hình xã điểm; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo cho các trưởng thôn, bản, trưởng ngành các xã.
Sau 7 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các địa phương tổ chức được 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 1.560 cán bộ hội Nông dân các cấp làm công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó có 49 cán bộ Hội cấp tỉnh, 306 cán bộ Hội cấp huyện, 1.205 cán bộ Hội cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra 2 cơ quan còn phối hợp tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về pháp luật, bảo vệ môi trường cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở.
Ở địa phương, các cấp Hội rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ Hội cấp cơ sở nhằm để trang bị nghiệp vụ công tác Hội, nhất là kiến thức, kỹ năng vận động nông dân cho cán bộ Hội. Theo báo cáo của Hội Nông dân các tỉnh vùng dân tộc và miền núi, riêng năm 2004: cấp tỉnh đã mở được 154 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 10.967 cán bộ; cấp huyện mở được 546 lớp tập huấn cho 39.312 lượt cán bộ Hội ở cơ sở.
Công tác phối hợp đào tạo, tập huấn cán bộ cơ sở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc của hai ngành đã góp phần tạo một bước chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ cơ sở đối với các chương trình được đầu tư tại xã, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của họ vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến, công sức và vận động bà con tham gia đóng góp, giám sát các công trình dược đầu tư tại xã, giúp cho chương trình đầu tư mang lạ lợi ích cao nhất, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân. Khi hiểu rõ và nắm được chính sách, các cán bộ cơ sở đã tích cực phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân hiểu và tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước, của đại phương chống được âm mưu chia rẽ khối “đại đoàn kết dân tộc” của các thế lực thù địch.
3. Công tác vận động nông dân các dân tộc thi đua sản xuất , tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc:
Cùng với các chương trình đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi và vùng đồng bào các dân tộc là nội dung quan trọng được 2 cơ quan đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức nông dân thực hiện.
Căn cứ vào nguồn kinh phí Nhà nước cấp qua các Chương trình 135, Quyết định 134..và tình hình thực tế ở mỗi địa phương, 2 cơ quan đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho Hội Nông dân vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng công trình, làm những phần việc thủ công, đơn giản như san nền, khai thác, vận chuyển vật tư xây dựng xây dựng công trình. ở một số nơi Hội Nông dân nhận trực tiếp thi công toàn bộ tuyến đường giao thông nông thôn, thực hiện nguyên tắc của Chương trình “xã có công trình, dân có việc làm”. Trên cơ sở đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ công trình xây dựng được Nhà nước đầu tư. Theo báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp của các địa phương, sau 7 năm thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các miền núi và vùng đồng bào dân tộc đã huy động nhân dân đóng góp công lao động, vật tư xây dựng công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Ban Dân tộc và Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Phong trào đã thu hút được đông đảo nông dân vùng dân tộc và miền núi tham gia thực hiện, ở nhiều địa phương, 2 ngành đã tổ chức nhiều Hội nghị biểu dương đại biểu nông dân các dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi ở các địa phương.
Phối hợp vận động nông dân thực hiện Chương trình định canh, định cư và vùng kinh tế mới; xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng dân tộc miền núi.
Ngoài ra, hai ngành đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã có chương trình 135, 134…gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân tộc thiểu số nghèo tìm ra nguyên nhân nghèo đói của các hộ gia đình, từ đó tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có những giải pháp hữu hiệu giúp đỡ cho các hộ thóat nghèo bền vững.
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, 2 ngành đã phối hợp tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, tuyên truyền nông dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ủy ban Dân tộc phối hợp với Trung ương Hội phối hợp xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo ở vùng tộc người Rục (dân tộc Chứt) xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nhằm giúp cho đồng bào tiếp cận với tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cách làm ăn và phương pháp áp dụng những tiến bộ hoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 198.000.000 đồng, qua việc tổ chức thực hiện dự án, hai ngành đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở tỉnh tuyên truyền phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức cho nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về xoá đói giảm nghèo; về cách làm ăn và kinh nghiệm của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; giới thiệu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ và phương pháp thâm canh mới cho nông dân; tổ chức 3 lớp tập huấn khuyến nông cho 157 nông dân nghèo, nội dung tập huấn chủ yếu giới thiệu kỹ thuật trồng và thâm canh các loại cây trồng, phương pháp chăm sóc, phòng, trị dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; Hỗ trợ vật chất và hướng dẫn kỹ thuật cho 62 hộ nông dân là đồng bào tộc người Rục xây dựng 3 loại mô hình trình diễn, gồm: Nuôi bò, nuôi dê sinh sản và thâm canh ngô lai; xây dựng 2 Câu lạc bộ nông dân với 80 thành viên tham gia, dự án đã trang bị tủ đựng sách, các tài liệu hướng dẫn hoạt động Câu lạc bộ, tài liệu phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào các dân tộc, sách kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, nội dung sinh hoạt phong phú linh hoạt tuỳ theo yêu cầu của sản xuất và đời sống của nông dân trong từng thời gian nhằm phổ biến tiến bộ kỹ thuật; hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn phát triển sản xuất; cung cấp thông tin về thị trường giá cả, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường... Câu lạc bộ nông dân còn là nơi để hội viên và nông dân gặp gỡ thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm làm ăn để giúp nhau xoá đói, giảm nghèo.
Cùng với việc thành lập các Câu lạc bộ nông dân, trên địa bàn xã đã thành lập được 10 nhóm hộ nông dân hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, mỗi nhóm có từ 7-20 người, sinh hoạt theo chuyên đề như: Nhóm nuôi bò, nhóm nuôi dê, nhóm trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu tương... Trưởng nhóm kiêm khuyến nông viên hướng dẫn các nhóm viên theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, thực hành ngay tại ruộng, nương hoặc chuồng trại. Đến nay, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, tỷ lệ hộ đói nghèo tại 4 thôn bản đồng bào Rục giảm từ 95% xuống còn 70%. Tình trạng đồng bào trở về hang đá sinh sống đã được khắc phục.
Qua việc tổ chức vận động nông dân các dân tộc thi đua sản xuất, tích cực thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi, trình độ cán bộ cơ sở đã được nâng cao về nhận thức chính trị, kiến thức chuyên môn và trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả trong hoạt động thực tiễn; nâng cao vị thế trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1/ Ưu điểm: Chương trình “phối hợp đẩy mạnh công tác vận động nông dân các dân tộc phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 1999-2005” đã được cơ quan Dân tộc và cơ quan Hội nông dân các cấp nghiêm túc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nội dung của Chương trình và thực tế tình hình thực tiễn, từng địa phương đã xác định rõ nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp.
Qua 7 năm thực hiện chương trình đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi. Các nội dung của chương trình đều được 2 cơ quan ở các địa phương triển khai thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nông dân đã được nâng lên một bước. Qua đó cũng góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành 2 bên đã phối hợp góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước đã giúp cho kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển; góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn.
Các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp điển hình là Hội Nông dân và Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Nam….
2/ Tồn tại:
- Hiệu quả tổ chức thực hiện chương trình phối hợp chưa đồng đều, việc quán triệt và tổ chức ký kết chương trình phối hợp của một số nơi còn chậm hoặc còn chung chung, chưa xác định rõ nội dung, biện pháp để tổ chức thực hiện một cách cụ thể, phù hợp.
- Công tác kiểm tra, chỉ đạo điểm chưa được coi trọng đúng mức; chưa kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu để khích lệ việc tổ chức thực hiện chương trình ở cơ sở.
- Một số nơi chưa xác định rõ cơ chế phối hợp, chưa phân công trách nhiệm một cách cụ thể nên chưa phát huy hết thế mạnh của mỗi bên; chưa lồng ghép các mục tiêu và nội dung của chương trình với các chương trình, các cuộc vận động khác để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện ở từng địa phương.
- Còn thiếu các mô hình chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phối hợp để 2 cơ quan nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng.
- Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá của Chương trình từ Trung ương đến các địa phương còn chậm, đã làm hạn chế hiệu quả của Chương trình.
3/ Nguyên nhân:
- Sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình từ cơ quan Trung ương đến các địa phương chưa liên tục, chưa kịp thời, chưa có những chủ trương, biện pháp tích cực để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện chương trình ở cơ sở.
- Nội dung phối hợp có liên quan đến nhiều ngành, nhiều chương trình khác nhưng chưa tạo ra được cơ chế phối hợp chung hoặc sự lồng ghép để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện.
- Ở một số địa phương, cán bộ các cơ quan Dân tộc và Hội Nông dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình phối hợp, do đó chưa đầu tư đúng mức, chưa năng động sáng tạo trong hướng dẫn chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện.
- Kinh phí cho các hoat động phối hợp hạn hẹp, nên việc triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp còn gặp nhiều khó khăn.
4- Một số kinh nghiệm:
- Hai cơ quan cần tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức và trách nhiệm của từng cấp, từng cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc, về nhiệm vụ của Hội Nông dân nói chung và chương trình phối hợp nói riêng. Từ đó thể hiện trách nhiệm của từng cơ quan đối với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đảm bảo dân sinh, phát huy dân chủ của nông dân các dân tộc thiểu số.
- Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, chủ động sáng tạo phát huy thế mạnh về tổ chức, con người và chuyên môn, nghiệp vụ để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình phối hợp.
- Chương trình phối hợp liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực do đó cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành để có sự hỗ trợ, phối hợp cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở từng địa phương.
- Việc thực hiện Chương trình phối hợp ở từng địa phương phải bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; biết lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình phối hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào của địa phương và nhiệm vụ của từng ngành.
IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:
Việc phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi là nhiệm vụ của các cấp, các ngành nhằm động viên, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh trong đồng bào các dân tộc. Đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài cần sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào các dân tộc nhất là các xã đặc biệt khó khăn.
Qua những kết quả đạt được đã khẳng định Chương trình phối hợp giữa hai ngành là cần thiết, phát huy được điều kiện và khả năng của mỗi bên, tạo ra sức mạnh trong công tác vận động nông dân thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đạt được kết quả bước đầu quan trọng, được các cấp ủy Đảng và đồng bào các dân tộc ghi nhận.
Ủy ban Dân tộc, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2006-2010 làm cơ sở cho 2 ngành ở địa phương phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong đó tập trung vào những nội dung chính sau:
1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân miền núi và vùng đồng bào dân tộc tích cực tham gia thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
2- Xây dựng cơ chế phối hợp cho 2 ngành ở địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế xã - xã hội.
3- Hàng năm 2 bên dành một khoản kinh phí trực tiếp cùng địa phương xây dựng một số mô hình chỉ đạo điểm (cấp xã) ở các vùng miền về thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước
4- Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân các dân tộc thiểu số và giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc phát sinh, đảm bảo an ninh nông thôn vùng dân tộc miền núi.
5- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tổng kết đánh giá, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ chính sách dân tộc cho phù hợp giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
| ỦY BAN DÂN TỘC |
Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh công tác vận động nông dân các dân tộc phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 1999-2005 do Ủy ban Dân tộc ban hành
- Số hiệu: KHONGSO
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 29/11/2006
- Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
- Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/11/2006
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định