ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/BC-UBND | Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2010 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
MỘT SỐ NÉT CHỦ YẾU VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5/2010
I. MỘT SỐ NÉT CHỦ YẾU TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 5/2010
1. Sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng sau những tháng tết. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất hiện nay nhiều doanh nghiệp đứng trước khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là giá điện, một số DN phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài vì vậy giá thành cao hơn, bên cạnh đó sản phẩm sản xuất ra phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu về nên một số ngành sản xuất giảm sút so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Năm (giá 1994) ước đạt 8.113 tỷ đồng, tăng 8,4% so tháng trước và tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 1889,8 tỷ đồng, tăng 4,9% và 9,7% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 4,1% và 8%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 7,2% và 15,4%); Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2750 tỷ đồng, tăng 2,6% và 15,6%;Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3473,3 tỷ đồng, tăng 15,7% và 8,2%.
5 tháng, ước giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước tăng 7,5% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 6,8%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 9,9%); Kinh tế ngoài nhà nước tăng 13,2%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%.
2. Vốn đầu tư:
Vốn đầu tư nhà nước do thành phố quản lý thực hiện tháng Tư đạt 1811,8 tỷ đồng, tăng 22,1% so với tháng 03/2010. Ước tính tháng Năm đạt 1974,4 tỷ đồng, bằng 92,6% cùng kỳ năm trước. Dự kiến 5 tháng đầu năm đạt 7353,6 tỷ đồng, bằng 76,3% so với cùng kỳ và bằng 29,6% so kế hoạch năm 2010. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước ước bằng 96,9% so với cùng kỳ và bằng 34,1% kế hoạch năm; Vốn tín dụng đầu tư của nhà nước ước bằng 46,2% so cùng kỳ và bằng 12,7% kế hoạch năm; Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước ước bằng 56,6% so với cùng kỳ và bằng 36% kế hoạch năm.
3. Thương mại dịch vụ
3.1. Nội thương
Tháng 5 với những chương trình khuyến mãi giảm giá trực tiếp hoặc tặng quà cho người tiêu dùng mua hàng tại các trung tâm lớn, nên hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra hết sức sôi động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Năm dự kiến đạt 69.874 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 35,3% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ đạt 16220 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 32,1% so cùng kỳ.
Dự kiến 5 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 335966,1 tỷ đồng, tăng 25,9% so cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 76155 tỷ đồng, tăng 27,3%.
3.2. Ngoại thương
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Năm đạt 602,5 triệu USD tăng 2% so tháng trước và tăng 21,5% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 2,3% và 31,2%. Mặt hàng xuất khẩu tăng nhiều so cùng kỳ là hàng may, dệt (tăng 45%), Hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 24,8%), than đá (tăng 27,2%) …. Dự kiến 5 tháng đạt 2828,1 triệu USD, tăng 9,8% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 1863,8 triệu USD (tăng 26,9%).
Nhu cầu vật tư nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh so cùng kỳ. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu tháng Năm đạt 1810 triệu USD, tăng 19,1% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 695 triệu USD (tăng 17,4%), với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư nguyên liệu chiếm trên 46% kim ngạch nhập khẩu (như hóa chất, chất dẻo, xăng dầu …). Dự kiến 5 tháng đạt 8626,3 triệu USD, tăng 35% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 3215,3 triệu USD (tăng 17%) …
3.3. Vận tải
Tháng Năm năm 2010 so tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 2%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,9%, doanh thu tăng 2%. Ước tính 5 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 18,8% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 22,8%, doanh thu tăng 23,3%.
Do lượng khách đi lại nhiều và đi ra ngoài thành phố trong dịp lễ 30/4 và 1/5 nên khối lượng hành khách vận chuyển tháng Năm tăng 2,4% so tháng trước và tăng 24,5% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 2,1% và 10,4%, doanh thu tăng 2,3% và 19,2%. Dự kiến 5 tháng, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 21,3% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,2%, doanh thu tăng 24,7%.
3.4. Thị trường giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2010 tăng nhẹ so tháng trước, tăng 0,41% và tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,9%. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng so tháng trước nhưng chỉ tăng dưới 1%, chỉ có nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng trên 1% (tăng 1,77%), một số nhóm hàng tiếp tục giảm đã đẩy chỉ số giá xuống chỉ còn tăng 0,41% như lương thực (giảm 0,21%), bưu chính viễn thông (giảm 0,17%) …
Những ngày trong tháng Năm, thị trường vàng biến đổi theo từng ngày, có thời điểm đã vượt trên 2,8 triệu đồng/chỉ, tuy nhiên cũng chỉ tăng 1,86% so tháng trước và bằng 96,24% so tháng 12 năm trước. Nhìn chung chỉ số giá 5 tháng đầu năm 2010 cao hơn so cùng kỳ do chi phí đầu vào tăng như điện, nước …, một số nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài để sản xuất.
3.5. Tín dụng ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến tháng Năm là 660.285 tỷ đồng, tăng 3,21% so tháng trước và tăng 12,77% so tháng 12/2009, trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 3,93% và 15,94%, phát hành giấy tờ có giá tăng 10,11% và 21,52%, tiền gửi thanh toán tăng 1,9% và 9,73%. Tổng dư nợ cho vay dự kiến tháng Năm đạt 417.725 tỷ đồng, tăng 2,46% so tháng trước và tăng 10,83% so tháng 12/2009, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,96% và 8,72%, dư nợ trung và dài hạn tăng 3,09% và 13,6%.
4. Sản xuất nông nghiệp
4.1. Trồng trọt
Vụ đông xuân 2010, toàn Thành phố gieo trồng được 193.752 ha, tăng 24% cùng kỳ (tăng 37.499,8 ha, chủ yếu do tăng diện tích vụ đông), trong đó: cây lương thực trồng được 123154 ha, tăng 4,2%; Cây chất bột có củ trồng được 5489 ha, tăng 47,3%; Cây có hạt chứa dầu trồng được 39245 ha, tăng 280,54% (tăng 28392 ha, do tăng diện tích vụ đông); Cây lạc trồng được 5900 ha, bằng 94,4% (giảm 349 ha); Rau, đậu trồng được 21.443 ha, tăng 8,7% …
Các công ty thủy lợi, các địa phương tiếp tục vận hành các trạm bơm để bơm nước tưới dưỡng lúa và hoa mầu, đến nay lúa và hoa màu cơ bản đủ nước tưới, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Lúa xuân đang giai đoạn trỗ, đến 12/5/2010 diện tích lúa đã trỗ được 94853 ha, đạt 93,2%, có 9/22 quận, huyện lúa trỗ đạt 100% diện tích là Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng không đáng kể, chủ yếu là đạo ôn, rầy nâu, ngoài ra có ốc bươu vàng và chuột, bọ trĩ, bệnh vàng lá sinh lý … lác đác gây hại nhẹ cho cây lúa. Trên hoa mầu có sâu xám, sâu cắn lá, sâu tơ,…. Các quận, huyện tăng cường công tác điều tra, dự báo, kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng, không để lây lan ra diện rộng.
Ước tính năng suất lúa vụ đông xuân 2009 – 2010 ước đạt 57,65 tạ/ha (bằng 98,9% cùng kỳ), ngô ước đạt 44,76 tạ/ha (tăng 11,9%), khoai lang đạt 85,28 tạ/ha (tăng 11,9%), rau các loại 176,9 tạ/ha (tăng 6,4%), đậu tương 15,44 tạ/ha (tăng 5,2%), lạc 18,96% tạ/ha (tăng 2,4%) …
4.2. Chăn nuôi
Tình hình dịch lợn tai xanh vẫn diễn biến phức tạp, dịch phát sinh tại 3 huyện là Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh. Đã phát sinh thêm các ổ dịch 7 huyện là Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng. Tính đến 12/5/2009, số lợn ốm là 7853 con. Trong đó: lợn nái có 348 con, tiêu hủy 3805 con với tổng trọng lượng trên 157 tấn.
Trong tháng không xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm. Công tác tiêm phòng đại trà đợt I/2010 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố tiếp tục được các địa phương triển khai. Tiếp tục duy trì hoạt động của 9 chốt kiểm dịch đầu mối ra vào Thành phố. Đã kiểm tra được 176.182 con gia cầm sống, 24938 con gia cầm đã giết mổ; 12875 con lợn, 56 con trâu, bò, 4980 kg sản phẩm động vật, vệ sinh tiêu độc cho 1047 phương tiện vận chuyển, 110400 trứng các loại …
5. Các vấn đề xã hội
5.1. Giải quyết việc làm và một số vấn đề xã hội
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2010, toàn Thành phố đã xét duyệt 297 dự án giải quyết việc làm với số lao động là 1950 người. Thành phố đã tổ chức hội thi thiết bị dạy nghề tự làm của Thành phố, đồng thời triển khai xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực lao động nông thôn của Hà Nội đến năm 2020. Ngành lao động thương binh và xã hội Thành phố đã tiếp nhận 5367 hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho 3925 người có công; thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, nhất là với các đối tượng lang thang cơ nhỡ, các Trung tâm giáo dục lao động xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội; Triển khai kế hoạch hoạt động tháng hành động vì trẻ em, tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện đề án 3 của Chính phủ về tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về giai đoạn 2005 - 2010.
5.2. Trật tự xã hội
Trong tháng Tư, đã phát hiện xảy ra 521 vụ phạm pháp hình sự (bằng 70,4% so cùng kỳ), số vụ được khám phá là 365 vụ (tăng 6,1%), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 525 đối tượng (tăng 1,4%); Cộng dồn 4 tháng, đã phát hiện xảy ra 1.722 vụ phạm pháp hình sự (bằng 83,3% so cùng kỳ), số vụ được khám phá là 1.235 vụ (bằng 93,6%), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 1900 đối tượng (bằng 93,6%). Cũng trong tháng 4/2010 đã xảy ra 88 vụ phạm pháp kinh tế (tăng 37,5% so cùng kỳ), số đối tượng phạm pháp là 102 người (tăng 41,7%). Thu nộp ngân sách 5574 triệu đồng; Cộng dồn 4 tháng, số vụ phạm pháp kinh tế là 501 vụ (bằng 240,9% so với cùng kỳ), số đối tượng phạm pháp 578 đối tượng (bằng 219,8%), thu nộp ngân sách 16.443 triệu đồng.
Đã phát hiện 79 vụ cờ bạc (tăng 11,3% so cùng kỳ), số đối tượng bị bắt giữ 504 đối tượng (tăng 36,6%). Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 39 vụ (tăng 11,4%), số đối tượng bị truy tố là 271 đối tượng (tăng 32,2%). Cộng dồn 4 tháng, đã phát hiện 362 vụ cờ bạc (bằng 98,9% so cùng kỳ, với 2096 đối tượng bị bắt giữ (tăng 11,8%). Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 168 vụ với 978 đối tượng (bằng 92,4%).
Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện là 202 vụ (bằng 81,5% so cùng kỳ) với số đối tượng bị bắt giữ 238 người (bằng 79,6%). Cũng trong tháng 04/2010, đã có 16 vụ hút hít và tiêm chích ma túy bị phát hiện (tăng 33,3% so cùng kỳ) với 28 đối tượng bị bắt (tăng 16,7%). Cộng dồn 4 tháng, tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện là 980 vụ (tăng 21,9% so cùng kỳ) với 1208 đối tượng (tăng 24,4%); có 66 vụ hút hít và tiêm chích ma túy bị phát hiện (bằng 90,4% so cùng kỳ) với 112 đối tượng bị bắt (bằng 99,1%).
5.3. Trật tự an toàn giao thông và công tác phòng cháy chữa cháy
Trong tháng Tư, toàn Thành phố đã xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông (bằng 85% so cùng kỳ) với 58 người bị chết (bằng 82,9%) 21 người bị thương (tăng 5%). Cộng dồn 4 tháng, xảy ra 252 vụ tai nạn giao thông (bằng 84,8% so cùng kỳ) với 211 người bị chết (bằng 82,4%) và 93 người bị thương (tăng 3,3%). Cộng dồn 4 tháng xảy ra 82 vụ cháy nổ, làm chết 2 người và bị thương 6 người.
II. CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH:
UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 41/KH-UBND về kiểm tra công tác giải quyết TTHC năm 2010 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; Ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND phục vụ hoạt động của Đoàn Giám sát UBTV Quốc hội về giám sát “việc thực hiện CCTTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp với công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 – 2010” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ban hành, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND về tổng kết thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2010 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 – 2020.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất với UBND Thành phố những thủ tục hành chính cần tổ chức tiếp nhận và giải quyết vào ngày thứ bảy hàng tuần; các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án Đơn giản hóa những TTHC theo đúng nội dung và yêu cầu tại Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 30/3/2010 của UBND thành phố; củng cố nâng cao chất lượng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố;
Một số kết quả cụ thể:
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã bắt đầu triển khai xây dựng Kế hoạch tổng kết thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2010 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 – 2020 của đơn vị theo yêu cầu của Thành phố.
Thực hiện kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND thành phố, số văn bản QPPL thuộc lĩnh vực cải cách hành chính được rà soát là 8, trong đó văn bản còn hiệu lực: 03, hết hiệu lực: 06, cần được bãi bỏ, thay thế: 01 văn bản. Sở Nội vụ đã tổ chức Hội nghị lần 1 về lấy ý kiến dự thảo Quyết định về làm việc ngày thứ Bảy đối với một số sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố; xây dựng và trình thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2010 và xây dựng phương hướng nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 – 2020.
Trong thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, Thành phố đã kết thúc giai đoạn 2 rà soát, đơn giản hóa TTHC, cụ thể: tổng số TTHC được tiến hành rà soát là 1816 TTHC, 1867 mẫu đơn, tờ khai (mẫu 2a), 586 yêu cầu, điều kiện (mẫu 2b). Số TTHC được thực hiện tại cấp sở, ngành là 1361, số TTHC cấp huyện là 300 TTHC, cấp xã là 155 TTHC. Trong 1816 TTHC được rà soát có: Số TTHC giữ nguyên: 524 thủ tục (Cấp thành phố: 402; Cấp quận, huyện: 58; Cấp xã, phường: 64); Số TTHC kiến nghị sửa đổi, bổ sung: 1101 thủ tục (Cấp thành phố: 814; Cấp quận, huyện: 201; Cấp xã, phường: 86); Số TTHC kiến nghị thay thế: 45 (Cấp thành phố: 16; Cấp quận, huyện: 28; Cấp xã, phường: 01); Số TTHC kiến nghị bãi bỏ là: 146 (Cấp thành phố: 129; Cấp quận, huyện: 13; Cấp xã, phường: 04). Tỷ lệ đơn giản hóa toàn thành phố: 71,2%.
Văn phòng UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2010 đảm bảo việc vận hành cổng thông tin điều hành của Thành phố thông suốt, đưa thông tin chỉ đạo điều hành của UBND thành phố tới các cơ quan, đơn vị nhanh chóng, kịp thời; xây dựng hệ thống báo cáo định kỳ thường xuyên, đột xuất phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND thành phố; thực hiện quán triệt cán bộ, công chức để việc gửi các văn bản, giấy mời theo hòm thư điện tử thay thế hình thức gửi qua đường Bưu điện cho các cơ quan, đơn vị; thí điểm tin học hóa thực hiện thủ tục hành chính đạt cấp độ 2 (cho phép tra cứu tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng UBND Thành phố lên cổng thông tin điện tử thành phố).
III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 1.000 NĂM THĂNG LONG:
1. Công tác chỉ đạo điều hành:
Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long để chỉ đạo triển khai 2 nội dung chính là: tổ chức mít tinh trọng thể vào sáng 10/10/2010 tại quảng trường Ba Đình và Đêm lễ hội tối 10/10/2010 tại sân vận động Mỹ Đình.
Chỉ đạo chuẩn bị báo cáo tình hình công tác chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố từ ngày 12-16/7/2010.
UBND thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Bộ Quốc phòng về công tác phối hợp và chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm trong 10 ngày Đại lễ.
UBND Thành phố đã phê duyệt 09 kịch bản các hoạt động trong 10 ngày Đại lễ kỷ niệm và Ủy quyền cho đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện 07 kịch bản hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phê duyệt chủ trương và một số nội dung chủ yếu của dự án Thắp sáng cầu Long Biên chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Cử đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/3/2010 của UBND thành phố về việc chỉnh trang đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chỉ đạo đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng – Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” đúng kế hoạch và tiến độ; thực hiện dự án không gian nghệ thuật XQ trong khu Di tích Thành cổ Hà Nội; tổ chức Lễ tổng kết Bách khoa thư Hà Nội. Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành của thành phố phối hợp thực hiện đón 1000 anh hùng và bà mẹ Việt Nam anh hùng về dự Đại lễ kỷ niệm; chỉ đạo tổ chức “Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ….
2. Kết quả các lĩnh vực công tác cụ thể:
Đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho di tích đền Đồng Cổ; Làm việc với NXB Hà Nội về Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đến nay, đã có 96 đầu sách được biên soạn, trong đó 77 đầu sách đã biên soạn xong, 19 đầu sách đang biên soạn. Đặc biệt, tới đây NXB sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xuất bản các đầu sách theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đưa sách về Hà Nội ra thế giới. Ngoài việc tổ chức biên soạn và xuất bản Tủ sách, Dự án còn tổ chức biên soạn, tái bản và in mới 25 đầu sách phổ thông về Thăng Long – Hà Nội. Sách sẽ được trang bị cho hệ thống thư viện các địa phương và các trường THPT của Hà Nội, góp phần giới thiệu, giáo dục truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
Tại tỉnh Bắc Ninh, hơn 1200 thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện bức tranh xé dán đạt kỷ lục Guiness Việt Nam có chủ đề “1000 năm hào khí Thăng Long – Hà Nội” dài 120m, cao gần 3m; Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long” lần thứ XII, năm 2010; Tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc 2010. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 120 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ rước tượng đài Thánh Gióng lên ngự tại đỉnh núi đá Chồng, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Tại thành phố Đà Nẵng, các nghệ nhân Lam Kinh – Thanh Hóa biểu diễn nghệ thuật đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, đã đúc thành công 2 chiếc trống đồng trong 100 trống dâng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội …
3. Kết quả thực hiện các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đến hết năm 2009.
a. 08 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp Tượng đài vua Lê Thái Tổ; Thư viện Hà Nội, Quảng trường Cách mạng Tháng 8, Quảng trường Đàn Xã Tắc, Đường Kim Liên – Ô chợ Dừa, Nút Kim liên, Đường Lạc Long Quân, Cầu Đen.
b. 25 công trình đang tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và cơ bản hoàn thành trước ngày 10/10/2010: Thành cổ Hà Nội, Cải tạo thí điểm một ô phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội (hoàn thành phần xây dựng lắp đặt thiết bị vào tháng 5/2010; hoàn thành một phần trưng bày phục vụ khách thăm quan vào dịp Đại lễ kỷ niệm), Tượng đài Thánh Gióng, Tượng Bác Hồ - Bác Tôn, Công viên Hòa Bình, Tủ sách ngàn năm văn hiến; Các rạp: Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam; Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao HN (đã hoàn thành bàn giao 03 hạng mục: Khu luyện tập thể thao dưới nước, Cung thi đấu điều kinh trong nhà, Trường phổ thông năng khiếu), Trung tâm y tế dự phòng, Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội; Tu bổ, tôn tạo Thăng Long Tứ Trấn; Con đường gốm sứ, Đường trục phía Bắc Hà Đông, Cầu Vĩnh Tuy, Đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Pháp Vân) giai đoạn 1, Xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khu Thành Cổ Loa; Cải tạo thí điểm một ô phố cổ Hà Nội: Hoàn thành 02 hạng mục: Cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện, Tu bổ, tôn tạo đình Quan Đế - Trung tâm thông tin phố cổ; riêng hạng mục Tu bổ di tích Đình Kim Ngân; Đường Văn cao – Hồ Tây; Đường Lê Trọng Tấn; Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 32 (Những Dự án này không chỉ đạo quyết liệt và tập trung công tác GPMB thì rất khó để hoàn thành); Đường Láng – Hòa Lạc; Cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn.
c. 01 công trình dự báo không có khả năng hoàn thành: Công trình Đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài – đoạn nối đường 32 đến đường Hoàng Quốc Việt do vướng mắc chủ yếu liên quan đến: khiếu kiện GPMB và di dời tái định cư hơn 100 hộ dân khu vực phía trước cổng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
IV. CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO:
1. Kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn:
Trong tháng 5/2010 các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 1.883 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh và khiếu nại, tố cáo. Cụ thể: Ban tiếp công dân Thành phố tiếp 262 lượt người; Thanh tra Thành phố tiếp: 259 lượt người; Khối quận, huyện tiếp 687 lượt người; Khối xã, phường, thị trấn tiếp 652 lượt người; Khối sở, ngành tiếp 23 lượt người.
Trong tháng 5, lãnh đạo UBND Thành phố đã tiếp 69 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo tại 02 địa điểm tiếp công dân của UBND Thành phố.
Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp nhận và xử lý 2.451 đơn; Gồm: 136 đơn tố cáo, 512 đơn khiếu nại và 1.803 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện (Trong đó có nhiều đơn trùng, đơn khuyết danh, mạo danh …).
Nhìn chung, công tác tiếp công dân và xử lý đơn được thực hiện đúng quy định. Một số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người đã được lãnh đạo Thành phố kịp thời chỉ đạo các quận, huyện tổ chức đối thoại với công dân ngay tại cơ sở hoặc thành lập đoàn thanh tra liên ngành thành phố để giải quyết kịp thời những bức xúc của công dân (như: vụ khiếu tố đông người của công dân 4 xã Thạch Hòa, Hạ Bằng, Cần Kiệm, Bình Phú, huyện Thạch Thất liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng).
2. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo
Kết quả giải quyết khiếu nại: Tổng số 110 vụ. Đã giải quyết 78 vụ, đạt tỷ lệ 71%. Các vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết: khiếu nại đúng 10 vụ, khiếu nại sai 46 vụ, khiếu nại có đúng có sai 19 vụ, rút đơn khiếu nại, hòa giải thành 03 vụ.
Kết quả giải quyết tố cáo: Tổng số 45 vụ. Đã giải quyết 31 vụ, đạt tỷ lệ 69%. Các vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết: tố cáo đúng 02 vụ, tố cáo sai 27 vụ, tố cáo có đúng có sai 02 vụ.
Thực hiện Chương trình công tác thanh tra năm 2010, Thanh tra Thành phố đã xây dựng Kế hoạch 605/KH-TTTP ngày 22/4/2010 về việc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và rà soát các vụ việc tồn đọng kéo dài theo Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ tại 31 đơn vị (29 quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng). Hiện nay, đang triển khai thanh tra tại 20/31 đơn vị; triển khai công tác theo Kế hoạch số 526/KH-TTTP ngày 09/4/2010 về việc tiếp công dân và kết luận các vụ khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội đảng các cấp.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 6/2010
I. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI:
1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Chương trình, Kế hoạch và Thành phố.
Chủ động nghiên cứu thị trường, dự báo tình hình giá cả, theo dõi sát sao diễn biến kinh tế quốc tế và trong nước để có ứng phó kịp thời, đồng thời linh hoạt trong chỉ đạo điều hành phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô. Phấn đấu GDP 6 tháng còn lại tăng từ 10,0-11,5%.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và triển khai kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu; triển khai đồng bộ và tích cực các biện pháp quản lý thị trường, tạo điều kiện thông thoáng cho lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ, tăng giá tùy tiện nhằm đảm bảo ổn định thị trường giá cả, đảm bảo đời sống nhân dân.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai, phòng chống lụt bão. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, gia súc và cây trồng, bảo vệ thực vật, thú y.
2. Chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
3. Tăng cường công tác quy hoạch, đi liền với công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, quan tâm cải thiện chất lượng môi trường.
Tiếp tục chỉ đạo quá trình chuẩn bị trình phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của các huyện và của Thành phố, các quy hoạch phát triển ngành; Đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2010 – 2020. Thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Tiếp tục hướng dẫn các Chủ đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn. Rà soát, thu hồi nhiệm vụ đã giao cho các đơn vị lập quy hoạch, lập dự án nhưng không đáp ứng yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch kết thúc bán nhà 61/CP vào cuối năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu Chương trình nghị sự 21, kế hoạch hành động tổng thể về cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường và cải tạo các hồ trên địa bàn Thành phố. Khởi công trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (13.000m3/ngđ). Duy trì hệ thống sông, mương, cống thoát nước và các trạm bơm, hồ điều hòa, xử lý các điểm úng ngập cục bộ để đảm bảo thực hiện tốt công tác thoát nước mùa mưa 2010.
Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang đô thị xanh – sạch – đẹp, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; duy trì, vận hành tốt hệ thống chiếu sáng hiện có, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị trên các tuyến đường, phố của các quận và thị trấn, thị tứ các huyện ngoại thành. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các công viên quan trọng: Yên Sở, Hòa Bình, Tuổi Trẻ, Thủ Lệ, Thống Nhất, Nhân Chính, Dịch Vọng, Mai Dịch vv…
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án tuyến đường: Láng – Hòa Lạc, đường 32, đường Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường vành đai 3, đường Văn Cao – hồ Tây, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đường Cát Linh – La Thành … theo danh mục công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; 18 cầu vượt cho người đi bộ trên các tuyến Giảng Võ, Láng Hạ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Chùa Bộc …
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, tăng cường các lực lượng đồng bộ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị gây ùn tắc giao thông. Tiếp tục tổ chức phân làn phương tiện trên 7 tuyến đường kết hợp điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu và bố trí người hướng dẫn giao thông.
4. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng củng cố quốc phòng. Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Thực hiện các giải pháp phòng, chống và hạn chế cháy nổ trên địa bàn. Chuẩn bị tốt các điều kiện, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, lụt bão.
5. Tiếp tục đối mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
II. CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH:
Ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2010 và xây dựng phương hướng nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 – 2020.
Tổ chức hội thảo lấy ý kiến về ngày làm việc thứ Bảy; xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành Quyết định về tổ chức làm việc ngày thứ bảy theo chỉ đạo của Chính phủ; Chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác CCHC năm 2010, kế hoạch phục vụ Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện cải cách hành chính ở một số lĩnh vực và kế hoạch tổng kết thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010.
Chỉ đạo thực hiện rà soát phương án đơn giản hóa TTHC, ban hành quyết định triển khai thực thi cụ thể ở cả 3 cấp thành phố, quận, huyện và xã, phường; đẩy mạnh việc triển khai công việc qua mạng thông tin điện tử; kiểm tra theo Kế hoạch 41/KH-UBND của Thành phố, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định.
IIII. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI:
Tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch của thành phố thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội 2010.
Tập trung tuyên truyền các hoạt động của 10 ngày Đại lễ từ 01/10 – 10/10/2010. Chỉ đạo quyết liệt công tác trang trí, mỹ thuật làm vệ sinh sạch đẹp từ cơ sở đến thành phố, trang trí trụ sở, nơi làm việc cửa hàng cửa hiệu sạch đẹp, chỉnh trang biển hiệu, cổng, tường rào, quét vôi, sơn cửa, xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép, xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp. Vận động nhân dân, cán bộ công nhân viên của các cơ quan trung ương và thành phố thực hiện phong trào cơ quan, đơn vị văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa tại Khu dân cư thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chuẩn bị công tác đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cơ sở vật chất hậu cần, kinh phí thực hiện; công tác lễ tân mời, đón khách trong nước, quốc tế tham dự các hoạt động.
IV. CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xem xét kết luận, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian quy định, nhất là các vụ khiếu nại đông người, phức tạp.
Tiếp tục rà soát và báo cáo kết quả giải quyết đối với các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng theo Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ và Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của HĐND Thành phố về 176 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; Tiếp tục tổ chức các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch năm 2010 đã được phê duyệt, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực sau: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách …
Kết thúc và báo cáo kết quả việc triển khai thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo tại các đơn vị theo Kế hoạch số 605/KH-TTTP ngày 22/4/2010 của Thanh tra Thành phố.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 03 của Chính phủ về “Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật Khiếu nại, tố cáo tại xã, phường, thị trấn”.
UBND Thành phố Hà Nội trân trọng báo cáo.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Báo cáo 98/BC-UBND hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 5, năm tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 6 năm 2013
- 2Báo cáo 59/BC-UBND tóm tắt tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 3Báo cáo 98/BC-UBND tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính quý II năm 2013 của tỉnh An Giang theo Quyết định 945/QĐ-TTg
- 4Báo cáo 174/BC-UBND về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 năm 2013 tỉnh Lâm Đồng
- 1Kế hoạch 41/KH-UBND về kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính năm 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 1412/QĐ-UBND năm 2010 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3Báo cáo 98/BC-UBND hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 5, năm tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 6 năm 2013
- 4Báo cáo 59/BC-UBND tóm tắt tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 5Báo cáo 98/BC-UBND tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính quý II năm 2013 của tỉnh An Giang theo Quyết định 945/QĐ-TTg
- 6Báo cáo 174/BC-UBND về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 năm 2013 tỉnh Lâm Đồng
Báo cáo 76/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác cải cách hành chính, kết quả triển khai chương trình, dự án chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của thành phố tháng 5 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 76/BC-UBND
- Loại văn bản: Báo cáo
- Ngày ban hành: 28/05/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phí Thái Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/05/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực