Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/BC-UBTVQH14 | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2016 |
(Từ 16/8/2015 đến 15/8/2016)
Căn cứ Nghị quyết số 994/NQ-UBTVQH13, ngày 10/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về chương trình hoạt động giám sát của UBTVQH năm 2016 và Kế hoạch số 949/KH-UBTVQH13 ngày 28/9/2015 của UBTVQH về triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2016, UBTVQH xin báo cáo các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về kết quả thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội trong kỳ báo cáo như sau:
Trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Số công dân đến địa điểm tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tuy có giảm về số lượt người nhưng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có chiều hướng gia tăng, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người; vụ việc đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết lần 2 nhưng công dân không khởi kiện ra Tòa; những vụ việc người khiếu nại không đồng ý với việc chấm dứt giải quyết của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ mà tiếp tục khiếu nại hoặc tố cáo… Trên cơ sở báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, tổng hợp kết quả như sau:
Theo báo cáo của Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội[1], việc tiếp công dân của các cơ quan chủ yếu thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp công dân theo phân công của Đoàn ĐBQH tại nơi ứng cử hoặc gắn với các đợt giám sát, khảo sát tại các địa phương[2].
Tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội đã tiếp 10.132 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội về 3.296 vụ việc. Trong đó, đã trực tiếp tiếp 1.875 lượt người về 1.539 vụ việc[3]; phối hợp với các cơ quan tiếp công dân Trung ương tiếp 8.257 lượt người về 1.757 vụ việc[4]. Qua tiếp công dân, Thường trực tiếp công dân đã có văn bản chuyển, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 463 vụ việc (tăng 14,47%); hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc chờ cấp có thẩm quyền giải quyết trả lời những vụ việc đang trong thời hạn giải quyết và giải thích, vận động công dân chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đối với 1.019 vụ việc. Đến nay, qua theo dõi, UBTVQH đã nhận được 99 văn bản thông báo trả lời và 43 văn bản thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc.
Trong kỳ báo cáo, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã tiếp 7.247 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 5.349 vụ việc, trong đó có 136 đoàn đông người. So với kỳ trước, số lượt người tuy có giảm 23,3% và đoàn đông người giảm 21,8%, nhưng số vụ việc tăng 29,2%. Các địa phương có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Đoàn ĐBQH là: Quảng Ninh (985 lượt), Hà Nội (489 lượt), Vĩnh Phúc (425 lượt), Thanh Hóa (415 lượt), Quảng Bình (380 lượt), Bắc Ninh (311 lượt), Thành phố Hồ Chí Minh (256 lượt),…
Về cơ bản, công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH được tổ chức, thực hiện từng bước có hiệu quả. Thông qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội , Đoàn ĐBQH đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, giải thích, vận động công dân chấp hành việc giải quyết đã đúng quy định của pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham gia xây dựng pháp luật hoặc nhận đơn, nghiên cứu, xử lý và giám sát cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
2. Kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
2.1. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã tiếp nhận 30.322 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tăng 14% so với cùng kỳ. Nội dung khiếu nại về hành chính chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai như thu hồi đất, việc áp giá bồi thường, tái định cư và hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, việc giải quyết tranh chấp nhà đất; về chính sách ưu đãi người có công; về việc thực hiện chính sách nhà, đất trước ngày 01/7/1991; tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, thu chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản...; khiếu nại về tư pháp chủ yếu là đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong kỳ báo cáo cũng có một số nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, liên quan đến bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.
Theo báo cáo của các cơ quan, sau khi nghiên cứu đơn được gửi đến qua đường bưu điện, qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 903 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 729 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 80,73%)[5]; hướng dẫn, thông báo trả lời công dân đối với 18 trường hợp; đang nghiên cứu, xử lý đối với 7.377 đơn, thư[6]; một số cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình theo dõi việc giải quyết đã ban hành công văn đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Qua tổng hợp số liệu của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, số lượng đơn, thư xếp lưu, theo dõi do có nội dung trùng lặp và không đủ điều kiện xử lý vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 59,3% (17.981/30.322 đơn tiếp nhận)[7]. Số lượng đơn, thư của công dân được chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tuy giảm 48,4% so với kỳ báo cáo trước, nhưng một số cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH đã dành được nhiều thời gian trong công tác nghiên cứu, xử lý và chuyển đơn thư thuộc lĩnh vực phụ trách, như: Ủy ban tư pháp, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ban Dân nguyện,..
Nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực, từ việc tiếp nhận, hướng dẫn, trả lời công dân, tổ chức nghiên cứu, xử lý, chuyển đơn, đến theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ổn định trật tự xã hội.
2.2. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội
Trong kỳ báo cáo, các Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận được 12.366 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (trong đó có 6.800 khiếu nại, 1.791 tố cáo và 3.775 kiến nghị, phản ánh) giảm 17,7% so với cùng kỳ; số lượng đơn, thư trùng và không đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 50%. Các Đoàn ĐBQH đã chuyển 4.557 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 2.762 văn bản trả lời (giảm 9,4% số đơn chuyển và 1,6% số văn bản trả lời so với cùng kỳ). Cùng với việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã quan tâm hướng dẫn, giải thích và trả lời cho công dân 1.445 đơn, thư (giảm 26,87% so với cùng kỳ).
Nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đã được nhiều Đoàn ĐBQH quan tâm, chủ động nghiên cứu; tỷ lệ đơn của công dân được xem xét, xử lý đạt 98% số đơn nhận được; nhiều Đoàn có tỷ lệ xử lý đơn cao tuy nhận được số lượng đơn thư rất lớn[8], như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Đăk Nông...; một số Đoàn và ĐBQH đã quan tâm hơn công tác theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo[9].
3.1. Kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan của Quốc hội cho thấy:
- Hội đồng Dân tộc: thông qua các chương trình hoạt động giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực phụ trách, đã kết hợp nắm tình hình, đôn đốc các ngành, các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc, đến lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách.
- Ủy ban Pháp luật: thông qua việc thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 2015, 2016 của Chính phủ; thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến 2015 thuộc các lĩnh vực tư pháp, nội vụ và thanh tra, đã có đánh giá rõ hơn thực trạng tình hình khiếu nại, tố cáo, nêu được những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật và những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp. Bước đầu đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này, trong đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
- Ủy ban Tư pháp: thông qua việc thẩm tra các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân và hoạt động nghiên cứu, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp cụ thể để khắc phục. Ủy ban còn chủ động theo dõi và có nhiều văn bản đôn đốc, gửi chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc bức xúc, kéo dài. Kết quả, có 31 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời về việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở và đã quyết định xem xét, giải quyết lại vụ việc.
- Ủy ban về Các vấn đề xã hội: qua nghiên cứu đơn thư, Ủy ban có văn bản kiến nghị và đôn đốc, giám sát để cơ quan chức năng giải quyết. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường tổ chức làm việc với các bộ, ngành liên quan để giám sát việc giải quyết đơn đã được Ủy ban chuyển, đôn đốc nhưng chưa trả lời. Kết quả, Ủy ban đã kiến nghị giải quyết được một số vụ việc phức tạp, chấm dứt được khiếu nại, điển hình như trường hợp khiếu nại về oan sai của ông Lê Tiến Dũng[10] và việc công nhận liệt sỹ đối với ông Vũ Xuân Hải ở tỉnh Lâm Đồng[11].
- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Ủy ban đã kết hợp việc giám sát, khảo sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, ô nhiễm môi trường. Nhiều nội dung đơn kiến nghị, phản ánh của công dân cũng đã được Ủy ban tiếp thu và đưa vào trong công tác xây dựng pháp luật và các công tác khác của Ủy ban.
- Ủy ban Đối ngoại: thông qua hoạt động của mình, nhất là qua thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, phản ánh của bà con kiều bào về các chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời có ý kiến tham gia xây dựng các đạo luật về xuất nhập cảnh, quốc tịch, tương trợ tư pháp, lý lịch tư pháp,..
- Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành các hoạt động giám sát qua nghiên cứu, xử lý đơn, thư; lồng ghép với hoạt động giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực phụ trách để xem xét, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.
Về cơ bản, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm tổ chức thực hiện; một số Ủy ban của Quốc hội có chương trình, kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách[12]. Qua hoạt động giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã có những kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
3.2. Kết quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội
Nhiều Đoàn ĐBQH đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; tổ chức giám sát chuyên đề về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết các vụ việc cụ thể; thực hiện giám sát thông qua nghe báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương; lồng ghép nội dung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong triển khai giám sát các chuyên đề về kinh tế- xã hội. Theo báo cáo, có 10 Đoàn tổ chức được 12 cuộc giám sát chuyên đề về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; 32 Đoàn báo cáo tiến hành giám sát lồng ghép với các chuyên đề thuộc lĩnh vực khác; 14 Đoàn có văn bản đôn đốc đối với 274 vụ việc; có 23 Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát được 79 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể[13], giảm 9 vụ việc so với cùng kỳ. Công tác nghiên cứu, đánh giá văn bản trả lời việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đã được các Đoàn ĐBQH chú trọng hơn, bước đầu đã phát huy hiệu quả hoạt động giám sát. Theo báo cáo của 20 Đoàn[14], trong số 1.529 văn bản trả lời, có 349 vụ việc đang được giải quyết (chiếm 23%), 400 vụ việc không có cơ sở giải quyết (chiếm 26%), 773 vụ việc đã tiến hành giải quyết xong (chiếm 51%), đang xem xét lại 7 vụ việc[15] (chiếm 0,5%). Trong số 773 vụ việc được trả lời giải quyết xong ở trên, có 15 vụ việc (chiếm 2% số vụ việc) được các Đoàn kiến nghị xem xét, giải quyết lại[16].
Từ kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương như: chưa đảm bảo đúng trình tự, thủ tục thụ lý, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình trạng chậm giải quyết, ban hành công văn, thông báo thay thế cho quyết định giải quyết khiếu nại còn xảy ra ở nhiều nơi; việc áp dụng pháp luật, thời điểm áp dụng chưa đúng... Qua đó, đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.
4. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
4.1. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH còn có một số tồn tại, hạn chế sau:
- Nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở địa phương, đại biểu Quốc hội ở Trung ương chưa dành được nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân theo phân công của Đoàn ĐBQH; cán bộ tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH về lĩnh vực này còn thiếu, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao.
- Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ yếu tiếp công dân thông qua các đợt khảo sát, giám sát tại địa phương theo chuyên đề khác thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc qua các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH là thành viên Thường trực Hội đồng, Ủy ban, do đó chưa gắn tiếp công dân với việc giám sát việc giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Theo quy định của pháp luật, công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội do Ban Dân nguyện giúp UBTVQH tổ chức và đại diện các cơ quan của Quốc hội thường trực tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội[17] và Trụ sở tiếp công dân Trung ương, tuy nhiên văn bản hướng dẫn quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Ban Dân nguyện với Thường trực Hội đồng dân tộc và Thường trực Ủy ban chưa cụ thể nên thực tế triển khai chưa phát huy hết trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội. Mặt khác, bộ phận Thường trực tiếp công dân do Ban Dân nguyện tổ chức còn thiếu về cán bộ, tính pháp lý của địa điểm tiếp công dân của Quốc hội chưa rõ ràng, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác phụ thuộc vào cơ quan Thanh tra Chính phủ, do đó việc tiếp công dân chưa thực sự tương xứng với vai trò của Quốc hội.
- Nhiều cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chưa gắn việc tiếp công dân với tổ chức các hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xử lý đơn, thư chủ yếu vẫn là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết chưa thực hiện được nhiều và chưa có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu nội dung vụ việc, số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể được tiến hành giám sát có tỷ lệ thấp (chiếm 1,7% số vụ việc đã chuyển); chưa chú trọng nhiều đến việc đánh giá kết quả giải quyết, trả lời để yêu cầu giải quyết lại hoặc tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật; vẫn còn những trường hợp chuyển đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc vụ việc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật nhưng vẫn chuyển đơn đề nghị xem xét, giải quyết lại vụ việc.
- Công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và Ban Dân nguyện trong công tác tiếp công dân chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
4.2. Nguyên nhân
4.2.1. Về nguyên nhân khách quan:
Một số quy định hướng dẫn về công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chưa rõ về trách nhiệm và sự phối hợp[18]; quy định về phân loại, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội[19] và của ĐBQH[20] ban hành từ lâu, nay đã bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung nên thiếu tính khả thi, chưa cụ thể về thẩm quyền, về cơ chế phối hợp xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ban thuộc UBTVQH.
4.2.2. Về nguyên nhân chủ quan:
- Một số Ủy ban của Quốc hội chưa dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đối với Đoàn ĐBQH thì chủ yếu do Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương đảm nhiệm nên ít có điều kiện đi sâu nghiên cứu, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Việc xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu về việc tiếp công dân, cập nhật nội dung, kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo để dùng chung cho các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH chậm được triển khai, hiện nay chủ yếu được thực hiện thủ công dẫn đến việc xử lý chưa kịp thời, còn chồng chéo, việc trao đổi và tra cứu thông tin liên quan bị hạn chế.
- Tổ chức bộ máy của cơ quan phục vụ, năng lực, trình độ cán bộ giúp việc tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác tiếp công dân và việc nghiên cứu, tham mưu xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
II. KẾT QUẢ GIÁM SÁT 06 BỘ, NGÀNH VÀ 06 ĐỊA PHƯƠNG VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2016, ngày 22/8/2016, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 231/NQ-UBTVQH14 và tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[21] và làm việc với 04 cơ quan của Chính phủ[22], Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổ chức giám sát việc giải quyết 58 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể; đồng thời giám sát kết quả thực hiện kiến nghị giám sát từ kỳ trước của UBTVQH. Kết quả giám sát cụ thể như sau:
1. Kết quả giám sát đối với 04 cơ quan của Chính phủ
- Văn phòng Chính phủ: với chức năng tham mưu tổng hợp cho Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện việc tổng kết việc thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhằm nâng hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm trong thời gian qua, như: Hà Nội, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước… Trong số các vụ việc do các cơ quan chuyển đến Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết, có 03 vụ việc do cơ quan của Quốc hội chuyển đến; đến nay, có 02 vụ việc đã được Thủ tướng giao cho các cơ quan hữu quan xem xét, đề xuất biện pháp giải quyết[23]; 01 vụ việc đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát và đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[24].
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: trong kỳ báo cáo, Bộ đã tiếp nhận 4.137 đơn, tương ứng với 2.122 vụ việc do công dân, các cơ quan chuyển đến. Trong đó có 18 vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã cử Đoàn công tác thẩm tra, xác minh 17 vụ việc, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 09 vụ. Kết quả, có 02 vụ khiếu nại đúng, 01 vụ khiếu nại có đúng, có sai, 06 vụ khiếu nại sai. Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết, Bộ đã thẩm tra, xác minh 25/29 vụ, đã có văn bản giải quyết 12 vụ, kết quả giải quyết có 10 vụ khiếu nại sai, 02 vụ khiếu nại đúng; Trong số các vụ việc trên, có 07 vụ do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến và đến nay 07 vụ[25] đã được giải quyết xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
- Thanh tra Chính phủ: với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận được 15.135 đơn, thư, trong đó 4.112 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 28,6%), Thanh tra Chính phủ đã chuyển, hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong kỳ báo cáo, Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao 39 vụ việc, Ban Dân nguyện chuyển đến 05 vụ việc; trong đó, đã hoàn thành 16 vụ và trình Thủ tướng xem xét, chỉ đạo; 28 vụ việc đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xem xét. Trong số 05 vụ việc do Ban Dân nguyện chuyển đến, có 01 vụ việc đã giải quyết xong, 04 vụ việc đang được xem xét, giải quyết theo quy định.
- Bộ Xây dựng: theo Báo cáo của Bộ Xây dựng[26], cùng với các nội dung khiếu nại, tố cáo khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, có nhiều khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách quản lý nhà đất của Nhà nước trước ngày 01/7/1991 theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội (Nghị quyết 23) quy định về nhà đất do nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991 và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của UBTVQH (Nghị quyết 755) quy định giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà, đất trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991. Năm 2010, Chính phủ đã có Báo cáo tổng kết đánh giá về một số tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755[27]. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định giải quyết đối với 266 trường hợp; trong đó có 253 trường hợp bác đơn theo Nghị quyết 23 (chiếm 95%), giải quyết 13 trường hợp theo Nghị quyết 755 (chiếm 5%). Trong số 253 trường hợp bác đơn, Bộ Xây dựng đã đề nghị địa phương xem xét, hỗ trợ về nhà ở đối với 33 trường hợp (chiếm 13%) có khó khăn về nhà ở.
Qua làm việc với Bộ Xây dựng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, một số địa phương, đồng thời qua việc nghiên cứu, xử lý đơn, thư của công dân cho thấy, tình hình khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách nhà đất do nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện chính sách này ở một số địa phương có trường hợp trả lại nhà, có trường hợp không trả lại hoặc vận dụng chưa đúng Nghị quyết 755[28]; một số vướng mắc chưa được Nghị quyết 755 đề cập đến như: Nhà nước đã mua lại hoặc thanh lý nhưng chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán một phần; người xuất cảnh giao nhà cho Nhà nước quản lý nhưng không xuất cảnh được; người thuê, mượn, được ủy quyền quản lý nhà giao nhà cho nhà nước; đã có quyết định trả nhà nhưng quyết định chưa được thực hiện; điều kiện để được hỗ trợ cải thiện nhà ở (đối với các đồng thừa kế, sinh sống ở địa phương khác...); nhà nước quản lý nhà vắng chủ của người tham gia hoạt động cách mạng,..
2. Kết quả giám sát đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân
- Tòa án nhân dân tối cao: trong kỳ báo cáo, số vụ việc đề nghị Tòa án các cấp xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 12.372 vụ[29], đã xem xét, giải quyết và trả lời được 2,974 vụ đạt tỷ lệ 24%. Trong số 2.974 vụ được giải quyết, đã có 500 vụ (chiếm 16,8%) được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm[30].
Trong kỳ, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao 299 vụ việc, chủ yếu là đề nghị xem xét, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm[31]. Đến nay, các Tòa án đã xem xét, giải quyết, trả lời được 145/299 vụ việc (đạt tỷ lệ 48,5%), thấp hơn so với cùng kỳ[32]. Trong 214 vụ việc có nội dung đề nghị xem xét lại các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 74 vụ việc (đạt tỷ lệ 34,5%); trong đó, trả lời: không có căn cứ kháng nghị đối với 51 vụ và kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 23 vụ (có 02 vụ đã có kết quả xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm); còn lại 140 vụ việc đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và đang tiếp tục được xem xét theo quy định của pháp luật. Đối với 85 vụ việc có nội dung khác, Tòa án nhân dân đã giải quyết 71 vụ; trong đó, có 17/17 đơn tố cáo cán bộ, thẩm phán đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 100% và đều kết luận tố cáo không có cơ sở.
UBTVQH đã yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, giải quyết, trả lời công dân và báo cáo UBTVQH đối với 154 vụ việc (chiếm 51,5%); trao đổi trực tiếp về 02 vụ việc mà công dân thường xuyên gửi đơn khiếu nại đến Lãnh đạo Quốc hội[33], đã được Tòa án nhân dân tối cao trả lời không có căn cứ giám đốc thẩm, nhưng qua nghiên cứu hồ sơ, UBTVQH đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại vụ việc theo quy định của pháp luật.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: trong kỳ báo cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thụ lý 14.322 vụ việc, đã xem xét, giải quyết, trả lời được 3.609 vụ, đạt tỷ lệ 25,1%, cao hơn kỳ trước (kỳ trước 12,6%)[34]. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 291 đơn về 287 vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyển đến[35] và đã giải quyết 134 việc, đạt tỷ lệ 47,42%, cao hơn so với cùng kỳ[36]. Trong đó, có 80 việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chiếm 27,83%; 192 việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, chiếm 67,01%; 05 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, chiếm 1,7%; chuyển các cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền 08 đơn; lưu 02 đơn do đã xem xét, giải quyết nhiều lần, đúng pháp luật. UBTVQH đề nghị xem xét 04 vụ việc cụ thể mà công dân tiếp tục khiếu nại, gửi đơn đến lãnh đạo Quốc hội thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao[37].
Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong kỳ vẫn diễn biến phức tạp, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự, hành chính, về hình sự chủ yếu là đơn kêu oan nhất là sau khi một số trường hợp được minh oan và dư luận quan tâm như các vụ: ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. UBTVQH yêu cầu lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có giải pháp hiệu quả về tổ chức và cán bộ để tăng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội[38], khẩn trương rà soát xem xét, xử lý dứt điểm các đơn kêu oan.
3.1. Về công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân
Lãnh đạo các địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân. Theo đó đã kiện toàn Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện, ban hành nội quy, quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện làm việc của Trụ sở tiếp công dân. Đến nay, các Ban Tiếp công dân ở các địa phương đã thực hiện việc tiếp công dân theo đúng quy định. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo tỉnh, thành phố cơ bản đã thực hiện việc tiếp công dân. Qua hoạt động tiếp công dân, lãnh đạo tỉnh, thành phố đã kịp thời chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khẩn trương giải quyết các vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết các khiếu nại đông người, phức tạp mới phát sinh trên địa bàn để ổn định tình hình tại địa phương.
Trong năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, các cấp, các ngành của 06 tỉnh nhận được 18.106 đơn thư khiếu nại, tố cáo; qua nghiên cứu, phân loại có 12.554 vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó có 9.999 vụ việc khiếu nại (chiếm 79,6%) , 2.555 vụ việc tố cáo (chiếm 20,4%). Kết quả giải quyết như sau:
- Về khiếu nại: đã giải quyết được 8.118 vụ việc (đạt 81,2%); đang giải quyết 1.187 vụ việc (chiếm 18,8%); trong đó có 721 khiếu nại đúng (chiếm 8,9%), 1.299 khiếu nại có đúng, có sai (chiếm 16%), khiếu nại sai 5.407 (chiếm 66,6%). Số vụ việc rút đơn, hòa giải thành là 691 (chiếm 8,5%).
- Về tố cáo: đã giải quyết được 2.029 vụ việc (đạt 79,4%), đang giải quyết 526 vụ việc (chiếm 20,6%). Trong đó, tố cáo đúng 151 vụ việc (chiếm 7,4%), có đúng có sai 750 vụ việc (chiếm 30,7%), tố cáo sai 1.116 vụ việc (chiếm 55%), rút đơn là 12 vụ việc (chiếm 0,6%).
Trong số các vụ việc trên, có 169 vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyển đến. Các cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã giải quyết xong 79 vụ việc, đạt 47%, đang giải quyết 90 vụ việc.
Qua đánh giá kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy: khoảng 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; số lượng công dân khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 24,9%; tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 38,1%; số vụ việc đang giải quyết chiếm 39,4%; số vụ việc được giải quyết ở cấp huyện bị xem xét lại chiếm số lượng đáng kể. Tình hình trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều tồn tại, bất cập; chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, vi phạm quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và áp dụng pháp luật để giải quyết; số vụ việc được giải quyết ở cấp huyện bị xem xét lại chiếm số lượng đáng kể.
3.2. Kết quả giám sát 58 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể tại 06 địa phương[39]
Qua giám sát tại các địa phương trong công tác giải quyết đối với 58 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể[40], UBTVQH đã nhất trí việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương về 21 vụ việc (chiếm 36%); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại đối với 12 vụ việc (chiếm 21%); tham gia ý kiến đối với 24 vụ việc (chiếm 41%) thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương có vướng mắc; đề nghị báo cáo, cung cấp, thông tin đối với 01 vụ việc để có cơ sở làm việc với cơ quan Trung ương[41].
Ngay sau khi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc bức xúc, kéo dài; giao việc đến từng cơ quan, ban ngành tham mưu, đề xuất việc giải quyết và có phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo[42].
Qua giám sát tại 06 địa phương đối với 58 vụ việc cụ thể thấy nổi lên một số vấn đề đáng chú ý sau:
- Chính sách pháp luật về đất đai, nhất là quy định về áp giá đền bù, bồi thường trong có nhiều thay đổi, không thống nhất, trong khi đó việc thu hồi đất lại thực hiện kéo dài qua nhiều giai đoạn, dự án chậm triển khai thực hiện, áp giá đền bù khác nhau dẫn đến không công bằng gây bức xúc cho các hộ dân, như vụ việc khiếu nại đông người của các hộ dân tỉnh Bình Dương về dự án Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương... Mặt khác, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, áp giá đền bù, hỗ trợ có nơi làm chưa đúng quy trình, thủ tục, áp dụng pháp luật chưa đúng dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, như: việc thực hiện Dự án Khu công nghệ cao ở quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, khi thu hồi đất không ban hành Quyết định phê duyệt về phương án bồi thường và thu hồi 284 ha đất nằm ngoài Dự án đã được Chính phủ phê duyệt.
- Việc quản lý đất nông nghiệp, đất công ích (5%) của cấp xã còn buông lỏng, nhiều nơi cho thuê đất trái thẩm quyền, người được nhận thuê đất tự ý chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa nghiêm; việc giải quyết khiếu nại chưa hợp tình, hợp lý làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, như việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Trọng Phường ở cồn Vĩnh Trụ, thôn Trụ Hạ, xã Đồng Lạc, Chí Linh, Hải Dương; việc khiếu nại của bà Lê Thị Bích Thịnh và một số hộ dân ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án xây dựng Trường mầm non Nhật Tân 2 và dự án xây dựng Nhà khách UBND thành phố Hà Nội,..
- Công tác tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý đất đai, nhất là việc kiểm kê, đo đạc thiếu chính xác, còn để người dân lấn chiếm đất công; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm chễ, buông lỏng trong thời gian dài dẫn tới khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp đất đai; việc áp giá đền bù thiệt hại khi thu hồi đất không thống nhất trong cùng một dự án làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, như: khiếu nại của một số hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; khiếu nại của Hợp tác xã may mặc Thống Nhất, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; việc giải quyết xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phan Văn Phùng ở khu phố 5, phường Nhơn Phú B, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh,..
- Năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm công tác thẩm tra, xác minh và tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ dẫn đến kết quả giải quyết không đúng, không khách quan, như việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Quý Dung ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội về việc tách thửa đất nằm trong khu đấu giá quyền sử dụng đất,..
- Kỷ cương, kỷ luật hành chính ở nhiều nơi còn bị xem nhẹ, nhiều vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trên xem xét, chỉ đạo giải quyết nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc chậm triển khai hiện gây bức xúc cho công dân như vụ việc tố cáo của ông Nguyễn Kiên Trực là đúng và UBND thành phố nhiều lần chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phải xem xét, giải quyết dứt điểm, nhưng vụ việc để kéo dài, chậm được giải quyết[43].
Qua theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại Báo cáo kết quả giám sát số 984/BC-UBTVQH14 ngày 05/11/2015 về việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2015 cho thấy, ngay sau khi kết quả giám sát được chuyển đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngày 25/11/2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 9749/VPCP-VI thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện kiến nghị giám sát của UBTVQH. Theo đó, ngày 01/4/2016, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 763/KH-TTCP, trong đó đã phối hợp với các bộ, ngành tiến hành sơ kết việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, rà soát lại các quy định hướng dẫn thi hành để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi; rà soát lại những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chỉ đạo các Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh có vụ việc khiếu nại, tố cáo mà UBTVQH đã kiến nghị để rà soát, giải quyết.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong số 38 vụ việc UBTVQH có kiến nghị sau giám sát, có 12 vụ việc đã giải quyết; 02 vụ việc đã giải quyết xong một phần; 18 vụ việc có văn bản trả lời đang trong quá trình giải quyết; 06 vụ việc chưa nhận được văn bản trả lời, thông báo tiến độ giải quyết[44]. Qua nghiên cứu kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng cho thấy: có những vụ việc UBTVQH đã kiến nghị và nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, công dân vẫn gửi nhiều đơn thư đến Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, như vụ việc khiếu nại của ông Tạ Tuyên ở 38 Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, Hà Nội; khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Hoa ở Kiên Lương, Kiên Giang. Có trường hợp báo cáo đã kiểm tra, xác minh lại nhưng vẫn chưa làm rõ được vấn đề công dân khiếu nại, chưa làm rõ được mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng với tài liệu của cơ quan Công an tỉnh thu thập được, như trong việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Huỳnh Cạnh và ông Tôn Thất Thiện ở Đăk Lắc.
5. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
5.1. Tồn tại, hạn chế
- Công tác tiếp công dân, đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở một số đơn vị còn chưa được triển khai có hiệu quả, còn hình thức; chưa đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân; chưa khách quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hầu hết người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện chưa tiếp công dân mà ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện. Việc thực hiện đối thoại bắt buộc khi giải quyết khiếu nại lần 2 lại chủ yếu được ủy quyền cho cán bộ cơ quan thẩm tra, xác minh thực hiện.
- Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư có những trường hợp chưa chính xác; việc thụ lý, thẩm tra, xác minh trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị còn chưa đúng quy định; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quan tâm giải quyết dứt điểm hoặc việc giải quyết chưa đúng bản chất của vấn đề; tình trạng ban hành thông báo thay cho quyết định giải quyết khiếu nại còn khá phổ biến; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo tại một số nơi còn chậm khiến người dân bức xúc[45].
- Việc giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và Kế hoạch 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; quy trình giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng người dân cố tình không chấp hành, tiếp tục khiếu nại.
- Một số địa phương chưa chủ động trong việc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc xem xét, kiểm điểm và xử lý đối với người có sai phạm. thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Việc xét xử các vụ việc công dân khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước chủ yếu tập trung xem xét việc ban hành quyết định hành chính có đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục hay không mà chưa đi sâu vào nội dung, bản chất mà công dân khiếu nại[46]; kết quả xét xử thường là bác đơn của công dân. Vì vậy, nhiều trường hợp công dân không muốn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án mà tiếp tục khiếu nại hành chính, dẫn đến việc giải quyết không có điểm dừng.
- Việc đôn đốc, kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, tỷ lệ giải quyết còn thấp, không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; có bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng khó khăn trong việc thi hành; việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; còn có trường hợp giải quyết khiếu nại không ban hành quyết định giải quyết; việc giải quyết và trả lời các đơn đề nghị của công dân do các cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyển đến còn chậm.
5.2. Nguyên nhân
5.2.1. Về nguyên nhân khách quan:
- Quy định của Luật Khiếu nại về thời hạn, thời hiệu thụ lý giải quyết, về điều kiện để thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại còn bất cập. Trên thực tế nhiều vụ việc mặc dù đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định nhưng công dân không chấp nhận, vẫn tiếp tục khiếu nại đề nghị xem xét giải quyết vì cho rằng quyền lợi của mình bị vi phạm.
- Chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập, thay đổi trong từng thời kỳ nhất là quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất dẫn đến việc áp dụng khó khăn trong thực tiễn. Một số dự án có tiến độ bồi thường và bố trí tái định cư chậm, việc áp giá bồi thường trước và sau chênh lệch dẫn đến người dân so bì, không chấp nhận đơn giá bồi thường và khiếu nại.
- Một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiếp công dân còn hình thức, chưa gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
5.2.2. Về nguyên nhân chủ quan:
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn chưa thường xuyên; chất lượng, hiệu quả hạn chế.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế cả về năng lực và trách nhiệm phục vụ người dân.
- Việc triển khai kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao theo luật tổ chức mới còn chậm; đội ngũ cán bộ chưa được bổ sung kịp thời; một bộ phận cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp trong khi phải giải quyết số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vốn trước đây do Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao giải quyết dẫn đến tỷ lệ đơn được giải quyết thấp.
- Nhận thức của một số công dân về những quy định của pháp luật về đất đai, về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; còn có tâm lý khiếu nại cầu may; có những trường hợp cố tình không chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại có căn cứ và đúng pháp luật.
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBTVQH có một số yêu cầu, kiến nghị như sau:
1. Yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các ban của UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH quan tâm, tăng cường hơn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban dân nguyện trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 228, Nghị quyết 694, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 759 và đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị quyết trên, trong đó có quy định cụ thể về việc định kỳ tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, mối quan hệ phối hợp giữa Ban Dân nguyện và Thường trực Hội đồng, Ủy ban; nghiên cứu làm rõ mô hình tổ chức tiếp công dân của Quốc hội và tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện khác để bảo đảm vai trò tiếp công dân của Quốc hội; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý về tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo dùng chung cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các ban của UBTVQH và các Đoàn ĐBQH.
3. Yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của địa phương nhất là cấp cơ sở tăng cường, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân có sai phạm; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của UBTVQH trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể được nêu trong báo cáo và Phụ lục kèm theo báo cáo này; có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Giao Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 23, Nghị quyết 755 (giai đoạn từ 2010 đến nay); phân công Ủy ban Pháp luật[47] chủ trì thẩm tra kết quả tổng kết, sớm đề xuất phương án xử lý những khiếu nại về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 và báo cáo UBTVQH vào cuối năm 2017.
5. Giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung, khắc phục những tồn tại, bất cập nhằm đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc xử lý các vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.
6. Yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo, yêu cầu Tòa án, Viện kiểm sát các cấp có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, hình sự; nâng cao tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; giải quyết, trả lời kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH chuyển đến; nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của UBTVQH trong việc giải quyết những vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền.
Trên đây là Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH xin trân trọng báo cáo Quốc hội./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
[1] Báo cáo của HĐ, UB: số 41/BC-HĐDT14 ngày 01/9/2016; số 69/BC-UBPL14 ngày 01/9/2016; số 134/BC-UBTP14 ngày 9/9/2016; số 95/BC-UBVĐXH14 ngày 29/8/2016; số 57/BC-UBKT14 ngày 01/9/2016; số 118/BC-UBTCNS14 ngày 21/9/2016; số 40/BC-QPAN14 ngày 26/8/2016; số 45/BC-UBKHCNMT14 ngày 31/8/2016; số 121/BC-UBĐN14 ngày 01/9/2016; số 35/BC-UBVHGDTTN14 ngày 25/8/2016; số 583/BCTĐB-CTĐB ngày 22/8/2016.
[2] Thường trực HĐDT tiếp công dân qua thăm hỏi chúc tết cổ truyền của đồng bào Khơ Me, của đồng bào Chăm, các buổi đón tiếp đoàn cán bộ Già làng, Trưởng bản về thăm và làm việc với Quốc hội; Thường trực UBĐN tiếp công dân thông qua các chuyến công tác nước ngoài của UB, các chuyến thăm và làm việc của Lãnh đạo Quốc hội tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, nơi có đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài làm ăn, sinh sống và qua các cuộc khảo sát, giám sát hoặc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội; Thường trực các UBPL, UBTP, UBVĐXH, UBVHGDTNTN và NĐ tiếp công dân thông qua tiếp xúc cử tri hoặc tại Trụ sở, tại nơi ứng cử theo đề nghị của công dân hoặc khi tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương.
[3] Có 1.147 khiếu nại, 179 tố cáo và 213 kiến nghị, phản ánh, có 68 lượt đoàn đông người.
[4] Có 1.070 khiếu nại, 392 tố cáo, 295 kiến nghị phản ánh, có 188 lượt đoàn đông người.
[5] Kỳ trước tỷ lệ văn bản trả lời đạt 51,11%.
[6] Xem chi tiết Phụ lục I.
[7] Số đơn trùng, đơn không đủ điều kiện xử lý tăng 2.002 đơn thư so với năm 2015.
[8] Hà Nội xử lý 1874/1874 đơn nhận, Tp Hồ Chí Minh xử lý 1497/1497, Thanh Hóa xử lý 417/417, Đồng Nai xử lý 582/582, Đăk Lăk xử lý 436/443, Quảng Ngãi xử lý 443/466, Đà Nẵng xử lý 234/234, Bình Dương xử lý 222/222, Đăk Nông xử lý 215/215,...
[9] Tp. Hồ Chí Minh 111 vụ việc, Đà Nẵng 31 vụ việc, Hà Nội 24 vụ việc, Đồng Nai 23 vụ việc, Cà Mau 21 vụ việc, Bình Thuận 18 vụ việc, Bình Định 17 vụ việc,... Xin xem chi tiết Phụ lục II.
[10] Ông Lê Tiến Dũng trú tại Liên Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng đề nghị giải quyết việc oan sai xảy ra từ năm 1978. Từ năm 2011 đến năm 2016, Ủy ban đã có 10 văn bản kiến nghị về việc giải quyết vụ việc. Ngày 11/7/2016, Công an thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Ủy ban về kết quả giải quyết bồi thường oan sai cho ông Lê Tiến Dũng, chấm dứt được khiếu nại kéo dài của công dân.
[11] Trường hợp hy sinh của ông Vũ Xuân Hải trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, được Ủy ban kiến nghị về điều kiện xác nhận liệt sĩ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình số 26/LĐTBXH-TTr ngày 17/3/2016 trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với ông Vũ Xuân Hải.
[12] Ủy ban tư pháp, Ủy ban về các vấn đề xã hội
[13] Trà Vinh (12 vụ), Cần Thơ (9), Bạc Liêu (8), Đồng Nai (7), Ninh Bình (5), Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh (4), Đăk Lăk và Thừa Thiên - Huế (3), Bình Định, Cà Mau, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Thuận, Phú Yên và Thái Nguyên (2), Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Quảng Nam và Quảng Trị (1).
[14] 20 Đoàn đại biểu Quốc hội có Báo cáo chi tiết số liệu đánh giá văn bản trả lời, xin xem chi tiết Phụ lục II kèm theo.
[15] Hà Tĩnh (5 vụ ), Quảng Ngãi (2 vụ).
[16] An Giang (9 vụ), Ninh Thuận (3), Hà Nam (2), Điện Biên (1).
[17] Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội hiện nay được tổ chức và bố trí chung trong Trụ sở tiếp công dân Trung ương.
[18] Nghị quyết 759/2014/NQ-UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. (Nghị quyết 759).
[19] Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. (Nghị quyết 694).
[20] Nghị Quyết 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. (Nghị quyết 228).
[21] Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
[22] Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.
[23] Vụ khiếu nại của các cơ sở gạch nung Hoffman ở Bình Dương; vụ khiếu nại của ông Nguyễn Huy Minh ở Hà Nội.
[24] Vụ việc tranh chấp đất giữa ông Huỳnh Cạnh và ông Tôn Thất Thiện ở Đắk Lắk.
[25] 02 vụ việc Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ; 01 vụ việc đã cử Đoàn công tác kiểm tra, xác minh và đang hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ; 01 vụ việc đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 01 vụ việc Bộ đã thẩm tra, xác minh và trả lời công dân; 02 vụ việc không thuộc thẩm quyền, Bộ đã có văn bản hướng dẫn hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
[26] Báo cáo số 103/BC-BXD ngày 27/9/2016 của Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755.
[27] Báo cáo số 03/BC-CP ngày 13/4/2010 của Chính phủ về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755.
[28] Vụ việc khiếu nại của ông Tạ Tuyên ở 38 Hàng Giầy, Hà Nội; vụ việc khiếu nại của ông Lương Minh Hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại việc năm 2011, UBND TP Hồ Chí Minh xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà số 305 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình mà trước đó khi thực hiện chính sách quản lý, nhà nước đã giao lại cho gia đình ông được sử dụng.
[29] Thụ lý mới 7.589 vụ, 4.783 vụ của kỳ báo cáo trước chuyển sang.
[30] Báo cáo số 43/BC-TA ngày 31/8/2016 của Tòa án nhân dân tối cao .
[31] 214 vụ việc có nội dung đề nghị xem xét lại các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; 85 vụ việc có nội dung khiếu nại khác
[32] Kỳ trước đạt tỷ lệ 52,82%
[33] Khiếu nại của bà Vũ Thị Tuyết, Vũ Thị Kim Oanh ở 63 Bùi Thị Xuân Hà Nội đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 64/2008/DSPT ngày 14/3/2008 của TAND thành phố Hà Nội; Khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nhảng ở Thanh Hóa đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 11/2013/HCPT ngày 14/8/2013 của TAND tỉnh Thanh Hóa.
[34] Báo cáo số 94/BC-VKSTC ngày 01/9/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[35] Ủy ban tư pháp 177 đơn; Ban Dân nguyện 46 đơn; Đoàn ĐBQH 26 đơn; ĐBQH 14 đơn; cơ quan khác của Quốc hội 28 đơn
[36] Kỳ báo cáo trước đạt tỷ lệ 36,4%
[37] Xin xem Phụ lục VII.
[38] Nghị quyết số 37 của Quốc hội khóa XIII ngày 23/11/2012 giao chỉ tiêu cho Tòa án nhân dân tối cao nâng tỷ lệ đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đạt trên 60% (năm 2016 giải quyết chỉ đạt 24%)
[39] Danh sách 58 vụ việc và ý kiến của Đoàn xin xem chi tiết Phụ lục III kèm theo báo cáo.
[40] Hà Nội (17 vụ), Quảng Ninh (14), Đồng Nai (8), Tp. Hồ Chí Minh (8), Hải Dương (7), Bình Dương (4 vụ).
[41] Vụ khiếu nại của các cơ sở gạch nung theo công nghệ Hoffman ở Bình Dương; vụ Hồ Thanh Hải ở TP Hồ Chí Minh
[42] UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh
[43] Vụ việc đã có Quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng và buộc phá dỡ năm 2011; ngày 30/9/2016, UBND quận Cầu Giấy có văn bản báo cáo đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ ngày 29/9/2016.
[44] Xin xem chi tiết Phụ lục VI.
[45] Vụ việc tố cáo của ông Nguyễn Văn Phúc ở Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương
[46] Như trường hợp giải quyết khiếu kiện đối với Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai...
[47] Báo cáo số 69/BC-UBPL14 ngày 01/9/2016 của UBPL có kiến nghị UBTVQH cho tiến hành tổng kết.
- 1Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Quốc hội ban hành
- 2Quyết định 945/QĐ-TTg năm 2011 phân công bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Báo cáo 1198/BC-TTCP tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp trong thời gian tới do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 4Công văn 115/TTg-V.I năm 2020 về xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- 1Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc Đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Nghị quyết số 23/2003/QH11 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 do Quốc Hội ban hành
- 3Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 về việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 4Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 5Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009
- 6Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Quốc hội ban hành
- 7Quyết định 945/QĐ-TTg năm 2011 phân công bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật khiếu nại 2011
- 9Luật tố cáo 2011
- 10Kế hoạch 1130/KH-TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 11Báo cáo 1198/BC-TTCP tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp trong thời gian tới do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 12Kế hoạch 2100/KH-TTCP năm 2013 tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 13Luật tiếp công dân 2013
- 14Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 15Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiếp công dân
- 16Nghị quyết 231/NQ-UBTVQH14 năm 2016 về tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 17Báo cáo 984/BC-UBTVQH13 kết quả giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội
- 18Công văn 115/TTg-V.I năm 2020 về xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Báo cáo 34/BC-UBTVQH14 năm 2016 kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội
- Số hiệu: 34/BC-UBTVQH14
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 19/10/2016
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đỗ Bá Tỵ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra