Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/BC-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2013

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phúc đáp Công văn số 13/LĐTBXH-BGĐ ngày 03 tháng 01 năm 2014 về việc xây dựng báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2013 phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm".

- Ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BVHTTDL ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

2. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan tổ chức sửa đổi các văn bản quy ước, hương ước tại cộng đồng (theo hướng dẫn tại Công văn số 3349/BVHTTDL-GĐ ngày 13 tháng 9 năm 2013). Việc sửa đổi tập trung vào các nội dung sau:

- Rà soát, bổ sung thêm hai nội dung thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình giữa các thành viên trong gia đình vào văn bản hương ước, quy ước tại cộng đồng.

- Nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

- Tránh phân biệt, có cách ứng xử phù hợp, tiến bộ đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là trẻ em gái.

- Không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lao động việc làm và phân chia tài sản thừa kế.

- Gia đình, dòng họ, cộng đồng cần tích cực tuyên truyền, giải thích cho nam, nữ trong độ tuổi kết hôn về chủ động tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật của quốc gia nơi đối tượng định kết hôn cư trú cũng như pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề kết hôn với người nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn 05 địa bàn xã thực hiện điểm để tiến hành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước (thực hiện Mô hình 4 của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015) trên các tiêu chí sau:

- Điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông còn hạn chế, còn nhiều thủ tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt của người dân.

- Trình độ dân trí thấp, nhận thức về bạo lực gia đình, bình đẳng giới còn hạn chế, tình hình bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng.

- Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng diễn biến phức tạp; tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao, có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Đến nay, đã có 46/63 tỉnh/thành phố gửi báo cáo việc triển khai hướng dẫn này về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

- Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động bình đẳng giới. Đã có 120 tác giả từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia với hơn 236 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi được đánh giá đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Các thông điệp về bình đẳng giới được truyền tải rõ nét và phong phú thông qua các bức vẽ ấn tượng.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho tác phẩm "Lựa chọn giới tính khi sinh - Mất cân bằng giới tính - Gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới", 2 giải nhì, 3 giải ba thể loại tranh cổ động về bình đẳng giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động cụ thể tại địa phương. Phối hợp với báo Văn hóa, báo Gia đình và xã hội, báo Du lịch, báo Pháp luật để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thúc đẩy bình đẳng giới.

- Dự án VNM8P05 "Xây dựng ứng phó quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình" đã chủ trì và phối hợp  với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ - 25/11 với các chủ đề xoay quanh vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện bình đẳng giới. Chuỗi sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và đông đảo người dân trong xã hội.

4. Tổ chức nghiên cứu khoa học

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay". Đề tài được triển khai nhằm mục tiêu tìm hiểu thực trạng của việc triển khai hệ thống giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; hiệu quả cũng như hạn chế. Trong đề tài này, vấn đề nguyên nhân bạo lực gia đình xuất phát từ bất bình đẳng giới, một số khía cạnh của vấn đề bạo lực giới trong gia đình cũng được quan tâm tìm hiểu.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Từ nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Năm 2012, Ban cán sự Đảng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Nghị quyết về việc đảm bảo ít nhất có 01 lãnh đạo là nữ trong các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời đã bổ nhiệm 01 Thứ trưởng là nữ. Hiện nay tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng ủy là 14,7%; tham gia Ban Thường vụ là 27,27%.

Đối với tỷ lệ cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp ủy của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự kiến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào Ban Chấp hành là 20,45%; tham gia vào Ban Thường vụ là 16,66%; tỷ lệ Phó Bí thư là nữ 50%.

2. Bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, thông tin

- Chỉ tiêu 1: "Đến năm 2015 giảm 60% và đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng cường thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới."

Đối với việc thực hiện chỉ tiêu này, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài tiếng nói, báo in và báo điện tử với các bài viết, chuyên trang, chuyên mục với nội dung về thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020 tại 63 tỉnh/thành phố, Bộ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, đảm bảo lồng ghép giới trong các sản phẩm truyền thông.

3. Bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình

- Chỉ tiêu 1: "Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020"

Thông qua các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng bước đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, trong đó có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình giữa các thành viên. Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa chỉ tiêu này vào như một hoạt động trọng tâm. Tuy nhiên, chỉ tiêu này rất khó để thu thập, đòi hỏi nhiều cuộc khảo sát đầu vào, trên cơ sở đó mới có thể tính toán và báo cáo.

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch khảo sát thực trạng của vấn đề này để tử đó xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp.

- Chỉ tiêu 2: "Đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 85% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình."

Theo số liệu tổng hợp, đến thời điểm này, trên toàn quốc có 14.350 vụ bạo lực gia đình. Số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 11.526 vụ. Tổng số nạn nhân bạo lực gia đình đến cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là 13.712 nạn nhân. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 7.086 người

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

* Hoạt động tại cấp Trung ương

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, viện triển khai hoạt động bình đẳng giới có nhiều thuận lợi vì được sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ, các Vụ, đơn vị thuộc Bộ. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được lồng ghép chặt chẽ với lĩnh vực công tác gia đình, đặc biệt là phòng, chống bạo lực gia đình trong việc tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông cũng như nghiên cứu, xây dựng chính sách. Tuy nhiên, với đặc thù là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bao gồm các vận động viên, diễn viên, nghệ sĩ…nên hoạt động liên quan tới bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong phạm vi ngành cần được tiếp tục điều chỉnh, lồng ghép cho phù hợp.

Điểm mạnh của việc triển khai hoạt động bình đẳng giới năm 2013 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là công tác truyền thông về Luật bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh các chương trình truyền thông phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng được tổ chức thường xuyên, chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực gia đình chống lại phụ nữ - 25/11 được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và tạo dấu ấn mạnh mẽ ở cả cấp Trung ương và địa phương. Các hội thảo, hội nghị có nội dung về bình đẳng giới được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức của Bộ cũng như đại diện các Bộ, ngành, đơn vị.

* Hoạt động tại địa phương

Đến thời điểm này, có 17 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố đã gửi báo cáo về việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của địa phương thực hiện Kế hoạch hành động 3110/KH-BVHTTDL về bình đẳng giới của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một số tỉnh/thành phố như Hải Dương, Hưng Yên, Tây Ninh, Bến Tre… đã tổ chức các hoạt động tập huấn về nội dung bình đẳng giới hoặc lồng ghép bình đẳng giới trong chương trình tập huấn chung về công tác gia đình.

Nội dung các lớp tập huấn này nhằm trang bị kiến thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. Thành viên tham gia là cán bộ làm công tác gia đình cấp xã, thành viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở một số địa phương như Hà Nam, Đồng Nai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn thực hiện Mô hình xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước tại các xã xây dựng điểm. Do vậy bên cạnh việc nâng cao năng lực triển khai thực hiện luật Bình đẳng giới, luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới, lớp tập huấn còn tập trung hướng dẫn việc xây dựng, sửa đổi hương ước tại cộng đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức như triển khai phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, một số văn bản quy phạm pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; các kiến thức, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; bình đẳng giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hình thức truyền thông cũng rất đa dạng như tổ chức nói chuyện chuyên đề; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; thi tìm hiểu kiến thức; tuyên truyền qua băng rôn, pa no, áp phích, đĩa, tờ rơi; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp.

44/63 tỉnh/thành phố đã hoàn tất việc lựa chọn 05 xã tham gia mô hình xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và tiến hành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước nhằm cụ thể hóa nguyên tắc và nội dung bình đẳng giới tại cấp cộng đồng.

2. Khó khăn, vướng mắc

- Bình đẳng giới là một vấn đề mới và khó, quan niệm bình đẳng giới cũng như việc thực hiện bình đẳng giới của một bộ phận người dân trong xã hội còn hạn chế. Do vậy, việc tiếp cận, triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới có những cản trở nhất định.

- Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực bình đẳng giới còn hạn chế.

- Một số hoạt động chuyên môn của ngành như rà soát các sản phẩm văn hóa hiện có, tiến tới xây dựng và lồng ghép yếu tố bình đẳng giới vào các sản phẩm văn hóa đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và thời gian để triển khai.

IV. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bình đẳng giới để tạo sự gắn kết, chia sẻ các hoạt động cũng như huy động nguồn lực cho công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Trên đây là báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2013./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thường trực Ban VSTBPN (để biết);
- Lưu: VT, GĐ, BH.05

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh Ái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 20/BC-BVHTTDL năm 2014 tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 20/BC-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/01/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Huỳnh Vĩnh Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản