Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 119/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP NGÀY 04/7/2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Phúc đáp Công văn số 2456/BTP-VĐCXDPL ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp về việc Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Ủy ban Dân tộc báo cáo như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Vùng dân tộc và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước ta; có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số; là vùng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.

Bên cạnh những thuận lợi trên, vùng DTTS và miền núi, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn là “lõi nghèo” của cả nước; vùng DTTS và miền núi có địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt; nhiều nơi môi trường sinh thái tiếp tục bị suy thoái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đang dần bị mai một; trình độ dân trí chưa đồng đều.

Là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách từng bước phát triển mọi mặt của vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay mới được điều chỉnh bởi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc (Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là quy định chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng hiệu lực pháp lý thấp, chưa quy định cơ chế cụ thể đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách quy định tại Nghị định).

Tình hình và những đặc điểm của lĩnh vực công tác dân tộc nêu trên có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác pháp chế của Ủy ban Dân tộc, do đó, việc thực hiện công tác này còn gặp một số khó khăn, hiệu quả chưa cao.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP

1. Việc triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP

- Xây dựng và ban hành văn bản để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện

Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-UBDT ngày 22 tháng 3 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

- Xây dựng, ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện

Ủy ban Dân tộc không ban hành văn bản, kế hoạch riêng để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP mà căn cứ vào Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để triển khai thực hiện gắn với kế hoạch hằng năm của Ủy ban Dân tộc.

- Tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 55/2011/NĐ-CP

Ủy ban Dân tộc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho cán bộ, công chức thông qua việc lồng ghép với Hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cơ quan, các cuộc họp giao ban, báo cáo công tác kiện toàn cơ cấu tổ chức của Vụ pháp chế.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, công chức của Ủy ban Dân tộc về công tác xây dựng văn bản pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với Ban Dân tộc các tỉnh tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương tại 03 khu vực (phía Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ) để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế cho cán bộ địa phương.

2. Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP

2.1. Về tổ chức và đội ngũ người làm công tác pháp chế

Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc được thành lập vào năm 1998, đến nay, qua 18 năm xây dựng và trưởng thành, Vụ Pháp chế ngày càng được củng cố, kiện toàn, nhất là từ năm 2011, khi Nghị định 55/2011/NĐ-CP được ban hành, Vụ Pháp chế đã được tăng cường thêm 05 biên chế; ngày 01 tháng 6/2013, tiếp nhận bàn giao nguyên trạng Phòng KSTTHC từ Văn phòng Ủy ban chuyển về theo Nghị định 48/2013/NĐ-CP.

Về cơ cấu tổ chức: Vụ Pháp chế có 01 Vụ trưởng, 03 Phó Vụ trưởng, 01 phòng nghiệp vụ KSTTHC (01 Trưởng phòng, 01 Phó phòng) và các chuyên viên (13 biên chế). Về ngạch chuyên viên: 01 chuyên viên cao cấp, 05 chuyên viên chính, 7 chuyên viên. Về trình độ chuyên môn: 01 thạc sỹ Luật, 01 thạc sỹ quản lý công, 11 cử nhân Luật.

2.2. Về hoạt động của tổ chức pháp chế

a) Công tác xây dựng pháp luật

- Lập chương trình xây dựng văn bản QPPL

Hằng năm, Ủy ban Dân tộc giao Vụ Pháp chế kịp thời đôn đốc các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (do Ủy ban Dân tộc đăng ký chủ trì soạn thảo), gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban Dân tộc và đôn đốc, kiểm tra, theo dõi triển khai thực hiện đúng tiến độ.

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Từ khi Nghị định 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cán bộ, công chức của các Vụ, đơn vị, đặc biệt cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Dân tộc ngày càng quan tâm, nhận thức đúng, coi trọng vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản QPPL. Các Vụ, đơn vị và cán bộ, công chức của Ủy ban đã quan tâm hơn đến vai trò của Vụ Pháp chế khi thực hiện công tác này (Vụ Pháp chế đã tham gia tương đối đầy đủ trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo các văn bản QPPL do Ủy ban Dân tộc soạn thảo), đảm bảo các văn bản được soạn thảo tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, ban hành theo quy định của pháp luật. Qua công tác thẩm định, đã kịp thời phát hiện những thiếu sót về quy trình soạn thảo, nội dung, thể thức... của đơn vị chủ trì soạn thảo và tham gia ý kiến kịp thời để chỉnh sửa, bổ sung. Do đó, tiến độ soạn thảo được đảm bảo, chất lượng văn bản ngày càng tốt hơn, có tính khả thi.

- Tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Ủy ban Dân tộc tham gia góp ý các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo gửi xin ý kiến trung bình 200 văn bản/năm. Các ý kiến tham gia đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian, được các cơ quan, đơn vị soạn thảo tiếp thu.

b) Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Hằng năm, Ủy ban Dân tộc ban hành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản, trong đó, giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Dân tộc ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc do cấp có thẩm quyền ban hành để kịp thời công bố văn bản hết hiệu lực hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tính khả thi không cao. Sau khi rà soát, đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình 135, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015.....

Năm 2013, Ủy ban Dân tộc đề nghị các Bộ, ngành phối hợp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc do các Bộ, ngành ban hành hoặc chủ trì soạn thảo đã hệ thống hóa và phát hành cuốn cẩm nang chính sách pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc từ 2006 đến 2012 để phục vụ việc tra cứu, áp dụng và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách về lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

c) Công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Hằng năm, Ủy ban Dân tộc ban hành kế hoạch kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tự kiểm tra và gửi văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, kiểm tra theo quy định (trung bình kiểm tra từ 80-100 văn bản/năm).

Ủy ban Dân tộc giao Vụ Pháp chế hướng dẫn, đôn đốc các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban tự kiểm tra các văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo hoặc gửi Vụ Pháp chế để tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra theo thẩm quyền, Ủy ban Dân tộc đã phát hiện một số thiếu sót, vi phạm như: căn cứ ban hành không đúng, quy định thời điểm có hiệu lực không phù hợp với Luật Ban hành văn bản, có nội dung không phù hợp với văn bản cấp trên hoặc được ban hành dưới thể thức không phù hợp, kỹ thuật soạn thảo chưa đảm bảo... Trên cơ sở đó, có văn bản thông báo nội dung có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản được kiểm tra để cơ quan, người đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý, khắc phục hậu quả theo quy định.

d) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Hằng năm, tổ chức 03 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban Dân tộc về các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc hoặc quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức.

- Ủy ban Dân tộc đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội đồng đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả, phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số; tổ chức các cuộc họp, Hội nghị triển khai công tác và trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật theo định kỳ nhằm nâng cao chất lượng trong công tác này.

- Tổ chức thực hiện tiểu đề án 2 theo QĐ 554/QĐ-TTg “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số”: Hằng năm tổ chức 8-10 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào DTTS (mỗi Hội nghị có 120 đại biểu); tổ chức 2-3 Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa (mỗi Hội thi thu hút 300-500 người tham dự) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số về những nội dung cơ bản, thiết thực của các văn bản pháp luật liên quan đến đời sống hằng ngày của đồng bào như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Biên giới quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành..., phù hợp với trình độ dân trí, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của đồng bào, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khảo sát hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng là: Cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương (cấp tỉnh, huyện); Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, bản, người có uy tín, người sản xuất giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số tại một số địa phương đã thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian qua. Từ đó, đánh giá tác động, tính hiệu quả của công tác này, đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách dân tộc ở địa phương và làm cơ sở để hoàn thiện thể chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ) Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Ủy ban Dân tộc đã tập trung theo dõi thi hành thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc (đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định và đã có Báo cáo số 90/BC-UBDT ngày 03/9/2014 về kết quả triển khai 03 năm thực hiện Nghị định), hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 05 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP (dự kiến trong tháng 9/2016); tiến hành rà soát, tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 (Báo cáo kèm theo Công văn số 143/UBDT-CSDT ngày 24/2/2016) nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp hiệu quả để tổ chức thực hiện các văn bản trên.

e) Công tác bồi thường nhà nước

Trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, tập trung vào việc quán triệt, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc và trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; đảm bảo chất lượng công việc, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thi hành công vụ. Cán bộ, công chức luôn ý thức cao trong việc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật nói chung, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói riêng. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc chưa nhận được đơn yêu cầu bồi thường và cũng chưa thụ lý, giải quyết vụ việc nào.

g) Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng

Ủy ban Dân tộc không có doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng chưa có yêu cầu hỗ trợ pháp lý; chưa tham gia tố tụng vụ, việc nào nên Ủy ban Dân tộc chưa thực hiện công tác này trên thực tế.

h) Công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Đã tham gia ban hành Quyết định số 510/QĐ-UBDT ngày 02/12/2014 thay thế Quyết định số 307/QĐ-UBDT ngày 12/10/2011 về Quy chế phối hợp công bố niêm yết, cập nhật TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC.

Ban hành Quyết định số 449/QĐ-UBDT ngày 30/10/2014 thay thế Quyết định số 308/QĐ-UBDT ngày 12/10/2011 về Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc. Ban hành Thông tư 02/2014/TT-UBDT thay thế các Thông tư 03/2010/TT-UBDT và Thông tư 03/2011/TT-UBDT về quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cập nhật các quy định mới về kiểm soát thủ tục hành chính.

Khảo sát việc thực hiện các thủ tục hành chính do Ủy ban Dân tộc ban hành đang thực hiện tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phục vụ cho công tác rà soát, đánh giá, xử lý thông tin rà soát; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính để đề xuất, kiến nghị sửa đổi kịp thời, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính.

Hằng năm, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo các thủ tục hành chính do Ủy ban Dân tộc ban hành có tính khả thi, phù hợp.

i) Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế và các lĩnh vực công tác khác

Hằng năm, Ủy ban Dân tộc đều ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh triển khai thực hiện công tác pháp chế, trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (hướng dẫn lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến); công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số; công tác kiểm soát thủ tục hành chính và công tác kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế thuộc cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, đảm bảo công tác này được thực hiện ngày càng hiệu quả, đồng bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.

3. Quản lý nhà nước đối với công tác pháp chế

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của tổ chức pháp chế, là công cụ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức pháp chế và thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế; là cơ sở pháp lý để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đủ năng lực, tiêu chuẩn để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác pháp chế; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các tổ chức pháp chế triển khai thực hiện nhiệm vụ có nền nếp, hiệu quả, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

III. NHỮNG BẤT CẬP, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Những điểm bất cập về thể chế

- Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định nhiều chức năng, nhiệm vụ cho các tổ chức pháp chế nhưng chưa quy định rõ và thống nhất với các văn bản khác về cơ cấu, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, nhất là tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành như: Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP quy định tổ chức pháp chế được thành lập phòng trực thuộc nhưng Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nên khó kiện toàn tổ chức pháp chế đáp ứng yêu cầu, chuyên môn nhiệm vụ được giao.

- Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP quy định chuyển nguyên trạng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính sang Vụ Pháp chế nhưng lại không quy định tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế trong trường hợp này, do đó, tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế chưa được thực hiện thống nhất giữa các văn bản trên, gây khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự.

- Một số chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã được luật hóa như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước..., tuy nhiên, một số chức năng, nhiệm vụ chưa được luật hóa nên việc tổ chức triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chưa phát huy hết vai trò, vị trí của tổ chức pháp chế.

- Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về chức danh, vị trí việc làm, chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế nên chưa phát huy tốt nhất năng lực, sở trường công tác của người làm công tác pháp chế; chưa tạo động lực để những người làm công tác pháp chế (đặc biệt là những người chưa đủ tiêu chuẩn) tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế

a) Về chuyên môn, nghiệp vụ

Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Ủy ban Dân tộc đều được đào tạo cơ bản về Luật và các chuyên ngành liên quan, nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, số lượng công chức làm công tác pháp chế không ổn định (do luân chuyển, điều động), chất lượng cán bộ còn hạn chế, do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn.

b) Về kiện toàn, tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân sự

Việc kiện toàn tổ chức pháp chế, bố trí, sắp xếp nhân sự theo quy định tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc chỉ có một Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, chưa kiện toàn được theo hướng thành lập cấp phòng chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa thủ trưởng với lãnh đạo cấp phòng và công chức khác (không có phòng).

c) Về phối hợp công tác với các đơn vị liên quan

Cán bộ, công chức một số Vụ, đơn vị chưa nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế, chưa coi trọng công tác này dẫn đến có nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự tham gia của tổ chức pháp chế dẫn đến thực hiện chưa đúng quy trình soạn thảo văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, công tác pháp chế trong lĩnh vực công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan.

3. Nguyên nhân của những bất cập, khó khăn, vướng mắc

- Một số quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa cụ thể, các quy định về biên chế, cơ cấu tổ chức liên quan đến các văn bản khác, như: Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định “Căn cứ nhu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định thành lập tổ chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trực thuộc Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ”, nhưng quy định này còn chung chung, chưa tạo ra cơ chế để thành lập phòng chuyên môn, chưa thể hiện rõ tầm quan trọng của công tác pháp chế.

- Nhận thức một số thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác pháp chế chưa đúng mức. Do đó, việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác pháp chế chưa sâu sát, chưa quyết liệt, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

- Chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, chưa thực hiện được chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế. Do đó, chưa khích lệ, động viên kịp thời đội ngũ này toàn tâm, toàn ý, tâm huyết giải quyết công việc.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; chức danh, vị trí việc làm; chế độ chính sách cho người làm công tác pháp chế.

2. Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy có các phòng nghiệp vụ, nhất là tổ chức pháp chế Bộ, ngành; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo hướng chuyên môn hóa nghiệp vụ.

3. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan về kinh phí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của công tác pháp chế theo hướng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu (nhất là kinh phí đảm bảo công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật).

4. Quy định cụ thể vai trò, vị trí của tổ chức pháp chế trong việc làm đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị của Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành.

5. Bộ Tư pháp tiếp tục mở các Lớp tập huấn, Hội nghị, Hội thảo chuyên đề để trao đổi, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác này.

Trên đây là Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Ủy ban Dân tộc gửi Bộ Tư pháp tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm;
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, PC (03 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Sơn Hải

 

PHỤ LỤC 01

SỐ LIỆU VỀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ VÀ ĐỘI NGŨ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỦA ỦY BAN DÂN TỘC (Số liệu tính đến 30/8/2016)
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 119/BC-UBDT ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban Dân tộc)

STT

TÊN CƠ QUAN

TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

TỔNG SỐ CÁN BỘ

TÍNH CHẤT CÔNG VIỆC

TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

THÂM NIÊN CÔNG TÁC (SỐ NĂM)

GHI CHÚ

Chuyên trách

Kiêm nhiệm

Cử nhân Luật

Cử nhân chuyên ngành khác

Dưới Đại học

Trên 05 năm

Dưới 05 năm

 

I. CÁC BỘ

II. CƠ QUAN NGANG BỘ

 

Ủy ban Dân tộc

Vụ Pháp chế (01 Phòng Kiểm soát TTHC)

13

13

0

12

01

0

10

3

....

III. CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

 

PHỤ LỤC 02

PHÂN CÔNG LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP PHỤ TRÁCH CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TẠI ỦY BAN DÂN TỘC (Số liệu tính đến 30/8/2016)
(Ban hành kèm theo Báo cáo số 119/BC-UBDT ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban Dân tộc)

STT

TÊN CÁC BỘ, NGÀNH

PHÂN CÔNG CHỈ ĐẠO

BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

I. CÁC BỘ

 

 

II. CƠ QUAN NGANG BỘ

 

1

Ủy ban Dân tộc

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm

III. CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 119/BC-UBDT năm 2016 tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 119/BC-UBDT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/09/2016
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Lê Sơn Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản