Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/BC-UBND

Phú Nhuận, ngày 06 tháng 11 năm 2012

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐỘT PHÁ CỦA THÀNH ỦY VỀ GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 4960/UBND-THKH ngày 28 tháng 9 năm 2012 về chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện 6 Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VỆ SINH MÔI TRƯỜNG:

Qua 02 năm triển khai và thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, tình hình vệ sinh môi trường, trồng cây xanh và giữ gìn sạch đẹp khu phố đã đạt được những kết quả nhất định. Ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường của các ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân 15 phường và nhân dân tại 60 khu dân cư trên địa bàn quận được nâng cao; công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường được tập trung; hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập từng bước được củng cố,... góp phần cải thiện tình hình vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị của quận Phú Nhuận.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp và một bộ phận dân cư chưa cao; một vài Tổ rác dân lập vẫn còn sử dụng xe thô sơ, tự chế, chưa chuyển đổi phương tiện thu gom rác phù hợp do khó khăn về kinh phí và chưa đảm bảo thời gian thu gom rác theo quy định; vẫn còn tình trạng xả rác, đổ nước bừa bãi gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; việc tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư còn gặp khó khăn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện:

Thực hiện chương trình hành động số 14-CtrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, Ban Thường vụ Quận ủy xây dựng Kế hoạch số 31-KH/QU ngày 12 tháng 8 năm 2011 thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và Ủy ban nhân dân quận ban hành Kế hoạch số 482/KH-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2011 về giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Phú Nhuận giai đoạn 2011 - 2015.

Các kế hoạch thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai, quán triệt sâu rộng đến các phòng ban, đoàn thể quận và Ủy ban nhân dân 15 phường; các đơn vị đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tế đơn vị, địa phương.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường:

Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch: chào mừng các ngày lễ, tết; tháng hành động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia, vệ sinh môi trường và Ngày môi trường thế giới 5/6; hưởng ứng lễ phát động quốc gia Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; thu gom, vận chuyển chất thải rắn và đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan tuyến đường Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn.

Phối hợp với Chi Cục Bảo vệ môi trường và Chi Cục Lâm Nghiệp phát 5.107 cây giống, 43.500 tờ bướm và 150 poster tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tăng cường mảng xanh tạo mỹ quan đô thị. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận thực hiện chương trình liên tịch bảo vệ môi trường với nhiều nội dung và hình thức hoạt động đa dạng, phong phú như: tổ chức các hội thi Nét vẽ Môi trường xanh, Kiến thức Môi trường; tham gia các hội thi Môi trường cấp Thành phố (Chúng em tìm hiểu môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, Đa dạng sinh học, Tiểu phẩm tuyên truyền về bảo vệ môi trường;...); giám sát Ủy ban nhân dân 15 phường về việc thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường; tập huấn về bảo vệ môi trường với nội dung: “Biến đổi khí hậu và sự chuẩn bị của cộng đồng”, “Hiểm họa môi trường từ túi nilông khó phân hủy” và “Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải”; tập huấn về truyền thông cộng đồng bảo vệ môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... đã thu hút được nhiều ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân tham gia.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập trung phát động 4 nội dung “Chấp hành pháp luật về trật tự giao thông - Giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường - Giao tiếp ứng xử văn minh ở nơi công cộng - Xây dựng mỹ quan đô thị làm xanh, sạch, đẹp thành phố” sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của hệ thống chính trị, khu phố, tổ dân phố; duy trì thực hiện phong trào ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh, thực hiện công trình “Tuyến đường - tuyến hẻm vệ sinh - văn minh” và phong trào “Hạn chế sử dụng túi ni lông”...

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Khu phố không rác”gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“, Ủy ban nhân dân 15 phường và Ban điều hành Khu phố thực hiện công tác tổng vệ sinh hàng tuần có sổ nhật ký theo dõi, kịp thời chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại về vệ sinh môi trường ở địa bàn khu dân cư. Các khu vực tập kết rác và tuyến đường sắt được quan tâm nên tình hình vệ sinh môi trường có nhiều cải thiện. Đồng thời, phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản có hiệu quả về môi trường như: “Giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực Trường Sa” và “Giữ gìn mảng xanh trên địa bàn khu phố”; “Xây dựng Tổ dân phố văn minh - sạch đẹp - nghĩa tình”; “Khu phố không rác”; “Nâng cao ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường” và “Thực hiện về vệ sinh môi trường, hưởng ứng chủ trương bôi xóa quảng cáo rao vặt trên đường phố”, “Sổ góp ý về môi trường”...

Các trường học trên địa bàn có sự quan tâm, tập trung xây dựng nhà trường đạt tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp; phổ biến, tuyên truyền đến học sinh bằng nhiều hình thức trực quan sinh động như băng rôn, khẩu hiệu với phương châm “Mắt thấy rác, tay nhặt liền”, khuyến khích học sinh trồng và chăm sóc cây xanh, khu vườn, giàn treo xung quanh lớp học và trong khuôn viên nhà trường...

Tuyên truyền, vận động các hệ thống siêu thị, thương mại hạn chế sử dụng túi nylon trong kinh doanh, hạn chế các nguồn điện sử dụng không cần thiết, đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường. Phổ biến trực tiếp đến 60 doanh nghiệp có quy mô sử dụng năng lượng điện trên 50.000 kw/tháng về khuyến khích, vận động thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, đổi mới công nghệ, thiết bị để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

3. Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường:

Quận đã di dời được 01 cơ sở kinh tế gây ô nhiễm môi trường là Công ty Cổ phần Bao bì dược; không có doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh mới.

Thực hiện nghiêm Quyết định số 200/2004/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố, Quận không giải quyết cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh và phúc đáp văn bản tham khảo ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố về địa điểm các doanh nghiệp đăng ký hoạt động các ngành nghề có liên quan theo quyết định nêu trên của thành phố. Đã triển khai, quán triệt sâu rộng Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết, lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Xác nhận 48 bản cam kết bảo vệ môi trường; 04 Đề án bảo vệ môi trường đơn giản và 07 báo cáo hoàn thành các nội dung của Đề án bảo vệ môi trường cho các đơn vị kinh doanh trên địa bàn.

Tổ chức 169 lượt kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các đơn vị trên địa bàn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 08 trường hợp với tổng số tiền là 71,5 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường 1.781 trường hợp với tổng số tiền là 140,45 triệu đồng.

Hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, có kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải của Trạm y tế 15 phường. Đang triển khai lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại 04 cơ sở thuộc Trung tâm Y tế dự phòng và 03 cơ sở thuộc Bệnh viện quận để toàn bộ cơ sở y tế công lập trên địa bàn đều đảm bảo điều kiện về nước thải theo quy định.

Thực hiện quản lý việc khai thác nước ngầm, xây dựng kế hoạch và triển khai khảo sát, thống kê những hộ gia đình, hộ ngoài gia đình hiện đang khai thác, sử dụng nước dưới đất. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, yêu cầu trám lấp đối với các giếng khoan không còn sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt:

Thực hiện tốt Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường; đảm bảo việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn (rác) sinh hoạt giữa Ủy ban nhân dân 15 phường và lực lượng rác dân lập; rà soát, cập nhật đầy đủ tình hình hoạt động của các đường dây rác, phương tiện, thời gian thu gom, tổng số hộ đang thu gom rác, giao chỉ tiêu thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường cho 15 phường.

Cơ bản hoàn thành bản đồ hiện trạng thu gom rác trên địa bàn. Tổng số đường dây rác dân lập trên địa bàn là 101 đường dây, trong đó có 31 đường dây thu gom rác bằng xe ôtô tải, 37 đường dây thu gom rác bằng thùng đẩy tay 660lít, các đường dây còn lại chưa thực hiện chuyển đổi phương tiện do gặp khó khăn về kinh phí mua xe. Quận đang xây dựng phương án chuyển đổi phương tiện thu gom rác cho lực lượng rác dân lập.

Quan tâm đến công tác cải tạo, sửa chữa trạm trung chuyển rác tại số 553 Nguyễn Kiệm, thường xuyên sử dụng thuốc khử mùi, vệ sinh sạch sẽ nền bô khi hết rác, sửa chữa kịp thời khi Trạm có những sự cố về mặt kỹ thuật để nhằm hạn chế mùi hôi và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ, KIẾN NGHỊ:

1. Những kết quả đạt được:

Tình hình vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Người dân tận dụng các khoảng trống, sân thượng trồng và chăm sóc cây xanh các loại, góp phần làm tăng mảng xanh trong khu dân cư.

Các hoạt động phối hợp liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể diễn ra thường xuyên, thu hút được sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bảo vệ môi trường.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường, nghiêm túc xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, nhất là ở các cơ sở y tế lớn; đảm bảo việc thu gom, vận chuyển, quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định; thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ...

Việc xây dựng bản đồ hiện trạng thu gom rác thải đã góp phần thực hiện khá tốt Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được nâng cao, hoạt động của các tổ rác dân lập và công tác thu phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường đi vào nề nếp ổn định, đảm bảo tình hình vệ sinh môi trường khu dân cư.

2. Những tồn tại - khó khăn:

Ý thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa tốt, tình trạng người dân để rác bịch trước giờ thu gom, các hộ kinh doanh, buôn bán vỉa hè và khách vãng lai xả rác vẫn còn; việc tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư chưa nhiều do quỹ đất hạn chế...

Việc triển khai thực hiện Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gặp nhiều khó khăn do quy định chỉ xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho đối tượng lập bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi có giấy phép xây dựng hay trước khi thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp khi đã có giấy phép kinh doanh hay các công trình xây dựng khi đã có giấy phép xây dựng mới thực hiện các thủ tục lập và đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Hiện nay, chưa có cơ chế liên thông giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng trong việc yêu cầu đơn vị phải thực hiện Bản cam kết Bảo vệ môi trường trước khi cấp phép.

Mức thu phí vệ sinh theo quy định tại Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành năm 2008 đến nay không còn phù hợp do tình hình giá cả tăng cao, đời sống của người thu gom rác gặp nhiều khó khăn. Một số phường chưa quản lý chặt chẽ hoạt động của lực lượng rác dân lập dẫn đến tình trạng xe rác dân lập thu gom không đúng thời gian quy định, thu gom rác không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; tình hình thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các phường chưa đồng bộ. Việc quản lý rác dân lập theo Quyết định số 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 15 tháng 10 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố không còn phù hợp, dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng thu gom chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố sau nhiều lần tham khảo ý kiến của quận/huyện vẫn chưa được ban hành.

Quy định về tổ chức và thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố hiện nay chưa được ban hành. Vì vậy, Quận chưa có cơ sở để xây dựng lộ trình thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2013-2015.

Mặc dù trạm trung chuyển rác tại số 553/73 Nguyễn Kiệm thường xuyên được phun xịt thuốc khử mùi và rửa vệ sinh nền bô rác, cải tạo, nạo vét hệ thống thoát nước nhưng đôi khi vẫn có tình trạng phát sinh mùi hôi tại bô rác do rác được lưu chứa tại nhà dân lâu, một vài xe rác lại thu gom rác cách ngày nên dễ phát sinh mùi hôi khi đem rác tới tập kết tại trạm.

3. Kiến nghị:

Quy định về tổ chức và thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố cần sớm được ban hành và có chính sách cụ thể hỗ trợ ban đầu đối với các chủ nguồn thải, lực lượng thu gom để có thể khuyến khích được người dân thực hiện và lực lượng thu gom có phương tiện thu gom đúng kỹ thuật yêu cầu nhằm giúp địa phương triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả.

Kiến nghị Thành phố có hướng điều chỉnh mức thu phí vệ sinh tại Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND cho phù hợp với tình hình mới nhằm đảm bảo đời sống của lực lượng thu gom rác. Đồng thời, việc thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND cần được thực hiện một cách đồng bộ trên địa bàn 24 quận/huyện, tránh sự so bì của lực lượng thu gom rác dân lập và các doanh nghiệp.

Kiến nghị Thành phố có hướng dẫn cho các quận/huyện biện pháp hoặc cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm không khí do giao thông vì hiện nay các quận/huyện rất lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch cũng như biện pháp thực hiện.

IV. CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN NĂM 2013:

Tiến hành khảo sát, nghiên cứu các điều kiện sẵn có tại địa bàn các khu dân cư, xem xét thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại hai đến ba khu vực (tuyến hẻm, tuyến đường nội bộ,...) hay tổ dân phố. Trên cơ sở việc thực hiện thí điểm xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 2013 - 2015, nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm tại các tổ dân phố; tập trung tuyên truyền xây dựng tuyến đường kiểu mẫu xanh sạch đẹp cho người dân ở khu vực tuyến Trường Sa và Nguyễn Văn Trỗi; thực hiện chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên các tuyến đường kiểu mẫu Xanh - Sạch - Đẹp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện công tác thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường; đảm bảo các hộ ngoài gia đình đóng phí theo đúng quy định. Tăng cường việc quản lý lực lượng rác dân lập, yêu cầu thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thu gom hàng năm, nhất là đảm bảo phương tiện và thời gian thu gom rác theo quy định.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các đơn vị kinh doanh và các cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm trên địa bàn quận; việc thực hiện phân loại và vận chuyển chất thải nguy hại theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đảm bảo việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Tập trung kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế và chất thải nguy hại; xử lý nước thải y tế; kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các các cơ sở y tế công lập và các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập.

Hoàn tất khảo sát, thống kê những hộ gia đình, hộ ngoài gia đình hiện đang khai thác, sử dụng nước dưới đất nhằm tổ chức lại công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế tối đa việc sử dụng lãng phí và khai thác bừa bãi nguồn nước.

Tiếp tục trang bị các phương tiện vệ sinh công cộng, lắp đặt lại các thùng rác công cộng tại những giao lộ, khu vui chơi thiếu nhi, trường học.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể thực hiện chương trình liên tịch bảo vệ môi trường năm 2013. Thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả tại các khu dân cư gắn với việc xây dựng “Khu phố không rác”.

Trên đây là báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận về sơ kết việc thực hiện chương trình đột phá của Thành ủy về giảm ngập nước trên địa bàn quận Phú Nhuận giai đoạn 2011 - 2015./.

 


Nơi nhận:
- Viện nghiên cứu phát triển thành phố;
- STNMT;
- TT/QU (PBT.TT);
- UBND quận (CT, các PCT);
- UBMTTQVN quận và các đoàn thể;
- Các phòng, ban, đơn vị thuộc quận;
- Công ty TNHH MTV DVCI quận;
- UBND 15 Phường;
- VP/UBND quận (CVP);
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Công Nghĩa

 

PHỤ LỤC

BẢNG ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN

 

Mục tiêu KH đề ra Giai đoạn 2011 - 2015

Kết quả thực hiện năm 2011 - 2012

Hình thức, giải pháp thực hiện nhằm đạt mục tiêu

Mục tiêu thực hiện năm 2013

Tỷ lệ người dân trên địa bàn quận được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường

100%

95%

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; vận động nhân dân xây dựng tập quán văn minh có các hành vi thân thiện với môi trường, không xả rác, không đổ nước thải...; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu xanh sạch đẹp tại tuyến Trường Sa và Nguyễn Văn Trỗi; phổ biến chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cho người dân tại khu vực thí điểm và các cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước trên địa bàn quận.

- Phối hợp các ban ngành đoàn thể tiếp tục triển khai các Chương trình phối hợp liên tịch về bảo vệ môi trường.

- Phổ biến và khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi nilong.

97%

Lưu giữ, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường từ hộ dân và hộ kinh doanh

100%

99,8%

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 88/2008/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

- Rà soát, thống kê danh sách các hộ dân và hộ kinh doanh không đóng tiền đổ rác; yêu cầu các hộ phải thực hiện đóng phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường theo quy định.

99,9%

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

 

 

 

 

- Lưu giữ, thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại

100%

50%

- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

65%

- Nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam

80%

50%

- Trên địa bàn quận chủ yếu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, không phát sinh khí thải, tiếng ồn do hoạt động sản xuất. Trong 02 năm không có phản ảnh của người dân về vấn đề trên.

65%

- Giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất

Giảm thiểu 70%

70%

70%

Đối với các cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập)

 

 

 

 

- Lưu giữ, thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế

100%

>80%

- Hầu hết các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã ký hợp đồng vận chuyển rác thải y tế với Trung tâm Y tế dự phòng quận.

100%

- Cơ sở dịch vụ y tế trên địa bàn quận xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế

100%

65%

- Hệ thống y tế công lập đã thực hiện việc trang bị hệ thống xử lý nước thải

- Đối với các bệnh viện ngoài công lập cũng đã được đầu tư trang bị hệ thống xử lý nước thải. Riêng các phòng khám chuyên khoa và đa khoa hiện nay vẫn chưa trang bị hệ thống xử lý nước thải do chi phí vận hành và bảo trì còn khá cao, các cơ sở hành nghề đa phần nhỏ hẹp (hiện nay có khoảng 10 cơ sở nha khoa đã trang bị hệ thống xử lý nước thải).

80%

- Nước thải y tế được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam

80%

50%

 

80%

- Đảm bảo người dân được sử dụng nước sạch;

- Vận động các hộ gia đình có giếng khoan không còn sử dụng thực hiện biện pháp trám lấp theo quy định

100%

99.18%

- Có kế hoạch điều tra, khảo sát, thống kê những hộ gia đình, hộ ngoài gia đình hiện đang khai thác, sử dụng nước dưới đất.

- Phân tích, đánh giá chất lượng nước ngầm tại các khu vực có phản ánh của người dân

99.3%

Giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông - vận tải

Phấn đấu giảm thiểu 50%

/

/

/

Tổng số xử phạt về vệ sinh môi trường

/

140.450.000 đồng

Năm 2011:

- Cấp quận: xử phạt 01 trường hợp xây dựng xả nước thải ra hè, đường với số tiền 3.500.000đ.

- Cấp phường: kiểm tra 2403 lượt, nhắc nhở 1333 trường hợp, xử phạt 1070 trường hợp với số tiền 80.460.000 đồng.

Năm 2012:

- Cấp phường: kiểm tra 1616 lượt, nhắc nhở 906 trường hợp, xử phạt 710 trường hợp với số tiền 56.490.000 đồng.

/

Tổng số xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

/

71.500.000 đồng

Năm 2011:

- Cấp quận: xử phạt 04 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 46.250.000đ.

Năm 2012:

- Cấp quận: xử phạt 04 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 25.250.000đ.

/

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 108/BC-UBND năm 2012 về sơ kết thực hiện chương trình đột phá của Thành ủy về giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015

  • Số hiệu: 108/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 06/11/2012
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Phạm Công Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản