Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG LÀM DỊCH VỤ THU GOM RÁC DÂN LẬP.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Luật bảo vệ môi truờng số 29L/CTN ngày 10/01/1994 của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
- Căn cứ điều lệ vệ sinh ban hành theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 01 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng ;
- Xét đề nghị của Sở Giao thông công chánh, công văn số 368/CV-GT-VP ngày 12/12/1997; đề nghị của Sở Tư pháp số 363/CV-VB ngày 05/5/1998;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Ban hành Bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập trên địa bàn thành phố.
Điều 2.
a) Bản Quy chế nêu trên bắt đầu thực hiện sau 30 ngày kể từ ngày quyết định này được ký.
b) Giao cho Giám đốc Sở Giao thông công chánh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện.
Điều 3. - Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc Sở Giao thông công chánh, các tổ chức và cá nhân làm công tác vệ sinh tại thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG LÀM DỊCH VỤ THU GOM RÁC DÂN LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo quyết định số 5424/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/10/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Trong bản quy chế này :
a) Thu gom rác là bao gồm các việc:
- Quét dọn để gom rác vào một chỗ.
- Chuyển rác đi đến nơi quy định.
b) Dịch vụ thu gom rác là việc làm phục vụ cho bên có yêu cầu đến thu gom rác để được trả công.
- Dịch vụ thu gom rác dân lập là những việc làm về thu gom rác do dân tự làm để được trả công, không hưởng lương và các chế độ phụ cấp của Nhà nước.
- Lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập là lực lượng hình thành tự phát trong nhân dân, gồm những người làm các việc dịch vụ thu gom rác dân lập.
Điều 2.-
a) Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập, nhằm đưa lực lượng này đi vào hoạt động theo sự quản lý thống nhất của Nhà nước góp phần vào việc tăng cường biện pháp giữ gìn trật tự vệ sinh đô thị.
b) Những quy định ở mục 2 chương II quy chế này là những quy định mang tính nguyên tắc căn bản làm khung pháp lý trong việc hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập. Khi triển khai thực hiện, những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực nào thì thực hiện theo văn bản của Nhà nước ban hành ở lĩnh vực đó.
Điều 3.- Không áp dụng quy chế này đối với :
- Những người làm nghề lượm rác tự do.
- Những người thu mua rác.
- Những người thu gom rác nhưng không hoạt động theo quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác ban hành tại quy chế này.
Điều 4.- Nhà nước động viên khuyến khích những người làm nghề thu gom rác tham gia vào tổ chức của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập hoạt động theo quy chế này.
Nhà nước khuyến khích các hộ gia đình, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, cá nhân thuộc các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, tích cực giúp đỡ cho hoạt động của những người nằm trong tổ chức của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập.
Điều 5.- Mọi người nằm trong tổ chức của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập phải chấp hành các quy định của quy chế này.
Có thành tích xứng đáng thì được khen thưởng theo chế độ khen thưởng của Nhà nước. Trường hợp vi phạm tùy theo mức độ lỗi phạm có thể :
- Bị khai trừ ra khỏi tổ chức của lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập.
- Bị xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh.
- Bị truy tố trước pháp luật nếu vi phạm nghiêm trọng.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
MỤC I. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC
Điều 6.- Mạng lưới tổ chức :
a) Đơn vị trong lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập là tổ, gọi là “ TỔ LẤY RÁC DÂN LẬP ”.
b) Tổ lấy rác dân lập có ở các phường thuộc quận, phường thuộc thị trấn, xã có nhà cửa, công trình giao thông, công trình đô thị và đời sống sinh hoạt của nhân dân mang sắc thái dân cư đô thị.
Những nơi nêu ở trên, trong quy chế này gọi chung là địa phương sở tại.
c) Căn cứ vào yêu cầu cần phải có hoạt động dịch vụ tham gia rác ở địa phương mà chính quyền địa phương sở tại quyết định số lượng “ TỔ LẤY RÁC DÂN LẬP ” ở địa phương mình.
Điều 7.- Cơ cấu tổ chức của Tổ lấy rác dân lập.
a) Có từ 3 đến 9 người.
Trong đó có : 1 Tổ trưởng và có từ 1 đến 2 Tổ phó.
b) Tổ trưởng, Tổ phó được bầu tại hội nghị toàn thể của Tổ do Ủy ban nhân dân địa phương sở tại chủ trì.
Nhiệm kỳ của Tổ trưởng, Tổ phó là 12 tháng. Còn trong nhiệm kỳ nhưng nếu cần thay đổi Tổ trưởng, thay đổi hoặc bổ sung Tổ phó thì tổ chức hội nghị của Tổ để bầu, nhưng chỉ được tiến hành khi có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân sở tại.
c) Tổ trưởng, Tổ phó hưởng thu nhập bằng lao động trực tiếp của mình trong việc làm dịch vụ thu gom rác. Được hưởng trợ cấp trách nhiệm nếu có sự chấp thuận của toàn thể tổ viên.
Điều 8.- Trách nhiệm và quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó :
- Đại diện cho Tổ đi dự các cuộc họp liên quan đến công việc của Tổ.
- Đại diện cho Tổ trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng dịch vụ của Tổ.
- Kiểm tra đôn đốc các Tổ viên trong việc chấp hành nội quy hoạt động của Tổ, trong việc chấp hành các quy định liên quan đến công việc của Tổ.
- Lập chương trình công tác, điều hòa phối hợp thực hiện chương trình công tác.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân sở tại trong việc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân sở tại và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý vệ sinh công cộng quận, huyện trong việc chấp hành các quy định vệ sinh đô thị của Nhà nước ban hành.
- Đề xuất khen thưởng đối với các Tổ viên lên Ủy ban nhân dân sở tại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành vệ sinh công cộng quận, huyện ; đề xuất kỷ luật đối với Tổ viên lên Ủy ban nhân dân địa phương sở tại quyết định.
Điều 9.- Quan hệ quản lý chỉ đạo.
Lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Ủy ban nhân dân địa phương sở tại. Đồng thời chịu sự chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra đôn đốc của cơ quan quản lý chuyên ngành vệ sinh công cộng quận, huyện.
Điều 10.- Điều kiện và thủ tục để được gia nhập vào lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập.
a) Điều kiện :
- Nam có độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi, nữ có độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi.
- Có thể lực làm các việc về thu gom rác ở địa phương mình.
- Có lai lịch rõ ràng.
- Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú hợp lệ.
b) Hồ sơ xin gia nhập.
- Có đơn xin gia nhập, kèm theo 2 ảnh 4 x 6.
- Lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương nơi thường trú, tạm trú.
- Giấy khám sức khỏe.
Điều 11. - Thủ tục hành chính trong việc chứng nhận hoạt động.
Lực lượng thu gom rác dân lập chỉ được hoạt động sau khi được cấp giấy chứng nhận về việc hành nghề lấy rác.
a) Đối với cá nhân:
Người có đủ điều kiện được gia nhập vào lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập thì Ủy ban nhân dân sở tại ra quyết định chấp nhận và bố trí vào Tổ công tác dịch vụ thu gom rác dân lập tại địa phương.
b) Đối với tập thể:
Ủy ban nhân dân địa phương sở tại ra quyết định thành lập “ TỔ LẤY RÁC DÂN LẬP ” ở địa phương mình, sau đó gửi quyết định thành lập Tổ và danh sách Tổ trưởng, Tổ phó lên cơ quan quản lý chuyên ngành vệ sinh công cộng quận, huyện để biết và theo dõi, chỉ đạo hoạt động.
MỤC 2. NHỮNG QUY ĐỊNH CƠ BẢN VỀ MẶT HOẠT ĐỘNG
Điều 12.- Phạm vi hoạt động.
a) Lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập được hoạt động dịch vụ về thu gom rác trong các việc nêu ở điều 1, chương I ở các nơi là:
- Hộ dân, khu vực gia cư.
- Chợ, cửa hàng, nơi để sản xuất, hoạt động dịch vụ kinh doanh.
- Nơi khám bệnh, chữa bệnh.
- Trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
- Trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc.
b) Không được hoạt động dịch vụ thu gom rác ở các nơi đã có người thuộc lực lượng vệ sinh công cộng của quận, huyện đảm trách nếu không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành vệ sinh công cộng quận, huyện.
Điều 13.- Nguyên tắc hoạt động.
1- Chỉ được làm dịch vụ theo quy định tại điều 12 trên đây.
2- Chỉ được đến hoạt động dịch vụ, khi:
- Đã có sự phân công của Tổ.
- Đã có sự ký kết hợp đồng dịch vụ bằng văn bản giữa mình hoặc giữa tổ với chủ hộ hoặc với các nơi có yêu cầu đến thu gom rác (sau đây gọi chung là cơ sở dịch vụ).
- Nghiêm cấm việc thuê mướn lại, làm chủ thầu việc thu gom rác.
- Đã có sự trình diện của mình với người phụ trách của cơ sở dịch vụ.
3- Người nào được phân công đến đâu để làm dịch vụ thu gom rác thì người đó được trực tiếp nhận và nhận đủ tiền trả công dịch vụ ở nơi đó do mình đảm nhận.
4. Không được làm các việc sai với hợp đồng đã được ký kết. Mọi trường hợp bổ sung sửa đổi bản hợp đồng đều phải có sự chấp thuận của bên đã ký.
5- Dụng cụ dùng vào việc thu gom rác phải đảm bảo vệ sinh, văn minh và đảm bảo an toàn lao động.
6- Khi làm việc phải mặc quần áo bảo hộ lao động. Lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập ở quận, huyện nào thì mặc quần áo bảo hộ lao động theo kiểu của cơ quan quản lý vệ sinh công cộng nơi đó quy định. Trong đó nhất thiết phải có tên mình, tổ mình ở phía trên túi áo trước ngực trái.
7- Các Tổ lấy rác dân lập chỉ được bố trí lực lượng của mình đến làm dịch vụ thu gom rác ở khu vực do Ủy ban nhân dân sở tại phân công ; các Tổ viên chỉ được làm dịch vụ thu gom rác ở các nơi Tổ mình bố trí.
8- Phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chỉ đạo về mọi mặt của Ủy ban nhân dân địa phương sở tại, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, các hướng dẫn, các yêu cầu của cơ quan quản lý vệ sinh công cộng thuộc quận, huyện mình về công tác vệ sinh đô thị...
Phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường về giá cả dịch vụ, về trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và các quy định khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.- Ủy ban nhân dân quận huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, các cơ quan đơn vị chức năng của mình trong việc tổ chức thực hiện.
Điều 15.- Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, xã nêu ở điểm b điều 6 chương II là nơi trực tiếp tổ chức, quản lý và chỉ đạo về mọi mặt đối với lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập ở địa phương mình, là nơi trực tiếp tiến hành các việc về thuyết phục, động viên những người hoạt động tự do trong việc thu gom rác trên địa bàn quản lý của mình vào tổ chức của lực lượng dịch vụ thu gom rác dân lập ở địa phương mình hoạt động theo quy chế này của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 16.- Các đơn vị quản lý chuyên ngành công tác vệ sinh công cộng quận huyện, có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn các Tổ lấy rác dân lập về mặt nghiệp vụ ; kết hợp với Ủy ban nhân dân địa phương sở tại hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc các Tổ lấy rác dân lập trong việc thực hiện các quy định trong quy chế này liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình.
Điều 17.- Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm :
- Giúp Ủy ban nhân dân thành phố trong việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện quy ước này.
- Thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố :
+ Kiểm tra đôn đốc Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc thực hiện.
+ Căn cứ vào thẩm quyền ban hành văn bản và chức năng quản lý chuyên ngành, ban hành những quy định cụ thể nhằm làm cho hệ thống văn bản quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập sớm được hoàn chỉnh.
- Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện. Soạn thảo trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành những văn bản chỉ đạo, những văn bản quy định liên quan đến việc tổ chức, quản lý hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập.
Điều 18.- Các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Phụ nữ, Cảnh sát nhân dân, Bảo hiểm, Lao động-Thương binh xã hội cần có những việc làm hỗ trợ tích cực nhằm góp phần động viên khuyến khích những người hoạt động tự do trong việc thu gom rác vào hoạt động trong một tổ chức của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập theo bản quy chế này./.
- 1Quyết định 12/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 318/QĐ-UBND năm 2020 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019
- 3Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 12/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 318/QĐ-UBND năm 2020 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2019
- 3Quyết định 633/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ Hệ thống hóa 2019-2023
Quyết định 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/10/1998
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Vũ Hùng Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/10/1998
- Ngày hết hiệu lực: 01/06/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra