Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 62. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Quản lý theo thẩm quyền hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.

2. Lập và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.

3. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam biên soạn, phát hành tài liệu, chương trình khung tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người điều hành vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tập huấn.

4. Thống nhất in, phát hành Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu (trừ phù hiệu xe taxi sử dụng riêng cho địa phương).

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý và Trang thông tin điện tử về hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Quy định về mã số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và nội tỉnh.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, tổ chức triển khai áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

7. Rà soát và thực hiện cắm biển hạn chế tốc độ đối với xe khách có giường nằm hai tầng tại các vị trí cần thiết, đặc biệt là khu vực có địa hình đèo, dốc, tại các vị trí có bán kính đường cong nhỏ trên các tuyến quốc lộ.

8. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Sở Giao thông vận tải

1. Quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn địa phương và theo thẩm quyền.

2. Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc chấp thuận tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và nội tỉnh.

3. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt

a) Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; vị trí các điểm đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ thuộc địa bàn địa phương; quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn địa phương.

b) Các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với hành khách đi lại bằng xe buýt và đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn.

c) Định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

4. Quyết định phê duyệt biểu đồ chạy xe buýt; mở, ngừng hoạt động, điều chỉnh hành trình, tần suất chạy xe đối với các tuyến xe buýt.

5. Quyết định công bố đưa bến xe hàng vào khai thác.

6. Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, khai thác sử dụng các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe do đơn vị kinh doanh vận tải (hoặc tổ chức được uỷ quyền) cung cấp và từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

7. Xây dựng cơ sở dữ liệu, lập trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của địa phương. Tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

8. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn.

9. Quản lý, cấp mới, cấp lại các loại phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

10. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô tại địa phương (nếu có) tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người điều hành vận tải thuộc các đơn vị vận tải trên địa bàn địa phương theo quy định.

Chỉ đạo, giám sát công tác tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe và công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của lái xe do các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương tổ chức theo quy định.

11. Công bố đưa vào khai thác điểm đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên địa bàn sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2015.

12. Quản lý hoạt động vận tải hành khách đối với xe khách có giường nằm hai tầng

a) Kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị có sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng.

b) Rà soát và thực hiện cắm biển hạn chế tốc độ đối với xe khách có giường nằm hai tầng tại các vị trí cần thiết, đặc biệt là khu vực có địa hình đèo, dốc, tại các vị trí có bán kính đường cong nhỏ trên các tuyến đường do địa phương quản lý.

13. Quy định về việc cho phép sử dụng xe trung chuyển hành khách và phạm vi, thời gian hoạt động của xe trung chuyển hành khách trên địa bàn địa phương.

14. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã hội viên thực hiện đúng quy định của Thông tư này.

2. Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải để tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe theo quy định.

Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 63/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1027 đến số 1028
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH