Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 54/2021/TT-BCA quy định về công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Chương II

ĐỀ XUẤT KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Mục 1. ĐỀ XUẤT KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 6. Căn cứ đề xuất và lập kế hoạch ký kết điều ước quốc tế

1. Công an các đơn vị, địa phương khi đề xuất Bộ trưởng về việc ký kết điều ước quốc tế phải căn cứ vào kế hoạch ký kết điều ước quốc tế của Bộ Công an; chỉ đạo của người, cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Định kỳ hằng năm và năm năm một lần, căn cứ yêu cầu hợp tác quốc tế và theo quy định của pháp luật, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch ký kết điều ước quốc tế của Bộ Công an, báo cáo Bộ trưởng duyệt, ký ban hành.

Điều 7. Nghiên cứu khả năng ký kết điều ước quốc tế

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này, trước khi đề xuất Bộ trưởng về việc ký kết điều ước quốc tế, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu:

a) Thực tiễn và nhu cầu hợp tác quốc tế của Việt Nam;

b) Quy định pháp luật Việt Nam, quy định của điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên; quy định pháp luật của quốc gia và pháp luật quốc tế có liên quan;

c) Dự thảo điều ước quốc tế do phía nước ngoài đề nghị (nếu có);

d) Dự báo tác động đối với chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh - trật tự, kinh tế - xã hội và các tác động khác đối với Việt Nam;

đ) Khả năng và nguồn lực của Việt Nam khi ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

2. Trường hợp ký kết điều ước quốc tế có nội dung phức tạp về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh - trật tự, kinh tế - xã hội, đơn vị đề xuất phải báo cáo Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền về việc xây dựng đề án hoặc báo cáo nghiên cứu khả năng ký kết điều ước quốc tế. Căn cứ kết quả nghiên cứu của đề án hoặc báo cáo, đơn vị đề xuất báo cáo Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo về việc ký kết điều ước quốc tế trước khi tiến hành các thủ tục ký kết điều ước quốc tế theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Điều 8. Trình tự, thủ tục đề xuất đàm phán điều ước ước quốc tế

1. Căn cứ kết quả nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, đơn vị đề xuất thực hiện các quy định tại các điều 8, 9, 10, 11, 12 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

2. Đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ trình về việc đàm phán điều ước quốc tế gửi xin ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo Tờ trình gồm các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016;

- Dự thảo điều ước quốc tế của Việt Nam (tiếng Việt và tiếng nước ngoài);

- Dự thảo điều ước quốc tế của phía nước ngoài (bản dịch tiếng Việt và tiếng nước ngoài) và dự thảo phương án đàm phán, nếu việc ký kết điều ước quốc tế được thực hiện trên cơ sở dự thảo của phía nước ngoài;

- Các tài liệu khác có liên quan.

3. Căn cứ ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ và xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

4. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng, ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị kiểm tra;

- Các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này;

- Bảng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Công an các đơn vị, địa phương và bản sao các văn bản chỉ đạo, văn bản tham gia ý kiến.

5. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, báo cáo Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

6. Sau khi Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất đàm phán và ủy quyền đàm phán, đơn vị đề xuất trao đổi với đối tác nước ngoài để thống nhất thời gian, địa điểm đàm phán và cách thức đàm phán; tiến hành thủ tục ủy quyền đàm phán điều ước quốc tế theo quy định tại Điều 22 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Căn cứ văn bản ủy quyền của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đề xuất báo cáo Bộ trưởng quyết định thành lập đoàn đàm phán.

7. Căn cứ Quyết định thành lập đoàn đàm phán và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành tổ chức đàm phán dự thảo điều ước quốc tế và báo cáo Bộ trưởng về nội dung và kết quả đàm phán. Trình tự, thủ tục tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài và đón, tiếp khách quốc tế; lễ tân đối ngoại phục vụ việc đàm phán được thực hiện theo quy định của Thông tư số 76/2020/TT-BCA ngày 02 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các hoạt động đối ngoại Công an nhân dân.

Điều 9. Trình tự, thủ tục đề xuất ký điều ước quốc tế

1. Sau khi kết thúc đàm phán và các bên ký kết thống nhất toàn bộ nội dung điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ đề xuất ký điều ước quốc tế gửi xin ý kiến của cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo Tờ trình đề xuất ký điều ước quốc tế theo quy định tại Điều 16 Luật Điều ước quốc tế năm 2016;

- Dự thảo kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế;

- Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế;

- Dự thảo Báo cáo đánh giá sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Dự thảo Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;

- Văn bản điều ước quốc tế (tiếng Việt và tiếng nước ngoài; đã được các Trưởng đoàn đàm phán ký tắt).

2. Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ theo quy định tại các điều 19, 21 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, gửi xin ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

3. Căn cứ ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đơn vị đề xuất chỉnh lý và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 17 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng đề xuất để Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc để Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

5. Sau khi Chủ tịch nước hoặc Chính phủ quyết định ký và ủy quyền ký điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất tiến hành thủ tục đề nghị cấp giấy ủy quyền ký điều ước quốc tế theo quy định tại Điều 63 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Để chuẩn bị ký điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại, các đơn vị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan tiến hành các công việc theo quy định tại Mục 4 Chương II của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Điều 10. Trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế

1. Căn cứ quy định tại Điều 28 hoặc Điều 37 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ trình về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế và gửi xin ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo Tờ trình theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016;

- Dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế;

- Văn bản điều ước quốc tế (tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

2. Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc để Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn đối với điều ước quốc tế phải phê chuẩn; hoặc báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ phê duyệt đối với điều ước quốc tế phải phê duyệt.

Điều 11. Trình tự, thủ tục đề xuất gia nhập điều ước quốc tế

1. Căn cứ quy định tại Điều 7 của Thông tư này, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên và gửi xin ý kiến của cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo Tờ trình gồm các nội dung tương tự quy định tại Điều 16 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và nội dung đánh giá tác động chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế; sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất gia nhập với điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;

- Dự kiến kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế;

- Văn bản điều ước quốc tế (tiếng Việt và tiếng nước ngoài);

- Danh sách các thành viên của điều ước quốc tế, văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với điều ước quốc tế, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập điều ước quốc tế.

2. Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ, gửi xin ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

3. Căn cứ ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ theo quy định tại Điều 45 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

4. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng, đơn vị đề xuất chỉnh lý và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để kiểm tra. Thời hạn kiểm tra là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

5. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định gia nhập hoặc trình để Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; hoặc báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Điều 12. Nội dung kiểm tra hồ sơ đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt và gia nhập điều ước quốc tế

Nội dung kiểm tra hồ sơ đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt và gia nhập điều ước quốc tế bao gồm:

1. Việc tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Thông tư này.

2. Kiểm tra, đối chiếu với yêu cầu hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh, trật tự thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an theo quy định của pháp luật.

3. Các tài liệu cần có trong hồ sơ.

4. Nội dung và hình thức của các tài liệu trong hồ sơ.

Mục 2. ĐỀ XUẤT KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 13. Căn cứ đề xuất và lập kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Công an các đơn vị, địa phương khi đề xuất Bộ trưởng về việc ký kết thỏa thuận quốc tế phải căn cứ vào kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế của Bộ Công an; chỉ đạo của người, cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Định kỳ hằng năm và năm năm một lần, căn cứ yêu cầu hợp tác quốc tế và theo quy định của pháp luật, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế của Bộ Công an, báo cáo Bộ trưởng duyệt, ký ban hành.

Điều 14. Trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Đối ngoại, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế để trao đổi với bên ký kết nước ngoài về dự thảo thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.

2. Sau khi các bên thống nhất nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ theo quy định tại Điều 27 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020; gửi xin ý kiến của Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế. Căn cứ ý kiến tham gia, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 và gửi xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

3. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng, đơn vị đề xuất tiếp tục chỉnh lý và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Đối ngoại để kiểm tra, 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để thẩm định. Thời hạn kiểm tra, thẩm định là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị kiểm tra, thẩm định;

- Tài liệu theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng;

- Các tài liệu khác (nếu có).

4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Đối ngoại, ý kiến thẩm định của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước theo quy định tại Chương II của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

5. Thực hiện quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại và các đơn vị có liên quan của Bộ Ngoại giao tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế và báo cáo theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

Điều 15. Trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Đối ngoại, Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế để trao đổi với bên ký kết nước ngoài về dự thảo thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an.

2. Sau khi các bên thống nhất nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an theo quy định tại Điều 27 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020; gửi xin ý kiến của Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì đơn vị đề xuất tiến hành thủ tục theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

3. Căn cứ ý kiến tham gia, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 và gửi xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

4. Sau khi nhận được ý kiến của các Thứ trưởng, đơn vị đề xuất tiếp tục chỉnh lý hồ sơ và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Đối ngoại để kiểm tra, 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để thẩm định. Thời hạn kiểm tra, thẩm định là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị kiểm tra, thẩm định;

- Tài liệu theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng;

- Các tài liệu khác (nếu có).

5. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Đối ngoại, ý kiến thẩm định của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế.

6. Thực hiện quyết định bằng văn bản của Bộ trưởng về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế và thực hiện thủ tục báo cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 17 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

Điều 16. Trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Đối ngoại, Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế để trao đổi với bên ký kết nước ngoài về dự thảo thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an.

2. Sau khi các bên thống nhất nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị đó; gửi xin ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo văn bản đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế gồm các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế (tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

3. Căn cứ ý kiến tham gia, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ để xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

4. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng, đơn vị đề xuất tiếp tục chỉnh lý hồ sơ và gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Đối ngoại để kiểm tra, 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để thẩm định.

Thời hạn kiểm tra, thẩm định là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị kiểm tra, thẩm định;

- Tài liệu theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng;

- Các tài liệu khác (nếu có).

5. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Đối ngoại, ý kiến thẩm định của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế.

6. Căn cứ quyết định của Bộ trưởng, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế và báo cáo Bộ trưởng về kết quả ký kết thỏa thuận quốc tế.

Điều 17. Trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Đối ngoại, Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế để trao đổi với bên ký kết nước ngoài về dự thảo thỏa thuận quốc tế nhân danh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Sau khi các bên thống nhất nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất xây dựng hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế và gửi xin ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan chuyên môn về đối ngoại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị tham gia ý kiến;

- Dự thảo văn bản đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế gồm các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế (tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

3. Căn cứ ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan chuyên môn về đối ngoại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị đề xuất chỉnh lý hồ sơ xin ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng.

4. Đơn vị đề xuất nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia để tiếp tục chỉnh lý hồ sơ, gửi 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Đối ngoại để kiểm tra, 02 (hai) bộ hồ sơ về Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp để thẩm định. Thời hạn thẩm định, kiểm tra là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị kiểm tra, thẩm định;

- Tài liệu theo quy định tại Điều 28 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020;

- Các tài liệu khác (nếu có).

5. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến kiểm tra của Cục Đối ngoại, ý kiến thẩm định của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Công an địa phương đề xuất hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế.

6. Căn cứ quyết định của Bộ trưởng, đơn vị đề xuất phối hợp với Cục Đối ngoại tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế và báo cáo Bộ trưởng về kết quả ký kết thỏa thuận quốc tế.

Điều 18. Nội dung thẩm định, kiểm tra hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Nội dung thẩm định hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm:

a) Sự cần thiết, mục đích ký kết thỏa thuận quốc tế;

b) Căn cứ và cơ sở pháp lý;

c) Việc tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 và Thông tư này;

d) Tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế;

đ) Đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

e) Đánh giá tác động của thỏa thuận quốc tế về mặt chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh - trật tự, kinh tế - xã hội và các tác động khác.

2. Nội dung kiểm tra hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm:

a) Đối chiếu với chiến lược, kế hoạch về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh, trật tự của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương;

b) Tính thống nhất của văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng nước ngoài;

c) Tên gọi, hình thức, danh nghĩa ký kết, cấp ký kết, ngôn ngữ, hiệu lực, kỹ thuật văn bản thỏa thuận quốc tế.

Thông tư 54/2021/TT-BCA quy định về công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 54/2021/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/05/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 651 đến số 652
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH