Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 41/2017/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng bao gồm xác định sai số từ sản phẩm mô hình dự báo số trị, độ tin cậy dự báo, cảnh báo các yếu tố, hiện tượng khí tượng và tính đầy đủ, tính kịp thời của bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; tổ chức, cá nhân được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khoảng thời gian dự báo được sử dụng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thời hạn ngắn, thời hạn vừa được chia theo từng 12 giờ với mốc thời gian là 7 giờ và 19 giờ (giờ Hà Nội). Từ 7 giờ đến 19 giờ gọi là “ngày”, từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau gọi là “đêm”.

2. Biến liên tục là biến có thể định lượng được bằng các trị số và có thể nhận trị số bất kỳ.

3. Biến phân nhóm là biến không được định lượng bằng các trị số mà sử dụng các khoảng giá trị để phân chia thành các nhóm và sử dụng tên gọi cho các nhóm đó.

4. Dự báo trị số là dự báo đưa ra một trị số nhất định của biến liên tục hoặc một nhóm nhất định của biến phân nhóm hoặc hiện tượng.

5. Dự báo xác suất là dự báo đưa ra khả năng xuất hiện của các trị số của yếu tố liên tục hoặc khả năng xuất hiện của một hay nhiều nhóm của biến phân nhóm hoặc hiện tượng.

Điều 4. Nguyên tắc đánh giá

1. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng phải dựa trên việc so sánh thông tin, dữ liệu giữa quan trắc và dự báo.

2. Các thời hạn dự báo, cảnh báo phải được đánh giá riêng biệt.

3. Các yếu tố, hiện tượng dự báo, cảnh báo có trong bản tin phải được đánh giá.

4. Chỉ đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng nguy hiểm khi có đầy đủ thông tin quan trắc về cường độ, mức độ nguy hiểm, phạm vi, thời điểm xảy ra hoặc có các thông tin từ cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Điều 5. Quy định các thuật ngữ sử dụng trong dự báo, cảnh báo

Các thuật ngữ sử dụng trong dự báo, cảnh báo khí tượng được quy định chi tiết tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Thông tư này.

Điều 6. Quy định về mức đánh giá

1. Độ tin cậy dự báo, cảnh báo các yếu tố và hiện tượng khí tượng được đánh giá theo các mức như sau:

a) Mức “Đủ độ tin cậy” được biểu thị bằng dấu “+” trong các bảng đánh giá độ tin cậy dự báo của các yếu tố, hiện tượng dự báo, cảnh báo;

b) Mức “Không đủ độ tin cậy” được biểu thị bằng dấu “-” trong các bảng đánh giá độ tin cậy dự báo của các yếu tố, hiện tượng dự báo, cảnh báo.

2. Tính đầy đủ của bản tin dự báo, cảnh báo các yếu tố và hiện tượng khí tượng được đánh giá theo 2 mức “đầy đủ” và “không đầy đủ”.

3. Tính kịp thời của bản tin dự báo, cảnh báo các yếu tố và hiện tượng khí tượng được đánh giá theo 2 mức “kịp thời” và “không kịp thời”.

Thông tư 41/2017/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 41/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/10/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 831 đến số 832
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH