Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 17/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT THÀNH LẬP, CẬP NHẬT BỘ BẢN ĐỒ CHUẨN BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Điều 10. Công tác chuẩn bị

1. Thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu

a) Thu thập tài liệu sử dụng thành lập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia quy định tại Điều 7 của Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá về nội dung và độ chính xác tài liệu dùng thành lập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; xác định mức độ sử dụng đối với từng loại tài liệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Khảo sát, xác định mức độ biến động của nội dung bản đồ nền dùng để thành lập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia

a) Đánh giá sự biến động của các đối tượng địa lý khu vực thành lập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia theo các tài liệu thu thập, phân tích và đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến việc cập nhật biến động bản đồ nền;

b) Khảo sát thực địa khi các tài liệu không đủ để đánh giá mức độ biến động của khu vực cập nhật bản đồ nền, xác định phương pháp cập nhật và mức độ nội dung cần cập nhật bản đồ nền.

Điều 11. Thành lập, cập nhật bản đồ nền

1. Bản đồ nền sử dụng thành lập bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia được quy định như sau:

a) Đối với bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1: 50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000, bản đồ nền là bản đồ địa hình quốc gia có tỷ lệ tương ứng; khu vực chưa có bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng thì phải đo đạc, thành lập mới; trường hợp không thể thực hiện việc đo đạc, thành lập nội dung bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ quốc gia láng giềng thì thể hiện theo tài liệu hiện có thu thập được;

b) Đối với bản đồ chuẩn biên giới quốc gia ở tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000, bản đồ nền được thành lập từ bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:1.000.000 bao gồm các đối tượng thủy văn, giao thông, dân cư, địa giới hành chính, địa danh và các đối tượng địa lý liên quan.

2. Việc cập nhật bản đồ nền sử dụng thành lập bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia quy định như sau:

a) Đối với bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, việc cập nhật bản đồ nền được thực hiện theo quy định kỹ thuật đối với việc thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia; trường hợp không thể thực hiện việc cập nhật nội dung bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ quốc gia láng giềng thì thể hiện theo tài liệu hiện có thu thập được;

b) Đối với bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:25.000, 1: 50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000, bản đồ nền được cập nhật từ bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và các tài liệu liên quan;

c) Đối với bản đồ chuẩn biên giới quốc gia ở tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000, bản đồ nền được cập nhật từ bản đồ nền tỷ lệ lớn hơn và các tài liệu liên quan.

Điều 12. Chuyển vẽ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới và các đối tượng địa lý liên quan

1. Chuyển vẽ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, điểm đặc trưng đường biên giới quốc gia, tọa độ các điểm cơ sở, tọa độ các cồn, bãi đã quy thuộc, tọa độ các điểm của ranh giới vùng biển Việt Nam, các đối tượng liên quan tới đường biên giới quốc gia, điểm đặc trưng phân bố lãnh thổ theo tài liệu pháp lý về biên giới lên bản đồ nền đảm bảo độ chính xác đường biên giới và độ chính xác thể hiện các đối tượng theo quy định ở từng tỷ lệ trong hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia.

2. Phương pháp chuyển vẽ

a) Đối với các tài liệu về biên giới quốc gia được thành lập trong hệ tọa độ quốc tế WGS-84 phải thực hiện việc chuyển tọa độ các đối tượng địa lý sang hệ tọa độ quốc gia theo quy định kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Đối với các tài liệu về biên giới quốc gia được thành lập trong các hệ tọa độ khác phải xác định các điểm song trùng, xác định tham số tính chuyển giữa các hệ tọa độ trên tài liệu sử dụng với hệ tọa độ quốc gia. Thực hiện việc chuyển tọa độ các đối tượng địa lý sang hệ tọa độ quốc gia theo tham số tính chuyển đảm bảo độ chính xác của bản đồ chuẩn biên giới quốc gia;

c) Kiểm tra sự tương quan địa lý và sự phù hợp của các đối tượng địa lý liên quan đến đường biên giới quốc gia.

Điều 13. Đối soát, xác định đường biên giới quốc gia trên thực địa

1. Đối soát, xác định các khu vực không chuyển vẽ được đường biên giới quốc gia trong nội nghiệp.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ đường biên giới tổ chức đối soát, xác định đường biên giới trên thực địa, lập biên bản điều tra ngoại nghiệp.

3. Lập bản mô tả đường biên giới đối với khu vực không chuyển vẽ được do địa hình, địa vật liên quan tới đường biên giới thay đổi so với tài liệu pháp lý.

Điều 14. Biên tập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000

1. Các đối tượng địa lý trên bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000 thể hiện theo quy định như sau:

a) Đường biên giới quốc gia được thể hiện trên bản đồ chuẩn biên giới quốc gia theo kết quả chuyển vẽ và đối soát, xác định đường biên giới trên thực địa;

b) Thể hiện đầy đủ các điểm cơ sở, các đảo có điểm cơ sở kèm theo ghi chú địa danh; đường cơ sở theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Tọa độ các điểm của ranh giới vùng biển Việt Nam theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc do pháp luật Việt Nam quy định;

d) Mốc quốc giới phải thể hiện đầy đủ và chính xác về vị trí và số hiệu mốc theo tài liệu pháp lý về biên giới;

đ) Điểm đặc trưng đường biên giới quốc gia, điểm đặc trưng phân bố lãnh thổ, các đối tượng địa lý liên quan tới đường biên giới quốc gia phải thể hiện và ghi chú đầy đủ;

e) Điểm giao của đường biên giới quốc gia trên đất liền và đường địa giới hành chính phải thể hiện chính xác theo văn bản pháp lý của Nhà nước;

g) Các đảo, quần đảo có trên bản đồ phải ghi chú tên đơn vị hành chính được giao quản lý;

h) Các đối tượng địa lý phần lãnh thổ nước ngoài phải đảm bảo tương quan địa lý với đường biên giới quốc gia, ghi chú theo quy định địa danh quốc tế thể hiện trên bản đồ;

i) Địa hình, thủy văn, giao thông, dân cư, địa giới hành chính, địa danh, phủ thực vật và các đối tượng có liên quan được thể hiện theo quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng.

2. Việc biên tập và trình bày bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000, 1:25.000 1:50.000 được thực hiện theo quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng.

3. Ký hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới và trình bày ngoài khung theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Biên tập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.1.000.000

1. Các đối tượng địa lý trên bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.1.000.000 thể hiện theo quy định như sau:

a) Đường biên giới quốc gia được tổng quát hóa từ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ lớn hơn, đảm bảo thể hiện đúng hình dạng đặc trưng của đường biên giới quốc gia, phù hợp và tương quan địa lý với các đối tượng có liên quan;

b) Thể hiện đầy đủ các điểm cơ sở, các đảo có điểm cơ sở kèm theo ghi chú địa danh; đường cơ sở theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Tọa độ các điểm của ranh giới vùng biển Việt Nam theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc do pháp luật Việt Nam quy định;

d) Mốc quốc giới lựa chọn thể hiện ở các vị trí đặc trưng của đường biên giới quốc gia, chính xác về vị trí và số hiệu mốc theo tài liệu pháp lý về biên giới quốc gia;

đ) Điểm đặc trưng đường biên giới quốc gia, điểm đặc trưng phân bố lãnh thổ phải thể hiện và ghi chú đầy đủ;

e) Điểm giao nhau của đường biên giới quốc gia trên đất liền và đường địa giới hành chính phải thể hiện chính xác theo văn bản pháp lý của Nhà nước;

g) Các đảo, quần đảo có trên bản đồ phải ghi chú tên đơn vị hành chính được giao quản lý;

h) Các đối tượng địa lý phần lãnh thổ nước ngoài được thể hiện trên bản đồ phải đảm bảo tương quan địa lý với đường biên giới quốc gia, được ghi chú theo bản đồ pháp lý về biên giới quốc gia và Danh mục địa danh quốc tế thể hiện trên bản đồ;

i) Địa hình, thủy văn, giao thông, dân cư, địa giới hành chính, địa danh, phủ thực vật và các đối tượng có liên quan được thể hiện theo quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng.

2. Việc biên tập và trình bày bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.1.000.000 thực hiện theo quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng.

3. Ký hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới và trình bày ngoài khung theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 16. Biên tập bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000

1. Các đối tượng địa lý trên bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000 thể hiện theo quy định như sau:

a) Đường biên giới quốc gia được tổng quát hóa từ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ lớn hơn, đảm bảo thể hiện đúng hình dạng đặc trưng của đường biên giới quốc gia, phù hợp và tương quan địa lý với các đối tượng có liên quan;

b) Thể hiện đầy đủ các điểm cơ sở, các đảo có điểm cơ sở kèm theo ghi chú địa danh; đường cơ sở theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Tọa độ các điểm của ranh giới vùng biển Việt Nam điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc do pháp luật Việt Nam quy định;

d) Các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000 trong phạm vi lãnh thổ trong giới hạn từ 4°30’ đến 23°30’ vĩ độ Bắc, từ 102°00’ đến 118°00’ kinh độ Đông bao gồm lưới kinh vĩ tuyến, địa giới hành chính, các thành phố, thị xã, các điểm dân cư lớn, thủy văn chính, giao thông chính;

đ) Nội dung bản đồ được khái quát tùy theo tỷ lệ bản đồ, đảm bảo giữ được các nét đặc trưng và sự tương quan của các đối tượng địa lý; thể hiện các đối tượng địa lý kèm theo địa danh ở các vị trí đặc trưng phạm vi phân bố lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các đối tượng địa lý ở điểm cực Bắc, cực Nam, cực Đông, cực Tây trên đất liền và các đảo, quần đảo nằm gần đường phân định trên biển, trong vùng chồng lấn, tranh chấp; các đảo, quần đảo có trên bản đồ phải ghi chú tên đơn vị hành chính được giao quản lý; các đối tượng địa lý phần lãnh thổ quốc gia láng giềng phải đảm bảo tương quan địa lý với đường biên giới quốc gia, ghi chú theo bản đồ pháp lý về biên giới quốc gia và Danh mục địa danh quốc tế thể hiện trên bản đồ.

2. Việc trình bày các đối tượng địa lý thuộc nội dung của bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tỷ lệ 1:2.500.000, 1:3.500.000, 1:6.000.000, 1:9.000.000, 1:15.000.000 theo mẫu quy định tại Phụ lục 3, Phục lục 4 ban hành theo Thông tư này.

Điều 17. Kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu

Công tác kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia tuân thủ quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Điều 18. Sản phẩm giao nộp

1. Việc đóng gói, giao nộp sản phẩm chỉ được thực hiện sau khi đã thông qua công tác kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu các cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sản phẩm giao nộp bao gồm:

a) Bản đồ chuẩn biên giới quốc gia in trên giấy và dạng số ghi trên thiết bị lưu trữ;

b) Bản đồ nền dạng số đã được cập nhật, bổ sung đối tượng địa lý có sự thay đổi ghi trên thiết bị lưu trữ;

c) Bản mô tả đường biên giới đã được bổ sung đối tượng địa lý có sự thay đổi so với tài liệu pháp lý và bản đồ đính kèm hiệp định về biên giới.

Thông tư 17/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 17/2018/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/10/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Phương Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH