Hệ thống pháp luật

Điều 44 Nghị định 68/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Điều 44. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi

1. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi gồm các giấy tờ sau đây :

a) Bản sao Giấy khai sinh của trẻ em;

b) Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng sức khoẻ của trẻ em, trong đó ghi rõ tình trạng đặc biệt, nếu có;

d) Hai ảnh mầu của trẻ em, chụp toàn thân cỡ 10 x 15 cm hoặc 9 x 12 cm.

2. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có giấy tờ tương ứng sau đây:

a) Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ rơi, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ rơi;

b) Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ lại cơ sở y tế, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ lại cơ sở y tế;

c) Bản sao giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết;

d) Bản sao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự;

đ) Giấy đồng ý làm con nuôi của bản thân trẻ em, nếu trẻ em được nhận làm con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên (giấy này có thể ghi chung vào giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này);

e) Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước); Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ đang nuôi dưỡng trẻ em, nếu thuộc trường hợp trẻ em đang sống tại gia đình được xin đích danh làm con nuôi.

3. Sau khi đã được thông báo và nhận thức một cách rõ ràng về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, những người sau đây có quyền ký giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi:

a) Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng có quyền đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em còn cha, mẹ đẻ thì còn phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó, trừ trường hợp trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ rơi, bị bỏ lại cơ sở y tế hoặc khi trẻ em đó được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng đã có giấy của cha mẹ đẻ đồng ý cho con làm con nuôi hoặc cha mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.

b) Cha mẹ đẻ có quyền đồng ý cho trẻ em đang sống tại gia đình làm con nuôi. Nếu cha hoặc mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó.

Nghị định 68/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

  • Số hiệu: 68/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 02/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH