Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 4 Nghị định 68/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

MỤC 2: THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI TẠI CƠ QUAN NGOẠI GIAO, LÃNH SỰ VIỆT NAM

Điều 52. Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi

Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam chỉ giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại nước tiếp nhận xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú tại nước đó làm con nuôi theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục này, nếu trẻ em đó hiện tại không có hộ khẩu thường trú ở trong nước. Trong trường hợp trẻ em Việt Nam được xin nhận làm con nuôi hiện có hộ khẩu thường trú ở trong nước thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Mục 1 của Chương này.

Điều 53. Thời hạn giải quyết việc xin nhận con nuôi

Thời hạn giải quyết việc xin nhận con nuôi tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam là 120 ngày, kể từ ngày Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp phải yêu cầu cơ quan hữu quan ở trong nước xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 55 của Nghị định này thì thời hạn được kéo dài thêm 45 ngày.

Điều 54. Hồ sơ xin nhận con nuôi

1. Hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú ở nước ngoài làm con nuôi gồm các giấy tờ sau đây:

a) Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 41; điểm a và điểm d khoản 1 Điều 44 của Nghị định này;

b) Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha mẹ đẻ của trẻ em đó. Trong trường hợp cha hoặc mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần giấy đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó;

c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi trẻ em được xin nhận làm con nuôi cư trú về tình trạng sức khoẻ của trẻ em, trong đó ghi rõ tình trạng đặc biệt, nếu có;

d) Bản cam kết của người xin nhận con nuôi về việc thông báo định kỳ 06 tháng một lần (theo mẫu quy định) cho Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam và Cơ quan con nuôi quốc tế về tình trạng phát triển của con nuôi trong ba năm đầu tiên, sau đó mỗi năm tiếp theo thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi;

đ) Giấy tờ chứng minh việc cư trú của trẻ em Việt Nam tại nước ngoài.

2. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú ở nước ngoài làm con nuôi còn phải có giấy tờ tương ứng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 44 của Nghị định này.

3. Các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được lập thành 02 bộ hồ sơ nộp cho Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam.

Điều 55. Thủ tục thẩm tra hồ sơ xin nhận con nuôi

1. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có trách nhiệm:

a) Thẩm tra và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của toàn bộ giấy tờ trong hồ sơ;

b) Xác minh, làm rõ về nguồn gốc của trẻ em;

2. Trong trường hợp xét thấy trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng hoặc có vấn đề khác trong hồ sơ cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an hoặc cơ quan hữu quan khác ở trong nước thì Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh gửi cơ quan hữu quan ở trong nước đề nghị xác minh theo chức năng chuyên ngành.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam, cơ quan Công an hoặc cơ quan hữu quan khác ở trong nước có trách nhiệm xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam.

Điều 56. Quyết định cho nhận con nuôi và giao nhận con nuôi

1. Nếu xét thấy việc xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú ở nước ngoài làm con nuôi không thuộc trường hợp từ chối đăng ký theo quy định tại Điều 50 của Nghị định này và là biện pháp bảo đảm lợi ích của trẻ em đó thì người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Trong trường hợp từ chối cho nhận con nuôi thì Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam thông báo bằng văn bản cho người xin nhận con nuôi, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

2. Việc giao nhận con nuôi được tiến hành trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà người xin nhận con nuôi có yêu cầu khác về thời gian.

3. Việc giao nhận con nuôi được tổ chức tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam, với sự có mặt của đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam; trẻ em được nhận làm con nuôi; bên nhận là cha, mẹ nuôi; bên giao là cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em đó.

Việc giao nhận con nuôi phải được ghi đầy đủ trong Biên bản giao nhận con nuôi theo mẫu quy định, có chữ ký của bên nhận, bên giao và đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam.

4. Đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ghi vào sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao Quyết định cho các bên.

Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi và Biên bản giao nhận con nuôi được làm thành 04 bản chính: 01 bản trao cho bên nhận, 01 bản trao cho bên giao, 01 bản lưu tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam và 01 bản gửi cho Cơ quan con nuôi quốc tế.

5. Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi có hiệu lực kể từ ngày tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ đăng ký nuôi con nuôi. Việc cấp bản sao Quyết định từ sổ gốc do Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam hoặc Bộ Ngoại giao thực hiện theo yêu cầu của đương sự.

6. Sau khi hoàn tất việc giao nhận con nuôi, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có trách nhiệm, thông qua Bộ Ngoại giao, gửi cho Cơ quan con nuôi quốc tế các giấy tờ sau đây để theo dõi chung:

a) Một bản chính Quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

b) Một bản chính Biên bản giao nhận con nuôi;

c) Một bộ hồ sơ xin nhận con nuôi;

d) Các giấy tờ liên quan khác, nếu có.

Nghị định 68/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

  • Số hiệu: 68/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 02/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH