Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 5 Nghị định 55/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

MỤC 2. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Thanh tra về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan khác.

Điều 28. Trường hợp kiểm tra về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xem xét quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những trường hợp sau đây:

1. Khi giải quyết đơn tố cáo của người tiêu dùng về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các trường hợp kiểm tra đột xuất khác việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Theo chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 29 Nghị định này phê duyệt.

Điều 29. Chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ

Chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ được tiến hành xây dựng theo năm trong đó phải xác định rõ yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ được thực hiện theo quy định sau:

1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi địa phương mình quản lý.

Điều 30. Quyết định kiểm tra

1. Khi có căn cứ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ra quyết định kiểm tra.

2. Nội dung quyết định kiểm tra bao gồm:

a) Căn cứ pháp lý để kiểm tra;

b) Nội dung, yêu cầu, phạm vi kiểm tra;

c) Thời hạn kiểm tra;

d) Thành viên đoàn kiểm tra, quyền và trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;

đ) Quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị kiểm tra.

Điều 31. Quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra

1. Khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cử người tham gia công tác kiểm tra;

b) Tạm đình chỉ hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu xét thấy hành vi đó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân;

c) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, phương tiện, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận, chứng chỉ có liên quan trong trường hợp có căn cứ để cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời;

d) Tổ chức trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra có các trách nhiệm sau đây:

a) Báo cáo, kiến nghị cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm;

b) Báo cáo kết quả kiểm tra và kiến nghị với cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra về biện pháp ngăn chặn, xử lý sau khi kiểm tra;

c) Thực hiện đầy đủ việc bảo mật thông tin, tài liệu liên quan tới cuộc kiểm tra do đối tượng bị kiểm tra cung cấp theo quy định của pháp luật;

d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bị kiểm tra

1. Trong quá trình kiểm tra, các tổ chức, cá nhân là đối tượng bị kiểm tra có các quyền sau đây:

a) Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra đó không được tiến hành theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan khác;

b) Kiến nghị, giải trình về những nội dung kiểm tra;

c) Được nhận kết luận kiểm tra;

d) Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra;

đ) Yêu cầu bồi thường thiệt hại do các biện pháp xử lý trái pháp luật của cán bộ kiểm tra gây ra.

2. Trong quá trình kiểm tra, tổ chức, cá nhân là đối tượng bị kiểm tra có nghĩa vụ sau đây:

a) Cử người có thẩm quyền làm việc với đoàn hoặc cán bộ kiểm tra;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo kịp thời theo yêu cầu của người được giao nhiệm vụ kiểm tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin, tài liệu, báo cáo đã cung cấp;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu, kiến nghị, quyết định, kết luận về kiểm tra.

Điều 33. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Nghị định 55/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

  • Số hiệu: 55/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/04/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 257 đến số 258
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH