Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 55/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chương 5.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

MỤC 1. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi cả nước. Bộ Công thương có quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch chương trình dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện;

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

đ) Tiếp nhận tố cáo của người tiêu dùng và giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật;

e) Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hòa giải theo quy định tại Nghị định này;

g) Xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền;

h) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền;

i) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 25. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi địa phương do mình quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn do mình quản lý;

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn do mình quản lý theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Tiếp nhận tố cáo của người tiêu dùng và giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật;

đ) Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hòa giải theo quy định tại Nghị định này;

e) Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn do mình quản lý theo thẩm quyền;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý;

c) Theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiến hành hoặc cùng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

d) Giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền;

đ) Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý;

e) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài những trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, đối với một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chặt chẽ với công tác bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể như sau:

a) Bộ Y tế thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với dược phẩm, dược liệu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp;

b) Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng;

c) Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng các phương tiện giao thông vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, ga đường sắt, sân bay, bến cảng và các trang thiết bị sử dụng cùng với phương tiện vận tải nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong các dịch vụ về vận chuyển hoặc khi người tiêu dùng mua để sử dụng các phương tiện, thiết bị này;

d) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ chuyên ngành thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra các hoạt động tuyên truyền, thông tin, quảng cáo về hàng hóa, văn hóa phẩm và dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây, giống con, các sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, thức ăn gia súc; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng các chủng loại động, thực vật thủy sản, thức ăn cho thủy sản, hải sản, thuốc bảo vệ và thuốc thú y thủy sản, ngư lưới, dịch vụ đánh cá;

e) Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng, giá cả các dịch vụ bưu chính và chuyển phát, viễn thông và internet, truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện, hoạt động báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật;

g) Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc thống nhất quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;

h) Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng giáo trình, tài liệu giảng dạy về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu, trình Chính phủ phương án đưa vấn đề bảo vệ người tiêu dùng vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân;

i) Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng; dành thời lượng phát sóng thích hợp để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

MỤC 2. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Thanh tra về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Việc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan khác.

Điều 28. Trường hợp kiểm tra về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xem xét quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những trường hợp sau đây:

1. Khi giải quyết đơn tố cáo của người tiêu dùng về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các trường hợp kiểm tra đột xuất khác việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Theo chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 29 Nghị định này phê duyệt.

Điều 29. Chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ

Chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ được tiến hành xây dựng theo năm trong đó phải xác định rõ yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ được thực hiện theo quy định sau:

1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi địa phương mình quản lý.

Điều 30. Quyết định kiểm tra

1. Khi có căn cứ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ra quyết định kiểm tra.

2. Nội dung quyết định kiểm tra bao gồm:

a) Căn cứ pháp lý để kiểm tra;

b) Nội dung, yêu cầu, phạm vi kiểm tra;

c) Thời hạn kiểm tra;

d) Thành viên đoàn kiểm tra, quyền và trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;

đ) Quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị kiểm tra.

Điều 31. Quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra

1. Khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cử người tham gia công tác kiểm tra;

b) Tạm đình chỉ hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu xét thấy hành vi đó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân;

c) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, phương tiện, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận, chứng chỉ có liên quan trong trường hợp có căn cứ để cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cần phải ngăn chặn và xử lý kịp thời;

d) Tổ chức trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật;

e) Các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra có các trách nhiệm sau đây:

a) Báo cáo, kiến nghị cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm;

b) Báo cáo kết quả kiểm tra và kiến nghị với cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra về biện pháp ngăn chặn, xử lý sau khi kiểm tra;

c) Thực hiện đầy đủ việc bảo mật thông tin, tài liệu liên quan tới cuộc kiểm tra do đối tượng bị kiểm tra cung cấp theo quy định của pháp luật;

d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bị kiểm tra

1. Trong quá trình kiểm tra, các tổ chức, cá nhân là đối tượng bị kiểm tra có các quyền sau đây:

a) Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra đó không được tiến hành theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan khác;

b) Kiến nghị, giải trình về những nội dung kiểm tra;

c) Được nhận kết luận kiểm tra;

d) Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra;

đ) Yêu cầu bồi thường thiệt hại do các biện pháp xử lý trái pháp luật của cán bộ kiểm tra gây ra.

2. Trong quá trình kiểm tra, tổ chức, cá nhân là đối tượng bị kiểm tra có nghĩa vụ sau đây:

a) Cử người có thẩm quyền làm việc với đoàn hoặc cán bộ kiểm tra;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo kịp thời theo yêu cầu của người được giao nhiệm vụ kiểm tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin, tài liệu, báo cáo đã cung cấp;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu, kiến nghị, quyết định, kết luận về kiểm tra.

Điều 33. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường đầy đủ theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 34. Trách nhiệm phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tiến hành, phối hợp kịp thời các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiến hành cung cấp mọi thông tin có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Trừ trường hợp cấp thiết hoặc pháp luật có quy định khác, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu phối hợp bằng văn bản của cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan, tổ chức và cá nhân được yêu cầu phải thực hiện các yêu cầu phối hợp.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân được yêu cầu phối hợp không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện yêu cầu nêu tại khoản 2 Điều này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện yêu cầu phối hợp gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường thiệt hại.

Nghị định 55/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

  • Số hiệu: 55/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/04/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 257 đến số 258
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH