Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 31/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hoá chất nguy hiểm

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ HOÁ CHẤT NGUY HIỂM,
HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Điều 8. Vi phạm quy định về nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất hoá chất nguy hiểm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Để nguyên liệu hoặc sản phẩm hoá chất nguy hiểm tồn đọng quá mức quy định tại khu vực sản xuất;

b) Đóng gói hoá chất nguy hiểm sai quy cách đăng ký;

c) Hệ thống sổ sách, biểu mẫu sử dụng cho công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hoá chất nguy hiểm không có hoặc không đúng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Nghiên cứu, chế thử hoá chất nguy hiểm không theo đúng nội dung, điều kiện quy định trong đề án nghiên cứu đã được phê duyệt;

b) Đưa cơ sở sản xuất hoá chất nguy hiểm vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện cho phép sản xuất hoá chất nguy hiểm

c) Tổ chức sản xuất hoá chất nguy hiểm khi chưa khắc phục, bổ sung các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điều kiện cho phép sản xuất;

d) Không có hoặc để hư hỏng nội quy, quy trình sản xuất, quy trình vận hành thiết bị tại các vị trí sản xuất theo quy định;

đ) Hệ thống thu lôi, tiếp địa không đạt các yêu cầu theo quy định;

e) Cắt bỏ hoặc làm hư hỏng các thiết bị, cơ cấu an toàn trang bị kèm theo thiết bị sản xuất hoá chất nguy hiểm;

g) Để người lao động vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, phòng nổ, phòng độc tại khu vực sản xuất.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất hoá chất nguy hiểm không nằm trong danh mục hoá chất nguy hiểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Sử dụng nguyên liệu sản xuất hoá chất nguy hiểm kém phẩm chất hoặc nguyên liệu không rõ nguồn gốc

c) Sản xuất không đúng loại sản phẩm hoá chất nguy hiểm đã đăng ký và được phép đưa vào sản xuất, sử dụng;

d) Nghiệm thu, thử nghiệm hoá chất nguy hiểm không đúng quy định hoặc cố tình làm sai lệch kết quả nghiệm thu, thử nghiệm;

đ) Không thực hiện hoặc không duy trì thường xuyên việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hoá chất nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây

a) Tổ chức nghiên cứu, chế thử hoá chất nguy hiểm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, giao nhiệm vụ;

b) Sửa chữa, thay đổi kết cấu, cấu trúc bộ phận xây dựng nhà xưởng vi phạm các yêu cầu về che chắn bảo vệ bên trong nhà xưởng hoặc vi phạm các yêu cầu về lối thoát nạn, khả năng chịu lực, chịu lửa của công trình, vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường lao động;

c) Mở rộng mặt bằng khu vực sản xuất vi phạm các điều kiện về khoảng cách an toàn đối với công trình và khu dân cư lân cận;

d) Không có tường che chắn bảo vệ bên ngoài hoặc kết cấu tường che chắn bảo vệ bên ngoài không đạt yêu cầu khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định;

đ) Không kịp thời sửa chữa, khắc phục các hư hỏng về nhà xưởng sản xuất, kho chứa hoá chất nguy hiểm làm ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn trong sản xuất, bảo quản hoá chất nguy hiểm.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi quy định tại điểm a, b, khoản 3 Điều này.

6. Áp dụng các biện pháp khác:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 4 Điều này;

b) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại điểm đ, e khoản 2; điểm đ khoản 4 Điều này.

Điều 9. Vi phạm các quy định về khai báo hoá chất nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây

a) Do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý, không khai báo hoặc khai báo không đúng thực tế tên hoá chất, đặc tính cơ - hoá - lý, thành phần của hoá chất, nguồn gốc xuất xứ của hoá chất, khối lượng và mục đích thực hiện hoá chất nguy hiểm;

b) Không lưu giữ hồ sơ khai báo và tài liệu liên quan đến xếp loại hoá chất nguy hiểm theo quy định;

c) Khi chấm dứt hoạt động hoá chất nguy hiểm không thông báo cho cơ quan tiếp nhận khai báo biết.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: cố ý không khai báo hoặc dùng thủ đoạn gian dối khai báo không đúng thực tế tên hoá chất, đặc tính cơ - hoá - lý, thành phần của hoá chất, nguồn gốc xuất xứ của hoá chất, khối lượng và mục đích thực hiện hoạt động hoá chất nguy hiểm.

3. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khắc phục tình trạng khai báo đúng thực tế; lưu giữ hồ sơ khai báo và tài liệu liên quan đến xếp loại hoá chất nguy hiểm theo quy định.

Điều 10. Vi phạm các quy định về đánh giá rủi ro hoá chất mới

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thiết lập và duy trì hệ thống giám sát, lập hồ sơ theo dõi các ảnh hưởng, tai nạn, sự cố liên quan đến hoá chất mới;

b) Không tổng hợp báo cáo định kỳ về ảnh hưởng của hoá chất mới theo quy định;

c) Không báo cáo kịp thời với cơ quan đánh giá rủi ro hoá chất mới về trường hợp hoá chất mới phát sinh những biểu hiện nguy hiểm chưa được đánh giá

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý, không đăng ký đánh giá hoá chất mới theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: cố ý không đăng ký đánh giá hoặc dùng thủ đọan gian dối không đăng ký đánh giá hoá chất mới

4. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khắc phục tình trạng thiết lập và duy trì hệ thống giám sát, báo cáo, đăng ký theo quy định đối với các hành vi vi phạm tại điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 11. Vi phạm các quy định về phiếu an toàn hoá chất nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: do thiếu trách nhiệm hoặc vô ý để sai sót thông tin, nội dung của phiếu an toàn hoá chất nguy hiểm.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: cố ý hoặc dùng thủ đoạn gian dối cung cấp thông tin, nội dung sai lệch của hoá chất nguy hiểm trong phiếu an toàn hoá chất nguy hiểm.

3. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khắc phục sai sót thông tin, nội dung của phiếu an toàn hoá chất nguy hiểm đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Vi phạm các quy định về ghi nhãn hoá chất nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: không ghi nhãn hoá chất nguy hiểm.

2. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khắc phục bổ sung ghi nhãn hoá chất nguy hiểm theo quy định về ghi nhãn hàng hoá của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ.

Điều 13. Vi phạm quy định về bảo quản hoá chất nguy hiểm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi không bố trí kho riêng hoặc không trang bị phương tiện cấp phát hoá chất nguy hiểm tại kho tiêu thụ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện không đúng chế độ thống kê báo cáo, thủ tục xuất nhập kho hoá chất nguy hiểm;

b) Không thực hiện chế độ kiểm tra sổ sách thống kê, báo cáo xuất nhập khẩu hoá chất nguy hiểm;

c) Không thiết lập các biển báo, ký hiệu cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực bảo quản hoá chất nguy hiểm theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Bảo quản hoá chất nguy hiểm vượt quá quy mô bảo quản của kho theo quy định;

b) Bảo quản hoá chất nguy hiểm thuộc các nhóm khác nhau trong cùng một không gian kho khi chưa có đủ các điều kiện an toàn theo quy định;

c) Không thực hiện công tác niêm phong, khoá cửa kho theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Tập kết, xếp dỡ hoặc bảo quản hoá chất nguy hiểm tại địa điểm chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

b) Bảo quản hoá chất nguy hiểm tại kho chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
c) Trang bị thiếu hoặc không sửa chữa kịp thời hệ thống thông tin liên lạc theo quy định;

d) Không xây dựng hoặc không sửa chữa kịp thời hàng rào kho bảo quản hoá chất nguy hiểm;

đ) Không duy trì, sửa chữa kịp thời các trạm canh gác, bảo vệ kho;

e) Không sửa chữa kịp thời các hư hỏng của hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng;

g) Không sửa chữa kịp thời các hư hỏng của kết cấu kho, tường che chắn bảo vệ;

h) Không sửa chữa hoặc không thực hiện chế độ kiểm tra, đo kiểm định kỳ hệ thống thu lôi tiếp địa chống sét;

i) Không thực hiện công tác xử lý hoá chất nguy hiểm quá hạn, hoá chất nguy hiểm mất phẩm chất;

k) Dự trữ hàng hoá chất nguy hiểm dự trữ quốc gia không đúng loại kho, địa điểm theo quy định

l) Để hàng hoá chất nguy hiểm dự trữ quốc gia bị hư hỏng vượt quá định mức mà không có lý do chính đáng;

m) Vi phạm chế độ bảo mật về dự trữ quốc gia.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi mở rộng, cải tạo khu vực kho bảo quản hoá chất nguy hiểm vi phạm các yêu cầu về khoảng cách an toàn, vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, phòng nổ, phòng độc, phòng, chống lụt bão, lối thoát nạn.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi không xây dựng tường bảo vệ che chắn hoặc tường bảo vệ che chắn không đạt quy cách khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi để thất thoát hoá chất nguy hiểm tại kho bảo quản hoá chất nguy hiểm.

8. Áp dụng các biện pháp khác:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại khoản 5, 6 Điều này;

b) Buộc di chuyển hàng hoá chất nguy hiểm dự trữ đến kho, địa điểm theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm k khoản 4 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về vận chuyển hoá chất nguy hiểm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong những hành vi:

a) Có sự thay đổi điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển hoá chất nguy hiểm nhưng không kịp thời khai báo theo quy định;

b) Không có biển báo xác định giới hạn khu vực bốc dỡ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:

a) Không có biển báo, ký hiệu vận chuyển hoá chất nguy hiểm theo quy định;

b) Làm hư hỏng, nhàu nát Giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm;

c) Không bóc gỡ các loại biển báo, ký hiệu vận chuyển hoá chất nguy hiểm gắn trên phương tiện vận chuyển khi hoá chất nguy hiểm đã được bốc xếp khỏi phương tiện vận chuyển;

d) Trả Giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm nhưng không thể hiện đầy đủ nội dung khai báo, xác nhận theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:

a) Không có hoặc thiếu nhân viên áp tải theo quy định;

b) Nhân viên áp tải và người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện theo quy định;

c) Điều khiển phương tiện vận tải chạy quá tốc độ quy định trong Giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:

a) Vận chuyển hoá chất nguy hiểm cùng với các loại hàng hoá không được phép vận chuyển theo quy định;

b) Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển hoá chất nguy hiểm;

c) Không tổ chức bảo vệ cảnh báo khi tiến hành bốc dỡ hoá chất nguy hiểm.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:

a) Vận chuyển khối lượng hoá chất nguy hiểm vượt quá mức quy định trong Giấy phép;

b) Vận chuyển không đúng chủng loại hoá chất nguy hiểm quy định trong Giấy phép vận chuyển;

c) Vận chuyển hoá chất nguy hiểm thuộc các nhóm không được phép cùng vận chuyển theo quy định trên một phương tiện vận chuyển;

d) Vận chuyển hoá chất nguy hiểm trên các phương tiện chưa đủ điều kiện theo quy định.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:

a) Vận chuyển hoá chất nguy hiểm không đúng tuyến đường quy định trong giấy phép vận chuyển;

b) Dừng đỗ phương tiện vận chuyển hoá chất nguy hiểm ở những nơi không được phép theo quy định.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân làm mất hoá chất nguy hiểm.

8. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển hoá chất nguy hiểm không có Giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm theo quy định.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu phần tang vật vi phạm vượt quá khối lượng cho phép vận chuyển đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5; tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép điều khiển phương tiện có thời hạn đến 01 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5, điểm a, b khoản 6 Điều này.

10. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4; điểm c, d khoản 5 Điều này

Điều 15. Vi phạm quy định về kinh doanh, cung ứng và xuất nhập khẩu hoá chất nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: bán lại hoá chất nguy hiểm sử dụng không hết cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện sử dụng, kinh doanh hoá chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi bán hoá chất nguy hiểm không nằm trong danh mục được phép sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hàng năm.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng đơn vị trực thuộc không có tên trong giấy phép kinh doanh để kinh doanh, cung ứng hoá chất nguy hiểm;

b) Ký kết hợp đồng hoặc bán hoá chất nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân sử dụng hoá chất nguy hiểm đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động sử dụng hoá chất nguy hiểm.

c) Mua hoá chất nguy hiểm của tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh hoá chất nguy hiểm.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu không đúng các chỉ tiêu kỹ thuật của thiết bị sản xuất, thử nghiệm hoá chất nguy hiểm quy định trong Giấy phép;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất nguy hiểm không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoá chất nguy hiểm quy định trong hợp đồng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất, nhập khẩu.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi tư vấn sai, cung cấp thông tin sai trong các hoạt động tư vấn lập dự án sản xuất hoá chất nguy hiểm, lập phương án thiết kế sản xuất nhưng chưa tới mức gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất nguy hiểm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất, nhập khẩu.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm c khoản 3 Điều này.

8. Áp dụng các biện pháp khác: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật do hành vi vi phạm về nhập khẩu nêu tại khoản 4, khoản 6 Điều này theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng hoá chất nguy hiểm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng hoá chất nguy hiểm không đúng theo mục đích sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có kế hoạch sử dụng hoá chất nguy hiểm được phê duyệt đối với sử dụng hoá chất nguy hiểm cần phê duyệt theo quy định;

b) Sử dụng hoá chất nguy hiểm không nằm trong danh mục hoá chất nguy hiểm được phép sử dụng;

c) Sử dụng hoá chất nguy hiểm quá hạn nhưng không thực hiện các quy định về kiểm tra bổ sung chất lượng hoá chất nguy hiểm hết hạn sử dụng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không kiểm tra chất lượng hoá chất nguy hiểm theo quy định trước khi sử dụng;

b) Sử dụng hoá chất nguy hiểm kém phẩm chất;

c) Không thực hiện đúng quy định về bảo quản hoá chất nguy hiểm tại nơi sử dụng;

d) Không quy định giới hạn vùng nguy hiểm trước khi tiến hành sử dụng hoá chất nguy hiểm;

đ) Không lập trạm gác bảo vệ hoặc không có ký hiệu, biển báo nguy hiểm tại ranh giới vùng nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:
a) Mở rộng trái phép khu vực sử dụng hoá chất nguy hiểm vi phạm khoảng cách an toàn cho công trình, khu vực dân cư lân cận;

b) Không thực hiện đúng các yêu cầu an toàn quy định trong sử dụng hoá chất nguy hiểm.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi:

a) Sử dụng hoá chất nguy hiểm vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, công trình thuỷ lợi, công trình đường ống vận chuyển dầu khí; vi phạm các khu di tích lịch sử văn hoá hoặc các công trình quốc gia quan trọng khác;

b) Thay đổi chủng loại, số lượng hoá chất nguy hiểm hoặc phương pháp điều chế hoá chất nguy hiểm quy định tại nơi sản xuất đã được người có trách nhiệm ký duyệt.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng việc sử dụng hoá chất nguy hiểm để bớt xén, lấy cắp hoá chất nguy hiểm.


7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2; điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng hoá chất nguy hiểm có thời hạn đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều này; tước quyền sử dụng hoá chất nguy hiểm không thời hạn đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này

8. Áp dụng các biện pháp khác: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về điều kiện của người làm công việc có liên quan đến các hoạt động hoá chất nguy hiểm

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây

a) Sử dụng cán bộ lãnh đạo công tác kinh doanh, sử dụng hoá chất nguy hiểm chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành;

b) Sử dụng người lao động không có chuyên môn phù hợp theo quy định;

c) Sử dụng người lao động chưa được huấn luyện, đào tạo về quy trình kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hoá chất nguy hiểm và kỹ thuật an toàn phòng độc, phòng, chống cháy nổ theo quy định;

d) Không tổ chức huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại theo quy định đối với các đối tượng có liên quan trực tiếp đến công tác tiếp nhận, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thử nghiệm hoá chất nguy hiểm.

Điều 18. Vi phạm quy định về vành đai an toàn khu vực có hoạt động hoá chất nguy hiểm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý ra vào, tụ họp trong phạm vi vùng nguy hiểm hoặc vành đai an toàn;

b) Chăn thả súc vật hoặc trồng hoa mầu trong phạm vi vành đai an toàn.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có các hành vi đốt lửa hoặc thải chất cháy, rác, chất ăn mòn, chất độc vào khu vực vành đai an toàn.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xê dịch cột mốc vành đai an toàn hoặc tự ý di chuyển các loại biển báo ký hiệu vùng nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có khoảng cách ngăn phòng độc, cháy hoặc không dọn, phát quang cây dễ cháy trong khu vực vành đai an toàn;

b) Phá hoại hoặc làm hư hỏng hàng rào bảo vệ, tường che chắn an toàn khu vực kho bảo quản hoá chất nguy hiểm.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất xây dựng công trình trong phạm vi vành đai an toàn.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với các hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

7. Áp dụng các biện pháp khác: buộc tháo dỡ công trình xây dựng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này

Điều 19. Vi phạm về báo cáo an toàn hoá chất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý chưa thực hiện báo cáo an toàn hoá chất theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: cố ý không báo cáo hoặc dùng thủ đoạn gian dối không thực hiện báo cáo về an toàn hoá chất theo quy định.

3. Áp dụng các biện pháp khác: buộc thực hiện báo cáo an toàn hoá chất theo quy định.

Điều 20. Vi phạm quy định về công tác bảo vệ khu vực có hoạt động hoá chất nguy hiểm

1 Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý cho người không có nhiệm vụ ra vào trong khu vực hoạt động hoá chất nguy hiểm;
b) Không thực hiện chế độ giao nhận khi bàn giao ca trực;

c) Bỏ trực hoặc không thực hiện chế độ canh gác, tuần tra trong ca trực;

d) Không báo cáo kịp thời các tình huống bất thường trong ca trực

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng nội quy, chế độ bảo vệ canh gác khu vực hoạt động hoá chất nguy hiểm;

b) Không thực hiện công tác kiểm tra việc canh gác, bảo vệ khu vực hoạt động hoá chất nguy hiểm theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:

a) Không biên chế đủ lực lượng bảo vệ canh gác theo quy định;

b) Xây dựng, trang bị thiếu hoặc không đúng, không đủ theo quy định các loại phương tiện, công trình bảo vệ canh gác khu vực hoạt động hoá chất nguy hiểm.

Nghị định 31/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hoá chất nguy hiểm

  • Số hiệu: 31/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/03/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 240 đến số 241
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH