Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Nghị định 21/2012/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

MỤC 3. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU THUYỀN

Điều 67. Yêu cầu đối với hoạt động của tàu thuyền

1. Tàu thuyền chỉ được phép điều động, neo đậu, di chuyển vị trí trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải khi có Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải được thực hiện kịp thời, chính xác và đầy đủ; trường hợp xét thấy không đủ điều kiện thực hiện, thuyền trưởng có trách nhiệm báo cáo Cảng vụ hàng hải để xử lý.

2. Khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam, mọi tàu thuyền đều phải chấp hành Quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển theo quy định; đồng thời, thuyền trưởng phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải qua VHF trên kênh đã được thông báo hoặc các thiết bị thông tin liên lạc khác;

b) Duy trì hoạt động của thiết bị nhận dạng tự động theo quy định;

c) Chấp hành đầy đủ các quy định về tốc độ hành trình trên luồng, dấu hiệu cảnh báo, chế độ cảnh giới và các quy định khác; phải chủ động di chuyển với tốc độ an toàn khi đi qua các khu vực đang có hoạt động ngầm dưới nước, hoạt động nạo vét luồng, thả phao tiêu, trục vớt, cứu hộ, hoạt động nghề cá hoặc khi đi qua khu vực có các tàu thuyền khác đang neo đậu, điều động ở khu vực đó;

d) Không được điều động tàu thuyền đi qua các khu vực có cầu, đường dây vắt ngang qua luồng mà độ cao của tàu thuyền vượt quá độ cao tĩnh không cho phép. Việc hành trình của tàu thuyền trên luồng hẹp được thực hiện theo quy định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải; máy neo và các thiết bị tương tự khác của tàu thuyền phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để có thể thực hiện thanh toán nhanh chóng các mệnh lệnh của thuyền trưởng;

đ) Không để tàu thuyền rê neo, kéo neo ngầm dưới nước khi hoạt động trong luồng, kênh đào, trừ trường hợp bắt buộc phải thực hiện để phòng ngừa tai nạn hàng hải có thể xảy ra;

e) Sử dụng tàu lai dắt để hỗ trợ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển theo quy định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải;

g) Chỉ được tiến hành các hoạt động lặn hoặc các công việc ngầm dưới nước sau khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận. Thủ tục xin phép thực hiện như sau:

- Người làm thủ tục gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cảng vụ hàng hải văn bản đề nghị theo Mẫu số 27 của Nghị định này;

- Chậm nhất 04 giờ làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

3. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều này, thuyền trưởng hoặc người chỉ huy của tàu thuyền thi công công trình hàng hải, tàu thuyền chuyên dùng để nạo vét luồng, khai thác cát hoặc cần cẩu nổi và các thiết bị công trình khác phải xin phép Cảng vụ hàng hải khu vực trước khi tiến hành hoạt động trong vùng nước cảng biển. Thủ tục xin phép thực hiện như sau:

a) Người làm thủ tục gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cảng vụ hàng hải văn bản đề nghị theo Mẫu số 27 của Nghị định này.

b) Chậm nhất 04 giờ làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Khi tàu thuyền chưa làm xong thủ tục nhập cảnh hoặc sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh, nghiêm cấm những người ở trên tàu thuyền giao dịch với người khác không thuộc thuyền bộ, trừ hoa tiêu dẫn tàu, đại lý tàu biển và các nhân viên công vụ đang làm nhiệm vụ trên tàu thuyền.

Điều 68. Yêu cầu đối với việc neo đậu của tàu thuyền

1. Khi tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại vị trí được chỉ định, máy chính của tàu phải được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết; phải được chiếu sáng vào ban đêm, khi tầm nhìn bị hạn chế và duy trì đủ các báo hiệu, dấu hiệu cảnh báo theo quy định.

2. Khi tàu thuyền bị trôi dạt, thuyền trưởng phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp để phòng ngừa tai nạn, sự cố hàng hải và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết.

3. Phương tiện thủy thô sơ, không tự hành chỉ được neo đậu ở khu vực riêng theo quy định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải; trong quá trình neo đậu phải có đủ người và phương tiện hỗ trợ phù hợp để sẵn sàng điều động khi cần thiết.

Điều 69. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng

1. Bố trí địa điểm tàu thuyền vào neo đậu hoặc dịch chuyển. Trước 16 giờ hàng ngày phải thông báo kế hoạch điều độ tàu vào, rời cảng cho Cảng vụ hàng hải để lập và triển khai kế hoạch điều động tàu; trường hợp có thay đổi, phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết để điều chỉnh kế hoạch điều động thuyền trong ngày.

2. Sau khi đã có thông báo của Cảng vụ hàng hải về kế hoạch điều động tàu thuyền, doanh nghiệp cảng phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

a) Bố trí cầu cảng có đủ chiều dài và các điều kiện cần thiết khác theo quy định bảo đảm cho tàu thuyền cập cầu an toàn; cầu cảng phải có đủ ánh sáng, không có chướng ngại vật trên mặt cầu có thể gây trở ngại, gây nguy hiểm cho việc tàu neo đậu hoặc các hoạt động bình thường khác của thuyền viên và hành khách;

b) Bố trí công nhân lành nghề để phục vụ việc buộc, cởi dây của tàu thuyền khi vào, rời cầu cảng; các cột bích phải được chuẩn bị sẵn sàng để việc buộc, cởi dây thực hiện nhanh chóng và an toàn. Tại các vị trí buộc, cởi dây phải duy trì dấu hiệu cảnh báo phù hợp theo quy định;

c) Hoàn tất việc chuẩn bị cầu cảng ít nhất 01 giờ trước khi tàu dự kiến cập cầu nếu tàu thuyền đi từ phía biển vào cảng và 30 phút nếu tàu thuyền di chuyển, thay đổi vị trí trong vùng nước cảng;

d) Bảo đảm các điều kiện an ninh trật tự tại khu vực cầu cảng nơi tàu cập cầu bốc dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách;

đ) Trang bị và duy trì sự hoạt động bình thường các phương tiện thông tin liên lạc nhằm bảo đảm sự thông suốt trong trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển theo quy định;

e) Duy trì tình trạng kỹ thuật cầu cảng, kho, bãi, phương tiện, thiết bị, độ sâu vùng nước trước cầu cảng và vùng nước khác do mình quản lý sử dụng theo quy định; hàng năm tổ chức thực hiện việc khảo sát và đề nghị công bố thông báo hàng hải vùng nước trước cầu cảng và vùng nước khác do mình quản lý sử dụng. Ít nhất 05 năm một lần phải tổ chức kiểm định tình trạng kỹ thuật của cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao nhằm bảo đảm an toàn trong khai thác;

g) Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại cảng biển. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải, cháy, nổ, sự cố môi trường, phải tiến hành ngay các biện pháp ngăn ngừa phù hợp, thông báo cho Cảng vụ hàng hải và các cơ quan liên quan biết, xử lý theo quy định.

Điều 70. Cập mạn tàu thuyền

1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ vào điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải, quyết định cho phép các tàu biển cập mạn nhau theo đề nghị của các thuyền trưởng liên quan nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Các tàu biển có tổng dung tích từ 1.000 GT trở lên được cập hàng hai; các loại tàu thuyền khác được cập hàng ba nhưng không được cản trở hoạt động bình thường trong luồng cảng biển và vùng nước trước cầu cảng;

b) Tàu thuyền có kích thước lớn hơn không được cập mạn với loại tàu thuyền có kích thước nhỏ hơn từ phía bên ngoài;

c) Giữa các loại tàu thuyền cập mạn nhau phải buộc dây đúng quy cách và bố trí quả đệm để chống va đập;

d) Chỉ các loại tàu thuyền cấp nước, cấp dầu, cấp thực phẩm, cấp trang thiết bị và vật phẩm dự trữ, tàu đón, trả hoa tiêu, tàu chữa cháy, tàu chuyển tải hành khách từ tàu khách hoặc các tàu thuyền dịch vụ tương tự mới được cập mạn tàu khách.

2. Thuyền trưởng phải sử dụng các loại dây thích hợp khi cập mạn tàu, cấm buộc dây lên các dầm, khung hoặc các kết cấu thuộc công trình cảng, những nơi theo quy định không phải để buộc tàu.

Điều 71. Trực ca khi tàu thuyền hoạt động tại cảng

1. Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng biển, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên trực ca, cảnh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt neo, đứt dây buộc tàu, khi dây buộc tàu quá căng hay quá chùng hoặc các nguy cơ mất an toàn khác đối với tàu thuyền, hàng hóa và người trên tàu; phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

2. Khi neo đậu trong vùng nước cảng biển, trên tàu luôn duy trì ít nhất 2/3 số lượng thuyền viên của tàu thuyền với các chức danh phù hợp, trong đó phải có thuyền trưởng hoặc đại phó và máy trưởng hoặc máy hai để điều động tàu thuyền hoặc xử lý các trường hợp khẩn cấp.

3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm thông báo cụ thể cho thuyền trưởng biết kế hoạch tránh bão, khu tránh bão, các chỉ dẫn hàng hải cần thiết và biện pháp phòng ngừa trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý mà tàu thuyền đang hoạt động.

4. Trường hợp có bão, tàu thuyền phải nhanh chóng di chuyển đến khu tránh bão theo lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

Điều 72. Thủ tục tạm giữ tàu biển

1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định tạm giữ tàu biển đối với các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Quyết định tạm giữ tàu biển theo Mẫu số 16 của Nghị định này, được gửi ngay cho thuyền trưởng tàu bị giữ, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biển.

2. Khi nhận được quyết định tạm giữ tàu biển của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng hoặc chủ tàu, người khai thác tàu phải thực hiện các yêu cầu quy định tại quyết định tạm giữ tàu biển.

3. Sau khi lý do tạm giữ tàu biển không còn, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải ra quyết định chấm dứt việc tạm giữ tàu biển theo quy định tại Mẫu số 17 của Nghị định này và gửi cho thuyền trưởng tàu bị giữ, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển.

Nghị định 21/2012/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

  • Số hiệu: 21/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/03/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 305 đến số 306
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH