Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 21/2012/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

2. Các quy định tại Nghị định này về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

Khi hoạt động tại cảng biển, luồng hàng hải của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải chấp hành các quy định tại Nghị định này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bến cảng bao gồm cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng vào bến cảng và các công trình phụ trợ khác.

2. Cầu cảng là kết cấu cố định thuộc bến cảng, được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.

3. Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lấp đặt cho tàu biển vào, rời hoạt động để bốc, dỡ hàng hóa và thực hiện các dịch vụ khác tại các khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi.

4. Vùng đón trả hoa tiêu là vùng nước được thiết lập và công bố cho tàu thuyền neo đậu để đón trả hoa tiêu hàng hải.

5. Vùng kiểm dịch là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển được thiết lập và công bố cho tàu thuyền neo đậu để thực hiện việc kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

6. Vùng quay trở của tàu thuyền là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển được thiết lập và công bố để tàu thuyền quay trở.

7. Khu neo đậu là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu chờ cập cầu, cập tàu chứa dầu khí, chờ vào khu chuyển tải, chờ đi qua luồng hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải liên quan khác.

8. Khu chuyển tải là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu thực hiện chuyển tải hàng hóa, hành khách.

9. Khu tránh bão là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu tránh bão.

10. Khu nước, vùng nước bao gồm vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão trong vùng nước cảng biển.

11. Luồng hàng hải công cộng là luồng cảng biển được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ hoạt động chung của cảng biển.

12. Luồng hàng hải chuyên dùng là luồng nhánh cảng biển và luồng hàng hải khác được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ hoạt động của cảng chuyên dùng.

13. Thông báo hàng hải là văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành, công bố để cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho người đi biển và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

14. Báo hiệu hàng hải là thiết bị hoặc công trình, tàu thuyền dùng làm báo hiệu hàng hải được thiết lập và vận hành trên mặt nước hoặc trên đất liền để chỉ dẫn cho người đi biển và tổ chức, cá nhân liên quan định hướng, xác định vị trí của tàu thuyền.

15. Tàu thuyền bao gồm tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ và các phương tiện thủy khác.

16. Người làm thủ tục là chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền.

17. Văn bản kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp, phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về môi trường; đối với giàn khoan, kho nổi và các công trình nổi khác tại cảng dầu khí ngoài khơi là giấy chứng nhận liên quan (nếu có) do tổ chức đăng kiểm hoặc tổ chức được ủy quyền cấp.

18. Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp, phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đối với giàn khoan, kho nổi và các công trình nổi khác tại cảng dầu khí ngoài khơi là giấy chứng nhận liên quan (nếu có) do tổ chức đăng kiểm hoặc tổ chức được ủy quyền cấp.

19. Giấy phép rời cảng là văn bản do Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi tàu thuyền rời cảng cuối cùng cấp hoặc xác nhận.

20. Công trình hàng hải bao gồm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải, đèn biển, hệ thống đài thông tin duyên hải và các công trình phụ trợ khác của cảng biển và luồng hàng hải, được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 5. Nội quy cảng biển

1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ quy định tại Nghị định này và điều kiện đặc thù tại vùng nước cảng biển và khu vực quản lý được giao để ban hành “Nội quy cảng biển” sau khi đã được Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt, nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.

2. Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm chấp hành “Nội quy cảng biển”.

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải

1. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì, duy tu, bảo vệ cảng biển và luồng hàng hải.

2. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển và luồng hàng hải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng.

3. Ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến cảng biển và luồng hàng hải.

4. Công bố mở, đóng cảng biển; công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải; công bố đưa bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải và các công trình hàng hải khác vào sử dụng.

5. Tổ chức quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng và luồng hàng hải.

6. Tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động hàng hải; cứu hộ hàng hải; trục vớt tài sản chìm đắm; xử lý tai nạn hàng hải, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; bảo vệ môi trường biển và quốc phòng, an ninh.

7. Công bố danh bạ cảng biển, luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải.

8. Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trong hoạt động hàng hải.

9. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải.

2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

3. Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cảng biển và luồng hàng hải.

Điều 8. Nguyên tắc đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước

1. Cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước được đặt tên hoặc đổi tên khi lập quy hoạch phát triển hoặc lập dự án đầu tư xây dựng hoặc công bố đưa vào sử dụng theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc tổ chức liên quan.

2. Tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tên bằng tiếng Anh; bắt đầu là cụm từ “Cảng biển”, “cảng dầu khí ngoài khơi” và tên riêng đặt theo địa danh nơi có cảng biển hoặc cảng dầu khí ngoài khơi.

3. Tên bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tên bằng tiếng Anh; bắt đầu là cụm từ “bến cảng”, “cầu cảng”, “bến phao”, “khu”, “vùng” và tên riêng của công trình.

Nghị định 21/2012/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

  • Số hiệu: 21/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/03/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 305 đến số 306
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH