Hệ thống pháp luật

Điều 13 Nghị định 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh

Điều 13. Trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh

Trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện như sau:

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo uỷ quyền nộp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Nghị định này tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh cùng với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ quy định tại Điều 12 Nghị định này đối với từng loại hình doanh nghiệp.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, không chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra sau đăng ký kinh doanh.

3. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên doanh nghiệp được đặt đúng theo quy định tại Chương III Nghị định này.

c) Hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Doanh nghiệp;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.

4. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp được đặt không đúng theo quy định, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ nội dung cần sửa đổi và cách thức sửa đổi. Quá thời hạn nói trên mà không có thông báo, thì tên của doanh nghiệp coi như được chấp nhận, hồ sơ đăng ký kinh doanh được coi là hợp lệ.

5. Nếu sau mười lăm ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nộp đơn khiếu nại, mà không nhận được trả lời của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc kiện ra Toà hành chính cấp tỉnh nơi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh mà không cần phải xin phép bất cứ cơ quan nhà nướcnào, trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có điều kiện.

7. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm thông tin doanh nghiệp, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cùng cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

8. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc.

Nghị định 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh

  • Số hiệu: 109/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/04/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH