Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật Dạy nghề 2006

Chương VI

GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ, NGƯỜI HỌC NGHỀ

Mục 1

GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ

Điều 58. Giáo viên dạy nghề

1. Giáo viên dạy nghề là người dạy lý thuyết, dạy thực hành hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong các cơ sở dạy nghề.

2. Giáo viên dạy nghề phải có những tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật giáo dục.

3. Trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định như sau:

a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;

d) Trường hợp giáo viên dạy nghề quy định tại các điểm a, b và c của khoản này không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ đào tạo sư phạm.

Điều 59. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên dạy nghề

1. Giáo viên dạy nghề có các nhiệm vụ quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.

2. Giáo viên dạy nghề có các quyền quy định tại Điều 73 của Luật giáo dục và các quyền sau đây:

a) Được đi thực tế sản xuất, tiếp cận với công nghệ mới;

b) Được sử dụng các tài liệu, phương tiện, đồ dùng dạy học, thiết bị và cơ sở vật chất của cơ sở dạy nghề để thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Được tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch của cơ sở dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của giáo viên.

Điều 60. Tuyển dụng, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên dạy nghề

1. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở cơ sở dạy nghề công lập phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về lao động.

2. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề tư thục phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này và được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Việc bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên dạy nghề thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương.

Điều 61. Thỉnh giảng

1. Cơ sở dạy nghề được mời người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng.

2. Người được mời thỉnh giảng phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 72 của Luật giáo dục.

3. Người được mời thỉnh giảng là cán bộ, công chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.

Điều 62. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề

1. Được hưởng chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách tiền lương, chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại các điều 80, 81 và 82 của Luật giáo dục.

2. Được hưởng phụ cấp khi dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Chính phủ và được hưởng các chính sách khác đối với nhà giáo.

Mục 2

NGƯỜI HỌC NGHỀ

Điều 63. Nhiệm vụ và quyền của người học nghề

Người học nghề có các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều 85 và Điều 86 của Luật giáo dục.

Điều 64. Nghĩa vụ làm việc có thời hạn của người học nghề

1. Ngư­ời tốt nghiệp các khoá học nghề theo chế độ cử tuyển, theo các chương trình do Nhà n­ước đặt hàng, cấp học bổng, chi phí dạy nghề hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Nhà nư­ớc Việt Nam phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nư­ớc; trư­ờng hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề.

2. Ngư­ời tốt nghiệp các khoá học nghề do ngư­ời sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí dạy nghề phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng học nghề; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề.

Điều 65. Chính sách đối với người học nghề

1. Người học nghề được hưởng chính sách học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật giáo dục.

2. Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp nghề.

3. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi chuyển sang học nghề được hưởng chính sách như học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

4. Trong quá trình học nghề nếu người học nghề đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khoẻ hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học nghề hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học nghề và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học. Thời gian được bảo lưu kết quả học nghề không quá bốn năm.

Điều 66. Chính sách đối với người học nghề để đi làm việc ở nước ngoài

1. Nhà nước có chính sách tổ chức dạy nghề cho người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài.

2. Trường hợp người đang học nghề mà đi làm việc ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học nghề. Thời gian được bảo lưu kết quả học nghề không quá bốn năm.

Điều 67. Chính sách đối với người đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề

1. Nhà nước khuyến khích người học nghề tham gia thi học sinh giỏi nghề để nâng cao năng lực thực hành nghề. Người đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc gia, quốc tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc gia, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề được tuyển thẳng vào trường cao đẳng, trường cao đẳng nghề để học ngành nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

3. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Luật Dạy nghề 2006

  • Số hiệu: 76/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 406 đến số 407
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH