- 1Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 2Thông tư 42/2019/TT-BCT sửa đổi quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành hoặc liên tịch ban hành
- 3Thông tư 13/2020/TT-BCT sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/VBHN-BCT | Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2020 |
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ RÚT NGẮN THỜI GIAN TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG
Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:
1. Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020;
2. Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2020.
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.[1]
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, bao gồm:
a) Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy trình thực hiện tiếp cận điện năng quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực (sau đây viết là Thông tư số 43/2013/TT-BCT).
b) Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.
2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
a) Khách hàng sử dụng điện có đề nghị đấu nối vào lưới điện phân phối;
b) Đơn vị phân phối điện;
c) Đơn vị phân phối điện và bán lẻ điện;
d) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
đ) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT
“Điều 25. Trình tự, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh không theo chu kỳ
1. Đối với điều chỉnh Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV:
a) Chủ đầu tư các dự án hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh có nhu cầu bổ sung, điều chỉnh trong Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Thông tư này;
b) Trong quá trình lập điều chỉnh Hợp phần quy hoạch, Chủ đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của Công ty điện lực tỉnh để hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Hợp phần quy hoạch trước khi gửi Sở Công Thương xem xét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Năng lượng phải có văn bản yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ quy hoạch chưa đầy đủ, hợp lệ;
d) Hồ sơ điều chỉnh Hợp phần quy hoạch:
- Tờ trình đề nghị điều chỉnh, bổ sung Hợp phần quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- 05 bộ Báo cáo điều chỉnh Hợp phần quy hoạch;
- Văn bản góp ý của Công ty điện lực tỉnh, Ủy ban nhân dân các quận/huyện và các Sở, ban ngành có liên quan.
đ) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm hoàn thành thẩm định hồ sơ điều chỉnh Hợp phần quy hoạch trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt;
e) Trong quá trình thẩm định, Tổng cục Năng lượng lấy ý kiến bằng văn bản của Tổng công ty điện lực miền và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (nếu cần thiết).
2.[2] (được bãi bỏ)
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 Thông tư số 43/2013/TT-BCT[3]
“Điều 27. Chế độ báo cáo định kỳ về tiếp cận điện năng lưới điện trung áp
Trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 01 hằng năm, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm bằng văn bản gửi qua dịch vụ bưu chính đến Sở Công Thương tình hình đầu tư xây dựng các công trình điện và thực hiện đấu nối của các khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm điện riêng theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.”
Điều 4. Thực hiện đấu nối ở cấp điện áp trung áp
Trình tự, thủ tục thỏa thuận, thực hiện đấu nối ở cấp điện áp trung áp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối[4].
Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm:
a) Thời hạn giải quyết đối với thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện (nếu có) không quá 05 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.
b) Thời hạn giải quyết đối với thủ tục cấp phép thi công xây dựng công trình điện (nếu có) không quá 07 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.
2.[5] Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) về kết quả, đánh giá tình hình thực hiện thời gian tiếp cận điện năng theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2017.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh đến Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
MẪU BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng)
TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC...... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:...../....... | ......., ngày..... tháng.... năm...... |
Kính gửi: Sở Công Thương..........
Công ty Điện lực........ tổng hợp thông tin báo cáo tình hình tiếp cận điện năng trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Kết quả thực hiện:
- Số lượng khách hàng sử dụng điện đăng ký đấu nối vào lưới điện trung áp.
- Chi tiết thời gian xử lý các thủ tục của ngành điện đối với từng khách hàng sử dụng điện đăng ký đấu nối vào lưới điện trung áp. Tổng hợp thời gian bình quân cho 1 khách hàng.
- Số lượng khách hàng có thời gian thực hiện các thủ tục của ngành điện lớn hơn tổng thời gian quy định.
2. Các vướng mắc, khó khăn:
- Nguyên nhân các khách hàng có thời gian thực hiện các thủ tục của ngành điện lớn hơn tổng thời gian quy định.
- Các khó khăn, vướng mắc khác.
3. Kiến nghị, đề xuất:
- Kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định.
- Đề xuất các biện pháp nhằm tiếp tục giảm thời gian thực hiện các thủ tục của ngành điện.
| ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP |
Mẫu Báo cáo định kỳ của Sở Công Thương về tình hình thực hiện tiếp cận điện năng lưới điện trung áp
UBND........ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ......../....... | ......., ngày ..... tháng.... năm....... |
Kính gửi: Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo)
Sở Công Thương........ tổng hợp thông tin báo cáo tình hình tiếp cận điện năng trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Kết quả thực hiện:
- Số lượng khách hàng sử dụng điện đăng ký đấu nối vào lưới điện trung áp.
- Chi tiết thời gian xử lý các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước đối với từng khách hàng sử dụng điện đăng ký đấu nối vào lưới điện trung áp. Tổng hợp thời gian bình quân cho 01 khách hàng.
- Số lượng khách hàng có thời gian thực hiện các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước lớn hơn tổng thời gian quy định.
- Tổng hợp chung từ các báo cáo của Công ty Điện lực tỉnh thành phố.
2. Các vướng mắc, khó khăn:
- Nguyên nhân các khách hàng có thời gian thực hiện các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước lớn hơn tổng thời gian quy định.
- Các khó khăn, vướng mắc khác.
3. Kiến nghị, đề xuất:
- Kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định.
- Đề xuất các biện pháp nhằm tiếp tục giảm thời gian thực hiện các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.
| GIÁM ĐỐC |
[1] Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các thông tư do Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành.”
Thông tư số 13/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.”
[2] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại Điều 9 của Thông tư số 13/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 8 năm 2020.
[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các thông tư do Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.
[4] Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 30/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện truyền tải và Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối, có hiệu lực từ ngày 03 tháng 01 năm 2020.
[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các thông tư do Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.
[6] Khoản 1 Điều 37 của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các thông tư do Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020 quy định như sau:
“Điều 37. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.”
Điều 10 của Thông tư số 13/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 8 năm 2020 quy định như sau:
“Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2020.
2. Các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”
[7] Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các thông tư do Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.
- 1Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 2Thông tư 42/2019/TT-BCT sửa đổi quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành hoặc liên tịch ban hành
- 3Thông tư 13/2020/TT-BCT sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương
Văn bản hợp nhất 64/VBHN-BCT năm 2020 hợp nhất Thông tư quy định nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng do Bộ Công Thương ban hành
- Số hiệu: 64/VBHN-BCT
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 28/08/2020
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Trần Tuấn Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 871 đến số 872
- Ngày hiệu lực: 28/08/2020
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực