Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/VBHN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT VÙNG BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2012;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[1],

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Các loại thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản;

b) Các loại dịch bệnh nguy hiểm được công bố theo quy định pháp luật về bảo vệ thực vật, thú y và thủy sản.

2. Đối tượng áp dụng:

Hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Nhà nước hỗ trợ và chia sẻ rủi ro cùng người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

2. Hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con.

3. Giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản phải đảm bảo chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

4. Công khai, minh bạch, đúng đối tượng, định mức.

Điều 3. Mức hỗ trợ [2]

1. Hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại từ 30% trở lên:

a) Diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;

d) Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

2. Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

a) Thiệt hại do thiên tai

- Gia cầm hỗ trợ từ 10.000 - 20.000 đồng/con;

- Lợn hỗ trợ 750.000 đồng/con;

- Trâu, bò, ngựa hỗ trợ 4.000.000 đồng/con;

- Hươu, nai, cừu, dê hỗ trợ: 2.000.000 đồng/con.

b) Thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm: Mức hỗ trợ giống thực hiện theo quy định tại Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

3. Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản:

a) Diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70% hỗ trợ từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích nuôi tôm sú thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng/ha;

d) Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích nuôi ngao bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 40.000.000 - 60.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng/ha;

f) Lồng, bè nuôi bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng /100m3 lồng; thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng/100m3 lồng.

Căn cứ phương thức, đối tượng nuôi, mật độ thả theo định mức nuôi và thiệt hại thực tế về giống, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hỗ trợ cụ thể cho các hộ bị thiệt hại theo quy định trên và vận dụng hỗ trợ cho các hộ nuôi loại thủy sản cùng nhóm đối tượng nhưng không vượt quá mức hỗ trợ được quy định trên.

4. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Điều 4. Nguồn lực và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương

1. Nguồn lực:

a) Dự phòng ngân sách Trung ương;

b) Dự phòng ngân sách địa phương;

c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

d) Nguồn dự trữ quốc gia.

2. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương:

a) Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên hỗ trợ 80% kinh phí bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

b) Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện;

c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại hỗ trợ 70% kinh phí bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

d) Các địa phương có mức độ thiệt hại lớn: khi ngân sách địa phương chi hỗ trợ cho nông dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương sẽ được xem xét, cấp bổ sung kinh phí nhằm giúp các tỉnh, thành phố có đủ nguồn lực để thực hiện.

Điều 5. Tổ chức thực hiện [3]

1. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Căn cứ các quy định tại Quyết định này và phần ngân sách địa phương thực chi hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị tiên tai, dịch bệnh, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm cho từng địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo quy định của Quyết định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, mức và nguồn kinh phí hỗ trợ quy định tại Quyết định này để quyết định mức hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng bị thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này.

b) Thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại thôn, xã, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp đến người bị thiệt hại. Sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực;

c) Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác thực hiện hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; kịp thời tổng hợp báo cáo, đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí (phần ngân sách trung ương hỗ trợ) để thực hiện;

d) Kết thúc đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cuối năm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kết quả thực hiện hỗ trợ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Điều khoản thi hành [4]

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2010.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (để đăng tải);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu VT, TCTL (3b).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 



[1] Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg , ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”.

[2] Điều này được sửa đổi theo Điều 1 của Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2012.

[3] Điều 2 của Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 ngày 11 tháng 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2012 quy định như sau:

“Điều 2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Quyết định này.”

[4] Điều 3 của Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2012 quy định như sau:

“Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2012.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.”

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 31/VBHN-BNNPTNT năm 2014 hợp nhất Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 31/VBHN-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 09/10/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 947 đến số 948
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản