- 1Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Sở hữu nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 140/2008/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 09/2007/QĐ-TTg sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 86/2010/QĐ-TTg về Quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/VBHN-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH1
VỀ VIỆC SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ NHÀ, ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 02 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:
1. Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
2. Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,2
QUYẾT ĐỊNH
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quyết định này quy định việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở nhà, đất) thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng gồm:
a)3 Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp); Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn (sau đây gọi chung là công ty nhà nước);
b) Tổ chức kinh tế (không bao gồm công ty nhà nước) phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi tắt là tổ chức kinh tế phải di dời).
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an căn cứ quy định tại Quyết định này lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có cơ sở nhà, đất.
3. Ban Tài chính - Quản trị Trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
4. Đối với công ty nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi sở hữu trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định tại Quyết định này nhưng vẫn phải kê khai, báo cáo để thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp công ty nhà nước đã có phương án chuyển đổi sở hữu nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
Điều 2. Nguyên tắc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quản lý, sử dụng
1. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo đúng mục đích sử dụng được giao, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và theo tiêu chuẩn, định mức quy định.
2. Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất phải thực hiện kê khai, báo cáo theo quy định tại Quyết định này, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng cơ sở nhà, đất sai quy định.
3. Việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quản lý, sử dụng được thực hiện sau khi đã báo cáo phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất. Trường hợp cần thiết phải sắp xếp, xử lý trước khi báo cáo phương án thì Bộ Tài chính quyết định đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý.
4. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất được sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp sau khi đã sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Lập và báo cáo phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành), Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính sau khi có ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất). Phương án sắp xếp lại, xử lý được lập đối với tất cả các cơ sở nhà, đất của từng loại hình: cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, Tổng công ty nhà nước.
2. Tổ chức kinh tế phải di dời lập phương án đối với từng cơ sở nhà, đất phải di dời.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, công ty nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Tài chính thẩm định để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT DO CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, CÔNG TY NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
Điều 4. Trình tự thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất
1. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất thực hiện:
a)4 Lập báo cáo kê khai đầy đủ, đúng hiện trạng sử dụng, đúng biểu mẫu quy định; Giá trị quyền sử dụng đất của từng cơ sở nhà, đất quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 5 và khoản 2, khoản 3 Điều 6 Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg được xác định theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Chính phủ được công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 hàng năm.
b) Đề xuất phương án xử lý từng cơ sở nhà, đất trên cơ sở các nguyên tắc, phương thức quy định tại Điều 2, Điều 5 và Điều 6 Quyết định này báo cáo Bộ, ngành, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); báo cáo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc cấp tỉnh quản lý); báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc cấp huyện quản lý).
2. Bộ, ngành, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện:
a) Tổng hợp, kiểm tra, xem xét và lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý;
b) Gửi phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất và hồ sơ liên quan lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý) hoặc Sở Tài chính (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý);
c) Hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan được quy định tại điểm b khoản này, kèm hồ sơ liên quan gửi Bộ Tài chính (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý).
3. Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất và hồ sơ liên quan, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước quyết định xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quyết định này.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất, trình tự thực hiện và biểu mẫu kê khai báo cáo các cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quản lý, sử dụng.
Điều 5. Phương thức và thẩm quyền xử lý các cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng
1. Đối với cơ sở nhà, đất khi nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế theo quy định của Luật Đất đai thì việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
2. Đối với cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định:
a) Trường hợp bỏ trống, cho mượn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý); đề nghị Bộ Tài chính quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 137/2006/NĐ-CP);
b) Trường hợp đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên (không phân biệt độc lập hay không) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có cơ sở nhà, đất đang cho thuê phải chấm dứt hợp đồng trong thời hạn tối đa sáu (06) tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành để sử dụng đúng mục đích; sau thời hạn này mà chưa chấm dứt hợp đồng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý); đề nghị Bộ Tài chính quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ;
c) Trường hợp đã bố trí làm nhà ở:
Trường hợp đã bố trí làm nhà ở trước ngày Quyết định số 118/TTg ngày 27 tháng 11 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương có hiệu lực thi hành mà khu đất đã bố trí làm nhà ở là một khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên; có lối đi riêng; không che chắn mặt tiền; không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có nhu cầu sử dụng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất) trong thời hạn do Bộ Tài chính quy định để xử lý theo quy định về nhà ở, đất ở hiện hành;
Việc bố trí làm nhà ở không thuộc trường hợp trên thì Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất trong thời hạn do Bộ Tài chính quy định. Việc bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân phải di dời thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;
d) Các trường hợp sử dụng cơ sở nhà, đất không đúng quy định khác thì Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm xử lý để sử dụng đúng quy định trong thời hạn do Bộ Tài chính quy định.
3. Đối với cơ sở nhà, đất thực hiện điều chuyển:
a) Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc điều chuyển cơ sở nhà, đất giữa các Bộ, ngành; giữa các địa phương và giữa các cơ quan Trung ương với địa phương theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ;
b) Thủ trưởng Bộ, ngành quyết định điều chuyển cơ sở nhà, đất giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nội bộ Bộ, ngành quản lý theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chuyển cơ sở nhà, đất giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP. Trường hợp cơ sở nhà, đất thuộc địa phương quản lý và đang giao cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương sử dụng hoặc thuê thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển giao quyền quản lý cơ sở nhà, đất đó cho các Bộ, ngành theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP .
4. Đối với cơ sở nhà, đất thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
a) Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dôi dư hoặc phải di dời theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với cơ sở nhà, đất có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ một trăm (100) tỷ đồng trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với cơ sở nhà, đất có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới một trăm (100) tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ;
Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất chưa được xác định và theo dõi trên sổ sách kế toán thì Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương (nơi có cơ sở nhà, đất) xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là Nghị định số 13/2006/NĐ-CP).
b) Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.
5. Đối với các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Thủ trưởng Bộ, ngành quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý) các cơ sở nhà, đất bảo đảm yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở, tiêu chuẩn định mức quy định, yêu cầu hoạt động và nhiệm vụ được giao của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Điều 6. Phương thức và thẩm quyền xử lý các cơ sở nhà, đất do công ty nhà nước quản lý, sử dụng
1. Đối với cơ sở nhà, đất khi nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế theo quy định của Luật Đất đai thì việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
2. Đối với cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này.
3. Đối với cơ sở nhà, đất thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
a) Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dôi dư hoặc phải di dời do ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với cơ sở nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất từ một trăm (100) tỷ đồng trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đối với cơ sở nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất dưới một trăm (100) tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với các cơ sở nhà, đất do công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành;
Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất chưa được xác định và theo dõi trên sổ sách kế toán thì Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương (nơi có cơ sở nhà, đất) xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2006/NĐ-CP .
b) Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết định này.
4. Đối với cơ sở nhà, đất thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất:
a)5 Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chỉ áp dụng đối với công ty nhà nước có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền kể từ khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
Việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các đối tượng không phải là công ty nhà nước và không phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương và địa phương quản lý (kể cả công ty nhà nước phải di dời do ô nhiễm môi trường) theo quy định của pháp luật về đất đai; riêng đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi quyết định;
c) Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Đối với các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được giữ lại tiếp tục sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng (đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) các cơ sở nhà, đất bảo đảm phù hợp với yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ hoạt động của từng đơn vị.
Đối với các cơ sở nhà, đất được giữ lại tiếp tục sử dụng, công ty nhà nước phải thực hiện thuê đất hoặc được giao đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Điều 7. Thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất
1. Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 5, khoản 3 Điều 6 Quyết định này được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.
2.6 Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất quyết định việc bán, chuyển nhượng bằng hình thức chỉ định trong các trường hợp sau:
a) Sau thời hạn thông báo bán đấu giá theo quy định mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
b) Tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nếu có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa thuộc các lĩnh vực nêu trên thì thực hiện bằng hình thức đấu giá giữa các đối tượng tham gia đăng ký;
c) Tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất đang thuê của tổ chức có chức năng cho thuê nhà, đất (Công ty quản lý kinh doanh nhà, Công ty kho bãi hoặc Công ty dịch vụ công ích) phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Công ty quản lý kinh doanh nhà, Công ty kho bãi hoặc Công ty dịch vụ công ích đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
Giá bán tài sản trên đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất đề nghị Sở Tài chính thẩm định phải bảo đảm phù hợp với giá trị còn lại theo thực tế đánh giá lại; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Sở Tài chính xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp bán,chuyển nhượng chỉ định.
Điều 8. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất7
1. Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp:
a) Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất); Bộ, ngành làm chủ tài khoản đối với cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý; Sở Tài chính làm chủ tài khoản đối với cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý;
b) Trường hợp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi trừ đi chi phí liên quan, kể cả chi phí di dời theo chế độ quy định, để hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhưng không vượt quá dự toán của dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt. Số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước;
c) Số tiền thu được còn lại trong tài khoản tạm giữ sau khi trừ đi chi phí liên quan, kể cả chi phí di dời theo chế độ quy định và số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy định tại điểm b khoản này (nếu có) phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Đối với công ty nhà nước:
a) Số tiền bán tài sản trên đất, công ty nhà nước được sử dụng theo chế độ hiện hành;
b) Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất); Bộ Tài chính làm chủ tài khoản đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý; Sở Tài chính làm chủ tài khoản đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý;
c) Trường hợp công ty nhà nước có dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì Bộ Tài chính quyết định (đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến về chủ trương xử lý chung hoặc có nghị quyết giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) hỗ trợ cho công ty nhà nước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi trừ đi chi phí liên quan, kể cả chi phí di dời theo chế độ quy định, nhưng không vượt quá dự toán của dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Không quá 50% số tiền thu được còn lại quy định tại điểm b khoản này đối với cơ sở nhà, đất thuộc địa bàn các thành phố là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I;
- Không quá 70% số tiền thu được còn lại quy định tại điểm b khoản này đối với cơ sở nhà, đất thuộc địa bàn các tỉnh còn lại.
Số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
d) Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi trừ đi chi phí liên quan, kể cả chi phí di dời theo chế độ quy định và số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy định tại điểm c khoản này (nếu có) phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
đ) Số tiền thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất) và do Sở Tài chính làm chủ tài khoản;
e) Trường hợp công ty nhà nước có cơ sở nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và số tiền thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất (của từng công ty nhà nước), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất) quyết định hỗ trợ cho công ty nhà nước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến về chủ trương xử lý chung hoặc có nghị quyết giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; riêng đối với các công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi quyết định và không vượt quá dự toán của dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Không quá 50% số tiền thu được còn lại quy định tại điểm đ khoản này đối với cơ sở nhà, đất thuộc địa bàn các thành phố là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I;
- Không quá 70% số tiền thu được còn lại quy định tại điểm đ khoản này đối với cơ sở nhà, đất thuộc địa bàn các tỉnh còn lại.
Số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
g) Số tiền thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất sau khi trừ đi chi phí liên quan, kể cả chi phí di dời theo chế độ quy định và số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy định tại điểm e khoản này (nếu có) phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phát và hạch toán thu, chi qua ngân sách nhà nước số tiền hỗ trợ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy định tại mục 1 và mục 2 khoản này.
Chương III
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT DO TỔ CHỨC KINH TẾ PHẢI DI DỜI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
Điều 9.8 (được bãi bỏ)
Điều 10.9 (được bãi bỏ)
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, tổ chức kinh tế phải di dời có trách nhiệm thực hiện việc rà soát, kiểm tra, kê khai, báo cáo các cơ sở nhà, đất, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất và báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại Quyết định này không quá sáu (06) tháng, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, tổ chức kinh tế phải di dời thuộc phạm vi quản lý thực hiện Quyết định này;
b) Phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện Quyết định này, kịp thời xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện;
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng lập và báo cáo phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo quy định không quá sáu (06) tháng, kể từ ngày các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoàn thành báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này;
d) Quyết định xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở nhà, đất theo quy định;
đ) Căn cứ quyết định thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giữ lại tiếp tục sử dụng của cấp có thẩm quyền quy định tại Quyết định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với phần diện tích đất của các cơ sở nhà, đất đó theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
3. Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước không thực hiện đúng quy định của Quyết định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước thì ngoài việc bị xử lý theo quy định còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trường hợp cơ quan, đơn vị không thực hiện kê khai báo cáo, không thực hiện phương án xử lý đã được cấp có thẩm quyền quyết định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan, đơn vị đó không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, Kho bạc nhà nước được phép ngừng cấp kinh phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc đối với các cơ sở nhà, đất có vi phạm; đồng thời Thủ trưởng cơ quan, đơn vị bị xử lý theo quy định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều này phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Hướng dẫn cụ thể việc hạch toán, ghi tăng, giảm vốn, tài sản, thủ tục quản lý qua ngân sách đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước khi sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Quyết định này.
Điều 12.10 Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 111/2002/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2002 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tiền bán tài sản, chuyển quyền sử dụng đất khi di dời để đầu tư các dự án của Tổng công ty Dệt May Việt Nam, Quyết định số 74/2005/ QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch và các quy định trái với Quyết định này.
2. Đối với các cơ sở nhà, đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định của Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT |
1 Văn bản này được hợp nhất từ 03 Quyết định:
- Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 02 năm 2007.
- Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
- Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.
Văn bản hợp nhất này không thay thế 03 Quyết định nêu trên.
2 - Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,”
- Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,”
3 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
4 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
5 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
6 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
7 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008.
8 Điều này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.
9 Điều này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định số 86/2010/ QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.
10 - Điều 2 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 2008 quy định như sau:
“Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.”
- Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011 quy định như sau:
“1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011”.
- 1Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Sở hữu nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 140/2008/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 09/2007/QĐ-TTg sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 86/2010/QĐ-TTg về Quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Văn bản hợp nhất 26/VBHN-BTC năm 2014 hợp nhất Quyết định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 26/VBHN-BTC
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 04/07/2014
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Hữu Chí
- Ngày công báo: 21/07/2014
- Số công báo: Từ số 703 đến số 704
- Ngày hiệu lực: 04/07/2014
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực