Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI TÀI SẢN CÓ VÀ CAM KẾT NGOẠI BẢNG CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 04/2019/TT-NHNN ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh[2]

1. Thông tư này quy định về việc phân loại tài sản có (sau đây gọi tắt là nợ) và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2. Nợ phải được phân loại quy định tại Thông tư này bao gồm:

a) Cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;

b) Cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo hợp đồng ký kết trước thời điểm Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực;

c) Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

d) Ủy thác cho vay;

đ) Cho vay khác;

e) Các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.

3. Các khoản bảo lãnh vay vốn ngân hàng thương mại (sau đây gọi tắt là các cam kết ngoại bảng) phải được phân loại theo Thông tư này để quản lý, giám sát chất lượng hoạt động cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

4. Đối với các khoản nợ, các cam kết ngoại bảng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc phân loại thì thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng (sau đây gọi tắt là rủi ro) là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết.

2. Khoản nợ là số tiền đã cho vay, giải ngân từng lần theo thỏa thuận đối với nợ quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

3. Nợ quá hạn là nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá hạn.

4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là nợ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và/hoặc gia hạn nợ cho khách hàng khi khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi đúng thời hạn ghi trong hợp đồng nhưng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá có khả năng trả được đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ cơ cấu lại.

5. Nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.

6. Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5.

7. Tỷ lệ cấp tín dụng xấu là tỷ lệ giữa tổng nợ và cam kết ngoại bảng từ nhóm 3 đến nhóm 5 so với tổng nợ và các cam kết ngoại bảng từ nhóm 1 đến nhóm 5.

8. Khách hàng là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân, các chủ thể khác theo quy định của pháp luật dân sự có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Điều 3. Thu thập số liệu, thông tin khách hàng và công nghệ thông tin

Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập thông tin, số liệu về khách hàng để:

1. Theo dõi, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp.

2. Thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định tại Thông tư này.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý số liệu, thông tin khách hàng, quản trị rủi ro, thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng trong toàn hệ thống.

Điều 4. Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay.

2. Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Được xây dựng trên cơ sở thông tin, số liệu khách hàng đã thu thập được;

b) Được sử dụng thống nhất trong toàn hệ thống, làm cơ sở để xét duyệt, cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với khách hàng cụ thể;

c) Có quy định chính sách tín dụng đối với khách hàng, trong đó bao gồm quy định về điều kiện cấp tín dụng, hạn mức cấp tín dụng, lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, quản lý tiền vay;

d) Có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân trong việc thẩm định, cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng;

đ) Có quy định về quy trình, nội dung kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cấp tín dụng;

e) Có quy định về bảo đảm tiền vay;

g) Có quy định về các biện pháp thu hồi nợ.

Điều 5. Báo cáo về quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Bộ Tài chính các văn bản sau:

1. Văn bản báo cáo về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay trong đó nêu rõ lý do và cơ sở thực hiện.

2. Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay được ban hành, sửa đổi, bổ sung.

Điều 6. Thời điểm phân loại nợ và cam kết ngoại bảng

1. Ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của mỗi quý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước theo quy định tại Thông tư này.

Riêng đối với quý cuối cùng của kỳ kế toán năm, trong 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng cuối cùng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng thứ hai quý cuối cùng của kỳ kế toán.

2. Ngoài thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHÂN LOẠI NỢ VÀ CAM KẾT NGOẠI BẢNG

Điều 7. Phương pháp và nguyên tắc phân loại

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà một khoản nợ hoặc cam kết ngoại bảng của khách hàng đó đang được phân loại.

3. Đối với khoản ủy thác cho vay mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân theo hợp đồng ủy thác, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải phân loại các khoản ủy thác này như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác.

Điều 8. Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay) theo 05 nhóm như sau:

a) Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:

(i) Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.

(ii) Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi đã quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.

(iii) Nợ được phân loại vào nhóm 1 theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:

(i) Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;

(ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu;

(iii) Nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

c) Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:

(i) Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;

(ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;

(iii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;

(iv) Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

(v) Nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

d) Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:

(i) Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;

(ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;

(iii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;

(iv) Nợ được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

đ) Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:

(i) Nợ quá hạn trên 360 ngày;

(ii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;

(iii) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn từ 30 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;

(iv) Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn;

(v) Nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với nợ quá hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

(i) Khách hàng đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn (kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn) và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung và dài hạn, 01 tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn;

(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;

(iii) Ngân hàng Phát triển Việt Nam có đủ cơ sở thông tin, tài liệu đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.

b) Đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

(i) Khách hàng đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung và dài hạn, 01 tháng đối với nợ ngắn hạn kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại;

(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;

(iii) Ngân hàng Phát triển Việt Nam có đủ cơ sở thông tin, tài liệu để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn đã được cơ cấu lại.

3. Nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra các biến động bất lợi trong môi trường, lĩnh vực kinh doanh tác động tiêu cực trực tiếp đến khả năng trả nợ của khách hàng (thiên tai, địch họa, chiến tranh, môi trường kinh tế).

b) Các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn, dòng tiền, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm liên tục hoặc có biến động lớn theo chiều hướng suy giảm qua 03 lần đánh giá, phân loại nợ liên tục;

c) Khách hàng không cung cấp đầy đủ, kịp thời và trung thực các thông tin tài chính theo yêu cầu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

4. Phân loại cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:

a) Phân loại cam kết ngoại bảng:

(i) Phân loại vào nhóm 1 nếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết.

(ii) Phân loại vào nhóm 2 trở lên nếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá khách hàng không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết.

b) Phân loại khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:

(i) Ngày quá hạn được tính ngay từ ngày Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện nghĩa vụ theo cam kết.

(ii) Khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng được phân loại như sau:

- Phân loại vào nhóm 3 nếu quá hạn dưới 30 ngày;

- Phân loại vào nhóm 4 nếu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;

- Phân loại vào nhóm 5 nếu quá hạn từ 90 ngày trở lên.

Trường hợp khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng phân loại vào nhóm có mức độ rủi ro thấp hơn nhóm mà cam kết ngoại bảng được trả thay đã phân loại theo quy định tại tiết (ii) điểm a khoản này thì phải chuyển vào nhóm mà cam kết ngoại bảng đó đã phân loại theo quy định tại tiết (ii) điểm a khoản này.

Mục 2. QUẢN LÝ PHÂN LOẠI NỢ, CAM KẾT NGOẠI BẢNG

Điều 9. Quản lý phân loại nợ, cam kết ngoại bảng

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải có một bộ phận quản lý phân loại nợ, cam kết ngoại bảng (phòng, ban hoặc tương đương) tại trụ sở chính để quản lý việc thực hiện việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng trong toàn hệ thống.

2. Trách nhiệm của bộ phận quản lý phân loại nợ, cam kết ngoại bảng:

a) Tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản trị[3] kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng; đề xuất Hội đồng quản trị[4] các biện pháp quản lý nợ xấu, thu hồi nợ triệt để;

b) Cung cấp thông tin, phối hợp với các đơn vị chức năng (phòng, ban hoặc tương đương) tại trụ sở chính trong việc xây dựng, trình Tổng giám đốc để trình Hội đồng quản trị[5] ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khách hàng;

c) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Mục 3. BÁO CÁO

Điều 10. Báo cáo

Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo kết quả phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định về báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước ban hành; báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng hàng quý theo Phụ lục đính kèm Thông tư này.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm:

1. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phân loại nợ và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2. Kiểm tra, thanh tra việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng, thực hiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay.

3. Xử lý vi phạm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

Điều 12. Vụ Dự báo, thống kê

Vụ Dự báo, thống kê căn cứ quy định tại Thông tư này xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về báo cáo thống kê việc phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Ngân hàng Phát triển Việt Nam và cá nhân có liên quan vi phạm các quy định tại Thông tư này, ngoài việc phải thực hiện phân loại nợ và cam kết ngoại bảng đối với nợ theo đúng quy định tại Thông tư này, theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH [6]

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2014.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị[7], Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này./.

 

Phụ lục

NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BÁO CÁO

Phân loại tài sản có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Quý…… năm……

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Số dư

1. Phân loại nợ

 

Nhóm 1

 

Nhóm 2

 

Nhóm 3

 

Nhóm 4

 

Nhóm 5

 

Tổng dư nợ

 

2. Phân loại cam kết ngoại bảng

 

Nhóm 1

 

Nhóm 2

 

Nhóm 3

 

Nhóm 4

 

Nhóm 5

 

Tổng cam kết ngoại bảng

 

Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ

 

Tỷ lệ cấp tín dụng xấu/Tổng tài sản có

 

 


Người lập báo cáo
(ghi rõ họ, tên)


Người kiểm soát
(ghi rõ họ, tên)

……., ngày… tháng… năm…
Tổng giám đốc (Giám đốc)
(ghi rõ họ, tên)

 

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đoàn Thái Sơn

 



[1] Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 24/2013/TT-NHNN).”

[2] Điều này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

[3] Cụm từ “Hội đồng Quản lý” được sửa đổi thành cụm từ “Hội đồng quản trị” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

[4] Cụm từ “Hội đồng Quản lý” được sửa đổi thành cụm từ “Hội đồng quản trị” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

[5] Cụm từ “Hội đồng Quản lý” được sửa đổi thành cụm từ “Hội đồng quản trị” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

[6] Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019 quy định như sau:

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019./.”

[7] Cụm từ “Hội đồng Quản lý” được sửa đổi thành cụm từ “Hội đồng quản trị” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-NHNN ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 15/VBHN-NHNN năm 2019 hợp nhất Thông tư quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 15/VBHN-NHNN
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 04/04/2019
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đoàn Thái Sơn
  • Ngày công báo: 21/04/2019
  • Số công báo: Từ số 391 đến số 392
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản