Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01 tháng 10 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2003, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 ngày 10 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ- UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;

Căn cứ vào Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội và các Nghị quyết số 368, 369, 370 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thành lập Ban công tác đại biểu, Ban công tác lập pháp, Ban dân nguyện;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội[1];

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Chức năng của Văn phòng Quốc hội

Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 2. Nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội

1. Phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật; phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2. Phục vụ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản và ban hành những nghị quyết, Quyết định số về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về tổ chức và nhân sự nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

3. Phục vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

4. Phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

5. Phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội; công bố việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

6. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Phối hợp thực hiện việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng của công dân; phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.

8.[2]  Nghiên cứu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh.

9. Phục vụ hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều hành công việc chung của Quốc hội, bảo đảm việc thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

10. Đề xuất cải tiến chế độ làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của đại biểu Quốc hội chuyên trách theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

11. Phối hợp phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và quy định chính sách, chế độ đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Văn phòng Quốc hội.

12. Xây dựng dự kiến chương trình và tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc làm việc khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cuộc làm việc của đại biểu Quốc hội chuyên trách; dự kiến và giúp tổ chức thực hiện chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

13. Chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội giao; chuẩn bị các báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

14. Đôn đốc việc chuẩn bị và bảo đảm thủ tục trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các dự án, đề án, báo cáo, tờ trình của các cơ quan và tổ chức hữu quan.

15.[3] Tổ chức và quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

16. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc giữ mối quan hệ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

17. Phục vụ Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và quản lý công tác đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật của Quốc hội, quản lý tài sản của Quốc hội; tổ chức công tác hành chính, văn thư, in ấn, lưu trữ, bảo vệ và lễ tân của cơ quan.

18.[4] Ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển các quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

19.[5] Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Văn phòng Quốc hội; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế.

20.[6] Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.

Điều 3. Thành lập, bãi bỏ các vụ, đơn vị[7]

1. Văn phòng Quốc hội được tổ chức thành các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ, Báo Đại biểu nhân dân và các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Những vụ, đơn vị tương đương cấp vụ có nhiều mảng công tác hoặc nhiều khối công việc được thành lập phòng.

2. Thẩm quyền quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị, phòng được quy định như sau:

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể vụ, đơn vị tương đương cấp vụ và đơn vị sự nghiệp công lập tương đương đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ;

b) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị cấp phòng thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung và các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội hoặc lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định thành lập mới, tổ chức lại hoặc giải thể phòng thuộc vụ, đơn vị trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội[8]

1. Các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân tộc;

b) Vụ pháp luật;

c) Vụ tư pháp;

d) Vụ kinh tế;

đ) Vụ tài chính, ngân sách;

e) Vụ quốc phòng và an ninh;

g) Vụ văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;

h) Vụ các vấn đề xã hội;

i) Vụ khoa học, công nghệ và môi trường;

k) Vụ đối ngoại.

2. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp giúp việc các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm:

a) Vụ dân nguyện;

b) Vụ công tác đại biểu;

c) Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.

3. Các vụ, đơn vị tương đương cấp vụ phục vụ chung bao gồm:

a) Vụ tổng hợp;

b) Vụ phục vụ hoạt động giám sát;

c) Vụ hành chính;

d) Vụ tổ chức - cán bộ;

đ) Vụ kế hoạch - tài chính;

e) Vụ thông tin;

g) Thư viện Quốc hội;

h) Trung tâm tin học;

i) Vụ lễ tân;

k) Cục quản trị;

l) Vụ công tác phía Nam;

m) Vụ công tác miền Trung và Tây Nguyên.

4. Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

a) Báo Đại biểu nhân dân;

b) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hà Nội;

c) Nhà khách Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh;

d) Các đơn vị sự nghiệp công lập khác được thành lập theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này.

Điều 5. Công tác chỉ đạo điều hành

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Quốc hội. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Quốc hội đối với những vấn đề có liên quan. Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giúp Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ điều hành công việc của vụ hoặc của đơn vị mình. Giúp vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ có thể có một hoặc nhiều phó vụ trưởng hoặc phó thủ trưởng đơn vị tương đương cấp vụ.

Trưởng phòng điều hành công việc của phòng, giúp trưởng phòng có thể có một hoặc hai phó trưởng phòng.

Điều 6. Biên chế

Biên chế của Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Hàng năm Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến biên chế vụ trực tiếp giúp việc của mình; Văn phòng Quốc hội tổng hợp dự kiến biên chế chung trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 7. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các vụ, đơn vị

1. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

Đối với các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp chỉ đạo các mặt công tác.

2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo mọi mặt công tác của các vụ, đơn vị phục vụ chung.

Điều 8. Công tác tổ chức, cán bộ

1. Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Việc tuyển chọn cán bộ, công chức, bổ nhiệm, cách chức vụ trưởng, phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương đối với các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Trưởng các ban phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ra quyết định. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Trưởng các Ban phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong công tác quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

3. Việc tuyển chọn, quản lý, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm vụ trưởng, phó vụ trưởng và các chức vụ tương đương, trưởng phòng, phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

4.[9] Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập khác do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

Điều 9. Quản lý việc thực hiện kinh phí

1. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc sử dụng kinh phí được phân bổ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và các Ban.

3. Văn phòng Quốc hội thực hiện nghiệp vụ theo quy định về chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 10. Điều khoản thi hành[10]

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 02-NQ/UBTVQH9 ngày 17-10-1992 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa IX; các quy định trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Trưởng các Ban và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 


[1] Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Trên cơ sở Tờ trình số 319/TTr-VPQH ngày 22 tháng 02 năm 2013 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về Đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội;”

[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ- UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[5] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[6] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[7] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/ NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[8] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ- UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[9] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

[10] Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 quy định như sau:

“Điều 2

1. Chuyển Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

2. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Điều 3

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

2. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

  • Số hiệu: 08/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 23/07/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: 06/08/2013
  • Số công báo: Từ số 457 đến số 458
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản