Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2012

 

LUẬT

THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Luật số 47/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về thi đua, khen thưởng[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng.

Điều 2.

Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Điều 3.

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.

Điều 4.

Nhà nước thực hiện khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng; khen thưởng thường xuyên và đột xuất; khen thưởng theo niên hạn công tác và khen thưởng đối ngoại.

Điều 5.

Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Điều 6.

1. Nguyên tắc thi đua gồm:

a) Tự nguyện, tự giác, công khai;

b) Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Nguyên tắc khen thưởng gồm:

a) Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;

b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;

c) Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;

d) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Điều 7.

Danh hiệu thi đua gồm:

1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân;

2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể;

3. Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình.

Điều 8.

Các hình thức khen thưởng gồm:

1. Huân chương;

2. Huy chương;

3. Danh hiệu vinh dự nhà nước;

4. “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”;

5. Kỷ niệm chương, Huy hiệu;

6. Bằng khen;

7. Giấy khen.

Điều 9.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 10.

1. Căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua:

a) Phong trào thi đua;

b) Đăng ký tham gia thi đua;

c) Thành tích thi đua;

d) Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.

2. Căn cứ xét khen thưởng:

a) Tiêu chuẩn khen thưởng;

b) Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích;

c) Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích.

Điều 11.

Nhà nước bảo đảm mọi quyền lợi về tinh thần và vật chất của cá nhân, tập thể được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Nhà nước dành ngân sách thích đáng cho công tác thi đua, khen thưởng; khuyến khích mọi cá nhân, tập thể người Việt Nam và nước ngoài tham gia đóng góp vào Quỹ thi đua, khen thưởng của Nhà nước.

Điều 12.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Tuyên truyền, động viên các thành viên của mình và tham gia với các cơ quan chức năng tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng;

2. Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua;

3. Giám sát việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 13.

Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, cổ động phong trào thi đua, khen thưởng.

Điều 14.

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi;

2. Cản trở hoặc ép buộc tham gia các phong trào thi đua;

3. Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng;

4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật;

5. Lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể trong thi đua, khen thưởng.

Chương II

TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

Điều 15.

1. Hình thức tổ chức thi đua gồm:

a) Thi đua thường xuyên;

b) Thi đua theo đợt.

2. Phạm vi thi đua gồm:

a) Toàn quốc;

b) Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và cơ sở.

Điều 16.

Nội dung tổ chức phong trào thi đua gồm:

1. Xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng và nội dung thi đua;

2. Xác định chỉ tiêu, khẩu hiệu và thời hạn thi đua;

3. Xác định biện pháp tổ chức phong trào thi đua;

4. Phát động, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua;

5. Sơ kết, tổng kết và khen thưởng thi đua.

Điều 17.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động phong trào thi đua có trách nhiệm:

1. Tổ chức phong trào thi đua gắn với lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu;

2. Tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm động viên, khích lệ mọi người tự giác, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu, cần kiệm, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

3. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết công tác thi đua;

4. Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến để học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến;

5. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng nhằm động viên mọi người tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu.

Điều 18.

1. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cả nước.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong ngành và lĩnh vực do mình phụ trách.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi địa phương.

4. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 19.

Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm:

1. Tham mưu, đề xuất chủ trương trong công tác thi đua;

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua;

3. Hướng dẫn tổ chức thi đua và kiểm tra thực hiện;

4. Tham mưu việc sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng và kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 20.

1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm:

a) “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”;

b) Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

c) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

d) “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm:

a) “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

c) “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”;

d) “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”;

đ) Danh hiệu thi đua đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương là thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa.

3. Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là “Gia đình văn hóa”.

4. Các danh hiệu thi đua được xét tặng hàng năm hoặc theo đợt.

Điều 21.

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Điều 22.

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Điều 23.

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động.

Điều 24.

1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, công nhân, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;

b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua;

c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, chiến sĩ Công an nhân dân đạt các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

3. Người lao động không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2

Điều này mà gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đạo đức, lối sống lành mạnh, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua sản xuất, hoạt động xã hội và lao động có năng suất cao thì được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Điều 25.

 “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Có thành tích, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong toàn quốc;

2. Có nhân tố mới, mô hình mới tiêu biểu cho cả nước học tập;

3. Nội bộ đoàn kết, đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.

Điều 26.

Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được xét tặng cho tập thể thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

2. Có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương học tập;

3. Nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.

Điều 27.

1. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Sáng tạo, vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước;

b) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

c) Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;

d) Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

đ) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Tập thể thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đạt các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” thì được xét tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.

Điều 28.

1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch được giao;

b) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, có hiệu quả;

c) Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

d) Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Tập thể thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đạt các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” thì được xét tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”.

Điều 29.

Danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở xã, phường, thị trấn được xét tặng cho hộ gia đình đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú;

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng;

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Điều 30.

Danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa được xét tặng cho thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển;

2. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú;

3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp;

4. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Điều 31.

1. Danh hiệu, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do cơ quan trung ương của các tổ chức này quy định và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương.

2. Danh hiệu, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể những người đang học tập tại nhà trường hoặc cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Chương III

HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Mục 1. HUÂN CHƯƠNG

Điều 32.

Huân chương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có công trạng, lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 33.

1. Huân chương gồm:

a) “Huân chương Sao vàng”;

b) “Huân chương Hồ Chí Minh”;

c) “Huân chương Độc lập” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

d) “Huân chương Quân công” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

đ) “Huân chương Lao động” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

e) “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

g) “Huân chương Chiến công” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

h) “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”;

i) “Huân chương Dũng cảm”;

k) “Huân chương Hữu nghị”.

2. Hình thức các loại, hạng huân chương được phân biệt bằng màu sắc, số sao, số vạch trên dải và cuống huân chương.

Điều 34.

1. “Huân chương Sao vàng” là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. “Huân chương Sao vàng” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc;

b) Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với đất nước ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

3. “Huân chương Sao vàng” để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 10 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 50 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 45 năm trở lên.

4. Tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc và có quá trình xây dựng và phát triển là 20 năm kể từ khi được tặng thưởng “Huân chương Sao vàng” lần thứ nhất thì được xét tặng “Huân chương Sao vàng” lần thứ hai.

Điều 35.

1. “Huân chương Hồ Chí Minh” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

2. “Huân chương Hồ Chí Minh” để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 40 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng nhất hoặc “Huân chương Quân công” hạng nhất phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 35 năm trở lên.

Điều 36.

1. “Huân chương Độc lập” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

2. “Huân chương Độc lập” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 30 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng nhì phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 25 năm trở lên.

Điều 37.

1. “Huân chương Độc lập” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc ở một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

2. “Huân chương Độc lập” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 25 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng ba phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 20 năm trở lên.

Điều 38.

1. “Huân chương Độc lập” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc ở một trong các trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác.

2. “Huân chương Độc lập” hạng ba để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình xây dựng và phát triển từ 20 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhất phải có quá trình xây dựng và phát triển từ 15 năm trở lên.

Điều 39.

1. “Huân chương Quân công” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân lập được chiến công xuất sắc, quả cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hoặc hy sinh anh dũng, có tác dụng nêu gương sáng trong toàn quốc.

2. “Huân chương Quân công” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 30 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Quân công” hạng nhì phải có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 25 năm trở lên.

Điều 40.

1. “Huân chương Quân công” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân lập được chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hoặc hy sinh anh dũng, có tác dụng nêu gương sáng trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. “Huân chương Quân công” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 25 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Quân công” hạng ba phải có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 20 năm trở lên.

Điều 41.

1. “Huân chương Quân công” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân lập được chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hoặc hy sinh anh dũng, có tác dụng nêu gương sáng trong toàn quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, tổng cục và tương đương.

2. “Huân chương Quân công” hạng ba để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được thành tích xuất sắc liên tục từ 5 năm trở lên trước thời điểm đề nghị; nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;

b) Có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 20 năm trở lên; trường hợp đã được tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất hoặc “Huân chương Chiến công” hạng nhất phải có quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và trưởng thành từ 15 năm trở lên.

Điều 42.

1. “Huân chương Lao động” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc.

2. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhì và sau đó được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”;

b) Có phát minh, sáng chế, công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc cấp Nhà nước;

c) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể.

3. “Huân chương Lao động” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhì, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có ba lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc hai lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.

Điều 43.

1. “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba, sau đó có hai lần được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Có phát minh, sáng chế, công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

c) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.

2. “Huân chương Lao động” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có hai lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 44.

1. “Huân chương Lao động” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có 7 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” và có hai lần được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Có công trình khoa học, nghệ thuật hoặc có sáng kiến, giải pháp hữu ích được Hội đồng khoa học cấp bộ đánh giá xuất sắc, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, thiết thực;

c) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.

2. “Huân chương Lao động” hạng ba để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có 5 năm liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có một lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 45.

1. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích trong huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

2. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhì và sau đó được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”;

b) Có phát minh, sáng chế, công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc cấp Nhà nước;

c) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân.

3. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhất để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhì, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có ba lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc hai lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.

Điều 46.

1. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng ba và sau đó có hai lần được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Có phát minh, sáng chế, công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

c) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng nhì để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng ba, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có hai lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 47.

1. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có 7 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” và có hai lần được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Có công trình khoa học, nghệ thuật hoặc có sáng kiến, giải pháp hữu ích được Hội đồng khoa học cấp bộ đánh giá xuất sắc, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, thiết thực;

c) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng ba để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có 5 năm liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có một lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Điều 48.

1. “Huân chương Chiến công” hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể lập được chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

2. “Huân chương Chiến công” hạng nhì để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể lập được chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

3. “Huân chương Chiến công” hạng ba để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Điều 49.

 “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến, có công lao to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Điều 50.

 “Huân chương Dũng cảm” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Điều 51.

 “Huân chương Hữu nghị” để tặng hoặc truy tặng cho người nước ngoài, tặng cho tập thể người nước ngoài có những đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Mục 2. HUY CHƯƠNG

Điều 52.

Huy chương để tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và người nước ngoài đã có thời gian cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 53.

1. Huy chương gồm:

a) “Huy chương Quân kỳ quyết thắng”;

b) “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc”;

c) “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;

d) “Huy chương Hữu nghị”.

2. Hình thức các loại, hạng huy chương được phân biệt bằng màu sắc, số vạch trên dải và cuống huy chương.

Điều 54.

 “Huy chương Quân kỳ quyết thắng” để tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có thời gian phục vụ liên tục trong Quân đội nhân dân từ 25 năm trở lên.

Điều 55.

 “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc” để tặng cho sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp có thời gian phục vụ liên tục trong Công an nhân dân từ 25 năm trở lên.

Điều 56.

1. “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” để tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

2. Tiêu chuẩn xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này như sau:

a) “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhất để tặng cho cá nhân có thời gian công tác từ 15 năm trở lên;

b) “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng nhì để tặng cho cá nhân có thời gian công tác từ 10 năm trở lên;

c) “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng ba để tặng cho cá nhân có thời gian công tác từ 5 năm trở lên.

Điều 57.

 “Huy chương Hữu nghị” để tặng cho người nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Mục 3. DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC

Điều 58[2].

1. Danh hiệu vinh dự nhà nước để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:

a) “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”;

b) “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”;

c) “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”;

d) “Anh hùng Lao động”;

đ) “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”;

e) “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”;

g) “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;

h) “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

Điều 58a[3].

Danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” để tặng cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

2. Năng động, sáng tạo, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

3. Tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh;

4. Đã được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Điều 59.

Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng cho những Bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 60.

1. Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng.

2. Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” để tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nội bộ đoàn kết tốt; tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Điều 61.

1. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng.

2. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” để tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; nội bộ đoàn kết tốt, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Điều 62.

1. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” là những nhà giáo trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và cán bộ quản lý giáo dục.

2. Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu học trò, có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, được học trò, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng;

c) Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

3. Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu học trò, có tài năng sư phạm, có công trong sự nghiệp giáo dục, được học trò, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng;

c) Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

4. Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được xét và công bố hai năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Điều 63.

1. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, thầy thuốc y học dân tộc làm công tác khám chữa bệnh, sản xuất dược phẩm, nghiên cứu y dược, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch và cán bộ quản lý y tế.

2. Danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, có tài năng và có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân, được người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng;

c) Có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

3. Danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, có tài năng, có nhiều thành tích xuất sắc trong nghề, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm;

c) Có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.

4. Danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” được xét và công bố hai năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Điều 64.

1. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

2. Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

c) Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên; được tặng nhiều giải thưởng của các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

3. Danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

c) Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc từ 10 năm trở lên; được tặng nhiều giải thưởng của các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

4. Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét và công bố hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9.

Điều 65.

1. Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để tặng cho cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

2. Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng xuất sắc, tay nghề điêu luyện đã trực tiếp làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao;

c) Có công lớn trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống;

d) Được đồng nghiệp, quần chúng mến mộ, kính trọng, tiêu biểu cho các nghề thủ công mỹ nghệ trong cả nước.

3. Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng xuất sắc, tay nghề cao đã trực tiếp làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật;

c) Có công trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống;

d) Được đồng nghiệp, quần chúng mến mộ, tiêu biểu cho các nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

4. Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được xét và công bố hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2 - 9.

Mục 4. “GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH”, “GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC”

Điều 66.

1. “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước” để tặng cho tác giả của một hoặc nhiều công trình, tác phẩm đã được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bao gồm:

a) Công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, sách giáo khoa, giáo trình sử dụng trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác;

b) Tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình nghiên cứu lý luận phê bình dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát hoặc các hình thức khác.

2. “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước” cũng được tặng cho người nước ngoài có tác phẩm, công trình nghiên cứu về Việt Nam.

Điều 67.

1. “Giải thưởng Hồ Chí Minh” được xét tặng cho tác giả của một hoặc nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục và văn học, nghệ thuật đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đặc biệt xuất sắc;

b) Có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng;

c) Có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn học, nghệ thuật.

2. “Giải thưởng Hồ Chí Minh” được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9.

Điều 68.

1. “Giải thưởng nhà nước” được xét tặng cho tác giả của một hoặc nhiều công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội theo tiêu chuẩn sau:

a) Các công trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ xuất sắc, có tác dụng nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội;

b) Những sách giáo khoa, giáo trình có giá trị xuất sắc và được sử dụng rộng rãi trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

c) Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

2. “Giải thưởng nhà nước” được xét và công bố hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9.

Mục 5. KỶ NIỆM CHƯƠNG, HUY HIỆU

Điều 69.

Kỷ niệm chương hoặc Huy hiệu để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

Tên Kỷ niệm chương, tên Huy hiệu, đối tượng và tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương, Huy hiệu do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội quy định. Kỷ niệm chương, Huy hiệu phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương.

Mục 6. BẰNG KHEN

Điều 70.

1. Bằng khen để tặng cho cá nhân, tập thể lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất.

2. Bằng khen gồm:

a) “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”;

b) Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Điều 71.

1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” liên tục từ 5 năm trở lên;

b) Lập được thành tích đột xuất.

2. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” liên tục từ 3 năm trở lên;

b) Lập được thành tích đột xuất.

Điều 72.

1. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nghĩa vụ công dân;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt; đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

c) Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

b) Nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua;

c) Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm;

d) Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể;

đ) Tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Điều 73.

Việc khen thưởng bằng hình thức bằng khen của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do cơ quan trung ương của các tổ chức này quy định.

Mục 7. GIẤY KHEN

Điều 74.

1. Giấy khen để tặng cho cá nhân, tập thể lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất.

2. Giấy khen gồm:

a) Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước;

c) Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

đ) Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 75.

1. Giấy khen để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ, nghĩa vụ công dân;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt; đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

c) Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Giấy khen để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ;

b) Nội bộ đoàn kết; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua;

c) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm;

d) Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể.

Điều 76.

1. Việc khen thưởng bằng hình thức giấy khen của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do cơ quan trung ương của các tổ chức này quy định.

2. Việc khen thưởng bằng hình thức giấy khen đối với cá nhân, tập thể người đang học tập tại nhà trường hoặc cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

3. Việc khen thưởng bằng hình thức giấy khen của các tổ chức khác do Chính phủ quy định.

Chương IV

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Mục 1. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG

Điều 77.

Chủ tịch nước quyết định tặng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước.

Điều 78.

Chính phủ quyết định tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”.

Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

Điều 79.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo cơ quan, tổ chức ở Trung ương của đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Điều 80.

1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ban, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sỹ tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” và giấy khen.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng giấy khen, danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Điều 81.

1. Người có thẩm quyền quyết định tặng hình thức khen thưởng nào thì trực tiếp trao tặng hoặc ủy quyền trao tặng hình thức khen thưởng đó.

2. Đại sứ hoặc người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được ủy quyền trao tặng các hình thức khen thưởng của Nhà nước Việt Nam cho tập thể, cá nhân ở nước sở tại.

Điều 82.

Việc tổ chức lễ trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Chính phủ quy định.

Mục 2. THỦ TỤC VÀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ

Điều 83.

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo cơ quan trung ương của đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cơ quan trung ương của đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Chính phủ quyết định tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.

3. Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác do cấp dưới trực tiếp của người có thẩm quyền quyết định danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đề nghị.

4. Cơ quan chức năng về thi đua, khen thưởng tiếp nhận, xem xét hồ sơ và giúp người có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng.

Điều 84.

1. Hồ sơ xét danh hiệu thi đua gồm:

a) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;

b) Đề nghị của Hội đồng thi đua;

c) Biên bản bình xét thi đua.

2. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng gồm:

a) Bản thành tích của cá nhân hoặc tập thể được đề nghị khen thưởng;

b) Văn bản đề nghị khen thưởng của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có cá nhân, tập thể được xét khen thưởng;

c) Trường hợp đề nghị khen thưởng cho cá nhân, tập thể có phát minh, sáng kiến, cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, sáng tác hoặc sáng tạo trong các lĩnh vực khác phải kèm chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

3. Trường hợp đề nghị tặng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước theo ngành dọc ở trung ương hoặc chính quyền địa phương.

Điều 85.

1. Những trường hợp có đủ các điều kiện sau đây được đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản:

a) Việc khen thưởng phục vụ yêu cầu chính trị, kịp thời động viên, khích lệ quần chúng;

b) Cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc đột xuất trong chiến đấu, công tác, lao động, học tập;

c) Thành tích, công trạng rõ ràng.

2. Việc khen thưởng theo thủ tục đơn giản do Chính phủ quy định.

Điều 86.

Chính phủ quy định thủ tục, quy trình, thời gian xét đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Chương V

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁ NHÂN, TẬP THỂ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG

Điều 87.

Cá nhân, tập thể được khen thưởng, tùy từng hình thức khen thưởng, được tặng hiện vật khen thưởng và được hưởng lợi ích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 88.

Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng.

Tập thể được tặng các hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng đó trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.

Điều 89.

Cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 90.

Nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng bao gồm:

1. Ban hành các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng;

2. Xây dựng chính sách về thi đua, khen thưởng;

3. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

4. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng;

5. Sơ kết, tổng kết, tặng thưởng các hình thức khen thưởng; đánh giá hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng;

6. Hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng;

7. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng;

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 91.

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước.

Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong phạm vi địa phương mình theo quy định của pháp luật.

Điều 92.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý thi đua, khen thưởng trong phạm vi ngành.

Điều 93.

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội căn cứ vào quy định của Luật này và các văn bản khác có liên quan thực hiện quản lý thi đua, khen thưởng trong phạm vi tổ chức mình.

Điều 94.

Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành trên cơ sở ngân sách nhà nước, sự đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng.

Điều 95.

Chính phủ quy định mẫu, màu sắc, số sao, số vạch cho từng loại, hạng huân chương, huy chương, huy hiệu; chất liệu, kích thước, khung các loại huân chương, huy chương, cờ thi đua, bằng khen, giấy khen và các hiện vật khen thưởng khác.

Chương VII

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 96.

1. Người nào gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng đã nhận; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân xác nhận sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho người khác để đề nghị khen thưởng; người lợi dụng chức vụ quyền hạn quyết định khen thưởng trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 97.

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định.

Điều 98.

1. Cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tổ chức có quyền khiếu nại về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[4]

Điều 99.

Nhà nước bảo hộ các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đã được tặng hoặc truy tặng trước khi Luật này có hiệu lực.

Điều 100.

Cá nhân, tập thể người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài nhận các hình thức khen thưởng của nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 101.

1. Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích.

Chính phủ hướng dẫn thể thức và thời hạn kết thúc việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.

2. Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên phù hợp đối với cá nhân, tập thể để kịp thời nêu gương tốt trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định.

Điều 102.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Điều 103.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2012

CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 


[1] Luật số 47/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.”

[2] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 47/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005.

[3] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 47/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005.

[4] Điều 2 của Luật số 47/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005 quy định như sau:

“Điều 2

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH về Luật Thi đua, khen thưởng do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 05/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 13/09/2012
  • Nơi ban hành: Văn phòng quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 605 đến số 606
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản